Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-12-2020] Ngày 12 tháng 12 năm 2020, chồng của bà Trương Á Cầm bị giáng một đòn nặng nề khi Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam gọi điện thoại thông báo rằng bà Trương vừa mới qua đời.

Trong 17 tháng qua, sau khi bà Trương, 65 tuổi bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công, nhà tù không cho phép gia đình tới thăm bà. Họ nói rằng đó là vì bà tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Được biết rằng bà Trương, một người dân ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam đã phải chịu đựng sự tra tấn ở trong tù khiến bà trở nên tiều tụy và gia đình bà cũng bị chính quyền đe dọa và giám sát trong nhiều năm.

Đây là lần thứ hai bà Trương bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Thách thức gần đây mà bà đối mặt vẫn đang được điều tra. Được biết rằng trong suốt ba năm rưỡi bị giam giữ đầu tiên tại nhà tù từ năm 2008 tới năm 2011, bà phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn khác nhau gồm có sốc điện bằng dùi cui điện, cấm ngủ, cưỡng chế đứng trong thời gian dài, trói trên ghế cọp và bị tra tấn bằng còng tay (trong đó một tay vòng qua sau lưng và một tay vòng qua vai)

2014-7-5-minghui-pohai-kuxing-laohudeng--ss.jpg

Mô phỏng tra tấn: Ngồi trên Ghế cọp

Hai thập kỷ bức hại và tình cảnh của gia đình

Bà Trương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 1996. Trong vòng sáu tháng tu luyện rất nhiều bệnh đã hành hạ bà nhiều năm như viêm dạ dày, đau tim, viêm khớp và đau đầu đều biến mất mà không cần điều trị y tế. Bà sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và trải nghiệm được sự thăng hoa cả về cả thể chất cũng như tinh thần.

Sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Trương đã đối mặt với sự sách nhiễu liên tục và hàng ngày sống trong sợ hãi cũng như áp lực vô cùng lớn.

Ngoài việc liên tục bị sách nhiễu và giám sát hàng ngày, bà Trương còn bị bắt giữ 11 lần cùng với 7 lần bị giam giữ hành chính và hình sự. Nhà của bà bị lục soát 16 lần, nhà của anh trai bà bị lục soát hai lần và nhà của mẹ bà cũng bị lục soát ba lần. Ngoài hai lần thụ án tù, bà Trương cũng chịu một năm lao động cưỡng bức và giam giữ trong trung tâm tẩy não một tháng.

Chồng của bà cũng tu luyện Pháp Luân Công đã bị bắt giữ năm lần và thụ án một năm rưỡi tại Trại lao động Cưỡng bức Tân Khai Phố.

Con gái của hai vợ chồng bà không tu luyện Pháp Luân Công cũng từng bị giam giữ trong nhà giam và bị ra lệnh phải cung cấp lời khai giả để chống lại hai vợ chồng bà. Năm 2015, người mẹ tàn tật của bà Trương đối mặt với sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát bất chấp việc bà đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị ngã. Người phụ nữ cao niên này sau đó đã qua đời trong đau khổ.

Liên tục bị bắt giữ từ năm 2000 tới năm 2005

Ngày 22 tháng 6 năm 2000, bà Trương cùng chồng bị bắt giữ lần đầu tiên khi họ tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị giam giữ tại Trại tạm giam quận Tây Thành còn chồng bà bị giam giữ tại trại tạm giam quận Triều Dương.

Ngày 4 tháng 7, hai vợ chồng bà bị đưa trở lại Tương Đàm và bị giam giữ thêm 45 ngày. Sau khi được trả tự do, nơi làm việc của chồng bà đã đỉnh chỉ lương của ông hai năm và ông còn bị phạt 10.000 nhân dân tệ với lý do là để chi trả cho chi phí đi lại của các cảnh sát tới Bắc Kinh để đưa hại vợ chồng ông về. Cảnh sát Bắc Kinh đã lấy của ông 1.700 nhân dân tệ tiền mặt trong quá trình khám xét người ông.

Đầu năm 2002, hai vợ chồng ông bị bắt giữ một lần nữa trong khi đang ở tại nhà của anh trai bà Trương ở gần thành phố Chu Châu để ăn Tết Nguyên đán. Chồng bà bị đánh đập và bị thẩm vấn hai lần. Ngày 9 tháng 2, cả hai vợ chồng bà bị đưa tới trại tạm giam Số 1 Thành phố Chu Châu và bị giam giữ ở đó một tháng.

Sau khi cảnh sát không tìm thấy tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công ở nhà anh trai của bà, họ đã bắt giữ con gái và chị bà Trương (cũng là học viên Pháp Luân Công) và nỗ lực buộc họ cung cấp lời khai giả chống lại vợ chồng bà trong suốt 20 giờ giam giữ. Anh trai bà Trương bị cảnh sát tống tiền 100 nhân dân tệ để chi trả cho bữa ăn của họ.

Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2004 diễn ra gần Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng cộng sản, chính quyền đã theo dõi bà Trương cả ngày lẫn đêm trong một tháng. Ngày 25 tháng 2, khi bà đi xuống tầng dưới để đổ rác, thì bà bị bắt giữ và bị đưa tới Trung tâm Tẩy não Ngũ Gia Hoa Viên. Bà đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau trong suốt một tháng ở trong trại tạm giam.

Trước khi được trả tự do, Hứa Phục Dân, trưởng Phòng 610 (một cơ quan nằm ngoài pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công), tìm tới bà Trương và hỏi chồng bà đang ở đâu.

Trong thời gian bà Trương bị giam giữ, chồng bà đã về quê để tránh bị bức hại. Lo sợ cảnh sát sẽ sách nhiễu mọi người trong gia đình, sau khi được chính quyền hứa sẽ không bắt giữ ông nên bà Trương đã đề nghị chồng quay trở về.

Ngay sau khi chồng bà về nhà, 18 cảnh sát đã tới và bắt giữ ông và lục soát nhà cửa. Sau khi không tìm thấy tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công, cảnh sát đã lấy ảnh của hai vợ chồng bà và tải về một số bức ảnh các hoạt động của Pháp Luân Công từ internet về máy tính của hai vợ chồng. Họ sử dụng chúng như “bằng chứng” buộc tội chồng bà Trương, họ còng tay ông ra sau lưng – còng tay rất chặt khiến cánh tay ông sưng phồng lên ngay lập tức. Sau đó họ đưa ông đi và kết án ông một năm rưỡi lao động cưỡng bức.

Sau khi bị giam giữ, nơi làm việc của ông lại đình chỉ lương của ông một lần nữa. Bởi bà Trương và con gái không có việc làm, nên sự bức hại tài chính đã tàn phá gia đình họ. Sau khi liên tiếp tới một số cơ quan để đòi công lý, cuối cùng chính quyền cũng đồng ý phục hồi lương cho chồng bà, nhưng với điều kiện họ phải chi trả cho cảnh sát 2.998 nhân dân tệ cho chi phí điều tra. Cảnh sát không trả lại 1.500 nhân dân tệ tiền mặt tịch thu của hai vợ chồng bà trong vụ đột nhập nhà.

Ngày 1 tháng 1 năm 2005, mẹ của bà Trương bị ngã và rơi vào tình trạng nguy hiểm. Bà Trương phải nhanh chóng quay về để chăm sóc cho mẹ, nhưng cảnh sát lại theo dõi bà. Cảnh sát giám sát bà cả ngày lẫn đêm và thường xuyên gõ cửa hay gọi điện thoại cho bà. Có một số lần vào ban đêm khi mẹ bà vừa mới ngủ, thì cảnh sát gọi điện sách nhiễu họ và khiến bà tỉnh giấc.

Bất chấp tình trạng nguy hiểm của mẹ bà, cảnh sát vẫn bắt giữ bà Trương và giam giữ bà 15 ngày. Mẹ bà rất sợ hãi đến mức tình trạng của bà xấu đi nhanh chóng và không lâu sau đó bà đã qua đời.

Lao động cưỡng bức và án tù

Năm 2006, bà Trương bị bắt giữ một lần nữa và bị kết án một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bạch Mã Lũng. Ngày 30 tháng 9 năm 2017, bà được trả tự do.

Vài tháng sau bà bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 2 tháng 3 năm 2008. Sau một đêm giam giữ tại Trung tâm Tẩy não Ngũ Gia Hoa Viên, bà bị đưa tới trại tạm giam Tam Giác Bình vào ngày hôm sau và bị giam giữ ở đó năm tháng. Sau khi bà bị huyết áp cao tới ngưỡng nguy hiểm trong nhà giam, nhà chức trách đã cho bà bảo lãnh tại ngoại vào ngày 11 tháng 8 năm 2008.

Một vài tháng tiếp đó, cảnh sát cùng nhân viên của Phòng 610 địa phương, nhân viên tòa án và nhân viên viện kiểm sát đã sách nhiễu bà Trương và con gái bà tại nơi làm việc hai ngày một lần. Họ cưỡng chế con gái bà đọc tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công và ép cô phải vu khống Pháp Luân Công.

Ngày 30 tháng 12 năm 2008, Hứa Phúc Dân, trưởng Phòng 610 dẫn đầu một nhóm cảnh sát xông vào nhà bà Trương và bắt giữ bà. Sau khi giam giữ bà một vài ngày tại trại tạm giam Tam Giác Bình, Tòa án quận Vũ Hồ đưa bà ra xét xử vào ngày 4 tháng 1 năm 2009 và sau đó kết án bà ba năm tù giam. Bà đã kháng án nhưng tòa án trung cấp đã từ chối đơn kháng án của bà. Ngày 10 tháng 3 năm 2009, bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam.

Tra tấn trong Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam

Tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam, bà Trương phải chịu nhiều hình thức tra tấn dã man nhằm cưỡng chế bà từ bỏ đức tin của mình. Bà bị đánh đập cho đến khi toàn bộ khuôn mặt bà bầm tím. Khi họ đánh bà gãy một thanh gỗ, thì lính canh lại tìm một thanh gỗ mới và tiếp tục đánh đập bà. Họ còn đá bà, véo bà và trói bà thẳng đứng trên giường. Khi bà từ chối mặc quần áo tù để phản đối bức hại, lính canh cưỡng chế bà phải mặc chúng.

