Bài viết của một học viên ở bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-12-2020] Nhiều ngày trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12, các học viên Pháp Luân ở 29 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm nhân quyền tới chính phủ các nước sở tại và kiến nghị những quốc gia này trừng phạt các đối tượng có tên trong danh sách cùng người thân của họ, dưới hình thức như cấm thị thực và đóng băng tài sản vì tội tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Các quốc gia này gồm có Liên minh Ngũ Nhãn (hay Five Eyes, bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ), 18 nước thuộc Liên minh Châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Séc, Romania, Bồ Đào Nha, Hungary, Slovakia, Slovenia), cùng 6 quốc gia khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein và Mexico).

Trong danh sách này có tên một số quan chức của ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có Hàn Chính (Ủy viên thường trực Bộ Chính trị), Quách Thanh Côn (Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương), Chu Cường (Chủ tịch Tòa án Tối cao), Lưu Kim Quốc (Phó Bí thư Ủy ban Thanh tra và Kỷ luật Trung ương) và Phó Chánh Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Xã hội và Pháp luật của Hội nghị Hiệp thương Chính trị).

Tương tự như các danh sách đã đệ trình trước đây, thủ phạm thuộc tất cả các cấp, các nghành nghề ở Trung Quốc. Những đối tượng này bao gồm các bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật các cấp, cảnh sát trưởng, cán bộ Sở An ninh Nội địa, thẩm phán chủ tọa, trợ lý thẩm phán, giám đốc nhà tù, giám đốc trại lao động, v.v..

Ngoài các nước thuộc Liên minh Ngũ Nhãn, đây là lần đầu tiên các học viên đệ trình một danh sách như vậy tới nhiều quốc gia khác. Những danh sách được đệ trình trước đây cũng được bao gồm trong danh sách gửi các nước lần này.

Bộ trưởng các nước Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua Kế hoạch Hành động về Nhân quyền và Dân chủ vào ngày 7 tháng 12. Kế hoạch này được coi là phiên bản EU của Đạo luật Magnitsky, trao cho 27 nước EU quyền trừng phạt các cá nhân và tổ chức lạm dụng nhân quyền trên thế giới, bao gồm cấm các cá nhân này nhập cảnh vào các nước EU và đóng băng tài sản của họ.

Bên cạnh 18 nước EU đề cập bên trên, các học viên Pháp Luân Công cũng dự định đệ trình danh sách này tới các nước khác thuộc khối EU trong tương lai gần.

Một hướng tiếp cận hiệu quả răn đe thủ phạm nhân quyền

Thủ tục pháp lý mỗi nước mỗi khác. Chúng ta có thể lấy Hoa Kỳ làm ví dụ. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từng khuyến khích các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng đệ trình danh sách thủ phạm mà không cần quá lo ngại về vấn đề pháp lý. Miễn có chứng cứ rõ ràng về các vi phạm nhân quyền là có thể đệ trình danh sách. Nhiều đạo luật có thể được áp dụng và Bộ Ngoại giao sẽ dùng một đạo luật phù hợp.

Một quan chức khác của Bộ Ngoại giao cho biết nhiều đạo luật yêu cầu phải nêu tên công khai nên sẽ cần bằng chứng chắc chắn. Bởi vậy, nhiều kẻ hành ác đã không bị vạch mặt. Ngược lại, một số đạo luật khác như luật cấm thị thực có hiệu quả thấp hơn. Chừng nào nhân viên thị thực có “đủ chứng cứ để nghi ngờ” thì mới có thể từ chối đơn xin cấp thị thực mà không cần giải thích chi tiết. Nhưng bản thân thủ phạm nhân quyền cần được biết lý do từ chối.

Quan chức này đã nói với một học viên Pháp Luân Công rằng ông không thể tiết lộ chi tiết về những vụ việc này vì cần bảo về tính riêng tư của người nộp đơn, nhưng ông có thể nói rằng đã có nhiều trường hợp đơn xin cấp thị thực của các quan chức ĐCSTQ đã bị từ chối vì họ tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công. Vị quan chức này của Bộ Ngoại giao cũng xác nhận, rằng trang web Minh Huệ (Minghui.org) là một nguồn đáng tin cậy. Ông cũng tuyên dương thông tin mà các học viên đệ trình là rõ ràng và chi tiết.

Cấm một người nhập cảnh vào một quốc gia được cho là một cách tiếp cận hiệu quả. Ngay cả khi không đóng băng tài sản thì cũng đã ngăn người ta chuyển tài sản sang nước này.

Trừng phạt thủ phạm rất có tác dụng ở Trung Quốc. Một số quan chức chính phủ đã phải gỡ ảnh trên trang cá nhân của họ để tránh bị báo cáo. Một quan chức, khi trả tự do cho một học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, còn nói: “Tôi không đánh anh, làm ơn đừng báo cáo tôi. Sau này con tôi còn có kế hoạch đi du học”. Một số cảnh sát trưởng đã bắt đầu tỏ ra lo lắng: “Tại sao lại báo cáo tôi? Con tôi cũng cần đi du học”, một cảnh sát trưởng nói.

Một xu thế toàn cầu

Kể từ khi Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Magnitsky Toàn cầu vào năm 2016, nhiều nhà lập pháp và những người ủng hộ nhân quyền đã thúc đẩy đạo luật tương tự ở nhiều quốc gia khác.

