Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 15-11-2019] Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện và thiền định dựa trên nguyên lý cốt lõi Chân-Thiện-Nhẫn và năm bộ công pháp tường hòa. Sau khi được giới thiệu ra công chúng vào tháng 5 năm 1992, với những lợi ích sức khoẻ to lớn, môn tu luyện đã nhanh chóng được hồng truyền trên khắp Trung Quốc.
Đến năm 1999 ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người Trung Quốc đang tu luyện Pháp Luân Công. Chính vì sự phổ biến cực lớn cùng sự hồi sinh văn hoá truyền thống của Pháp Luân Công mà chính quyền cộng sản Trung Quốc đã không ngừng tìm cách để phá hoại và cuối cùng đã phát động cuộc bức hại trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999.
Trong suốt 20 năm qua, có đến 4.363 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã chết do hậu quả trực tiếp của cuộc bức hại. Những học viên này đến từ mọi giai tầng và mọi lứa tuổi trong xã hội. Một số học viên đã bị tra tấn đến chết trong thời gian bị cảnh sát giam giữ, một số người qua đã đời sau nhiều năm bị tra tấn hoặc do những căn bệnh đã mắc từ trong nhà tù hay trại lao động, và một số khác đã qua đời do nỗi sợ hãi và áp lực tinh thần mà họ phải chịu đựng trong suốt cuộc bức hại là quá to lớn.
Trong bài viết này, chúng tôi nhấn mạnh 15 trường hợp các bác sỹ đã bị bức hại đến chết vì đức tin của mình.
Trường hợp 1: Anh Lưu Hải Ba bị tra tấn đến chết do bị chèn dùi cui điện cao áp vào hậu môn
Anh Lưu Hải Ba là bác sỹ X-quang ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996.
Anh Lưu Hải Ba
Năm 1999, anh Lưu bị bắt vì kháng nghị cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh và sau đó anh bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Anh đã bị tra tấn và bị kết án thêm 9 tháng vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Anh Lưu bị bắt lại một lần nữa vào tối ngày 11 tháng 3 năm 2002. Cảnh sát đã đưa anh Lưu và một học viên khác là ông Trương Trung Dư về đồn.
Trong quá trình thẩm vấn, một vài cảnh sát đã lột quần áo của anh Lưu và nhét chiếc dùi cui điện dài nhất vào hậu môn để sốc điện anh và nỗ lực ép anh tiết lộ tên và nơi ở của các học viên khác.
Cảnh sát tiếp tục tra tấn anh đến tận 1 giờ sáng cho đến khi họ phát hiện tim anh ngừng đập. Đến lúc gọi được xe cấp cứu thì anh đã qua đời. Khi đó anh mới 34 tuổi.
Chính quyền tuyên bố anh Lưu đã qua đời vì bị đau tim và đã bí mật hoả táng thi thể của anh. Khi đó con trai của anh chỉ mới ba tuổi.
Trường hợp 2: Anh Lý Tuệ Văn qua đời do bị bức thực
Anh Lý Tuệ Văn là một bác sỹ ở thành phố Dương Tuyền, tỉnh Sơn Tây. Anh bị bắt vào khoảng năm 2002 và bị kết án một năm lao động cưỡng bức.
Anh Lý bị tra tấn tàn bạo ở Trại lao động Tân Điếm, tỉnh Sơn Tây. Anh đã tiến hành tuyệt thực và sau đó bị bức thực. Giữa những lần bức thực, lính canh đã tra tấn anh bằng cách treo cổ tay anh lên giữa hai chiếc giường tầng.
Anh Lý đã qua đời trong một lần bức thực tàn bạo vào ngày 26 tháng 2 năm 2003. Khi đó anh 32 tuổi.
Trường hợp 3: CôĐổng Thúy Phương bị đánh đạp đến chết sau 8 ngày bị cầm tù
Cô Đổng Thúy Phương là bác sỹ phụ khoa ở Bắc Kinh. Năm 2001, cô đã bị bắt cùng với người chồng chưa cưới của mình, anh Thân Văn Kiệt, một phi công, trong khi đang phân phát tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công. Năm 2002, Toà án quận Thuận Nghĩa đã kết án mỗi người năm năm tù.
