Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 29-11-2019] Vào 7 giờ tối ngày 23 tháng 10 năm 2003, ba học viên Pháp Luân Công đã đến tháp nước gần Nhà ga xe lửa Nột Hà ở tỉnh Hắc Long Giang. Sử dụng tín hiệu vệ tinh, họ đã can thiệp vào truyền hình địa phương và phát một đoạn phim gần 50 phút để vạch trần những tuyên truyền vu khống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là vụ tự thiêu giả mạo ở Thiên An Môn.
Đến thời điểm đó, cuộc bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, đã kéo dài hơn bốn năm. Tuyên truyền của truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát vẫn tiếp tục lừa dối dân chúng, ngày càng nhiều học viên Pháp Luân Công bị bắt, bị giam, bỏ tù và bị tra tấn vì đức tin của họ. Để giảng rõ chân tướng, ba học viên là ông Vi Xương Phong, bà Hạ Tú Văn và bà Thôi Quế Phượng đã quyết định mạo hiểm và thông tin đến công chúng chân tướng về Pháp Luân Công.
Tối hôm đó, người dân ở khắp các khu vực đô thị của Nột Hà, một thành phố cấp huyện với dân số khoảng 700.000 người, đã xem được đoạn phim. “Người dân ở vùng đồng quê xa xôi cũng nhận được tín hiệu, nhưng có những bông tuyết trên màn hình TV,” một quan chức nói khi các học viên bị bắt sau đó và bị đưa đến một trại tạm giam.
Việc này đã phát sinh sự trả thù nghiêm trọng. La Cán, khi đó là bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật, đã đến Hắc Long Giang để điều tra. Kim Bảo Nguyên, thị trưởng thành phố Nột Hà, đã treo giải thưởng 10.000 nhân dân tệ tiền mặt cho ai bắt được những người đã tham gia. Công an từ tất cả 30 thị trấn trên khắp Nột Hà và lân cận Mạc Lực Đạt Ngõa Kỳ của Nội Mông Cổ đã thực hiện các vụ bắt giữ quy mô lớn, và riêng ở thành phố Nột Hà đã có hơn 200 học viên đã bị giam. Các quan chức ĐCSTQ xem đây là một trong những vụ Pháp Luân Công lớn nhất.
Miêu Ngọc Cửu, từng là người của Phòng 610 Mạc Lực Đạt Ngõa Kỳ, đã báo cáo với Phòng 610 Nột Hà rằng ông Vi và hai học viên khác ở Mạc Lực Đạt Ngõa Kỳ đã tham gia vụ chèn sóng truyền hình. Phó Lực Bân và Chu Thiên Phúc, hai nhân viên Phòng 610 Nột Hà cùng trưởng công an Nột Hà là Tôn Đức Quý chịu trách nhiệm bắt giữ các học viên.
Các học viên đã bị ngược đãi trong sở công an, trại tạm giam và sau đó bị bỏ tù. Chỉ riêng ông Vi bị kết án 13 năm.
Bị bắt và bị giam trong đồn công an
Ông Vi, khi đó 42 tuổi, là một nông dân ở trấn Ngao Bảo đã lên kế hoạch trong nhiều năm nhằm phát đi thông tin thật. Sau nhiều lần thử nghiệm và bị lỗi, ông đã thành công. Bà Hạ, khi đó 40 tuổi, sống ở trấn Ni Nhĩ Cơ. Bà Thôi Quế Phượng, một cựu giáo viên âm nhạc ở trấn Khôn Mật Nhĩ Đề, làm việc cho một hợp tác xã tín dụng nông thôn địa phương.
Ngày 29 tháng 10 năm 2003, sáu ngày sau sự kiện, ba học viên đã bị bắt và bị đưa đến Đội Hình sự của Sở Công an Nột Hà. Vợ ông Vi, bà Thái Phượng Cần (không phải là học viên), và ông Lưu Minh Khang, người cũng tham gia vào vụ can thiệp sóng truyền hình, đã bị bắt cùng thời điểm. Bà Thái bị thẩm vấn cả đêm và được thả ra ngày hôm sau.
Cả bốn học viên đều bị tra tấn. Họ bị cho ngồi lên ghế cọp, bị sốc điện, đánh đập và làm nhục. Lính canh đã còng tay ông Vi vào các ống sưởi nhằm điều tra thêm thông tin chi tiết.
Minh họa tra tấn: Ghế cọp
Tháng 10 ở vùng Đông Bắc Trung Quốc trời rất lạnh. Lính canh đã lột trần ông Vi và mở tất cả cửa sổ và cửa chính để ông bị lạnh cóng. Họ cũng đổ nước lạnh lên người ông. Họ trói tay chân ông vào ghế cọp. Lính canh đã ấn một viên đạn vào xương sườn của ông và sốc điện ông với hiệu điện thế cao nhất.
