Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-01-2021] Ngày 3 tháng 10 năm 2018, bà Bạch Hà ở thành phố Tuy Hoá, tỉnh Hắc Long Giang và bốn học viên Pháp Luân Công khác đã bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Bạch đã bị giam tại Trại tạm giam An Đạt và Nhà tù Nữ Hắc Long Giang tổng cộng hai năm, trong thời gian này, bà từng bị tra tấn đến mất trí nhớ. Khi được thả vào ngày 6 tháng 11 năm 2020, cân nặng của bà giảm từ hơn 60kg xuống còn 50kg.

Dưới đây là tường thuật của bà về những gì bà đã phải chịu đựng.

Bắt giữ và giam cầm

Ngày 3 tháng 10 năm 2018, bà Bạch và bốn học viên Pháp Luân Công khác là cô Triệu Đình Đình, ông Dương Truyền Hậu, bà Vương Phương và bà Vương Phúc Hoa đã bị bắt ở huyện Lan Tây khi họ đang phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Họ đã bị thẩm vấn ở trại tạm giam Huyện Lan Tây và 1.000 nhân dân tệ của bà Bạch đã bị tịch thu. Nhà của bà Bạch và bà Vương Phúc Hoa đã bị lục soát vào ngày hôm sau.

Ngày 10 tháng 10 năm 2018, ba học viên khác là bà Tống Hoành Vĩ (vợ ông Dương), bà Cao Kim Thư và bà Ngô Cảnh Hoa cũng bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam khi họ đi đưa quần áo cho các học viên bị giam. Con gái bà Ngô đã đưa trả cảnh sát một số tiền bảo lãnh rất lớn và bà đã được thả tám ngày sau đó.

Bà Vương Phương, bà Tống và cô Triệu đã bị đưa vào trại tạm giam An Đạt vào ngày 15 tháng 10 năm 2018. Trại từ chối nhận bà Cao và bà Vương Phúc Hoa sau khi phát hiện họ bị huyết áp cao nguy hiểm. Cảnh sát đã ép nhân viên của trại đo huyết áp của họ ba lần trước khi thả họ. Bà Bạch cũng được thả vào cùng ngày.

Sáng hôm sau, bà Bạch, bà Vương Phúc Hoa và bà Cao bị đưa trở lại sở công an để thẩm vấn. Cảnh sát hăm doạ bắt giữ họ lần nữa nếu các học viên phơi bày cuộc bức hại đối với họ lên mạng internet.

Các công tố viên của Viện Kiểm sát An Đạt đã đến vào buổi chiều và lệnh cho các học viên ký vào một biên bản nhưng họ từ chối. Một nam công tố viên nói với bà Bạch: “Chẳng phải bà được bảo lãnh vì lý do sức khoẻ sao? Tôi thấy bà trông không giống một người có bệnh.” Cuộc thẩm vấn kéo dài gần hai giờ và các học viên được phép về nhà sau đó.

Ngày 20 tháng 11 năm 2018, bà Bạch và bà Vương Phúc Hoa lại bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam An Đạt. Khi cảnh sát không tìm được bà Cao, họ đã hăm doạ các chị em và cháu gái của bà. Khi họ tìm thấy bà Cao, trại đã từ chối nhận bà vì bà bị huyết áp cao. Bà lại được bảo lãnh lần nữa.

Bị bức hại trong trại tạm giam An Đạt

Môi trường trong trại tạm giam An Đạt rất khắc nghiệt, tối tăm và ẩm ướt. Một xà lim thường chứa 20 đến 32 người. Tất cả tù nhân phải tắm, ăn, đi vệ sinh và ngủ trong xà lim cả ngày. Cửa sổ trong phòng rất hẹp và ánh sáng không thể xuyên qua, nhiều người, gồm cả bà Bạch đã mắc bệnh ghẻ.

Mỗi khi một tù nhân mới nhận được tiền gia đình chuyển đến, một tù nhân tên Trần Đan Đan sẽ dùng thẻ của họ để mua thức ăn cho chính cô ta. Đồ trong trại rất đắt, tù nhân có thể không nhận được đồ dùng dù tiền đã thanh toán xong.

Lính canh Lã Phi Phi đã mở một tiệm nhỏ trong trại tạm giam. Người thân của tù nhân phải mua đồ trong tiệm với giá cao trước khi họ được phép thăm người thân.

Khi gia đình của bà Bạch đến thăm, họ bị yêu cầu trả 200 nhân dân tệ cho một thùng thuốc lá để làm quà cho giám đốc trại tạm giam.

Mất trí nhớ đột ngột

Một ngày trong tháng 4 năm 2019, một lính canh hăm doạ bà Bạch rằng nếu bà từ chối từ bỏ đức tin, bà sẽ bị kết án và việc học hành hay công việc của con bà sẽ bị ảnh hưởng.

Do môi trường khắc nghiệt, áp lực tinh thần và mong mỏi được đoàn tụ cùng gia đình, bà Bạch đột nhiên bị mất trí nhớ. Bà không thể nhận ra ai hay tìm thấy giường của mình. Bà liên tục hỏi người khác tại sao họ ở trong phòng và không về nhà.

Các học viên khác cùng phòng đã cố giúp bà Bạch bằng cách đọc những bài giảng của Pháp Luân Công cho bà nghe và bà đã trở lại bình thường vào hôm sau. Tuy nhiên, bà không nhớ gì việc đã xảy ra hôm trước. Bà chỉ biết khi những người khác nói với bà.

