Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Đại Lục

[MINH HUỆ 03-12-2020] Oán hận là do hai nhân tố “oán” và “hận” tạo thành. Nhưng hai nhân tố này không tồn tại độc lập, trong oán có hận, trong hận có oán. Oán hận, là do bất mãn mạnh mẽ đối với người nào đó hay sự việc nào đó mà dẫn tới cừu thị (nhìn thù hằn) hoặc cừu hận. Nói chung, “oán” là ngọn nguồn, và nó không biểu hiện quá nặng nề lúc đầu. Ví như: Ôm lòng oán hận, oán trách; nó không chỉ dẫn đến mâu thuẫn, kích động mâu thuẫn, gây nên kết quả không tốt, mà còn gieo rắc những nguy hiểm tiềm ẩn. Từ oán mà sinh ra hận, nó là một quá trình tích tụ và phát triển, nhưng quá trình này không dễ phát hiện và nhìn thấu, cũng rất khó kịp thời kiềm chế và ngăn chặn nó xảy ra.

Ở Trung Quốc Đại Lục, oán hận tràn ngập như không khí, không nơi nào là không có. Từ xã hội, đơn vị, trường học, hàng xóm, gia đình, gia tộc v.v., ai ai cũng tránh không được, thoát không ra. Hai bên oán hận nhau, bất kể là bộc lộ công khai hay âm thầm và nghẹn ngào chịu đựng, bất kể là kẻ thua hay người thắng, tất cả đều là nạn nhân cả thôi. Truy ra ngọn ngành của nó, thì đó là tội ác của tà đảng Trung Cộngtà linh cộng sản. Bởi vì tà linh cộng sản là “do hận và các loại vật chất bại hoại ở tầng thấp của vũ trụ cấu thành”, nó chính là hận, nó muốn nuôi hận, gieo rắc hận, kích động hận và thu hoạch hận. Khi hận dấy lên trong tâm mọi người, tà linh cộng sản có thể từ trong hận mà hút lấy dinh dưỡng để nuôi nó, bành trướng tự kỷ, khiến cho lực tàn hại con người càng mạnh, đạt đến mục đích cuối cùng là hủy diệt toàn nhân loại.

Đệ tử Đại Pháp tu luyện trong xã hội người thường, đối mặt với nhiều oán hận là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cho dù đó là của người khác hay của chính mình, bị động hay chủ động, thì chúng ta đều nên dùng Pháp để đo lường. Hận là ác, là biểu hiện của ma tính, là hoàn toàn tương phản như nước với lửa với mục đích tu luyện của chúng ta. Trong tu luyện, chúng ta phải không ngừng bỏ đi ma tính, để làm phong phú Phật tính của chúng ta. Phật tính là Thiện, biểu hiện là từ bi.

Sư phụ giảng:

“Thiện là biểu hiện của đặc tính vũ trụ tại các tầng thứ khác nhau và các không gian khác nhau, cũng là bản tính cơ bản của các Đại Giác Giả. Do đó, người tu luyện nhất định phải tu Thiện, đồng hoá đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ.” (Nói sơ về Thiện, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

“Đại Pháp là viên dung, ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn mà tách ra, thì đều có đầy đủ đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn như nhau, bởi vì vật chất là do vật chất vi quan tổ hợp thành, mà vật chất vi quan lại là do vật chất vi quan hơn tổ hợp thành, mãi cho đến cùng tận. Như thế Chân cũng là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành, Thiện cũng là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành, Nhẫn cũng như thế là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành.” (Nói sơ về Thiện, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi nghĩ, nếu chúng ta không dùng Thiện để yêu cầu bản thân; không dùng Thiện để đối đãi với tất cả mọi người và mọi thứ xung quanh như đối với người thân; không dùng Thiện niệm và hành động Thiện để hóa giải mâu thuẫn, bao gồm mâu thuẫn với các thành viên trong gia đình và những người khác; thì không chỉ là chúng ta chưa thực hành được Thiện, mà ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn cũng chưa làm được đến nơi đến chốn. Bởi vì Thiện chính là từ Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành, vậy chúng ta còn được tính là tu không? Còn được tính là người tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn không?