Ngày 11 tháng 3 năm 2003, cô Đổng bị chuyển tới Nhà tù Nữ Đại Hưng ở Bắc Kinh. Các tù nhân đã bắt cô phải ngồi chéo chân đồng thời trói tay và chân của cô lại. Họ cũng cấm cô ngủ và không cho phép cô sử dụng nhà vệ sinh.
Cô bị đánh đập đến chết chỉ tám ngày sau đó, vào ngày 19 tháng 3 khi mới 29 tuổi. Cơ thể cô đầy vết bầm tím, chân cô bị sưng và tím đen. Các phần phía dưới đầu gối của cô bị dập nát. Trên vai phải của cô, xương và cơ bắp đã bị tách ra.
Cô Đổng Thúy Phương
Trường hợp 4: Anh Lưu Bác Dương bị tra tấn đến chết; thi thể bị ném ra khỏi tòa nhà
Anh Lưu Bác Dương là một bác sỹ X quang tại thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm. Năm 1995, anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cùng với cha mẹ mình.
Anh Lưu Bác Dương
Ngày 16 tháng 3 năm 2002, anh Lưu bị bắt giữ tại nơi làm việc khi cảnh sát nỗ lực tìm kiếm nơi ở của cha mẹ anh. Ngày hôm sau, anh bị đưa đến trại tạm giam Đại Quảng và bị giam giữ ở đó trong 15 ngày.
Thời điểm sau khi được trả tự do, anh Lưu đã bị cảnh sát của Bộ An ninh Quốc gia bắt giam với khuôn mặt anh bị che kín. Cảnh sát đã nhốt anh trong một phòng biệt giam và thẩm vấn anh trong ba ngày.
Anh Lưu bị bắt một lần nữa vào ngày 27 tháng 6 năm 2002. Các nhân viên thuộc Đồn Công an Chánh Dương đã tra tấn anh dưới nhiều hình thức khác nhau, gồm có đánh đập, đá, dùng giày da tát vào mặt, trùm đầu bằng túi nilong và còng cổ tay lại ở sau lưng rồi sau đó treo người lên từ vị trí cổ tay.
Minh hoạ hình thức tra tấn: Bị treo lên trong tư thế hai tay bị trói ngược ra sau lưng
Sau vài phút bị treo lên như thế, hai cánh tay của anh Lưu có cảm giác như thể bị xé toạc ra và anh đổ mồ hôi đầm đìa. Sau khi bị tra tấn, hai bàn tay anh tê cứng khiến anh gặp khó khăn khi cầm nắm bất cứ thứ gì. Phải mất vài tháng anh mới phục hồi được.
Bốn ngày sau khi bị treo lên để tra tấn, anh Lưu bị đưa đến trại tạm giam Thiết Bắc và bị giam giữ ở đó trong bốn tháng.
Ngày 29 tháng 10 năm 2002, anh Lưu bị kết án hai năm lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Triêu Dương Câu.
Ngày nào lính canh cũng bắt anh phải ngồi trên sàn xi măng lạnh như băng, và cấm anh ngủ vào mùa đông. Họ còn liên tục tẩy não anh hòng nỗ lực cưỡng ép anh từ bỏ đức tin.
Trại lao động đã kéo dài thời hạn giam giữ anh trong 47 ngày trước khi thả anh vào tháng 8 năm 2004.
Anh Lưu và mẹ là bà Vương Thủ Tuệ đã bị theo dõi và bị bắt giữ khi đang chuyển tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công cho một học viên khác vào ngày 28 tháng 10 năm 2005. Họ đã bị đưa đến Đồn Công an quận Khoan Thành và bị thẩm vấn tại đó.
Anh Lưu đã bị tra tấn đến chết vào khoảng 8 giờ tối, khi mới 29 tuổi. Cảnh sát đã ném thi thể anh ra khỏi toà nhà.