Minh hoạ tra tấn: Sốc bằng dùi cui điện
Lính canh đánh bà Thôi bằng giày bốt của họ khiến lưng bà bị thương. Trong khi bà bị trói vào ghế sắt, họ đập chai nước vào đầu bà và đổ nước lạnh lên mặt và cổ của bà. Họ muốn biết cách mà các học viên liên lạc với nhau và ai là tài xế. Phó Lực Bân và Chu Thiên Phúc thuộc Phòng 610 Nột Hà cùng trưởng công an Tôn Đức Quý đã ra lệnh dùng hình thức tra tấn ghế sắt.
Minh hoạ tra tấn: Trói vào ghế sắt
Sau khi bị tra tấn thể xác 24 tiếng, cả bốn học viên bị đưa đến trại tạm giam Nột Hà vào tối ngày 30 tháng 10 năm 2003.
Bị tra tấn trong trại tạm giam Nột Hà
Vương Lực, một trưởng xà lim tại trại tạm giam Nột Hà, đã ra lệnh cho tù nhân Đỗ Tiểu Lượng lột đồ ông Vi và đổ nước lạnh lên người ông. Ông Lưu cũng bị như vậy. Đỗ cũng đánh đập và đá vào mặt ông Vi cho đến khi ông bầm tím.
Vì bà Hạ từ chối ký vào biên bản, cai ngục Lý Dĩnh đã đánh đập, tát vào mặt bà và lấy dấu vân tay của bà. Sau đó bà Hạ đã tuyệt thực 20 ngày để phản đối việc bắt giữ, giam cầm và thẩm vấn phi pháp. Khi phóng viên truyền hình hỏi bà về việc can thiệp sóng truyền hình, bà đã nhắc lại sự vô tội của Pháp Luân Công. Vì điều này, Phòng 610 và các quan chức khác đã ra lệnh ngược đãi bà.
Xét xử và kết án
Ông Vi, bà Hạ và bà Thôi đã bị xét xử vào ngày 26 tháng 11 năm 2003. Họ bị còng tay. Công tố viên là Vương Bảo Quý của Viện Kiểm sát Nột Hà. Ông Vi đã tự biện hộ cho mình và một luật sư do gia đình bà Thôi thuê đã biện hộ cho bà.
Phó Lực Bân của Phòng 610 Nột Hà và công tố viên là Vương Bảo Quý đã kết án ông Vi 13 năm tù, sáu năm cho lần chèn sóng truyền hình đầu tiên và bảy năm cho lần thứ hai. Bà Hạ và bà Thôi bị kết án mỗi người bốn năm.
Lúc đầu ông Vi bị đưa đến Nhà tù Bắc An, sau đó chuyển đến Nhà tù Thái Lai. Cả hai nơi này đều ở tỉnh Hắc Long Giang. Ngày 14 tháng 4 năm 2004, bà Hạ và bà Thôi bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.
Ông Lưu được thả ra tám tháng sau đó sau khi Phòng 610 Nột Hà tống tiền ông 80.000 nhân dân tệ. Công an Mạc Lực Đạt Ngõa Kỳ và người của Phòng 610 liên tục sách nhiễu ông sau khi ông được thả, buộc ông phải bỏ việc kinh doanh và rời khỏi nhà. Điều này khiến ông tổn thất tài chính 400.000 nhân dân tệ.
Vào tối ngày chèn sóng truyền hình, chỉ riêng thành phố Nột Hà đã có hơn 200 học viên Pháp Luân Công bị bắt và nhà họ bị lục soát. Họ bị giam, đánh đập và phạt tiền. Một trong các học viên là ở huyện Tuy Lăng, tỉnh Hắc Long Giang. Cô đang thăm một người thân ở thành phố Nột Hà. Cô bị bắt và con cô bị đưa vào trung tâm nuôi dưỡng.
Bị tra tấn trong Nhà tù Bắc An
3 giờ sáng ngày 26 tháng 3 năm 2004, ông Vi bị chuyển từ trại tạm giam Nột Hà đến Nhà tù Bắc An. Trong Đội Huấn luyện, ông bị ép phải học thuộc nội quy cho tù nhân và phải ngồi trong thời gian dài. Chỉ đạo viên chính trị An Đông ra lệnh ông phải từ bỏ đức tin của mình.
Ông Vi đã bất tỉnh khi bị tù nhân Hoàng Hải đấm vào hàm dưới. Tù nhân Bàng Quốc Lộc ép ông phải gập người trong thời gian dài với hai tay ở sau lưng.
Sau đó Bàng đề nghị ông viết các tuyên bố từ bỏ đức tin. Khi ông từ chối, Bàng đã ra lệnh cho nhiều tù nhân đè ông xuống giường và nâng hai tay ông lên cao hết mức có thể. Ông đã cắn rách tấm ga trải giường vì những cơn đau khủng khiếp.