Hà Lan đã đề xuất những đạo luật tương tự ở EU từ năm 2011. Năm 2019, khi các nước EU đã thảo luận vấn đề này, Hà Lan đã bày tỏ quan điểm rằng nếu không thể có sự đồng thuận trong EU thì nước này sẽ ban hành luật của riêng họ. Các quốc gia trong Hội đồng các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Na Uy cũng có cùng quan điểm. Nếu luật Magnitsky không thể được ban hành trong EU thì họ sẽ thông qua một đạo luật tương tự trong hội đồng này.

Ngày 7 tháng 12 năm 2020, EU chính thức thông qua Đạo luật Magnitsky tại Brussels, Bỉ. Cùng ngày, họ đã ra một tuyên bố, trong đó có viết: “Quyết định ngày hôm nay nhấn mạnh rằng sự tôn vinh và bảo vệ nhân quyền luôn là một nền tảng và ưu tiên trong hoạt động ngoại giao của EU và phản ánh quyết tâm của EU trong việc giải quyết các vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng.”

Từ năm 2019, Quốc hội Úc đã tiến hành chưng cầu ý kiến, cả trong và ngoài nước về việc trừng phạt các vi phạm nhân quyền. Nhiều phản hồi tích cực đã nhận được từ 160 tổ chức và cá nhân. “Chúng tôi không thể kiểm soát được liệu những thủ phạm này có bị đưa ra công lý ở đất nước của họ hay không, nhưng đạo luật trừng phạt có mục tiêu sẽ cấm kẻ trục lợi từ những hành vi vô lương tâm tiếp cận các bãi biển, trường học, dịch vụ y tế và tổ chức tài chính của Úc”, Nghị sỹ Kevin Andrews, Chủ tịch của Tiểu ban Nhân quyền của Ủy ban Thường trực về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại, viết trong một thông cáo báo chí ngày 7 tháng 12.

Nhiều đạo luật khác khả năng sẽ được Quốc hội Úc thông qua vào năm 2021 nhằm phòng vệ cho đất nước này khỏi trở thành nơi trú ẩn an toàn cho kẻ hành ác. Đây được coi là một tiến bộ pháp lý lớn nhất ở Úc về vấn đề nhân quyền mấy thập kỷ qua.

Một nhóm các nhà lập pháp Nhật Bản thuộc mọi đảng phái đã được thành lập vào đầu năm nay nhằm đáp trả luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh áp đặt cho Hồng Kông. Trong cuộc họp khai mạc của nhóm này vào ngày 29 tháng 7, những người tham gia đã dự định thông qua các đạo luật tương tự Magnitsky nhằm kiềm chế những kẻ lạm dụng nhân quyền. Luật an ninh quốc gia đã được thực thi ở Hồng Kông vào ngày 30 tháng 6 và cũng đã nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề này.

Đầu năm nay, các học viên Pháp Luân Công ở Canada đã khởi xướng một cuộc vận động chữ ký kêu gọi thực thi luật Magnitsky, hay còn được gọi là Đạo luật Công lý cho nạn nhân của các quan chức hủ bại nước ngoài, đã được thông qua vào tháng 10 năm 2017 nhằm trừng phạt các quan chức ĐCSTQ vì đàn áp Pháp Luân Công. Trong vòng một tháng, đã có hơn 20.000 người đã ký đơn kiến nghị.

Ngăn chặn việc hành ác

Mấy năm qua, ban đầu, các học viên Pháp Luân Công chỉ đệ trình danh sách thủ phạm lên chính phủ Hoa Kỳ và Canada. Sau đó, việc này được mở rộng sang Vương quốc Anh, Úc và New Zealand. Lần này, họ còn gửi cả Nhật Bản, phần lớn các nước EU, và thậm chí cả một đất nước nhỏ bé như Liechtenstein. Điều này khiến các thủ phạm nhân quyền khó tránh khỏi hậu quả của việc hành ác của họ. Khi ĐCSTQ tiếp tục bị tẩy chay trên toàn thế giới thì những thủ phạm nhân quyền này một ngày nào đó sẽ phải đối mặt với công lý tại Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công cho biết họ sẽ tiếp tục thu thập thông tin từ Minh Huệ về các thủ phạm trong cuộc bức hại này. Khi càng nhiều những vụ việc thu thập và biên dịch thì danh sách bổ sung sẽ được đệ trình và nhiều quốc gia nữa cũng sẽ nhận được danh sách.

Một số đối tượng vi phạm nhân quyền có thể thắc mắc họ có tên trong những danh sách này không. Họ có thể kiểm tra danh sách thủ phạm trên trang Minh Huệ tiếng Trung (tại https://library.minghui.org/criminal/html/lastname). Hơn 100.000 cá nhân đã có tên trong danh sách này, và sớm hay muộn, tất cả họ đều sẽ bị trừng phạt.

Chúng tôi chân thành hy vọng các quan chức ĐCSTQ sẽ suy nghĩ lại khi tham dự vào cuộc bức hại của ĐCSTQ. Khi không phản đối nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và không bức hại các học viên vô tội là họ đang tránh cho bản thân và gia đình mình phải gánh chịu hậu quả vì những tội ác của họ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/8/416172.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/9/188679.html

Đăng ngày 16-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share