Bài viết của Ích Phàm

[MINH HUỆ 31-03-2021] Bà Trương Ái Linh (1920 – 1995) là một trong những nhà văn Mỹ gốc Hoa nổi tiếng nhất. Nhưng trí huệ của bà thậm chí còn vượt xa tài năng văn chương của bà.

Cũng như bà Trương, một số phụ nữ khác cũng nổi tiếng về tài năng văn chương trong những năm 1940, như bà Tô Thanh (1914 – 1982) và bà Quan Lộ (1907 – 1982). Khác với bà Trương, cả bà Tô và bà Quan đều không có những tác phẩm lớn sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền vào năm 1949. Hơn nữa, cả hai đều phải chịu đựng nhiều thống khổ nhiều thập kỷ trước khi qua đời một cách bi thương.

Điều gì đã khiến đường đời của họ trở nên khác biệt đến vậy?

Minh bạch về Khủng bố Đỏ

Bà Trương sinh ra trong một gia đình danh giá. Ông nội của bà là Trương Bội Luân, một chỉ huy hải quân cấp cao trong triều đại nhà Thanh, và bà nội của bà là Lý Cúc Ngẫu, con gái cả của ông Lý Hồng Chương, một trong những quan lại quyền lực nhất triều đại nhà Thanh.

Được học song ngữ ở Thượng Hải, bà Trương trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc vào những năm 1940. Trong thời gian đó, bà trở nên cảnh giác với chủ nghĩa cộng sản đang trỗi dậy trong giới trí thức. Khi kể về Phong trào ngày 4 tháng 5, một sự kiện năm 1919 đã châm ngòi cho sự ra đời của ĐCSTQ, bà Trương cho biết nó “đã biến tiếng nói của mọi người thành tiếng nói của chính nó”.

Vì tình cảm với vùng đất và con người nơi đây, bà Trương đã không rời Trung Quốc ngay sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949. Theo yêu cầu của các quan chức ĐCSTQ, bà đã viết hai cuốn tiểu thuyết vào năm 1950 theo tuyên truyền của Đảng. Tuy nhiên, bà đã tuyên bố trong các cuốn sách của mình rằng “Chính quyền quyết định mọi thứ. Cho dù bạn chạy trốn, chính quyền sẽ vẫn tìm ra bạn.”

Cũng trong năm đó, bà Trương được bố trí tham gia phong trào Cải cách Ruộng đất trong hai tháng. Đó hóa ra là một trải nghiệm đau đớn. Bà thấy mình không thể tiếp tục viết những câu chuyện “anh hùng” cho ĐCSTQ. Bà viết, “Kiểu viết ‘oanh liệt’ đó không phải là phong cách của tôi. Và tôi không muốn gượng ép bản thân.”

Tháng 7 năm 1952 ở tuổi 32, vì không thể chịu đựng những buổi tự phê bình và “cải tạo tư tưởng” của ĐCSTQ, bà đã trốn sang Hồng Kông.

Khi ở Hồng Kông, bà Trương đã viết hai cuốn tiểu thuyết, Bài ca mầm lúaMột tiểu thuyết về Trung Quốc hiện đạivà Trái đất trần trụi. Cả hai đều được xuất bản sau khi bà di cư sang Hoa Kỳ, và cho đến ngày nay vẫn bị cấm ở Trung Quốc.

Trong hai cuốn tiểu thuyết này, bà Trương mô tả cuộc Cải cách Ruộng đất tàn bạo, Cuộc vận động Tam phản, và Chiến tranh Triều Tiên. Những câu chuyện này kể lại ĐCSTQ đã tra tấn người dân và kiểm soát tư tưởng của họ như thế nào, đồng thời tiết lộ ý đồ hủy diệt nhân loại của chế độ độc tài này. Bà viết: “Chúng ta đang sống trong một thời đại vội vã – những tổn thất đã xuất hiện và sắp tới sẽ còn nhiều hơn nữa.“

Sau đó, các tác phẩm của bà Trương thậm chí còn trở nên nổi tiếng hơn ở Hồng Kông, Đài Loan và nhiều nơi khác. ĐCSTQ đã mời bà đến thăm, nhưng bà đã từ chối.