Bị tra tấn trong tù

Toà án Thành phố An Đạt đã kết án các học viên vào tháng 5 năm 2019. Bà Bạch, bà Vương Phúc Hoa, bà Triệu, bà Vương Phương và ông Dương đều bị kết án hai năm tù và phạt 10.000 nhân dân tệ. Bà Cao và bà Tống bị kết án lần lượt 1 năm và nửa năm tù với phạt 5.000 nhân dân tệ. Họ đã kháng án nhưng bản án vẫn giữ nguyên.

Ngày 29 tháng 10, các nữ học viên bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang, ông Dương bị chuyển đến Nhà tù Hô Lan.

Ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ

Khi bà Bạch đến nhà tù, ba tù nhân đã ép bà viết các tuyên bố bảo đảm. Một người nói rằng nếu bà từ chối chuyển hoá, bà sẽ bị đưa đến một lớp tẩy não khi án tù kết thúc và nếu bà vẫn từ chối chuyển hoá, bà sẽ bị đưa trở lại nhà tù.

06e06ee87f06bdd3937f538132b3640a.jpg

Minh hoạ tra tấn: Ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ

Các tù nhân tra tấn bà bằng cách ép bà ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ. Chiếc ghế chỉ cao khoảng 25cm và có bề mặt rất gồ ghề. Các học viên bị ép phải ngồi trên ghế với hai chân ép vào nhau và hai tay đặt lên đầu gối. Nếu các tù nhân thấy học viên nhắm mắt thì họ sẽ đấm đá học viên.

Sau khi ngồi vài ngày, bà Bạch bị đau toàn thân và không thể ngồi thẳng lưng. Để khiến bà chuyển hoá, các tù nhân ép bà ngồi từ 3 giờ sáng đến 10 giờ tối mà không được cử động. Việc ngồi lâu khiến hai mông bà bị bầm tím.

Ngày 3 tháng 5 năm 2020, bà Bạch cùng một học viên khác là bà Tuỳ Quế Lan đã quyết định không hợp tác với quy định của nhà tù vì họ thấy bản thân không phạm tội. Khi họ từ chối viết các báo cáo tư tưởng hoặc điểm danh trong khi ngồi xổm, quản lý nhà tù đã đặt họ vào dạng kỷ luật nghiêm khắc và bắt họ ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ. Bà Bạch bị đánh vào đầu và bị lăng mạ. Lính canh cũng cấm các tù nhân khác nói chuyện với họ.

Tại thời điểm này, học viên bà An Hiển Bình đã ngồi trên ghế đẩu nhỏ hơn một năm vì từ chối từ bỏ đức tin. Ba học viên đã khuyến khích nhau khi họ bị ép ngồi trên ghế nhỏ từ 3 giờ sáng đến 7 giờ 30 tối mỗi ngày.

Vì căn phòng không được thông gió nên bệnh ghẻ của bà Bạch trở nên tệ hơn. Việc tra tấn kết thúc vào ngày 19 tháng 10 – nhiều ngày trước khi bà được thả – vì bà bị đưa đến một khu cách ly. Hai học viên kia vẫn phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ.

Trong khi bị cầm tù, bà Bạch cũng bị ép phải xem các video lăng mạ Pháp Luân Công cùng những tù nhân khác.

Lao động khổ sai

Ngoài việc tra tấn tinh thần và thể chất, những người bị cầm tù còn bị ép phải lao động không công.

Tháng 1 năm 2020, nhà tù giao cho mỗi tù nhân gấp 800 đến 900 găng tay dùng một lần mỗi ngày trong hơn 10 ngày. Sau đó các tù nhân bị chỉ định làm việc với lá thiếc. Trong khi làm việc, các tù nhân cũng bị hạn chế dùng nhà vệ sinh.

Vì găng tay và lá thiếc được làm trong phòng giam nên căn phòng đầy mùi hăng. Lá thiếc dùng để gấp các thỏi vàng bằng giấy, được tạo ra bằng cách dùng thiết bị ép giấy vàng và lá thiếc lại với nhau. Sau khi làm việc với chúng, nhiều tù nhân bị dị ứng khi chúng chạm vào mặt và cổ của họ và phát triển thành bệnh ghẻ. Bệnh ghẻ của bà Bạch cũng trở nên tệ hơn.

Các tù nhân bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng và ngừng lại để ăn lúc 7 giờ 30 phút sáng trước khi tiếp tục làm việc lại. Họ kết thúc công việc lúc khoảng 6 hay 7 giờ tối. Công việc kết thúc khi gần Tết Nguyên đán năm 2020 và sau đó tạm ngưng khi đại dịch xảy ra.

Bài liên quan:

Bảy học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang bị bỏ tù và tra tấn vì tín ngưỡng của mình

Một giáo viên ở tỉnh Hắc Long Giang đã chết sau 2 tháng ra tù

Bảy cư dân ở tỉnh Hắc Long Giang, trong đó có một người bị bệnh nặng, bị kết án tù vì đức tin của họ đối với Pháp Luân Công

Thành phố Tuy Hóa, Hắc Long Giang: Tám học viên Pháp Luân Công bị bắt trong một tuần và bảy người đang đối mặt với việc bị xét xử

Bảy học viên Pháp Luân Công bị tống tù sau khi Tòa Phúc thẩm giữ nguyên kết án sai trái của họ

Tòa án trung cấp quyết định đổi thẩm phán chủ tọa của một phiên tòa phúc thẩm


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/15/418582.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/10/190346.html

Đăng ngày 04-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share