Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-10-2020] Năm học viên Pháp Luân Công ở Tùy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt ở huyện Lan Khê ngày 3 tháng 10 năm 2018, khi họ đi phát tư liệu thông tin về Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Pháp Luân Công là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999.

Những người bị bắt là cô Triệu Đình Đình, ông Dương Truyền Hậu, bà Vương Phương, bà Bạch Hà, và bà Vương Phú Hoa. Họ bị thẩm vấn ở Đồn cảnh sát thị trấn Bối An và sau đó bị đưa đến Phòng cảnh sát huyện Lan Khê sau khi những thông tin cá nhân của họ được khai thác thông qua việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Những cảnh sát này cũng tịch thu của họ một ô-tô, 3000 tệ tiền mặt, và những đồ dùng cá nhân trị giá hơn 18.000 tệ.

Ở Phòng cảnh sát huyện Lan Khê, năm học viên đã bị cách ly, đưa vào những phòng riêng và bị trói vào ‘ghế cọp’. Người thẩm vấn cô Triệu là Đinh Triệu Bằng, phó trưởng phòng, vốn rất mạnh tay trong việc tham gia cuộc đàn áp. Ông ta nghĩ rằng cô Triệu, ngoài 20 tuổi, là một sinh viên và cố dụ dỗ cô “thú tội”. Khi cô từ chối hợp tác, ông ta dọa phun nước ớt vào cô.

Một cảnh sát nữa có mặt ở đó đã tát cô Triệu vì không hợp tác và dọa bỏ tù các thành viên gia đình cô trong 10 năm. Cuộc thẩm vấn đã kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ. Những học viên khác cũng bị tra tấn.

Một tuần sau, vào ngày 10 tháng 10 năm 2018, bà Tống Hoành Vĩ đã bị bắt vì tìm cách giải cứu chồng bà là ông Dương. Bà Cao Kim Thư đi cùng với bà Tống đến đồn cảnh sát và cũng bị bắt.

Bà Ngô Cảnh Hoa cũng đã bị bắt và bị đưa đến trại giam. Nhưng con gái bà đã trả cho cảnh sát một khoản tiền bảo lãnh rất lớn và bà đã được phóng thích 8 ngày sau đó.

Điều kiện khắc nghiệt ở Trại giam huyện Lan Khê

Cảnh sát đưa những học viên này đến Bệnh viện Lan Khê để đo huyết áp, siêu âm và đo điện tâm đồ. Các nữ học viên bị thử xem có thai hay không. Cảnh sát đã liên hệ với một số nơi để giam giữ các học viên nhưng chỉ có Trại giam huyện Lan Khê đồng ý tiếp nhận.

Ông Dương đã nói sự thật về Pháp Luân Công cho cảnh sát trên đường tới trại giam. Ông đã bị tát vào mặt và bị đánh ở trên xe. Đầu tiên trại giam từ chối tiếp nhận bà Vương Phú Hoa do huyết áp cao nhưng cuối cùng thì trại giam cũng tiếp nhận.

Các học viên bị ra lệnh phải mặc quần áo đồng phục có ghi số để nhận diện. Họ đã phản đối và kiên quyết rằng họ không phải là phạm nhân và rằng mặc đồng phục như vậy là một sự sỉ nhục đối với những người tốt như họ.

Lính canh Lục Phi Phi bán hàng ở một cửa hàng nhỏ bên trong trại giam. Tất cả mọi người đều phải mua hàng hóa với giá cao từ cửa hàng này trước khi họ được vào thăm thân nhân của mình bị giam ở đó.

Khi gia đình của cô Triệu và bà Bạch đến thăm, họ được thông báo phải bỏ ra 200 tệ cho một hộp thuốc lá làm quà cho giám đốc trại giam. Họ cũng bị tính giá cao cho bánh mì, hai chai sữa và một ít xúc-xích.

Khi 5 học viên đến trại giam là vào lúc nửa đêm. Lục Phi Phi bán cho họ một chút đồ ăn và giấy vệ sinh với giá hơn 100 tệ. Không ai được để đồ ăn trong xà-lim, lính gác đến khám xà-lim sẽ mang đồ ăn đi.