Chúng ta là đệ tử Đại Pháp, danh hiệu đệ tử Đại Pháp này thần thánh biết bao, vinh diệu biết bao! Là điều chưa từng có từ khi khai thiên tịch địa đến nay. Trong vũ trụ có bao nhiêu Phật, Đạo, Thần muốn làm (đệ tử Đại Pháp) mà không được! Phải biết rằng tất cả mọi thứ thế gian đều không thuộc về chúng ta, chúng ta chẳng qua chỉ là khách qua đường, tạm thời lợi dụng nơi này một chút, để tu cái tâm này của bản thân mà thôi, làm sao để có thể đảo ngược lại những chấp trước vào các thứ trong thùng rác (thế gian) này? Nếu chư vị muốn nó, thì nó sẽ bám cứng vào chư vị, không để chư vị ly khai con người mà tu thành Phật.

Thử nghĩ, đằng sau thể diện chính là tâm hư vinh, tâm tự tôn của con người, tâm cầu danh, tâm chấp trước vào tự ngã, tư tâm; đằng sau việc không nhịn được cái khẩu khí chính là tâm tranh đấu, tâm lợi ích, tâm bất bình, tâm tật đố; đằng sau khát vọng về một tổ ấm hoàn hảo, chứa đựng biết bao tâm truy cầu, ham mê và lưu luyến, là cái tình của con người mãi không buông xuống được!

Sư phụ giảng:

“Hận cũng là ‘tình’” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

“Nếu ‘tình’ kia chẳng đoạn, thì chư vị không thể tu luyện được. Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tình là cái gốc của tất cả chấp trước và nhân tâm. Đương nhiên, tại Đại Lục thập ác độc thế này, cộng thêm bức hại tàn khốc của tà đảng đối với đệ tử Đại Pháp, một mặt thì người tu luyện là nạn nhân, mặt khác lại không loại bỏ được nhân tâm, trong lòng thật khổ não. Nhưng bất kể gặp phải tình huống gì, đều không thể đối đầu với người khác, điểm này là khẳng định. Thống khổ là thế, cũng chỉ ủy khuất trong tâm, âm thầm nhẫn chịu trong tâm. Tuy nhiên tu luyện chính là trừ bỏ đi tâm chấp trước của con người, mặc dù chư vị không biểu hiện ra, nhưng trong tâm không buông xuống thì cũng không được. Dưới áp lực mạnh mẽ, tâm oán hận ẩn nấp và tiềm tàng sâu hơn, sâu đến mức có thể lừa dối bản thân, nhưng không che giấu được Sư phụ, không che giấu được Phật, Đạo, Thần ở không gian khác. Nếu qua thời gian dài không tu bỏ đi, thì cựu thế lực sẽ mượn cớ này để bức hại, thậm chí lấy đi sinh mệnh.

Sư phụ giảng:

“Tâm oán hận ấy, chính là dưỡng thành [từ] việc thích nghe điều dễ nghe, thích [gặp] chuyện vừa ý, nếu không bèn oán hận. Mọi người nghĩ đi, thế là không được đâu, tu luyện không thể tu như thế. Tôi vẫn luôn giảng rằng, người tu luyện phải xoay ngược lại nhìn vấn đề, khi chư vị đụng phải chuyện không tốt thì chư vị coi đó là hảo sự, là đến để đề cao chư vị, [ví như] ‘Con đường này ta cần bước đi cho tốt’, ‘Đây lại cần vượt quan nữa rồi’, ‘[Việc cần] tu luyện đến rồi’. Khi chư vị gặp hảo sự thì chư vị nghĩ, ‘Ái chà, mình chớ cao hứng quá, [gặp] việc vừa ý không đề cao lên được, còn dễ rớt xuống’. Tu luyện mà, chư vị phải xoay ngược lại nhìn vấn đề. Giả sử khó khăn tới, chuyện bất hảo tới, [mà] chư vị nhất loạt bài xích hết, chắn hết, thì chư vị là đang từ chối vượt quan [khảo nghiệm], chư vị là cự tuyệt tiến lên trên; đúng không? [Đương nhiên] những thứ bức hại là chuyện khác.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Trong hoàn cảnh mọi người sinh sống và tương tác với nhau sẽ sản sinh ra rất nhiều oán hận với mức độ mạnh hay yếu khác nhau. Cái cũ qua đi, cái mới lại đến. Đả kích lớn, tổn thương nặng sẽ theo người ta trong nửa cuộc đời còn lại. Người tu luyện là siêu xuất người thường. Nhưng cái tâm nào của người tu luyện đáng ra phải bỏ mà không bỏ được, vậy biểu hiện ra điểm này chính là người thường rồi.

