Bài viết của Thiệu Hoa

[MINH HUỆ 28-03-2021] Vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương nên một số thương hiệu lớn như H&M, Nike, Adidas và Burberry, đã bày tỏ lo ngại về bông được sản xuất ở khu vực này.

Thay vì giải quyết những lo ngại này bằng sự minh bạch và tôn trọng nhân quyền, ĐCSTQ đã thẳng thừng chỉ trích những doanh nghiệp này, đe dọa sẽ tẩy chay sản phẩm của họ. Các công ty phương Tây lại đang đứng giữa ngã tư đường, hoặc bảo vệ các nguyên tắc của họ hoặc nhượng bộ chế độ toàn trị này.

Phản ứng của các doanh nghiệp này là mới, nhưng lao động nô lệ ở Trung Quốc và các thủ đoạn che đậy của ĐCSTQ đã tồn tại ít nhất hai thập kỷ nay. Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại tình trạng lao động nô lệ áp đặt lên các học viên Pháp Luân Công kể từ tháng 7 năm 1999, khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.

Từ 16 đến 70 tuổi, làm việc đến 19 tiếng mỗi ngày

Trước khi hệ thống trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc bị hủy bỏ vào năm 2013, Trung Quốc đã có hơn 300 trại lao động. Hơn 95% những người bị giam giữ trong các trại lao động này là học viên Pháp Luân Công. Ngoài ra, còn có hơn 100.000 học viên bị giam giữ trong khoảng 700 nhà tù trên cả nước.

Gần như toàn bộ các học viên bị giam giữ tại các cơ sở này đều bị cưỡng bức lao động nô lệ. Sản phẩm của họ là đủ loại vật dụng hàng ngày như tăm, đũa, tăm bông y tế, túi tiêm, túi đựng thực phẩm, bao đựng điện thoại, bóng đá, quả bóng đá, bộ sưu tập tem, kẹo, bánh trung thu, thảm lót ô tô, áo khoác đông, đồ thêu, túi da, đồ trang trí, và đồ thủ công.

Theo báo cáo của Minh Huệ, các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở độ tuổi từ 16 đến 70, đều bị cưỡng bức làm việc khoảng từ 12 đến 19 tiếng mỗi ngày. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn, họ phải làm thêm giờ cho kịp.

Bà Lưu Hữu Thanh, một học viên ở độ tuổi 50, bị cưỡng bức lao động tại Nhà tù Nữ Vũ Hán. Từ sáng đến tối, bà bị bắt phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ mà dỡ vải. Khối lượng công việc nặng, khiến bà không thể hoàn thành dù có làm đến nửa đêm. Lính canh tra tấn bà bằng hình phạt bắt bà đứng cách tường khoảng ba bước, rồi ngả vào tường, nhưng chỉ được chạm đầu vào tường. Bà đã dỡ vải như thế 18 ngày liền mà lính canh không cho bà ngủ trên giường dù chỉ một ngày.

Rất nhiều thực phẩm thực sự được chế biến bằng sức lao động nô lệ. Một học viên bị giam giữ tại Trại Lao động Nữ Tỉnh Vân Nam, khi từ chối làm bánh quy liền bị lính canh chất vấn. Cô nói thực phẩm chế biến ở đây không đáp ứng yêu cầu vệ sinh tối thiểu. Cô nói: “Các anh nhìn mấy bao bột chất đầy dưới đất cùng đống máy đầy bụi xem. Nhà vệ sinh thì đầy phân với nước tiểu, người ta còn chẳng muốn vào. Đi vệ sinh xong thì không có khăn lau tay. Nếu ngay chúng tôi cũng chẳng muốn ăn chỗ bánh thì tại sao lại đi lừa người khác? Tôi là một học viên Pháp Luân Công sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi không thể làm thế được.“

Người ta đã biết các nhà tù Trung Quốc sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, trong khi hầu như không phải chịu chi phí nào, lao động cũng không được trả lương. Đã có báo cáo cho biết khăn dùng để lau trong nhà tang lễ được vận chuyển đến các nhà tù để sản xuất găng tay.

Buôn người

Theo một bài viết mới đăng gần đây của Minh Huệ, các trại lao động còn mua bán người bị giam giữ để hoàn thành công việc. Nạn buôn người này trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 là tồi tệ nhất. Mượn danh Thế vận hội, các quan chức ĐCSTQ đã bán các học viên bị giam giữ ở Bắc Kinh cho Nội Mông, Trại Lao động Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh và các trại lao động ở tỉnh Hồ Bắc. Giá của mỗi người bị giam giữ giá khoảng 800 đến 1.000 nhân dân tệ (tương đương 120 đến 150 đô la).

Ngày 9 tháng 7 năm 2008, cô Vương Ngọc Hồng ở Bắc Kinh bị bán cho Trại Lao động Nữ Hồ Bắc. Ở đây, mấy lính canh trói cô vào ghế và nhét nút bấc vào miệng cô, rồi luồn một ống cao su dày vào mũi cô, rồi lại rút ra. Họ đã tra tấn cô như thế nhiều lần để ép cô làm nô lệ.

Lịch làm việc là từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, thời gian ăn trưa chỉ chưa đầy 20 phút. Dù không được trả lương, nhưng hễ ai không hoàn thành công việc thì có thể bị bắt đứng trong thời gian dài, và bị đánh đập, lăng mạ. “Chúng tôi dậy còn sớm hơn gà trống, ăn còn chẳng bằng lợn”, một người bị giam giữ kể về trải nghiệm của cô tại Trại Lao động Nữ Hồ Bắc.