Minh hoạ tra tấn: Đánh đập
Các tù nhân phải nằm ngủ sát cạnh nhau như cá mòi trong hộp. Thức ăn là một cái bánh bao hấp và một ít canh, và đói là việc bình thường.
Ngày 30 tháng 4 năm 2004, ông Vi bị đưa đến Đội 10. Cai tù cho hai tù nhân giám sát ông cả ngày. Cai tù Nhạc Văn Hoa đánh và tát vào mặt ông. Sau đó Nhạc biệt giam ông 15 ngày và kéo dài thêm 15 ngày nữa.
Năm 2005, ông bị chuyển đến Đội 7. Giám sát Niếp Hoa Thắng đã biệt giam ông 15 ngày. Vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công, ông lại bị biệt giam 15 ngày vào tháng 8 năm 2008. Không có cửa sổ hay thông gió, phòng giam nhỏ, tối, ẩm và nóng. Ông đã tuyệt thực để phản đối sự đối xử vô nhân đạo và tám ngày sau bị chuyển đến Bệnh viện Nhà tù Bắc An.
Nhiều năm sau, ông bị đưa vào Đội 1. Một cai ngục đề nghị ông từ bỏ đức tin, nói rằng họ sẽ cho người mẹ 90 tuổi được thăm ông. Vì ông từ chối, cai ngục đã nói dối với gia đình ông khi họ đến thăm rằng ông nói rằng ông không muốn gặp họ, khiến họ quay lưng lại với ông.
Uông Ngưỡng Thái và Lữ Thục Viện ở Phòng 610 Mạc Lực Đạt Ngõa Kỳ cũng đến nhà tù để cố ngăn ông tu luyện Pháp Luân Công nhưng họ đã thất bại.
Bị ngược đãi trong Nhà tù Thái Lai
Sau tám năm ở Nhà tù Bắc An, ông Vi bị chuyển đến Nhà tù Thái Lai vào ngày 12 tháng 8 năm 2013. Dưới sự chỉ đạo của Phòng 610 Hắc Long Giang và Cục Quản lý Nhà tù Hắc Long Giang, viên chức Lưu ở Đội 6 đã bắt ông lao động. Ông trả lời: “Tôi không phạm tội và tôi sẽ không làm việc như các tù nhân khác.”
Lưu tiếp tục làm nhục và hăm doạ ông Vi và tịch thu tài sản cá nhân của ông như các bài viết của ông Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Lưu đã lăng mạ Pháp Luân Công nhiều lần. Sau đó, ông ta bị urê huyết, phải lọc máu và đã nghỉ việc.
Theo lệnh của Cục Quản lý Nhà tù Hắc Long Giang, Nhà tù Thái Lai đã ban hành một chính sách vào tháng 11 năm 2015, yêu cầu tất cả tù nhân phải lao động, chỉ miễn cho người có sức khoẻ kém. Ngoài ra, các cuộc viếng thăm của gia đình, mua sắm, lựa chọn bữa ăn, giao tiếp, giải trí và nghỉ ngơi đều bị giới hạn hoặc huỷ bỏ. Chính sách này, còn được gọi là “sáu dừng và một hạn chế,” được ban hành nhằm nhắm vào các học viên Pháp Luân Công kiên định.
Đầu năm 2016, tù nhân Khúc Hồng Vũ đã báo cáo rằng ông Vi và các tù nhân khác trao đổi các bài giảng Pháp Luân Công. Quản lý Lưu Tĩnh Vũ đã biệt giam ông Vi 15 ngày. Thời điểm đó là giữa mùa đông và phòng giam rất lạnh và ẩm ướt. Ở đó không có giường và ông chỉ được mặc một lớp quần áo. Thức ăn rất ít và nguồn nước duy nhất là từ nhà vệ sinh. Mỗi giây trong 15 ngày này dài như một năm.
Tháng 7 năm 2016, Lưu biệt giam ông Vi trong một tháng vì ông có những bài giảng của Pháp Luân Công. Khi ông phản đối, Lưu đã ra lệnh cho cai ngục nối còng tay của ông vào xích chân. Ông Vi bị giam như vậy trong một tháng biệt giam và một tháng trong phòng giam bình thường, trước khi Lưu ra lệnh rằng ông phải bị “sáu dừng và một hạn chế.”
Ông Vi đã chịu đựng rất nhiều trong 13 năm này, ở trên chỉ là vài ví dụ. Mỗi khi các quan chức cấp cao đến thanh tra, những học viên kiên định hoặc các tù nhân ủng hộ đều bị dấu dưới tầng hầm.
Sau 13 năm giam cầm – khoảng năm tháng trong một trại tạm giam, tiếp đó là 12 năm và năm tháng trong tù – ông Vi đã được thả vào ngày 29 tháng 10 năm 2016.
Bài liên quan:
Ông Vi Xương Phong vẫn bị cầm tù vì phát sóng chương trình về Pháp Luân Công
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/29/396329.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/22/181182.html
Đăng ngày 28-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.