Tâm oán hận còn có thể chiêu mời những thứ bất hảo từ không gian khác. Một lần nọ tôi và người nhà xảy ra mâu thuẫn với nhau, oán khí nổi lên khiến tôi đã nói mấy lời khó nghe, giận đùng đùng bỏ về phòng, đóng sầm cửa một cái, lưỡi khóa cửa rớt xuống, tôi nhặt lên và để nó lên bàn viết. Vừa ngẩng đầu lên thì thấy trên vách tường bám đầy những thứ hình thù kỳ quái thật đáng sợ, tôi vội nói: “Sư phụ ơi, đệ tử sai rồi! Đệ tử sai rồi!” Thuận theo lời nhận lỗi của tôi, những thứ đó lập tức biến mất hết. Ngay sau đó, tôi liền đi xin lỗi người nhà.

Lần ấy để lại trong tôi bài học giáo huấn sâu sắc. Kể từ đó, tôi đặc biệt chú ý bảo trì tâm thái bình tĩnh và tường hòa, Thiện tâm đối đãi mọi người, không để bản thân có tâm oán hận, càng không thể tùy tiện muốn gì làm nấy. Nếu không, nó có thể khiến cho tu luyện của tôi rớt xuống như cái lưỡi khóa cửa kia vậy.

Phía sau tâm oán hận là tình, khi tình của chư vị bị đả kích nặng nề, cảm giác bị tổn thương đặc biệt nghiêm trọng, oán hận đó thật sự là xẻo tim khoan xương, rất khó bỏ. Trước khi tôi tu luyện, chồng cũ của tôi vốn là một công nhân lò hơi. Sau đó, nhờ quyền lực và sự giúp đỡ của người anh họ (Bí thư Quận ủy), chồng tôi lấy thân phận là Công nhân, Nông dân và Binh lính để học đại học, rồi lại đậu cao học (nghiên cứu sinh). Sau khi tốt nghiệp, anh ấy được bổ nhiệm vào một trường đại học với tư cách là giáo viên. Trong thời gian này, anh ấy đã cặp kè với một nữ sinh vùng ngoài mà anh dạy (cô ấy kém anh 14 tuổi), vậy là chúng tôi ly hôn.

Vì tình nghĩa vợ chồng, suốt năm năm anh ăn học, tôi một mình nuôi hai đứa con, đồng lương một người chi phí cho bốn người, toàn bộ tâm huyết nhọc nhằn đều gửi gắm và hy vọng vào anh ấy. Kết quả là người thứ ba xuất hiện và chen chân vào. Khi đó, nỗi oán hận của tôi đối với hai người ấy thực sự không thể diễn tả bằng lời. Mấy năm sau, chồng cũ tìm tôi và muốn tái hôn. Anh ấy muốn ly hôn (với người thứ ba kia) nhưng vẫn chưa làm thủ tục, có nghĩa là nếu tôi đồng ý tái hôn thì anh ấy sẽ làm thủ tục ly hôn. Khi đó tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp rồi. Tôi nghĩ duyên đã hết, tình cũng không còn, không thể nào. Hơn nữa, anh ấy chưa làm thủ tục ly hôn, nên tôi cũng chẳng bận tâm và bỏ qua chuyện này.

Một đồng nghiệp nói với tôi: “Chị cứ đồng ý đi, đợi anh ấy ly hôn xong thì chị nói không muốn tái hôn. Để anh ấy xôi hỏng bỏng không, mất cả hai đầu, coi như trị được cả hai người họ.”