Vài ngày sau, gia đình anh Lưu mới được thông tin về cái chết của anh và cảnh sát đã tuyên bố anh “có ý định tự tử” và đã nhảy xuống để kết liễu đời mình.
Khám nghiệm tử thi đã được tiến hành theo yêu cầu của gia đình. Kết quả cho thấy đầu anh có ba lỗ do một dụng cụ cùn gây ra, chân và xương sườn bị gãy, trong phổi có máu. Theo phân tích y khoa, ba lỗ trên đầu là nguyên nhân gây ra cái chết của anh.
Sau khi anh Lưu bị giết hại, mẹ của anh bị đưa đến trại tạm giam Số 3 Thành phố Trường Xuân. Bà cũng bị bức hại đến chết vào ngày 11 tháng 11 năm 2005.
Trường hợp 5: Ông Vương Kỷ Bình qua đời vì sinh bệnh trong thời gian bị giam giữ
Ông Vương Kỷ Bình là bác sỹ gây mê tại một bệnh viện quân đội ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 9 năm 1996.
Ông Vương Kỷ Bình
Tháng 7 năm 2001, do ông tu luyện Pháp Luân Công nên bệnh viện nơi ông làm việc đã giam giữ ông ở nhà kho trong một tháng và ép ông thôi việc vào năm 2003. Chứng chỉ hành nghề của ông cũng bị treo.
Ngày 29 tháng 9 năm 2004, ông Vương cùng vợ là bà Triệu Văn Lân đã bị bắt khi đang phân phát thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà của họ.
Trong khi bà Triệu bị giam giữ tại trại tạm giam Bảo Tuyền Lĩnh, ông Vương đã bị nhân viên bệnh viện đưa đi và sau đó bị giam giữ trong một văn phòng ở đó.
Ông Vương đã tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ tuỳ tiện. Lưu Anh Sơn, giám đốc bệnh viện, đã ra lệnh cho năm người lính cưỡng ép tiêm thuốc ngủ cho ông. Họ còn gây mê và tiêm vào tĩnh mạch của ông một loại thuốc lạ.
Lưu ấn mạnh vào cổ họng ông khiến ông gần như bị nghẹt thở.
Trong một lần bức thực, trưởng Phòng 610 địa phương đã đến thẩm vấn ông Vương. Dù ông rất yếu nhưng họ vẫn ra lệnh cho ông Vương phải đứng. Cảnh sát đã tát vào mặt và xô đẩy ông một cách thô bạo.
Sáng ngày 9 tháng 10 năm 2004, ông Vương đã trốn khỏi bệnh viện nhưng rồi lại bị bắt một lần nữa vào ngày 22 tháng 10.
Sau đó ông đã bị kết án ba năm lao động cưỡng bức và bị giam giữ ở một trại tạm giam trong Quân khu Thẩm Dương.
Nhiều nhóm người đã đến gây áp lực để bắt ông Vương phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và phải viết “báo cáo tư tưởng” để lăng mạ Pháp Luân Đại Pháp và nhà sáng lập. Ông liên tục bị bỏ đói và xuất hiện các chứng bệnh cao huyết áp, suy thận và urê huyết.
Tháng 12 năm 2006, ông Vương được trả tự do trước hạn. Ông rất yếu và gần như mù hoàn toàn. Ông buộc phải rút khỏi quân đội và căn hộ ông được cấp đã bị lấy lại.
Do áp lực quá lớn, vợ ông đã ly hôn ông. Cha mẹ và anh em của ông cũng xa lánh ông do chính sách liên lụy của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông Vương trở thành người vô gia cư và phải thường xuyên di trú.
Dưới áp lực nặng nề về tinh thần, thể chất và tài chính, ông đã qua đời trong cảnh đơn côi vào ngày 4 tháng 2 năm 2009, ở tuổi 39.
Trường hợp 6: “Phổi dập nát như miếng bông bị rách”
Cô Trầm Dược Bình là một bác sỹ phụ khoa ở thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam. Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996.