Trại giam chỉ cung cấp một cái bánh bao và một bát canh cho mỗi bữa ăn. Để có cơm hoặc mì, các học viên phải trả thêm tiền. Trong 10 ngày họ bị giam ở đó, 5 học viên đã phải tiêu tổng cộng là 2.000 tệ.

Bị tra tấn ở Trại giam thành phố An Đạt

Bà Cao Kim Thư và bà Vương Phú Hoa sau đó đã được tại ngoại vì huyết áp cao. Bà Bạch Hà cũng được tại ngoại sau khi gia đình bà trả cho cảnh sát một khoản tiền bảo lãnh.

Cô Triệu Đình Đình, bà Vương Phương, và bà Tống Hoành Vĩ đã bị chuyển đến Trại giam thành phố An Đạt vào ngày 15 tháng 10 năm 2018. Ông Dương vẫn bị giam ở Trại giam huyện Lan Khê. Trên đường đến thành phố An Đạt, bà Vương đã nhận ra một cảnh sát đã đóng giả là người lái taxi và hỏi họ một số câu trước khi các học viên bị bắt.

Các nữ học viên bị bắt phải mặc đồng phục của Trại giam thành phố An Đạt. Trong một tháng, họ không được cấp quần áo ấm hay được đi giầy kín, họ chỉ được đi tông mặc dù thời tiết lạnh.

Có 3 khu trong trại giam. Lính gác đã xúi giục tù nhân đứng đầu mỗi khu hành hạ các học viên.

Các học viên bị chuyển đến Khu số 1 có tù nhân đứng đầu là Trần Đan Đan vốn bị án 10 năm vì tội lừa đảo. Trại tù để Trần quản khu này, nhắm mắt làm ngơ việc cô ta bắt nạt những tù nhân khác ở khu đó cũng như lấy cắp tiền và đồ dùng của họ.

Trong ngày đầu tiên ở trại giam, bà Tống đã từ chối để các lính gác chụp ảnh. Các lính gác đã lôi bà vào nhà vệ sinh và đổ nước lạnh lên người bà. Họ cũng đánh và đá bà một lúc lâu. Họ tàn bạo đến mức có người thậm chí phải đề nghị họ dừng việc đánh đập. Việc tương tự cũng xảy ra vào ngày hôm sau. Sau đó, bà bị bắt phải lau dọn nhà vệ sinh và bị đánh đập tàn bạo.

Bị đánh đập vì không mặc đồng phục tù nhân và vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công

Vào tháng 4 năm 2019, khi cô Triệu đang tập các bài công pháp của Pháp Luân Công ở trên giường thì bị tù nhân Trần chặn lại. Để phản đối, cô Triệu và hai học viên khác, bà Tống và bà Vương, đã cùng nhau tập các bài tập mà không mặc đồng phục của tù nhân. Trần đã chửi họ và cấm họ nói chuyện với nhau và mua bất cứ hàng hóa nào.

Vào ngày 25 tháng 6, Trần la mắng họ vì không mặc đồng phục tù nhân khi họ bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ. Trần đã đánh bà Tống vì không đáp lại cô ta.

Cô Triệu kháng cự và cởi áo đồng phục một vài lần sau khi Trần bắt cô mặc. Sau đó Trần đã ghì cô xuống và đánh cô cho đến khi miệng cô Triệu chảy máu và mặt cô sưng lên. Hai cánh tay cô bị thâm tím.

Vào ngày 29 tháng 6, bà Vương bị bắt phải đeo những chiếc cùm nặng trong một tháng vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Ngay cả khi bà ngủ bà cũng không được tháo cùm ra.

Có một lần khi bà Tống từ chối ghi nhớ những quy định của trại tù, một tù nhân đã đổ nước lạnh lên đầu bà, hết xô này đến xô khác, cho đến khi bà bị run đến mức gần như ngạt thở. Nước lạnh đã gây ra những vấn đề với cổ của bà và bà không thể giữ cho đầu thẳng trong nhiều ngày.