Tôi nghĩ: Mình là người tu Chân-Thiện-Nhẫn, cô gái kia có thể phá hoại gia đình mình, nhưng mình không thể phá hoại gia đình họ. Mình là người tu luyện, không thể làm vậy được, lúc đó tôi cho rằng tâm oán hận của mình đã không còn. Bởi vì cơ hội trả thù tốt thế mà tôi cũng buông bỏ, đổi lại còn thông cảm cho họ, rằng phá hoại hai gia đình thì cuối cùng cũng chẳng được hạnh phúc gì.

Mãi đến sau này, lại xảy ra một chuyện: Một đồng nghiệp bị viêm gan vàng da, trong thời gian cách ly điều trị thì chồng của cô ngoại tình và ly hôn cô. Mấy năm sau, chồng cũ của đồng nghiệp quay lại muốn tái hôn. Đồng nghiệp tìm tôi thảo luận, tôi đã thẳng thắn nói về quan điểm của mình. Cuối cùng, tôi còn nói một câu: “Người ta nói rằng gương vỡ lại lành, nhưng gương kia vỡ rồi, dẫu có nối các vết nứt lại với nhau, liệu có thể nguyên vẹn như xưa không?”

Đồng nghiệp đi rồi, trong tâm tôi nghĩ: Chuyện này đâu phải là nhặt rác, muốn có là có, muốn bỏ là bỏ à. Niệm đầu này vừa xuất ra, khiến tôi giật mình: Đây chẳng phải là tâm oán hận hay sao? Vì sao nó vẫn còn tồn tại nhỉ! Kết quả là đồng nghiệp ấy cũng không tái hôn.

Hai tháng sau, có tờ báo đăng tin chồng cũ của đồng nghiệp đã bị bắt vì lấy tiền công quỹ bỏ trốn và bị kết án hơn 10 năm tù. Lúc đầu, tôi mừng thầm cho đồng nghiệp, may mà chưa tái hôn. Sau đó, một cảm giác tự trách mạnh mẽ chiếm lấy tôi: Có lẽ tái hôn sẽ không xảy ra chuyện này. Nếu thật như vậy, thì mình đã tạo nghiệp lớn rồi! Đây chẳng phải hại người rồi sao?

Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn hối hận khi chợt nghĩ đến chuyện này. Là một người tu luyện, tôi hiểu mình không nên quản chuyện của người thường, bởi tất cả đều có quan hệ nhân duyên trong đó. Tôi thậm chí không tham gia vào các cuộc tranh chấp giữa người thường, vậy lý do gì thúc đẩy tôi nói ra những lời thiếu suy nghĩ vào ngày hôm đó kia chứ? Bây giờ nghĩ lại, đó chính là tâm oán hận. Bởi vì tôi và đồng nghiệp cùng xảy ra chuyện tương tự nhau, nên tôi đồng cảm với cô ấy, và cảm thấy bất bình cho cô. Nhưng thực tế chỉ mượn cớ phàn nàn cho chính mình mà thôi.

Tâm oán hận thường không xuất hiện một mình, nó thường đi cùng với tâm tranh đấu và tâm tật đố. Đây cũng là sự phản ánh của những thứ văn hóa đảng tà ác trên thân tôi. Chỉ khi tâm oán hận bị phơi bày rõ ra thì chúng ta mới dễ dàng loại bỏ, nếu tâm oán hận bị che đậy và ẩn sâu không bộc lộ, nó sẽ hại người hại mình, không chú ý, còn có thể khiến chúng ta vô ý tạo nghiệp. Vì vậy, trong khi chúng ta trừ bỏ tâm oán hận, nhất định phải truy nó đến cùng, cho đến khi loại bỏ hoàn toàn mới thôi, nghìn vạn lần không thể nhân nhượng nó. Nếu để nó dây dưa, một khi thời cơ thích hợp, nó sẽ lại nhảy ra nổi gió dậy sóng một phen.

Trên đây chỉ là nhận thức ở tầng thứ sở tại của cá nhân, nếu có chỗ nào không đúng với Pháp, mong đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/3/浅谈怨恨心-415901.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/27/189035.html

Đăng ngày 22-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share