Cô Trầm Dược Bình
Cô Trầm, chồng và con trai đã đến Bắc Kinh sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công. Họ đã giương biểu ngữ in dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 1 tháng 10 năm 2000. Họ đã bị bắt và bị đưa trở lại thành phố Ngọc Khê. Cô Trầm bị kết án ba năm lao động cưỡng bức và bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Đại Bản Kiều, thành phố Côn Minh. Cô được trả tự do vào năm 2003.
Tháng 12 năm 2004, cô Trầm và chồng đã bị cảnh sát quận Hồng Tháp, thành phố Ngọc Kê bắt giữ vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một triển lãm thương mại. Cô bị kết án năm năm tù và bị giam giữ tại Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam.
Cô đã bị biệt giam trong ba năm. Mỗi ngày, cô bị bắt phải ngồi trên một tấm ván cứng trong thời gian ít nhất là 15 giờ và không được phép đứng lên hay đi lại, nếu không cô sẽ bị đánh đập và bị lăng mạ. Các tù nhân sẽ véo cô và dùng kim đâm vào người cô.
Các lính canh chỉ cho phép cô tắm hai tuần một lần và không cung cấp băng vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt của cô.
Cô thường xuyên bị ép uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc mặc dù cô không bị bệnh. Sau khi uống thuốc, cô bị ho không kiểm soát cả ngày lẫn đêm. Nếu cô không chịu uống thuốc, lính canh sẽ cho thuốc vào thức ăn của cô. Tình trạng ho như vậy kéo dài trong suốt tám tháng.
Ngày 11 tháng 5 năm 2009, cô Trầm bị bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện. Ngày hôm đó, bác sỹ đã đưa ra hai thông báo về tình trạng nguy kịch của cô. Nhưng thay vì tiếp tục cho cô được điều trị y tế thì hai ngày sau đó, để tiết kiệm chi phí, chính quyền lại chuyển cô đến một bệnh viện có cơ sở vật chất rất tồi tàn.
Theo yêu cầu mạnh mẽ từ phía gia đình, cô Trầm đã được thả tại ngoại để điều trị y tế vào ngày 15 tháng 5. Khi đó cô quá yếu không thể nói được và đã được đưa đến một bệnh viện lớn hơn và phải đặt máy thở oxy suốt 24 giờ trong ngày.
Cô Trầm Dược Bình trong phòng cấp cứu
Bác sỹ đã nói với gia đình cô rằng phổi của cô đã xuất hiện những lỗ thủng “giống như miếng bông bị rách” và đã quá muộn để điều trị cho cô.
Cô Trầm đã qua đời lúc 11 giờ đêm ngày 16 tháng 7 năm 2009 khi cô 49 tuổi.
Trường hợp 7:Bà Cung Huy qua đời sau khi bị bức thực bằng thuốc độc
Bà Cung Huy là bác sỹ ở Thiên Tân và phải nghỉ hưu sớm vì bệnh tật. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 và đã hết bệnh sau đó vài tháng.
Bà Cung Huy
Ngày 13 tháng 8 năm 2008, bà Cung bị bắt và bị giam giữ tại Đồn Công an quận Nam Khai trong một tháng và bốn ngày. Sau đó, bà bị bắt phải lao động cưỡng bức và bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bản Kiều ở thành phố Thiên Tân vào ngày 17 tháng 9 năm 2008.
Bà Cung ở cùng phòng giam với hai người nghiện ma tuý ở Khu số 1 trong trại lao động cưỡng bức. Bà bị bắt phải đứng trong thời gian dài vì không chịu học thuộc các quy tắc của trại lao động.
Người ta nghi ngờ rằng thức ăn và nước uống của bà đã bị cho thuốc độc, khiến bà tinh thần không ổn định, ánh mắt vô hồn và toàn thân run rẩy. Bà không thể ngủ như bình thường và đi lại trong phòng giam mà toàn thân run rẩy. Trong tình trạng này, bà đã đưa ra tuyên bố từ bỏ đức tin của mình.
Mặc dù chưa có kết luận đối với những chẩn đoán về các triệu chứng của bà, những bà Cũng đã bị ép uống một lượng lớn thuốc gây độc thần kinh và thuốc ức chế thần kinh, mỗi ngày trôi qua bà đều phải sống trong nỗi thống khổ và bấn loạn.