Chủ nghĩa cộng sản: Một chế độ độc hại đối với “hạnh phúc”

Bà Tô Thanh, người bạn thân nhất của bà Trương, lại có câu chuyện hoàn toàn khác. Khác với bà Trương, người luôn mong ước một cuộc sống truyền thống, bà Tô lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng cộng sản. Bà coi thường hôn nhân và cổ xúy cho việc sống thử. Nhưng liều thuốc để theo đuổi hạnh phúc này hóa ra lại là mầm mống cho những đắng cay, đau đớn bất tận.

Với tư tưởng tự do tình dục, bà Tô đã ly dị chồng và có quan hệ ngoài hôn nhân với một số người đàn ông. Bà đã viết lại những mối quan hệ này trong một cuốn sách bán tự truyện của mình, đầu tiên là cuốn Mười năm hôn nhân xuất bản năm 1943 và sau đó là Tiếp tục mười năm hôn nhân xuất bản năm 1947. Mặc dù những cuốn sách này đã lọt vào danh sách bán chạy nhất vào thời điểm đó, nhưng sự cổ xúy tự do tình dục và những mô tả lộ liễu về tâm lý trong quan hệ tình dục của bà nhìn chung vẫn khiến giới trí thức và xã hội phải choáng váng.

Chính vì điều này, bà Tô đã cắt đứt tình bạn với bà Trương và khiến nhiều người rời xa các giá trị truyền thống về hôn nhân và gia đình. Hơn nữa, những cuốn sách này còn trở thành mục tiêu trong các chiến dịch chính trị lớn. Năm 1955, bà bị bỏ tù và một lần nữa bị tấn công trong Cách mạng Văn hóa. Những trải nghiệm này cũng đã ảnh hưởng đến các con của bà, khiến chúng không được giáo dục đầy đủ và bị phân biệt đối xử. Trong những năm cuối đời, bà Tôn không đủ khả năng chi trả các hóa đơn y tế. Bà từng nói với một người bạn, “Tôi chỉ muốn chết sớm hơn thôi”. Tháng 12 năm 1982, con trai bà, một người bán hàng rong, trở về nhà và phát hiện bà đã chết.

Bị cầm tù 11 năm

Nếu như bà Tôn là nạn nhân của hệ tư tưởng cộng sản, thì bà Quan Lộ lại được xem là bia đỡ đạn cho hệ thống chính trị tàn nhẫn của ĐCSTQ.

Bà Quan ban đầu học triết học tại Đại học Trung tâm Quốc gia, sau đó chuyển sang nghiên cứu ngôn ngữ. Vào thời điểm đó, bà đã nổi tiếng về tài viết văn. Đầu năm 1932, bà gia nhập ĐCSTQ. Năm 1937, các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ đã hướng dẫn bà liên hệ với Phan Hán, một sỹ quan tình báo chủ chốt của ĐCSTQ. Phan bảo bà Quan làm gián điệp cùng với một Đảng viên ngầm của ĐCSTQ là Lý Sỹ Quần.

“Nếu có ai bảo cô là kẻ phản bội [ĐCSTQ] thì cô cũng không được tự bào chữa cho mình. Nếu không, việc này sẽ bất thành”, Phan nói, và bà Quan đã đồng ý và đóng vai kẻ phản bội.

