Theo Trần Chấn Ba

[MINH HUỆ 24-10-2010] Tên tôi là Trần Chấn Ba. Tôi bị bắt giam bất hợp pháp vào ngày 25 tháng 12 năm 2008 sau khi bị tố giác với chính quyền trong lúc đang phát tờ rơi về Pháp Luân Công. Tôi bị giam tại Trại lao động cưỡng bức nữ số 2 tỉnh Sơn Đông trong một năm rưỡi. Trong những nỗ lực để “chuyển hóa” tôi, các viên chức trại lao động đã tra tấn tinh thần và thể xác tôi. Đòn tra tấn đã làm tôi bị tàn tật, và tôi được đưa về nhà vào ngày 2 tháng 7 năm 2010.

Tôi đã kể về sự tra tấn tàn bạo, đặc biệt là ba lần bị đánh đập tàn khốc, trong bài “Bị tàn tật do bị tra tấn và đánh đập liên tục: Trường hợp về bức hại tàn khốc mà cô Trần Chấn Ba đã chịu đựng” (https://en.minghui.org/html/articles/2010/8/20/119384.html), nay tôi viết để phơi bày những cách thức khác được trại lao động sử dụng đối với tôi, trong khi vẫn để cho tôi sống.

2010-8-10-minghui-chengzhenbo2--ss.jpg

Ảnh chụp cô Trần Chấn Ba sau khi được đưa về nhà

Các lính canh đã lén lút bỏ thuốc vào lượng thức ăn ít ỏi của tôi

Trong hai tháng bị tra tấn tàn bạo ba lần, và bị còng tay vào một cửa sổ trong bảy ngày, các viên chức trại đã cung cấp một lượng thức ăn ít ỏi mà chỉ đủ duy trì cho tôi sống qua ngày. Hầu như mọi ngày họ chỉ cho tôi một bữa ăn, nhưng thỉnh thoảng tôi bị bỏ đói trong nhiều ngày. Khi bánh bao và vài cọng rau được chuyển đến nhà vệ sinh hoặc nơi tôi bị giam, những người giám sát (các tù nhân được giao nhiệm vụ trông chừng tôi) chỉ cho tôi một miếng bánh nhỏ, và họ ăn rau.

Tôi chỉ còn da bọc xương trước khi bị còng tay vào một cửa sổ. Tôi cảm thấy rằng họ đã thêm một vài thứ lạ vào thức ăn của tôi vì tay chân tôi chuyển thành màu xanh, hai môi tôi bị sưng lên, và đầu tôi quay cuồng sau mỗi lần tôi ăn gì đó. Toàn thân tôi bị sưng tấy chỉ trong một đêm. Tôi cảm thấy như mình sắp chết. Tôi nói với tù nhân Vương Phó Cầm rằng các lính canh chắc chắn có ý đồ muốn đầu độc cho tôi chết.

Sự nghi ngờ của tôi đã được xác nhận không lâu sau đó. Một lần tôi yêu cầu được ăn bánh xoắn bột (một loại bột chiên kiểu Trung Quốc), ngay sau khi ăn vào, tôi cảm thấy bị tê liệt, sưng tấy, và mất hết sức. Mặt, hai bàn tay, và chân của tôi trở nên thâm tím sau nhiều ngày. Tôi cảm thấy hai môi, lỗ mũi cũng bị sưng, và khó thở. Đôi chân bị sưng tấy của tôi không thể xỏ dép. Người chung xà lim với tôi là Lưu Hải Lan, một người phạm tội trộm cắp bị kết án, đã ăn hai cái bánh xoắn của tôi và cũng bị tình trạng tương tự.

Từ lúc bị sưng tấy, lính canh đã giữ tôi ở trong nhà vệ sinh hoặc trong phòng để các tù nhân không thấy tôi. Nếu muốn ra ngoài, tôi phải đợi đến khi mọi người đến xưởng làm việc, hay sau khi họ đi ngủ. Hai người giám sát phải đi theo tôi.

Sau một vài ngày, phó trại Triệu Lệ Lệ đột nhiên đưa tôi món canh đậu đỏ. Cô ta cho tôi uống canh hai lần trong ba ngày. Vết sưng tấy của tôi đột nhiên biến mất. Tôi không biết gì về loại thuốc mà cô ta đã bỏ vào canh.