Trong nước uống được cấp cho một số học viên Pháp Luân Công có thể thấy một thứ chất bóng loáng trông như xơ. Sau khi uống nước này, lưỡi của nạn nhân sẽ cảm thấy tê và chảy một ít máu. Lưỡi cũng có cảm giác như thể được quấn bằng dây kim loại. Sau một thời gian, nạn nhân sẽ cảm thấy tê dại khắp người. Toàn thân bà run rẩy, cảm thấy hoảng loạn và khó thở dẫn đến khó kiểm soát bản thân và giữ bình tĩnh.
Bà Cung được đưa về nhà vào ngày 4 tháng 12 năm 2009, mười tháng sau khi bà trở nên bất ổn về tinh thần. Bà đã qua đời 22 ngày sau đó khi ở tuổi 57 tuổi.
Trường hợp 8: Bác sỹ Trung Y Đỗ Quyên qua đời vì ung thư giai đoạn cuối trong tù
Bà Đỗ Quyên là bác sỹ y học cổ truyền tại Bắc Kinh. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà đã bị kết án lao động cưỡng bức một lần và bị kết án tù hai lần. Bà đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn trong thời gian bị giam giữ.
Bà Đỗ Quyên
Trong thời gian thụ án ba năm tại Nhà tù Nữ Bắc Kinh từ năm 2005 đến 2008, bà Đỗ bị theo dõi nghiêm ngặt trong một năm. Bà không được ngủ và bị bắt phải đứng hoặc ngồi yên trong nhiều giờ đồng hồ. Chân và đùi của bà bị sưng do bị ngược đãi.
Minh hoạ cảnh tra tấn: Ngồi trên ghế nhỏ trong thời gian dài
Lính canh Lưu Nghênh Xuân đã xúi giục tù nhân Trương Bình đánh đập bà Đỗ. Xương cụt của bà bị rỉ mủ do bị tù nhân đánh đập. Toàn thân bà đầy vết bầm tím. Tuy vậy, trong tình trạng đó, bà vẫn bị bắt phải lao động nặng nhọc.
Ngày 6 tháng 5 năm 2010, bà Đỗ lại bị bắt một lần nữa và bị đưa đến trại tạm giam Triêu Dương. Sau đó, bà bị kết án ba năm tù và bị đưa đến Nhà tù Nữ Bắc Kinh một lần nữa.
Bà Đỗ phát bệnh ung thư vú trong khi phải chịu đựng những ngược đãi tàn khốc trong tù. Căn bệnh nhanh chóng tiến triển thành ung thư giai đoạn cuối. Gia đình bà đã nhiều lần yêu cầu cho bà được tại ngoại để điều trị y tế nhưng các chức trách nhà tù vẫn không chịu thả bà.
Bà Đỗ qua đời vào ngày 14 tháng 6 năm 2011, ở tuổi 57. Bà ra đi bỏ lại một người con trai bị thiểu năng trí tuệ và người cha già đã 90 tuổi và là một bác sỹ quân đội đã nghỉ hưu.
Trường hợp 9: Bà Tương Thúy Bình qua đời sau nhiều năm bị sách nhiễu
Bà Tương Thúy Bình là một bác sỹ đã nghỉ hưu của Đại học Công nghệ Hợp Phì. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1993.
Bà Tương Thúy Bình
Bà Tương bị bắt lần đầu tiên vào ngày 5 tháng 12 năm 1999 vì đã kháng nghị cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh. Bà bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não trong 10 ngày.
Bà đã bị bắt giữ thêm hai lần nữa, một lần vào ngày 28 tháng 9 năm 2007 và một lần khác vào ngày 21 tháng 5 năm 2008.
Bà Tương đã bị bắt giữ lần thứ tư vào ngày 23 tháng 7 năm 2012 vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một phiên chợ địa phương. Bà đã được thả cùng ngày.
Trong vài tháng tiếp theo, cảnh sát và nhân viên của Đại học Công Nghệ Hợp Phì đã thường xuyên đến nhà để sách nhiễu bà.