Sau một năm bị ngược đãi như vậy, bà Tống đã bị ghẻ lở, đau chân, và tim đập nhanh mạnh khiến cho bà bị tỉnh giấc vào ban đêm. Bà gầy đến mức da bọc xương, trông rất sợ do thiếu dinh dưỡng nặng và bị ngất xỉu vài lần.

Bị tống tiền

Bất cứ lúc nào một tù nhân mới nhận được tiền từ gia đình, trại giam cũng trừ đi 490 tệ để trả tiền khám sức khỏe và đồng phục, cũng như tiền thẻ thanh toán. Tù nhân Trần thường dùng thẻ của những người bị giam khác hoặc bảo họ mua đồ ăn cho cô ta.

Đồ ăn ở trong đó rất đắt đỏ. Một quả dưa hấu giá 100 tệ, một con vịt nướng giá 500 tệ. Và nhiều thứ phải mua số lượng lớn mỗi lần. Một người bị giam đã trả tiền mua sữa chua vào mùa xuân nhưng vẫn chưa nhận được hàng vào lúc cô được phóng thích vào mùa xuân. Những người khác thấy bị mất 1000 tệ khỏi tài khoản của họ nhưng không biết tại sao.

Bà Tống đã bị phân biệt đối xử và bị ngược đãi bởi vì gia đình bà đã không gửi cho bà chút tiền nào – chồng bà cũng bị tùy tiện bắt giam. Bà cũng thường bị chửi và bị bắt phải dọn nhà vệ sinh và giặt giẻ lau.

Tra tấn ở Trại tù nữ Hắc Long Giang

Vào ngày 24 tháng 5 năm 2019, 7 học viên này đã bị Tòa án thành phố An Đạt kết án tù. Ông Dương, bà Vương Phương, bà Vương Phú Hoa, bà Bạch và cô Triệu mỗi người bị kết án 2 năm tù. Bà Tống bị kết án 1 năm rưỡi. Bà Cao Kim Thư, người đã bị huyết áp rất cao từ khi bị bắt, bị kết án 1 năm tù.

Sáu người phụ nữ bị đưa vào Trại tù nữ Hắc Long Giang vào ngày 29 tháng 10 năm 2019.

Những sỉ nhục về mặt tinh thần

Vào ngày đầu tiên ở trong tù, những người phụ nữ này phải liệt kê tất cả quần áo của mình, bao gồm cả quần áo lót và bít-tất. Tất cả các quần áo, trừ quần áo lót, đều phải bị in chữ “Phạm nhân” ở trên đó bằng màu đậm.

Trại tù cũng đã sắp xếp “các đội đảm bảo 5-người” cho những học viên này. Trong số 5 người bị giam trong một đội, ít nhất 3 trong số họ phải đi vào nhà vệ sinh cùng nhau vào ban đêm để họ có thể theo dõi lẫn nhau. Tất cả sẽ bị trừng phạt vì bất cứ việc làm sai nào của một người. Bốn tù nhân thay phiên nhau theo dõi cô Triệu.

Ngồi trên một chiếc ghế nhỏ

Những học viên mới đến như cô Triệu và những người khác đã phải tham dự những phiên tẩy não để bắt họ từ bỏ Pháp Luân Công. Nếu họ từ chối tuân theo, những học viên này sẽ bị bắt ngồi thẳng và không được cựa quậy trên một chiếc ghế nhỏ trong hơn 18 giờ đồng hồ liên tục (từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối). Cái ghế rất hẹp và rất thấp (chỉ vào khoảng 25 cm chiều cao) với bề mặt không bằng phẳng. Vào cuối ngày, nạn nhân sẽ bị đau đớn khắp người.

Cô Triệu đã bị bắt ngồi trên ghế nhỏ trong 9 ngày liên tiếp. Cô không được mặc quần cotton dày để bảo vệ phần mông, nên mông cô đã bị phồng rộp và mưng mủ. Đồng thời, các tù nhân không cho cô ngủ và chửi cô. Họ bắt cô xem những video phỉ báng Pháp Luân Công.

