Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại lục

[MINH HUỆ 03-9-2018] Sư tôn giảng rõ:

“Tâm oán hận ấy, chính là dưỡng thành [từ] việc thích nghe điều dễ nghe, thích [gặp] chuyện vừa ý, nếu không bèn oán hận. Mọi người nghĩ đi, thế là không được đâu, tu luyện không thể tu như thế. Tôi vẫn luôn giảng rằng, người tu luyện phải xoay ngược lại nhìn vấn đề, khi chư vị đụng phải chuyện không tốt thì chư vị coi đó là hảo sự, là đến để đề cao chư vị, [ví như] ‘Con đường này ta cần bước đi cho tốt’, ‘Đây lại cần vượt quan nữa rồi’, ‘[Việc cần] tu luyện đến rồi’. Khi chư vị gặp hảo sự thì chư vị nghĩ, ‘Ái chà, mình chớ cao hứng quá, [gặp] việc vừa ý không đề cao lên được, còn dễ rớt xuống’. Tu luyện mà, chư vị phải xoay ngược lại nhìn vấn đề. Giả sử khó khăn tới, chuyện bất hảo tới, [mà] chư vị nhất loạt bài xích hết, chắn hết, thì chư vị là đang từ chối vượt quan [khảo nghiệm], chư vị là cự tuyệt tiến lên trên; đúng không? [Đương nhiên] những thứ bức hại là chuyện khác.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Gần đây, khi học đoạn Pháp này của Sư tôn, tôi mới chú ý và coi trọng việc tu bỏ tâm oán hận. Tôi cảm thấy có chút kỳ quái, vì sao trước kia học Pháp tôi không hề có một chút ấn tượng nào nhỉ, cứ như thể đây là lần đầu tiên đọc thấy đoạn Pháp giảng về tâm oán hận. Thời gian trước, tôi có đọc các bài chia sẻ thể hội liên quan đến việc tu bỏ tâm oán hận của đồng tu đăng trên Minh Huệ Net, nhưng lại cảm thấy không có quan hệ gì tới mình, chỉ xem lướt qua cho có, cũng không để tâm.

Có thể là đã đến lúc tôi phải loại bỏ chủng tâm này, nên ngày hôm qua, khi đọc tới đoạn Pháp này một lần nữa, tôi không khỏi động tâm, vì vậy, tôi dừng lại và đọc đi đọc lại, lập tức cảm nhận được rằng Sư tôn dù không dùng nhiều từ ngữ để giảng, nhưng nội hàm rất sâu xa, mỗi câu tựa như chùy nặng đập vào tâm tôi. Tôi vừa đọc vừa truy xét tìm trong bản thân. Khi tôi có ý định muốn viết ra quá trình phát hiện ra tâm oán hận của bản thân, thì lúc ngủ trưa tôi liền nằm mơ.

Trong giấc mơ, tôi thấy có một người đang lục lọi để tìm kiếm đồ đạc của chồng tôi. Tôi biết ông ấy, ông ấy là đồng nghiệp tốt của chồng tôi (trưởng phòng bảo vệ). Ông ấy vừa tìm vừa hỏi chồng tôi, chồng tôi trả lời tất cả mọi câu hỏi, ngay cả khi uống trà và thuốc ông ấy cũng vẫn hỏi chồng tôi. Vì ông ấy cứ hỏi mãi nên tôi ngày càng cảm thấy khó chịu, không nhẫn được nữa bèn bảo ông ấy: “Ai cũng có lúc được như ý, có lúc không may mắn mà thất thế, khi đến lượt mình, thì hỏi người khác sẽ [đối xử với mình] thế nào đây?”

Tỉnh dậy tôi nghĩ: Thì ra là tâm bất mãn mạnh mẽ cũng chính là tâm oán hận. Bất mãn vì những gì xảy ra với bản thân sẽ sinh ra tâm oán hận; bất mãn vì những gì xảy ra với người khác (nghe hoặc thấy) cũng sẽ dẫn khởi tâm oán hận. Vậy thì cả đời này không biết tôi có bao nhiêu lần sinh tâm oán hận đây! Có lúc tôi nhận ra có lúc cũng không nhận ra nó, chứ chưa nói đến việc tu bỏ. Cảm tạ Sư tôn từ bi điểm hóa!