Các cán bộ trại lao động trên khắp Trung Quốc cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền khác. Ví dụ, Trại lao động Số 2 tỉnh Sơn Đông thường liên hệ với cảnh sát để giam giữ nhiều học viên hơn để có nhân công. Một số người không phải là học viên, nhưng cũng bị cảnh sát bắt giữ và bán cho trại lao động với giá 800 nhân dân tệ/người.

Theo một báo cáo của Minh Huệ năm 2013, trong 3.653 trường hợp học viên Pháp Luân Công tử vong vào thời điểm đó, có 110 người đã chết vì bị cưỡng bức làm khối lượng công việc quá lớn. Như vậy, có thể thấy các nhà tù và trại lao động ở Trung Quốc về cơ bản hoạt động như các nhà máy lao động nô lệ.

Một hình thức tẩy não khác

Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại toàn diện, có hệ thống, và tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Để cưỡng chế các học viên từ bỏ đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, chính quyền đã dùng đủ loại thủ đoạn, gồm cả tra tấn dã man và cưỡng bức tẩy não. Thường thì lao động nô lệ đã trở thành một thủ đoạn làm suy yếu ý chí của các học viên.

So với các hình thức ngược đãi khác, lao động nô lệ là một hình thức tương đối khó nhận biết. Một mặt, các quan chức có thể dùng để kiếm lời, mặt khác có thể đạt được mục đích tẩy não và cưỡng chế các học viên từ bỏ tu luyện, theo yêu cầu của Phòng 610. Do đó, lính canh thường ra lệnh cho các học viên làm việc khổ sai vào ban ngày, và ép họ viết tuyên bố từ bỏ tu luyện vào ban đêm. Vì kiệt sức sau nhiều giờ làm việc, các học viên dễ bị nhụt chí hơn vào ban đêm, và rất có thể không chịu nổi áp lực của việc tẩy não.

Những học viên không chịu lao động nô lệ thường bị tra tấn dã man. Bà Chu Tiến Trung, một học viên ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, đã bị tống vào Trại Lao động Đồ Mục Cát ở Nội Mông. Khi phản đối việc lao động nô lệ, bà đã bị tra tấn dã man. Cảnh sát đánh bà bằng dùi cui cao su, đá và giật tóc bà. Các lính canh cũng còng tay bà ra sau lưng, bịt miệng và để bà phơi mình dưới cái nắng như thiêu như đốt trong thời gian dài. Bà Chu bị chấn thương nặng, trọng lượng cơ thể giảm từ 80kg xuống còn 50kg.

Ngoài bóc lột sức lao động không trả lương, các quan chức còn triển khai một hệ thống chấm điểm dựa vào kết quả công việc. Người nào điểm thấp sẽ bị kéo dài thời hạn giam giữ, có nghĩa là những người phản đối lao động sẽ bị giam giữ với thời hạn dài hơn.

Mục đích của ĐCSTQ

Nhìn lại lịch sử của ĐCSTQ mấy thập kỷ qua sẽ nhận thấy mục tiêu hàng đầu của nó là nắm chính quyền, kiểm soát người dân, và thúc đẩy hệ tư tưởng cộng sản. Để đạt được mục tiêu đó, nó đã phát động nhiều phong trào chính trị nhằm vào một số nhóm nhất định để điều hướng sự chú ý của dư luận khỏi vô số vấn đề của nó.

Vấn đề về lao động nô lệ ở Tân Cương lần này cũng vậy. Thay vì giải quyết tình trạng nhân quyền, ĐCSTQ lại thẳng thừng chỉ trích những doanh nghiệp đó, đe dọa tẩy chay sản phẩm của họ. Trong khi đó, nó vận dụng tuyên truyền trong nước để lợi dụng lòng yêu nước và kích động thù hận trong dân chúng như phát ngôn gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: [các công ty nước ngoài] “Ăn cháo đá bát”, “Người Trung Quốc đừng mắc bẫy này”.

Mỉa mai thay, các quan chức ĐCSTQ luôn đặt lợi ích của Đảng lên trước nhu cầu của người dân, nhưng khi cần bảo vệ quyền thống trị độc tài của nó thì nó lại giương lợi ích của nhân dân ra. Thực tế là, các công ty nước ngoài không “ăn cháo” của Trung Quốc, mà đó là quan hệ đối tác kinh doanh; và họ cũng không có ý định làm hại người Trung Quốc. Trên thực tế, các công ty phương Tây chỉ muốn bảo vệ các nhân quyền hợp pháp, cơ bản và phổ quát của người Trung Quốc sau khi họ bị ĐCSTQ tước đoạt.

Nếu ĐCSTQ tẩy chay hàng hóa nước ngoài và ngừng xuất khẩu bông thì chính người dân Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Trung Quốc là 17,93 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, trong đó, 7,4% thuộc ngành dệt may. Một học giả từ Đại học Nông nghiệp Tân Cương cho biết Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu bông lớn thứ hai trên thế giới. Nếu ĐCSTQ trả đũa bằng cách tẩy chay các doanh nghiệp phương Tây thì sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu bông, cuối cùng sẽ có nhiều người Trung Quốc phải chịu thiệt hơn.

Tương tự như vô số sự cố trong lịch sử, cuối cùng bất kỳ ai hợp tác với ĐCSTQ, dù là người Trung Quốc hay công ty nước ngoài, đều sẽ trở thành kẻ thua cuộc. Chỉ khi từ bỏ ĐCSTQ thì con đường tương lai mới tươi sáng hơn.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/28/422656.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/31/191664.html

Đăng ngày 02-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share