Bài viết do phóng viên Minh Huệ Kỷ Trân Nghiên tổng hợp

[MINH HUỆ 10-12-2020] Vào Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12, hơn 900 nhà lập pháp từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã ký một tuyên bố chung nhằm thúc giục ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Các nhà lập pháp đã ca ngợi những nỗ lực phản bức hại ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công suốt 21 năm qua.

Được khởi xướng bởi các Thành viên Quốc hội Canada – ông Peter Kent và ông Judy Sgro, cũng như Nghị viên Quốc hội Thụy Điển – ông Ann-Sofie Alm, tuyên bố chung này được đưa ra vào ngày 20 tháng 7 năm nay. “Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một trong những chiến dịch khắc nghiệt nhất nhắm vào một nhóm tín ngưỡng trong thời hiện đại,” tuyên bố nêu rõ.

2020-7-21-worldwide-support-falun-gong_01--ss.jpg
Hơn 900 nhà lập pháp ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào tuyên bố chung nêu trên, nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hình ảnh trên là một màn trình diễn các lá cờ quốc tế bên bờ phía nam của Hồ Burley Griffin ở Canberra, thủ đô nước Úc.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp trên quy mô toàn quốc nhắm vào pháp môn này hồi tháng 7 năm 1999, một số lượng lớn các học viên đã bị bắt, giam giữ, bỏ tù và tra tấn. Nhiều người trong số họ trở thành nạn nhân bị lạm dụng tâm thần và cưỡng bức mổ cướp nội tạng.

Tuyên bố chung cho biết, những tội ác tàn bạo này đã được các tổ chức nhân quyền, các cơ quan chính phủ và Liên Hợp Quốc ghi nhận đầy đủ. “Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, kêu gọi chính quyền Trung Quốc tôn trọng các chuẩn mực quốc tế và Công ước Quốc tế của Liên Hợp Quốc về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Trung Quốc đã ký kết, đồng thời chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và trả tự do vô điều kiện cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ cũng như các tù nhân lương tâm khác,” tuyên bố nhấn mạnh.

Các nhà lập pháp này đến từ 35 quốc gia và khu vực, bao gồm Vương quốc Anh, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bỉ, Áo, Na Uy, Phần Lan, Argentina, Chile, Ba Lan, Séc , Slovakia, Romania, Estonia, Israel, Hungary, Latvia, Lithuania, Tây Ban Nha, Venezuela, Cyprus, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và Indonesia.

2019-7-18-washington-dc-falun-gong-parade_07--ss.jpg
Một biểu ngữ của các học viên Pháp Luân Công trong một cuộc tuần hành ở Washington D.C. Ngày 18 tháng 7 năm 2019.

Bà Ewa Ernst-Dziedzic, Thành viên Hội đồng Quốc gia Áo và Ủy ban Nhân quyền, đã viết: “Các bạn có thể yên tâm rằng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn cho đến khi đạt được mục tiêu chấm dứt cuộc bức hại vô nhân đạo nhằm vào Pháp Luân Công. Tôi sẽ không ngừng nhắc nhở các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng được áp dụng cho các chính quyền độc tài.”

Tiến sĩ H. Guspardi Gaus, một thành viên của Hạ viện Indonesia cũng đồng thuận với bà Ewa Ernst-Dziedzic. Ông cho hay: “Đây là những con người đang bị tàn sát, thật vô nhân đạo, thật man rợ. Do đó, theo tôi, cần phải thực hiện quy trình pháp lý để kết thúc điều đó.”

“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn và công khai hơn trong việc phơi bày thực trạng chính phủ Trung Quốc không ngừng tước đoạt các quyền cơ bản của con người“, ông Peter Kent nhấn mạnh, “Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và hy vọng rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ tôn trọng luật pháp, quyền tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo; một ngày mà nguyên lý của Pháp Luân Công có thể được hô vang to ở Quảng trường Thiên An Môn: Chân-Thiện-Nhẫn.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/10/35国逾九百政要签名要求中共停止迫害法轮功-416287.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/11/188716.html

Đăng ngày 12-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share