Vài năm sau, ĐCSTQ cử một điệp viên khác đến làm việc với Lý và từ chối yêu cầu ngừng hoạt động gián điệp của bà Quan. Thay vào đó, bà Quan được phân công làm việc với các quan chức và giới trí thức của quân Nhật để lấy tin tình báo. Một lần nữa, bà Quan đã tuân thủ mệnh lệnh và hy sinh vô điều kiện thanh danh của bản thân. Bà làm biên tập viên cho một tạp chí Nhật Bản với tư cách là một kẻ phản bội nổi tiếng. Bà Quan đã nhiều lần yêu cầu được tiết lộ danh tính là đảng viên ngầm của ĐCSTQ, nhưng yêu cầu của bà luôn bị từ chối.

Sau khi quân Nhật đầu hàng năm 1945, tình hình vẫn không khá hơn. Nhiều người chỉ trích bà là kẻ phản bội, và ĐCSTQ đã không đưa ra lời giải thích rõ ràng cho chuyện này. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ đã yêu cầu bạn trai của bà là ông Vương Bính Nam chấm dứt mối quan hệ với bà Quan vì tai tiếng của bà. Sau khi nhận được bức thư chia tay từ ông Vương vào năm 1946, bà Quan khi đó 39 tuổi, cảm thấy trái tim tan nát.

Năm 1955, bà Quan bị bỏ tù để biện minh cho lý lịch của bà là một kẻ phản quốc Trung Quốc. Mãi đến ba năm sau, bà mới được trả tự do. Năm 1967, bà lại bị bỏ tù. Lần này, bà bị giam những tám năm. Mãi đến tháng 3 năm 1980, lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ mới khôi phục thanh danh cho bà. Bà Quan đã hoàn thành cuốn hồi ký của mình vài tháng sau đó và tự tử vào tháng 12 cùng năm.

Con gái phản bội cha

ĐCSTQ đề cao đảng tính (Đặc tính của Đảng). Khi các giá trị hoặc lợi ích cá nhân xung đột với lợi ích của Đảng, người ta phải nhún mình trước Đảng vô điều kiện. Điều này đã xảy ra với hầu hết các Đảng viên ĐCSTQ, bao gồm cả bà Quan. Một ví dụ khác là bà Phó Đông Cúc (1924 – 2007) đã phản bội cha mình là ông Phó Tác Nghĩa, một lãnh đạo quân sự cấp cao của Quốc dân Đảng (QDĐ).

Mùa hè năm 1946, bà Phó Đông Cúc tốt nghiệp đại học và bắt đầu làm biên tập viên ở Thiên Tân. Bà đã chuyển một lượng lớn tin tức tình báo quân sự của QDĐ cho ĐCSTQ mà cha bà không hề hay biết. Bà cũng đã gia nhập ĐCSTQ vào năm sau đó.

Mùa thu năm 1948, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã chỉ định bà Phó, khi đó 24 tuổi, cùng cha bà đến Bắc Kinh với tư cách một điệp viên ngầm. Lý do là bởi ĐCSTQ sẽ sớm tấn công thành phố này và cha của bà Phó là người chịu trách nhiệm phòng thủ. Bà Phó đã tuân thủ mệnh lệnh và ở bên cạnh chăm sóc cha trong khi vẫn hoạt động như một gián điệp ngầm.

Bà Phó đã có được những bí mật tối cao của Quốc dân đảng bằng cách chụp ảnh các hồ sơ mật được khóa trong két sắt. Két sắt này được đặt trong phòng ngủ của cha bà và bà biết mật khẩu, nhưng cha bà lại luôn giữ chìa khóa két sắt bên mình. Bà Phó đã sử dụng kẹo sô-cô-la để lừa em trai năm tuổi để lấy chìa khóa. Em trai của bà bèn xin cha ôm và kể cho một câu chuyện. Sau khi lấy được chìa khóa, bà Phó mở két sắt và chụp ảnh các hồ sơ trong khi cha bà đang họp. Chiếc chìa khóa sau đó lại được em trai bà mang lại cho cha. Các quan chức ĐCSTQ sau đó cho biết thông tin tình báo thu được theo cách này là thông tin có giá trị nhất vào thời điểm đó.

