Bài viết của Hạ Thuần Thanh

[MINH HUỆ 08-12-2020] Ngày 7 tháng 12 năm 2020, các quan chức của Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua một khuôn khổ pháp lý tương tự “Đạo luật Magnitsky” để trừng phạt các cá nhân và tổ chức gây ra, tham gia vào, hoặc có dính líu tới các vụ xâm phạm và làm dụng nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới.“

Đây là lần đầu tiên EU xác lập một hệ thống trừng phạt nhằm ưu tiên việc bảo vệ nhân quyền trong chính sách ngoại giao.

Theo một tuyên bố của Hội đồng EU, “Quyết định ngày hôm nay nhấn mạnh rằng thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền vẫn là nền tảng và ưu tiên trong hành động đối ngoại của EU và phản ánh quyết tâm của EU trong việc giải quyết các vụ vi phạm và lạm dụng nhân quyền.”

Khuôn khổ bảo vệ nhân quyền toàn cầu mới của EU là phỏng theo “Đạo luật Truy cứu Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu” do Quốc hội Hoa kỳ thông qua lần đầu tiên vào năm 2016. “Đạo luật Magnitsky Toàn cầu” cho phép chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các thủ phạm nhân quyền trên khắp thế giới dưới hình thức phong tỏa tài sản tại Hoa Kỳ của thủ phạm và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tán đồng thỏa thuận hôm 7 tháng 12 của EU. Ông nói trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ hoan nghênh Liên minh Châu Âu đã thông qua khuôn khổ pháp lý về việc trừng phạt nhân quyền toàn cầu.

Ông cũng khuyến khích “EU áp dụng các chỉ định đầu tiên càng sớm càng tốt.”

Theo tuyên bố của EU: “Khuôn khổ thực thi các biện pháp hạn chế nhằm mục tiêu áp dụng cho những hành động như diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại và các hành vi vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng khác (ví dụ: tra tấn, nô dịch, giết người phi pháp, bắt giữ hoặc giam giữ tùy tiện). Các vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền khác cũng có thể nằm trong phạm vi áp dụng của cơ chế trừng phạt này nếu những vi phạm hoặc lạm dụng đó diễn ra phổ biến, có hệ thống hoặc gây quan ngại nghiêm trọng đến các mục tiêu của chính sách an ninh và đối ngoại chung quy định tại Hiệp ước này (Điều 21 TEU).

“Các biện pháp hạn chế như vậy sẽ đưa ra lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài khoản, áp dụng đối với cả cá nhân lẫn tổ chức. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức trong khối EU sẽ bị cấm cung cấp tiền cho những đối tượng bị nêu tên, dù là trực tiếp hay gián tiếp.

“Theo đó, Hội đồng EU, khi hành động theo đề xuất của ​​một quốc gia thành viên hoặc Đại diện cao ủy của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, sẽ xây dựng, xem xét và sửa đổi danh sách trừng phạt.”

Khuôn khổ mới dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12. Danh sách thủ phạm đầu tiên sẽ được thêm vào danh sách trừng phạt của EU trong quý đầu tiên của năm 2021.

Trong những ngày gần đây, các học viên Pháp Luân Công ở 29 quốc gia đã đệ trình một danh sách mới gồm các thủ phạm đã tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công lên chính phủ nước sở tại. Các học viên này yêu cầu chính phủ của họ cấm nhập cảnh cho các thủ phạm và người thân ruột thịt, cũng như phong tỏa tài sản của họ.

29 quốc gia này bao gồm: Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ trong Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes); 18 quốc gia EU khác, gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Romania, Bồ Đào Nha, Hungary, Slovakia và Slovenia; cũng như sáu quốc gia khác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein và Mexico.

Tương tự như danh sách thủ phạm đã đệ trình trước đây, danh sách mới bao gồm các quan chức của chính quyền trung ương của ĐCSTQ, cũng như các quan chức địa phương các cấp, gồm cả thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật, giám đốc Phòng 610, quan chức chính quyền địa phương, giám đốc các Cục An ninh Công cộng và Sở Cảnh sát, các công an của Cục An ninh Nội địa, chủ tọa và thẩm phán tòa án, cũng như giám đốc các nhà tù và trại lao động cưỡng bức.

Những học viên Pháp Luân Công này cho biết họ sẽ tiếp tục thu thập và lập danh sách các thủ phạm và tội ác của họ trong cuộc bức hại. Thông tin sẽ được gửi tới Minghui.org và danh sách thủ phạm trên trang Minh Huệ sẽ được cập nhật thường xuyên. Cho đến nay, cơ sở dữ liệu đã liệt kê tổng cộng 105.580 thủ phạm. Tên của họ sau đó sẽ xuất hiện trong danh sách xử phạt của các quốc gia dân chủ.

Giới thiệu về Đạo luật Magnitsky

Đạo luật Magnitsky được đặt theo tên của ông Sergei Magnitsky, một kiểm toán viên người Nga đã bị bắt và bỏ tù vì đã phát hiện ra vụ trộm cắp gần 230 triệu USD của chính phủ Nga thông qua gian lận hoàn thuế. Ông qua đời vào ngày 16 tháng 11 năm 2009, trong một nhà tù ở Moscow do bị đối xử vô nhân đạo. Cái chết của ông đã được báo cáo rộng rãi ở Nga. Mặc dù các quan chức của Nga có liên quan đến vụ án của ông không bị truy tố, nhưng cái chết của ông cuối cùng đã kích hoạt việc thiết lập một khuôn khổ toàn cầu nhằm bảo vệ nhân quyền.

Ít nhất sáu quốc gia đã thông qua các đạo luật Sergei Magnitsky tương tự để truy cứu trách nhiệm của các thủ phạm nhân quyền. Quốc hội Úc dự kiến ​​sắp tới sẽ thông qua một đạo luật tương tự.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/8/416183.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/9/188677.html

Đăng ngày 11-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share