1. Tìm căn nguyên của tâm oán hận

Ở Trung Quốc Đại lục hiện nay, tâm oán hận của con người cực kỳ phổ biến, mạnh mẽ, dường như đã trở thành một chủng tính cách đặc trưng của dân tộc. Việc này có hai nguyên nhân: Một là tà linh tà đảng dùng thủ đoạn đấu tranh giai cấp và tăng cường truyền bá văn hóa đảng tà ác mà tạo thành. Thông qua nhiều lần vận động chính trị đã cưỡng ép rót vào người ta một tầng vật chất “hận”. Hai là tà linh tà đảng hủy diệt văn hóa Thần truyền thông Thiên, dưới sự thống trị chuyên chế độc tài hoang ngôn của chính quyền tàn bạo, đạo đức xã hội không ngừng tuột dốc, con người ăn, uống, mặc, ở, làm, thở, cùng các nhu yếu phẩm sinh tồn khác, đều là hàng độc hại, hàng giả kém chất lượng. Dẫn tới tình huống là bảo chứng tối thiểu nhất của sinh mệnh cũng mất đi, mà lại không có năng lực chạy thoát, trốn tránh khỏi hoàn cảnh sinh tồn, xã hội như vậy. Do đó mỗi người đều sinh tâm oán hận, oan oan tương báo. Người hại mình, mình hại người, người người làm hại lẫn nhau, toàn xã hội đều bị bao phủ trong bầu không khí oán hận dày đặc.

Đệ tử Đại Pháp đại Đại lục sinh sống trong đó, cũng khó tránh bị tiêm nhiễm. May thay chúng ta có Sư tôn và Đại Pháp, dùng Đại Pháp để không ngừng thanh tẩy bản thân. Khi phát hiện bản thân có tâm oán hận, cần lập tức trừ bỏ nó, tuyệt đối không cấp cho nó không gian để sinh tồn.

2. Biểu hiện của tâm oán hận

Tâm oán hận bao gồm hai chủng tâm thái, tình cảm là oán và hận. Oán là trách cứ, bất mãn, chỉ trích; hận là căm thù. Oán hận là bất mãn hoặc thù hận đối với người hay sự vật một cách mãnh liệt, hoặc là vì oán mà sinh hận. Oán hận thì trong tâm thường có ít nhiều sự giận giữ, căm tức, thù hằn, đố kỵ, ganh ghét,… Tâm oán hận có thể khiến sinh ra tâm tranh đấu, khơi mào tâm tật đố. Tâm oán hận lại có liên hệ mật thiết với danh lợi tình. Nó cũng có quan hệ với sự cao hứng: thỏa mãn thì cao hứng, không thỏa mãn thì oán hận; đạt được thì cao hứng, không đạt được thì oán hận; phù hợp với tâm nguyện của bản thân thì cao hứng, không phù hợp thì liền oán hận; vừa ý thì cao hứng, không vừa ý thì oán hận; đạt được mục đích thì cao hứng, không đạt mục đích liền oán hận; v.v,… rất nhiều, không thể vài dòng mà nói hết được.

Với người Trung Quốc Đại lục hiện nay mà nói thì dục vọng quả thực là đã quá nhiều, khi những dục vọng này không được thỏa mãn thì sinh ra oán hận. Ở đâu, lúc nào thì oán hận cũng đều có thể được sản sinh và lên men.

Sư phụ giảng:

“Nhân nhân tương kiến như địch,
Sự sự đô nan như ý.”

Diễn nghĩa:

“Người người coi nhau như kẻ thù,
Mọi việc diễn ra chẳng mấy được như ý.” (Ma biến, Hồng Ngâm).

Trong gia đình, ngoài xã hội, giữa hàng xóm láng giềng với nhau, giữa những người thân thích với nhau cũng đều khó tránh khỏi sinh tâm oán hận.

3. Tu bỏ tâm oán hận

Tôi sinh ra vào đúng năm tà đảng soán quyền lực chính trị. Phàm là học, đọc, học thuộc, hát, múa, hô hào, nói, làm, thì những gì có thể tiếp xúc đến đều là những thứ này thứ kia của tà đảng, văn hóa truyền thống chân chính căn bản là tôi không biết. Bản tính trời sinh của tôi là thích đọc sách, nhưng những thứ đọc được đều toàn là các tác phẩm văn nghệ ca ngợi tà đảng, nên bị nhiễm độc rất sâu văn hóa đảng tà ác. Nhất là trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, hễ mở miệng ra là tiếp xúc với những thứ mà tà đảng rót vào. Tà đảng quán sâu vào tư tưởng, thân thể tôi tầng vật chất “hận” kia, cho đến nay tôi vẫn chưa thanh trừ hết chúng, có những lúc dường như đã trở thành một phần trong sinh mệnh nên không ý thức được, đã thành thói quen mất rồi. Tập quán tư duy, hành vi, cùng với tư duy dập khuôn, tất cả đều mang theo những thứ của văn hóa đảng rất mạnh mẽ và đậm đặc, phải làm sao đây?