Sau lần thứ ba bị đánh đập tàn bạo, các lính canh đã giữ tôi ở trong một phòng thẩm vấn do tôi không thể đi lại. Triệu Văn Huy và đội trưởng mới là Hạ Lệ đã ra chỉ thị rằng tôi chỉ được một phần ba cái bánh bao và một bát canh rau nhỏ trong mỗi bữa ăn. Tôi đã không có đủ thức ăn trong sáu tháng.

Vào đêm trước Tết âm lịch Trung Quốc 2010, Đội 2 đã tập hợp tất cả các tù nhân cho một cuộc họp ở phòng hội nghị, ngay kế bên phòng thẩm vấn mà tôi bị giam. Tôi đã dùng hết sức mạnh và hô to “Pháp Luân Đại Pháp Tốt.” Vì hai phòng sát nhau nên họ nghe rất rõ. Lưu Ngọc Lan lập tức vào phòng và đưa cho tôi hai cái bánh bao. Gần hai tháng trước khi được thả ra, rốt cuộc họ cũng cung cấp đủ thức ăn cho tôi.

Các lính canh đã cấm tôi tắm rửa trong thời gian dài

Tôi bị cấm tắm rửa một lần trong 117 ngày, từ ngày tôi bị bắt là 25 tháng 12 năm 2008 đến khi kết thúc lần thứ hai bị đánh đập tàn bạo vào ngày 19 tháng 4 năm 2009. Người tôi rất hôi và bẩn.

Một ngày vào tháng 6 năm 2009, Triệu Lệ Lệ đột nhiên đồng ý cho tôi rắm rửa và ra lệnh cho Vương Thiến mang nửa chậu nước đến. Nhưng trước khi tôi có cơ hội lau chùi thân thể, Từ Kính tuyên bố rằng thời gian đã hết. Cô ta đá vào chậu làm nước văng tung tóe khắp phòng.

Khi lần đánh đập thứ ba kết thúc vào giữa tháng 8 năm 2009, Triệu Lệ Lệ nói rằng tôi có thể gội đầu. Tù nhân Tiết Liên Hỉ đã mang đến một nửa chậu nước, chỉ để cho Từ Kính hất đổ. Đêm thứ hai Từ Kính chỉ cung cấp đủ nước để tôi lau chùi phần trên thân thể.

Trong một năm rưỡi bị giam, họ không bao giờ cho tôi tắm rửa trong nhà vệ sinh hay nhà tắm, cũng không cho phép tôi giặt quần áo bẩn. Quần lót của tôi rất dơ trong những lần có kinh nguyệt. Tôi không có sự lựa chọn nào ngoài việc đổi quần lót với những người đã được thả ra. Tù nhân Hầu Bảo Cầm đã đổi quần dài của cô với tôi khi một người giám sát ra ngoài trong chốc lát. Khi tôi cởi quần dài ra, lớp da rơi ra khỏi chân tôi hình thành một lớp dày trên sàn nhà.

Một ngày mùa đông năm 2009, khi tù nhân và người giám sát Trương Hiểu Lệ đang ngủ, tôi vặn vòi nước để gội đầu. Âm thanh đã đánh thức cô ta dậy, và cô ta đã tố cáo tôi với Hạ Lệ, Khi quay trở trở lại, cô ấy đã tắt vòi nước khi tóc tôi vẫn còn đầy xà phòng.

Khi tôi yêu cầu được gội đầu vào ngày trước khi được thả ra, Hạ Lệ lúc đầu đã từ chối nhưng đã thay đổi ý định khi máy quay phim của cô ta đã sẵn sàng. Hóa ra cô ta và Tống Mẫn đã bí mật quay phim khi tôi đang gội đầu. Tôi nhấn một tay ở đáy chậu để làm điểm tựa, và dùng tay kia để xoa tóc. Thỉnh thoảng tôi xoa đầu bằng cả hai tay.

Sau khi trở về nhà và bị tàn tật, chồng tôi đã nộp một đơn khiếu nại đến Cục giáo dục lao động cưỡng bức tỉnh Sơn Đông, sau đó họ đã gửi một đội điều tra đến trại lao động. Sau năm ngày ở đó, đội đã đi đến kết luận rằng tôi không bao giờ bị đánh đập, và tôi không bị tàn tật. Bằng chứng họ dùng để chứng minh cho kết quả điều tra là cuộn phim bí mật ghi hình tôi khi tôi đang gội đầu bằng cả hai tay.