Ngoài ra bà Trương từng bị cấm ngủ bảy ngày liên tiếp. Trong thời gian đó, tù nhân thay phiên nhau giám sát bà. Ngay khi bà nhắm mắt, họ sẽ đánh đập bà và đổ nước lạnh lên người bà.

Trong một lần khác, lính canh tiêm cho bà thuốc không rõ nguồn gốc khiến bà sưng và đau bụng. Bà cũng chảy nước bọt không kiểm soát được và nước miếng của bà có mùi rất lạ.

Bà Trương cũng kể lại rằng lính canh lấy máu của bà hai lần. Không rõ liệu có liên quan tới tội ác mổ cướp nội tạng đối với các học viên còn sống hay không.

Ngày 23 tháng 4 năm 2009, họ chuyển bà Trương sang khu giam giữ Số 6 để tăng cường tra tấn. Ban đầu lính canh cưỡng chế bà đứng từ 6 giờ sáng tới 2 giờ sáng ngày hôm sau, và đôi khi còn kéo dài tới 4 giờ sáng. Bà phải giữ thân thể thẳng đứng mà không được cử động và hai mắt phải mở ra. Một số tù nhân giám sát bà trong suốt quá trình tra tấn. Nếu bà nhắm mắt, họ sẽ đổ nước lạnh lên người bà hay tát vào mặt bà. Sự tra tấn đứng này kèo dài 40 ngày. Khi lính canh kéo dài thời gian dần dần thì chân của bà ngày càng sưng tấy tới mức bà không thể co chân hay ngồi xổm để đi vệ sinh.

Thấy rằng bà Trương vẫn kiên định đức tin của mình, hai lính canh sử dụng dùi cui điện để sốc điện bà đồng thời vào ngày 3 tháng 6 năm 2009. Một lính canh sốc điện vào cổ và một người khác sốc điện vào bụng của bà. Sau đó bà Trương kể lại rằng cơ thể của bà giật lên theo từng lần bị điện giật và trái tim của bà đau đớn như thể có vô số mũi tên đâm vào cùng một lúc.

2004-11-11-hljbeijing2--ss.jpg

Mô phỏng tra tấn: Còng tay ra sau lưng

Lính canh còn sử dụng hình thức tra tấn còng tay đau đớn, với một tay đẩy ra sau lưng và một tay khác kéo qua vai. Hầu hết mọi người sẽ ngất xỉu vì sự đau đớn dữ dội sau năm hoặc sáu giờ tra tấn, nhưng bà Trương bị tra tấn như vậy bốn lần trong 40 giờ.

Đợt tra tấn còng tay cuối cùng kéo dài 22 giờ. Khi lính canh thả tay của bà ra, chúng hoàn toàn tê liệt. Cổ tay của bà nổi đầy mụn nước. Ở một số chỗ còng tay đã cắt sâu vào da thịt của bà. Sự đau đớn và vết thương vẫn còn tồn tại sau ba năm. Chỉ sau khi bà quay trở về nhà và tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công, cánh tay của bà mới dần hồi phục.

Ngày 1 tháng 9 năm 2009, nhà chức trách nhà tù chuyển bà Trương tới trung tâm tẩy não, ở đó bà phải chịu đựng sự tẩy não hơn bốn tháng. Lính canh tra tấn bà nhiều hơn để cưỡng chế bà từ bỏ đức tin của mình. Họ buộc bà phải chép lại tất cả những quy tắc và quy định của nhà tù và ngồi trên một ghế băng nhỏ mà không được cử động. Sau 15 ngày chịu đựng hình thức tra tấn này, mông của bà đã bị lở loét.

Sau đó, lính canh đã cưỡng chế bà Trương đứng trong hơn 60 ngày, đồng thời họ còn chửi rủa bà, đá bà, kéo tóc bà và sử dụng vợt đập ruồi để đánh vào mắt, miệng và tai của bà. Bà Trương không được phép tắm trong 24 giờ liên tiếp.

Ngay khi bà Trương phục hồi được một chút, lính canh cưỡng chế bà làm việc không lương nặng nhọc, may chiếu tre. Do vết thương ở cánh tay, bà thường vô tình bị kim đâm vào người. Bà bị cưỡng chế lao động trong một năm tám tháng.

Vụ bắt giữ gần đây và án tù

Vụ bắt giữ gần đây của bà Trương diễn ra vào ngày 30 tháng 12 năm 2018, khi bà nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công ở một chợ nông sản. Bà bị kết án ba năm và bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam vào ngày 13 tháng 8 năm 2019.

Sau 17 tháng ở trong nhà giam bà đã qua đời vào ngày 12 tháng 12 năm 2020 ở tuổi 65.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/20/416756.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/24/188976.html

Đăng ngày 09-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share