Sư tôn đã mở lối cho chúng ta: “Chỉ cần chư vị học, thì vấn đề gì cũng có thể giải quyết; chỉ cần chư vị tu, chỉ cần chư vị có thể trong Pháp mà nhận thức Pháp, thì không gì là không thể.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Florida ở Mỹ quốc [2001], Giảng Pháp tại các nơi II)Vì vậy, tôi quyết tâm từ giờ phải làm được mấy phương diện sau:

(1) Học Pháp nhiều, dùng Pháp thanh trừ văn hóa đảng của bản thân

Là người tu luyện thì chỉ có học Pháp cho nhiều. Sư phụ giảng:

“Chủng đặc tính Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn để nhận định tốt và xấu trong vũ trụ. Thế nào là tốt, thế nào là xấu? Chính là dùng Nó {Chân Thiện Nhẫn} mà xác định.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Và:

“Là người tu luyện, phải chiểu theo tiêu chuẩn này của vũ trụ mà yêu cầu chính mình, không thể chiểu theo tiêu chuẩn của người thường mà đặt yêu cầu cho mình được. Nếu chư vị muốn phản bổn quy chân, chư vị muốn tu luyện lên trên, thì chư vị cần chiểu theo tiêu chuẩn ấy mà làm. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Làm theo lời dạy của Sư phụ, tôi liền đối chiếu với Chân – Thiện – Nhẫn để tu bản thân; dùng Chân – Thiện – Nhẫn mà đo lường tốt và xấu. Tôi chiểu theo tiêu chuẩn này mà làm, mà tu, liền có thể thanh trừ đi văn hóa đảng của bản thân, đề cao lên.

Tâm oán hận sinh ra là vì không phù hợp với tâm nguyện của bản thân, mãi cứ cho rằng người khác không đúng, bản thân đúng, là hướng ngoại mà xem xét vấn đề, từ đầu đến cuối đều chỉ toàn là độc tố to lớn của tà đảng, là ác. Không làm được Thiện và Nhẫn, càng không thể nói đến Chân. Chỉ ưa nghe lời dễ nghe, hễ ai nói lời khó nghe thì liền sinh tâm oán hận. Ví như, có lần khi đang đi xe buýt, tôi đã nhường ghế cho người khác, người đó cười vui vẻ và nói “Cảm ơn, bạn thật tốt quá.” Trong tâm tôi liền đắc ý. Nhưng nếu như người đó không nhìn tôi, không nói câu nào mà ngồi xuống, trong tâm tôi liền cảm thấy khó chịu: “Người gì mà ngay đến một lời cảm ơn cũng không nói được.” Khi mua đồ, nhiều người xếp hàng nên sốt ruột, nếu có người chen ngang vào hàng, tôi liền thấy khó chịu và sinh tâm oán hận.

Còn có lần, tôi giảng chân tướng cho một người lao động nhập cư, sau khi anh ấy vui vẻ thoái xuất khỏi tổ chức Đoàn, Đội của tà đảng, tôi thấy anh ấy đi giày vải và các đầu ngón chân đều hở ra, quần áo thì cũ đến mức nhìn không biết là màu gì nữa, tôi nói rằng hai hôm nữa sẽ mang quần áo và giày (cũ) đến cho anh ấy, và anh ấy đã đồng ý. Khi tôi mang quần áo và giày đến cho anh ấy mặc thử, rất vừa vặn, anh ấy vui mừng mặt mày hớn hở. Tôi lại giúp anh ta gấp quần áo, bỏ giày vào trong túi, đưa cho anh ấy, anh bèn nhận lấy và mà không nói một lời cảm ơn, quay đi làm việc, bỏ mặc tôi đứng đó, không để ý gì tới tôi. Mấy ngày kế tiếp, hình ảnh đó cứ hiện lên rõ mồn một trước mắt tôi, đủ thấy tâm oán hận của tôi rất lớn.