Các lính canh cấm tôi cắt móng tay

Vì tôi không thể cắt móng tay trong hơn hai tháng, vào tháng 5 tôi đã yêu cầu tù nhân Tô Tú Huy báo cáo với lính canh cho tôi một dụng cụ cắt móng tay. Hạ Lệ đang ngồi tại một cái bàn và từ chối, thậm chí không đưa ý kiến lên cho lãnh đạo. Tám ngày sau tôi lại yêu cầu một tù nhân khác là Lưu Thường Ái, vào sáng hôm sau tôi rốt cuộc cũng có thể cắt móng tay.

Các lính canh cắt đứt liên lạc của tôi với gia đình

Trong một năm rưỡi bị giam, các viên chức trại đã từ chối không cho gia đình tôi đến thăm. Khi con gái tôi và hai người bạn cùng lớp của nó đến thăm tôi vào tháng 1 năm 2009, Triệu Lệ Lệ nói, “Các vị không thể gặp bà ta mà không có thư của Phòng 610 địa phương.” Chồng tôi đến vào tháng 9 năm 2009, Triệu nói với ông, “Do dịch cúm H1N1, ông cần phải có sự cho phép của chính quyền tỉnh.” Nhiều lần cha mẹ và em trai tôi yêu cầu được gặp tôi nhưng cũng bị từ chối. Triệu nói rằng nếu tôi từ chối loại bỏ niềm tin của mình thì sẽ không được thăm viếng. Cô ta cũng từ chối cho vợ chồng tôi nói chuyện qua điện thoại. Toàn bộ thời gian bị giam tôi chỉ gửi được một lá thư yêu cầu gia đình gửi tiền để chữa một trong những xương sống cổ bị thương do những lần bị đánh đập tàn bạo. Những bức thư còn lại mà tôi viết cho cha mẹ, chồng và con gái của tôi đã bị trại tịch thu vì họ hoàn toàn muốn cắt đứt sự liên lạc của tôi với gia đình.

Chồng tôi đã gửi cho tôi một bức thư vào tháng 6 năm 2009, nhưng đến tháng 8 Triệu Lệ Lệ vẫn tuyên bố rằng cô ta không nhận được thư. Chồng tôi sau đó đã gửi một bức thư khác có cùng nội dung thông qua hộp thư bảo đảm. Triệu đã không nói với tôi đến tận tháng 9, “Chúng tôi đã nhận được thư. Lá thư bị mắc kẹt ở dưới đáy của hòm thư.” Từ Kính đã bỏ đi 5000 từ, tám trang thư sau 5-6 phút, trước khi tôi có thể đọc hết. Sau đó cô ta bảo tôi, “Tôi đã đọc lá thư này nhiều lần và cũng cho mọi người xem.” Bằng cách này họ đã vi phạm sự riêng tư và quyền liên lạc của tôi.

Các lính canh ra lệnh cho tôi phải lao động nặng bất chấp việc tôi bị tàn tật

Khi tôi đến trại lao động vào tháng 1 năm 2009, mọi người phải thức dậy vào lúc 5 giờ 30 phút sáng và chỉ có ba phút để rửa mặt và đánh răng. Thông thường chúng tôi làm việc 16 giờ mỗi ngày, chỉ với năm phút ăn trưa và hai phút đi vệ sinh. Thỉnh thoảng chúng tôi phải thức cả đêm để hoàn thành công việc đúng thời hạn. Thời khóa biểu này không thay đổi đến tận tháng 10 năm 2009 khi có đợt thanh tra trại. Nhưng lịch làm việc mới với 8 giờ chỉ kéo dài một vài ngày. Ngay sau khi thanh tra rời đi, chúng tôi phải làm việc 12 giờ một ngày. Khối lượng công việc nặng nhọc như vậy dẫn đến chấn thương lưng cho những người lớn tuổi, và làm biến dạng ngón tay của những người trẻ hơn. Từ lúc chúng tôi làm việc trên những sản phẩm điện tử có chứa chất độc, hơn hai phần ba số người bị ngứa da với những chỗ sưng đỏ. Chung Ngọc Hoa, một trong những tù nhân bị hen suyễn, thở rất khó khăn, và mặt của cô bị sưng tấy.

Sau lần thứ hai bị tra tấn tàn bạo, xương sống, xương sườn, đốt sống thắt lưng của tôi đã bị thương. Xương sống của tôi đã bị trật ra so với đầu của tôi nữa, luôn bị lệch sang trái. Răng của tôi cũng không thẳng hàng, và rất khó cho tôi nhai và nuốt. Tôi đặt một cuộn giấy vệ sinh giữa vai và đầu để nâng đầu. Hầu như trong một năm, đầu tôi bị nghiêng như thế cho đến khi tôi phải nằm xuống và không thể đứng dậy.