Bà Tương trở nên suy sụp, sợ hãi và lo lắng cả ngày lẫn đêm. Sức khỏe của bà suy giảm và bà được phát hiện mắc bệnh ung thư phổi vào tháng 10 năm 2012.
Ngày 22 tháng 11 năm 2012, hơn mười cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà, cưỡng chế khiêng bà xuống cầu thang và tống bà vào xe cảnh sát. Bà bị đưa thẳng đến trung tâm tẩy não được do Phòng 610 Thành phố Hợp Phì vận hành.
Dưới áp lực tàn khốc từ cuộc bức hại, bà Tương đã qua đời vào ngày 2 tháng 2 năm 2013 ở tuổi 74 tuổi.
Trường hợp 10: Ông Tạ Sỹ Lương qua đời sau 9 năm trong tù
Ông Tạ Sỹ Lương là một bác sỹ ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1996.
Ông Tạ nổi tiếng về kỹ năng y khoa và sự chính trực ở ngay chính làng ông cũng như các vùng lân cận. Có lần, một nông dân lớn tuổi đã đưa một tờ tiền giả mệnh giá 50 nhân dân tệ để thanh toán hóa đơn mà bản thân ông ấy cũng không biết đó là tiền giả. Ông Tạ nhận thấy rằng để một người đàn ông lớn tuổi như vậy kiếm đủ tiền số tiền này thì thật khó khăn, vì vậy ông đã nhận tờ tiền mà không nói gì cả. Sau khi người nông dân rời đi, ông đã xé tờ tiền giả đó.
Ông Tạ Sỹ Lương
Chỉ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công mà ông Tạ đã bị bắt, bị lục soát nhà, bị đánh đập, bị giam giữ và bị tẩy não.
Ông Tạ bị bắt lần đầu tiên vào ngày 12 tháng 5 năm 2001. Cảnh sát đá và đẩy ông xuống đất khi ông yêu cầu được xem chứng minh thư cảnh sát của họ. Cảnh sát Lưu Trạch Côn đã dùng đầu gối ghì ông Tạ xuống rồi bóp cổ ông.
Sau đó, ông Tạ bị đưa đến đồn công an và bị giam giữ 15 ngày trong một trại tạm giam. Ông không được ngủ và bị bắt phải đứng quay mặt vào bức tường trong nhiều giờ đồng hồ.
Ông Tạ bị bắt một lần nữa tại nhà riêng vào ngày 2 tháng 4 năm 2002. Ông bị đưa đến một trung tâm tẩy não trong vài ngày rồi sau đó bị đưa đến trại tạm giam Vũ Tiến.
Ngày 27 tháng 5 năm 2002, ông đã bị bắt lần thứ ba và sau đó bị đưa đến một trại tạm giam. Ngày 29 tháng 11 năm 2002, ông đã bị kết án bí mật 10 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Tô Châu.
Tại Nhà tù Tô Châu, ông Tạ bị bắt phải lao động chân tay khiến tay ông bị thương. Vì từ chối việc bị tẩy não, ông đã bị biệt giam trong một thời gian dài.
Năm 2006, do bị dụ dỗ sẽ được giảm án mà các tù nhân đã đánh đập tàn bạo ông Tạ. Ngực ông bị đau trong vài tháng và ông bị rụng hết răng. Do bị tra tấn liên tục, ông đã nôn ra máu do xuất huyết nội và phải đưa đi cấp cứu.
Các quan chức nhà tù liên tục từ chối yêu cầu của gia đình ông Tạ cho ông được thả tại ngoại để điều trị y tế. Cuối cùng ông Tạ đã được thả vào cuối năm 2010 vì họ sợ rằng ông có thể sẽ chết trong tù. Lúc đó ông chỉ còn da bọc xương.
Khi ông Tạ được thả, các quan chức tư pháp thường xuyên đột nhập vào nhà ông và sách nhiễu ông. Ông đã qua đời vào ngày 23 tháng 6 năm 2012 ở tuổi 68.