Sự việc dạng này rất nhiều. Kỳ thực đều là ảnh hưởng của độc tố do văn hóa đảng tà ác truyền vào, nào là tùy mặt gửi lời; cưỡng ép người ta ca ngợi công đức, hát bài hát ca tụng; người không phạm ta, ta không phạm người, người mà phạm ta, ta tất sẽ phạm người; không chỉ thể hiện ra trên thân thể, ngôn ngữ, mà còn thể hiện trong tư tưởng. Kỳ thực “vật chất và tinh thần chúng là nhất tính” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân). Thanh trừ độc tố và ảnh hưởng của văn hóa đảng tà ác của bản thân, khiến tâm oán hận không có nơi bám víu và sinh tồn, ắt khô hạn mà chết.

(2) Cải biến quan niệm người thường, từ góc độ người tu mà xem xét vấn đề

Lý của người thường là phản đảo lại. Người thường vui mừng khi gặp chuyện tốt, hận vì ngày ngày không thể đắc hảo sự. Có chuyện tốt, khoa chân múa tay vui sướng, còn muốn tổ chức ăn mừng. Người luyện công không như vậy, hảo sự đối với người luyện công mà nói thì chưa chắc đã thật sự là việc tốt. Hảo sự nhiều thì không cách nào tu luyện được, không tiêu nghiệp được, không vượt quan được, đi hết một đoạn đường dài cuối cùng công không tăng, vậy viên mãn thế nào đây? Ngay cả đúng là hảo sự đi nữa, thì cũng không thể cao hứng giống như người thường, cao hứng chẳng những không đề cao được mà còn dễ bị rớt xuống. Trong “Chuyển Pháp Luân” Sư phụ đã lấy ví dụ về một người tu thành La Hán, vì cao hứng mà bị rớt xuống, để mọi người khắc cốt ghi tâm.

Người thường thấy rằng bị tổn thất là chuyện xấu, không ai muốn bị thua thiệt cả, đều muốn chiếm lợi. Với người luyện công thì chịu thiệt lại là phúc, là hảo sự, không những không mất đức mà lại còn gia tăng đức, bảo toàn đức, tăng công. Chiếm tiện nghi thì sẽ thất đức, gia tăng nghiệp lực, mà nghiệp lực thì phải chịu khổ mới có thể tiêu đi, nên ai ai cũng đều không muốn chiếm lợi. Trong “Chuyển Pháp Luân” Sư tôn đã giảng ví dụ về một người để tu tới quả vị La Hán phải chịu bao nhiêu tổn thất nhưng vẫn vui vẻ, coi như không. Vì sao ông không để bụng, còn vui vẻ nữa? Vì ông ấy đắc được thứ tốt đẹp nhất – Đức. Vậy nên, với người tu luyện thì lại xem việc bất hảo là hảo sự, tiêu nghiệp, vượt quan, hướng nội tìm, đề cao tâm tính, cuối cùng tu luyện vượt quan, người tu luyện chẳng phải là muốn thứ này sao? Vậy nên, người tu luyện cần phải biến quan niệm người thường thành chính niệm (thần niệm), đối với tâm oán hận thì nhất định phải giải quyết tận gốc, dập tắt lửa, không để sinh sôi.

(3) Sư tôn giảng:

“Tôi còn muốn bảo chư vị, bản tính thực chất từ trước của chư vị được kiến lập trên cơ sở vị ngã vị tư, từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã,” (Phật Tính Vô Lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tâm oán hận chính là tự tư tự ngã, chấp trước tự ngã, xem mình là trung tâm, chỉ muốn cải biến người khác, không muốn cải biến bản thân. Cốt lõi của tâm oán hận chính là chấp trước vào danh lợi tình. Vậy nên chúng ta hãy làm ngược lại, hãy xem nhẹ, trừ bỏ danh lợi tình. Chân – Thiện – Nhẫn là pháp lý tu luyện, phải thiện đãi người khác, ở đâu cũng nghĩ cho người khác trước, hướng nội tìm vô điều kiện, tu bản thân, cải biến tận gốc, từ chỉ biết mình mà tu thành vô tư vô ngã, chính Pháp chính Giác tiên tha hậu ngã. Cũng không để không gian cho tâm oán hận sinh sôi, không còn chỗ đứng cho nó nữa.

Trên đây là thể hội của cá nhân, có chỗ nào không phù hợp với Pháp, mong đồng tu từ bi góp ý.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/3/373244.html

Đăng ngày 25-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share