Lính canh vẫn cho người giám sát tôi khi tôi bị liệt nửa người. Họ đánh tôi khi tôi từ chối lao động nặng. Vì tay trái của tôi mất cảm giác và không làm việc được, tôi phải giữ sợi chỉ trong răng trong khi dùng tay phải để làm việc. Khi tôi không hoàn thành công việc, chắc chắn họ sẽ buộc tôi thức khuya để hoàn thành nhiệm vụ. Sau hai tháng đau khổ đến kiệt sức như vậy, tất cả xương của tôi đều đau, và tôi thường xuyên bị bất tỉnh. Lúc đầu, tôi di chuyển xung quanh bằng cách dựa vào một cái ghế nhỏ. Sau đó hai người phải khiêng tôi đi xung quanh. Cuối cùng tôi hoàn toàn không thể di chuyển và nằm trên một tấm bảng gỗ trong năm tháng. Lúc được thả ra, Hạ Lệ, Lý Tú Vân, và hai lính canh khác đã bọc tôi vào một cái chăn và mang tôi ra khỏi trại lao động.

Lý do tôi đã không chết trong trại lao động

Ngày 4 tháng 2 năm 2010, chỉ 10 ngày sau Tết âm lịch Trung Quốc, tôi là một nhân chứng trong việc đánh đập cô Trương Thành Mĩ đến chết chỉ sau một tháng cô đến đây. Cô là một học viên ở thị trấn Dã Nguyên, huyện Lâm Cù, tỉnh Sơn Đông, là người ở xà lim đối diện chếch với tôi.

Tôi đã nhận ra những điều sau đây đã cứu tôi thoát chết, bất chấp sự tra tấn tàn bạo:

Trước tiên, việc tôi bị tra tấn đã bị phơi bày trên Minh Huệ Net nhiều lần. “Tổ chức thế giới điều tra về cuộc đàn áp Pháp Luân Công” đã ra một thông báo điều tra về tình trạng của tôi vào ngày 1 tháng 4 năm 2010. Vương Thiến và Từ Kính có một lần nói với tôi, “Trường hợp của bà đã được phơi bày trên mạng; và tên của các lính canh đã bị mọi người biết đến.” Từ Kính cũng tiết lộ rằng Triệu Văn Huy và Triệu Lệ Lệ đã thảo luận việc có nên tiếp tục đánh đập tôi hay không.

Thứ hai, toàn thể người thân đều quan tâm đến tôi, thường xuyên gọi đến trại lao động và viết thư để biết tình trạng của tôi, tạo nên vài áp lực đối với trại lao động.

Thứ ba, chồng tôi đã làm việc trong một tổ chức chính phủ được 30 năm và đã tạo được vài mối quan hệ. Kết quả làm cho trại lao động không dám đánh tôi đến chết.

Thứ tư, con gái tôi đang học tại Mỹ, nơi mà dì của nó thuộc tầng lớp gia đình thượng lưu, với chồng và cha chồng của bà là thành viên của những tổ chức hàn lâm quốc tế nổi tiếng. Nếu các lính canh đánh đập tôi đến chết, họ sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn từ cộng đồng quốc tế.

Cuối cùng, gia đình chồng tôi là một gia đình lớn với hơn 100 người ở nông thôn, vài người đã yêu cầu được gặp tôi trong trại lao động. Lính canh Tống Lệ Quyên và các tù nhân khác đã biết được thân thế gia đình tôi, vì thế họ lo ngại về những phản ứng nghiêm trọng khi họ chịu trách nhiệm về cái chết của tôi.

Triệu Lệ Lệ một lần đã áp lực chồng tôi li dị tôi, nhưng ông từ chối. Khi các lính canh không dám đánh đập tôi đến chết nhưng sợ rằng tôi sẽ phơi bày tội ác của họ, họ đã âm mưu gửi tôi đến một bệnh viện tâm thần. Nhưng gia đình tôi kiên quyết từ chối nên âm mưu của họ đã bị ngăn chặn. Sau khi được thả ra, một trưởng Phòng 610 địa phương hỏi chồng tôi rằng tôi có vấn đề về tâm thần không, điều mà chồng tôi chắc chắn chối bỏ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/10/24/231419.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/11/27/121633.html
Đăng ngày 17-12-2010, Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share