Trường hợp 11: Ông Triệu Bân bị đánh đập đến chết tại Nhà tù Thượng Hải
Ông Triệu Bân là một bác sỹ tại Bệnh viện Nhà tù Duy Phường tỉnh Sơn Đông. Trong thời gian làm việc tại bệnh viện, ông luôn đối xử tốt với các lính canh và tù nhân và được mọi người tôn trọng. Ông đã đăng các bài viết trên các tạp chí và nhận được một số giải thưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đời, ông mắc bệnh ung thư. Trong khi tuyệt vọng, ông đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và đã nhanh chóng phục hồi.
Ông Triệu Bân
Tháng 7 năm 1999, ông Triệu Bân đã đến Bắc Kinh để kháng nghị cho Pháp Luân Công. Ông đã bị bắt, bị tẩy não và bị đuổi việc. Ông phải làm công việc bốc dỡ tại một công ty vận chuyển để duy trì cuộc sống. Sau đó ông làm việc cho một công ty tại Thượng Hải.
Ông Triệu bị bắt vào lúc 9 giờ tối ngày 27 tháng 4 năm 2012. Ngày 11 tháng 7 năm 2013, Toà án quận Trường Ninh đã kết án ông Triệu bốn năm tù.
47 ngày sau khi ông bị đưa đến Nhà tù Đề Lam Kiều, ông đã bị các tù nhân đánh đập đến chết vào ngày 19 tháng 10 năm 2013. Thi thể của ông đã nhanh chóng được hoả táng vào ngày 24 tháng 10 năm 2013. Khi đó ông 58 tuổi.
Trường hợp 12: Bà Hoàng Văn Cầm chết do bị ngược đãi trong khi bị giam giữ
Bà Hoàng Văn Cầm là dược sỹ trưởng tại Bệnh viện Thanh An, thành phố Lật Dương, tỉnh Giang Tô. Bà đã liên tục bị bức hại từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.
Ngày 3 tháng 6 năm 2010, bà Hoàng đã bị bắt tại nơi làm việc. Bà bị đưa đến trại tạm giam Lật Dương vào gày 5 tháng 7 năm 2010 và bị kết án một năm lao động cưỡng bức.
Trong thời gian thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tỉnh Giang Tô, bà bị bắt phải đứng dưới ánh nắng mặt trời nóng bức vào mùa hè và không được uống nước hay sử dụng nhà vệ sinh. Nhiều lúc việc tra tấn này kéo dài đến tận nửa đêm. Bà trở nên hốc hác trong chưa đầy một tháng, cân nặng của bà giảm xuống chỉ còn 40 kg.
Chỉ hai năm sau khi bà được trả tự do, bà Hoàng bị bắt một lần nữa vào ngày 8 tháng 11 năm 2013. Bà bị đưa đến trại tạm giam Thường Châu vào ngày hôm sau, ở đó bà đã bị ngược đãi thân thể, gồm bị bắt mang xiềng, bị đánh đập, bị kéo lê trên mặt đất và bị giật tóc.
Năm tháng sau, bà Hoàng xuất hiện triệu chứng của nhiều bệnh, gồm có chứng urê huyết, cao huyết áp và thiếu máu. Bà đã không được điều trị y tế cho đến khi bà rơi vào tình trạng rất nguy kịch.
Bà Hoàng đã bị Tòa án Lật Dương kết án bốn năm tù vào ngày 4 tháng 4 năm 2014.
Sáu tháng sau, ngày 22 tháng 10, bà đã qua đời ở tuổi 46.
Trường hợp 13: Bác sỹ Trung Y kỳ cựu qua đời trong nhà tù
Ông Vương Kế Quý là một bác sỹ Trung Y tại thành phố Dương Tuyền, tỉnh Sơn Tây. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Ông đã làm việc cần mẫn và giúp đỡ nhiều người gặp khó khăn. Ông từ chối nhận bất kỳ món quà nào từ bệnh nhân. Khi một bệnh nhân trả hoá đơn điện thoại của ông để tỏ lòng biết ơn, ông đã gửi tiền lại cho họ.