Cô Triệu từ chối bị “chuyển hóa”. Cô đã bị những tù nhân phạm tội tát vào mặt. Họ viết những từ phỉ báng Pháp Luân Công lên giấy và dán những tờ giấy đó lên người cô nhiều lần. Họ cũng viết những từ bôi nhọ lên quần áo của cô bằng bút dạ.

Cô Triệu là cô giáo mầm non. Cô là một cô gái tốt bụng, vui vẻ và bình tĩnh, cô yêu công việc của mình và những đứa trẻ cũng như bố mẹ chúng cũng yêu quý cô. Cô năng hơn 45 kg trước khi bị bắt. Sau 2 năm bị bức hại, cô chỉ còn dưới 41 kg khi cô được phóng thích vào ngày 2 tháng 10 năm 2020.

Những hình thức tra tấn khác được sử dụng trong Trại tù nữ Hắc Long Giang

Những học viên khác cũng bị tra tấn ở trong Trại tù nữ Hắc Long Giang

Bà Ư Quế Vinh ở thành phố An Đạt đã phản đối việc bị “chuyển hóa” nên đã bị ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần. Có một lần, 4-5 tù nhân treo một tấm biểu ngữ lớn với những từ phỉ báng lên người bà và đánh bà cho đến khi một học viên khác gọi lính gác để ngăn họ lại. Vào một lần khác, bà Ư không được phép ngủ sau khi điểm danh.

Cô giáo dạy toán Tùy Quế Lan ở thành phố Kê Tây đã bị giam ở khu đối diện với khu giam cô Triệu. Cô đã bị theo dõi nghiêm ngặt và bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong sân trong hơn 70 ngày bởi vì cô từ chối ký ba tuyên bố. Bốn tù nhân được lính gác xúi giục đã đánh cô bất cứ lúc nào họ cảm thấy thích đánh. Đôi khi họ đã tra tấn cô vào lúc nửa đêm. Họ cũng đã cố bắt cô ăn phân.

Bà Đặng Thục Mai là một cư dân 65 tuổi ở Nghi Lan. Bà bị đưa vào trại tù này vào đầu tháng 6 năm 2019. Ngay khi bà đến, một tù nhân đã đá vào đầu bà và đánh bà ngã xuống đất. Bà Đặng bị nhét giẻ vào miệng để ngăn bà nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà cũng đã bị bắt ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong gần 2 tháng.

Bà Thái Vĩ Hoa ở Cáp Nhĩ Tân đã bị đưa đến trại tù này vào tháng 4 năm 2020. Bà bị đánh đập tàn bạo bởi 4 tù nhân. Họ cố bắt bà ký vào bản cam kết.

Bà An Hàm Bình ở Đại Khánh đã bị bỏ tù từ tháng 12 năm 2019. Bà đã chống lại việc bị “chuyển hóa” và từ chối viết báo cáo theo yêu cầu hay ký bất cứ bản tuyên bố nào.

Bà Thôi Phụng Lan ở Cáp Nhĩ Tân, 62 tuổi, bị kết án 15 năm. Bà đã bị tra tấn tàn bạo khi bà bị đưa đến. Bà thường bị tra tấn và bị cấm ngủ vì từ chối hợp tác với các lính canh.

Bức hại trong đại dịch

Trại tù này đã nhận 3 lô tù nhân mới trong đại dịch năm nay, bao gồm 64 người vào ngày 11 tháng 6, hơn 90 người vào ngày 18 tháng 8 và 111 người vào ngày 29 tháng 9.

Chúng tôi đã xác nhận được rằng 4 trong số những người bị đưa đến đây vào tháng 8 là học viên Pháp Luân Công. Một trong số họ là bà Mã Tuấn Khanh, ngoài 40 tuổi.

Bà Mã đã tuyệt thực để phản đối việc bị bức hại. Bà bị bức thực một lần mỗi ngày vào thời gian đầu và sau đó là hai lần mỗi ngày. Bà cũng từ chối bị “chuyển hóa”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/27/414291.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/16/188811.html

Đăng ngày 19-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share