Cha của bà Phó không thích ĐCSTQ và ông đã tranh luận về việc có nên thương lượng với ĐCSTQ hay không. Trong những ngày cuối, vì bực tức, có đôi khi ông đã tự tát vào mặt mình, thậm chí còn đập đầu vào tường. Bà Phó đã thường xuyên báo cáo những lời nói và hành động của cha bà cho Thôi Tháng Cày, một gián điệp ngầm khác của ĐCSTQ. Thôi sau đó đã gửi thông tin bằng điện tín đến các lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ. Thông tin tình báo này đã giúp ĐCSTQ duy trì lợi thế chiến lược.

Mãi đến phút cuối, cha bà mới biết sự phản bội của con gái mình. Ông gọi bà Phó là “kẻ bất trung, bất chính, một kẻ đầy tớ hèn hạ.”

Cũng như bà Quan, sự tận tâm của bà Phó đối với ĐCSTQ chỉ mang lại kết cục thống khổ. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, bà đã bị đối xử như một kẻ thù của giai cấp chống ĐCSTQ. Khi bà đến thăm cha mình, cha bà đã hầu như không thể tự bảo vệ bản thân nữa, ông đã nói với bà: “Con không cần phải đến nữa.” Cha bà mất vào tháng 4 năm 1974.

Bà Phó cũng sống khó khăn trong những năm cuối đời. Số tiền ít ỏi mà bà kiếm được không đủ để trang trải các chi phí y tế. Trong quá trình cải cách nhà ở của ĐCSTQ, các chủ sở hữu hiện tại có thể trả một số tiền nhỏ để trở thành chủ sở hữu thực sự. Nhưng bà thậm chí còn không đủ khả năng chi trả khoản tiền đó. Trước đây, cha bà đã xung công nhiều tài sản cá nhân cho chính quyền, nhưng các quan chức ĐCSTQ đã hoàn toàn làm lơ giai đoạn lịch sử đó.

Trong những năm cuối đời, bà Phó nói bà đã dần dần hiểu được suy nghĩ của cha mình về ĐCSTQ, nhưng tất cả đã quá muộn. Bà qua đời vào năm 2007.

Bi kịch này không chỉ rơi vào hai cha con bà Phó. Em trai ông Phó Tác Nghĩa là Phó Tác Cung, một nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Columbia, cũng nghe lời khuyên của anh trai, là ông Phó Tác Cung, mà quay về Trung Quốc, rồi bị coi là phần tử cực hữu. Năm 1960, đỉnh điểm của Nạn đói Lớn ở Trung Quốc, ông đã chết vì đói ở Giáp Biên Câu.

Tóm tắt

Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, con người luôn cố gắng sống hòa hợp với trời và đất. Người thời đó sống chiểu theo Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, nhờ vậy mà hàng nghìn năm được ban phước lành.

Cũng có nhiều phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như Hoa Mộc Lan và Mục Quế Anh. Những câu chuyện của họ đã truyền cảm hứng cho người Trung Quốc, dù là nam hay nữ, để họ biết giúp đỡ người khác và phục vụ xã hội. Nhưng khi ĐCSTQ với tư tưởng đấu tranh giai cấp, hận thù và dối trá lên nắm quyền, mọi thứ đã thay đổi.

Ông Vi Quân Nghi, biên tập viên kiêm nhà văn viết truyện ngắn Trung Quốc, từng nói với con gái mình trong tiếc nuối, “Khi cha gia nhập ĐCSTQ, cha đã sẵn sàng cống hiến hết mình cho Đảng. Nhưng cha không biết mình đã phải hy sinh lương tâm của chính mình.”

Liệu có bao nhiêu người sẽ học được bài học của bà Trương, bà Tô, bà Quan và bà Phó? Thời gian sẽ trả lời.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/31/422754.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/3/191700.html

Đăng ngày 05-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share