Ông Vương Kế Quý
Ngày 18 tháng 7 năm 2012, ông Vương đã bị bắt và bị giam giữ 15 ngày trong trại tạm giam Dương Tuyền. Ông bị bắt một lần nữa vào ngày 4 tháng 8 năm 2014 và bị đưa đến trại tạm giam huyện Bình Định.
Ngày 4 tháng 2 năm 2015, ông bị Toà án huyện Bình Định kết án ba năm tù và bị đưa đến Nhà tù Tấn Trung ở tỉnh Sơn Tây vào ngày 14 tháng 5 năm 2015.
Ngày 2 tháng 6 năm 2016, gia đình của ông Vương được thông báo rằng ông đã qua đời trong bệnh viện. Gia đình thắc mắc không hiểu nguyên do gì gây ra cái chết đột ngột của ông vì ông vừa mới gọi điện cho họ sáu ngày trước và dường như lúc đó ông vẫn ổn.
Giấy chứng tử của ông Vương đã ghi “nhiễm trùng máu” là nguyên nhân của cái chết, nhưng gia đình ông không được nhận được bất kỳ kết quả khám nghiệm tử thi nào. Thi thể của ông được hoả táng vào ngày 8 tháng 6. Ông qua đời ở tuổi 59.
Trường hơp 14: Bà Trần Xuân Mỹ chết sau nhiều năm bị bức hại
Bà Trần Xuân Mỹ là y tá trưởng tại Bệnh viện Nhi đồng Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô. Tháng 7 năm 199, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và đã khỏi nhiều bệnh khác nhau chỉ sau ba tháng tu luyện.
Bà Trần Xuân Mỹ bị bốn cảnh sát mặc thường phục truy đuổi vào ngày 30 tháng 9 năm 2000 trong khi bà hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Trong suốt cuộc bức hại, bà Trần đã một lần bị kết án lao động cưỡng bức, sáu lần bị đưa đến các trung tâm tẩy não và mười lần bị lục soát nhà.
Sau khi bị bắt vào ngày 20 tháng 4 năm 2012, bà đã bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Nam Kinh và bị ép uống thuốc không rõ nguồn gốc. Bất chấp tình trạng suy yếu của bà, bà vẫn bị chuyển đến một trung tâm tẩy não 36 ngày sau đó và bị giam giữ tại đó thêm 40 ngày. Bà đã giảm một phần ba trọng lượng cơ thể, từ 60 kg xuống còn khoảng 40 kg.
Ngày 20 tháng 11 năm đó, bà bị kết án một năm lao động cưỡng bức, nhưng được lệnh thụ án treo bên ngoài trại lao động.
Sau khi trở về nhà, sức khoẻ của bà Trần liên tục xấu đi do sự suy sụp tinh thần dưới áp lực của cuộc bức hại và độc tính của các loại thuốc mà bà bị ép uống. Bà đã qua đời vào ngày 24 tháng 12 năm 2016 ở tuổi 62.
Trường hợp 15: Sau hơn 30 lần bị bắt và bị giam giữ, bà Vương Bình đã qua đời vì bị bức hại
Bà Vương Bình là bác sỹ tại Trạm Y tế và Phòng Chống dịch bệnh huyện Ngũ Hà, tỉnh An Huy. Năm 1998, bà đã bước vào tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Vương bị bắt hơn 30 lần và bị giam giữ trong các trại tạm giam, trung tâm tẩy não, bệnh viện tâm thần, trại lao động cưỡng bức và nhà tù.
Bà đã bị tra tấn trong các lần bị giam giữ. Sau khi được ra tù vào ngày 5 tháng 5 năm 2015, sức khỏe bà Vương vô cùng yếu. Bà tiếp tục bị sách nhiễu và bị đưa đến một bệnh viện tâm thần, ở đó bà bị tiêm nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc. Sức khỏe của bà xấu đi và bà không thể tự chăm sóc bản thân. Bà Vương qua đời vào tháng 5 năm 2017, ở tuổi 53.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/15/395797.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/2/180933.html
Đăng ngày 12-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.