Bài viết của một đệ tử Đại Pháp Đại Lục (hiện đang du học ở nước ngoài)

[MINH HUỆ 25-7-2018] Trước khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, nhà hàng xóm của bà ngoại tôi là một điểm luyện công. Dì tôi là một học viên Đại Pháp. Một lần, dì đã dẫn tôi tới đó, khi đó tôi khoảng sáu tuổi. Tôi đã quên hết những sự việc cụ thể ở điểm luyện công, chỉ có một chuyện đến giờ tôi vẫn nhớ rõ: Lúc đó ở điểm luyện công bật video giảng Pháp của Sư phụ, phông nền màu xanh lam và hình ảnh Sư phụ là điều tôi vĩnh viễn ghi nhớ. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Sư phụ.

Đáng tiếc khi đó tôi đã không trở thành một đệ tử Đại Pháp. Tôi thường nghĩ nếu mình bắt đầu tu luyện từ ngày đó thì tốt biết bao; bản thân sẽ không dưỡng thành nhiều thói hư tật xấu trong người thường. Thật may mắn, đến năm 2008 khi đang học trung học, tôi đã trở thành một đệ tử Đại Pháp thực sự.

Cảm giác lúc mới đắc Pháp là vô cùng vinh hạnh, cảm thấy lúc đó không gì có thể ngăn cản tôi dũng mãnh tinh tấn. Lúc đó tôi không hiểu biết gì về tu luyện; điều duy nhất tôi biết là đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Khi đọc đến phần Sư phụ nói về năm bộ công pháp, tôi nhận ra rằng mình chưa biết luyện công. Ngay lập tức, tôi đi đến nhà bà ngoại và nói chuyện với phụ đạo viên.

Ngày hôm sau, tôi vội vã đến nhà của phụ đạo viên. Đồng tu đó bận đến nhà con trai chưa kịp về, nhưng tôi không hề thất vọng, ngồi ôm sách dạy luyện công của Sư phụ chờ ở trước cổng nhà đồng tu. Đó là một ngày mùa thu, mưa thu bắt đầu rả rích, tôi đứng chờ dưới mái hiên nhỏ ở cổng nhà ngắm nhìn lá cây bị thổi bay trong gió, ngẩng đầu nhìn bầu trời, không biết vì sao chỉ mỉm cười hạnh phúc. Cảm giác thù thắng mỹ hảo lúc đó thật tuyệt vời và khó quên. Buổi trưa, tôi xem video Sư phụ hướng dẫn luyện công. Tôi cũng dần dần bắt đầu hiểu được những việc mà một học viên cần phải làm.

Mặc lúc đó mới đắc Pháp nhưng tôi không sợ gì cả, chỉ một lòng muốn tu luyện và làm theo những điều Sư phụ yêu cầu, luôn mong chờ đến cuối tuần đến nhà đồng tu học Pháp trao đổi. Thậm chí tôi còn tự viết một bức thư giảng chân tướng, nhờ đồng tu gửi lên Minh Huệ Net. Lúc đó không gì có thể ngăn cản sự hăng hái của tôi.

Tuy nhiên, thời gian trôi qua, không biết từ lúc nào tôi dần dần trở nên lười biếng. Cảm giác hưng phấn lúc mới đắc Pháp dần dần biến mất, viện lý do để không học Pháp, luyện công và giảng chân tướng. Có những lúc lấy hết dũng khí để tới giảng chân tướng cho bạn học. Tuy nhiên, vì bản thân không kiên trì học Pháp, chính niệm không đủ, không thể thuyết phục đối phương làm tam thoái. Tôi tự nhủ mình không thích hợp với việc giảng chân tướng, chờ đến khi có thời gian học Pháp tốt rồi lại tiếp tục giảng chân tướng.

Nhưng mà tôi dường như chẳng bao giờ có thời gian, cuối tuần có thời gian thì cũng tìm các lý do để không học Pháp luyện công, sau đó lại thoái thác để ngày mai học Pháp luyện công. Kết quả là ngày mai lại “để ngày mai”, trì hoãn qua đi, cứ như vậy tuần hoàn ác tính, không học Pháp, không luyện công, chính niệm không mạnh, hiệu quả giảng chân tướng cũng không tốt.

Ngoài ra, vì học Pháp không tốt nên đương nhiên những sự việc trong xã hội người thường cũng làm không tốt. Ở trường tiểu học, tôi là một trong những học sinh đứng đầu, cảm thấy học tập thật dễ dàng và vui vẻ. Đến trung học, nhất là đầu cấp hai sau khi đắc Pháp, thành tích còn cao hơn và tôi được đề cử làm lớp trưởng. Lên đến cấp ba, vì thành tích ưu tú nên tôi được miễn thi và được chuyển đến lớp thực nghiệm tốt nhất trong thành phố.

Nhưng từ khi bắt đầu học cấp ba, tôi lại bắt đầu lười biếng, không để tâm đến tu luyện, lúc có lúc không. Trước kia, khi không hiểu điều gì tôi chủ động hỏi giáo viên, có bài tập liền tận lực mau chóng hoàn thành. Nhưng không biết từ lúc nào, hình thành thói quen lười biếng kéo dài. Có chỗ nào không hiểu cũng không chủ động đi hỏi, có bài tập cũng không vội làm, đến lúc cần đi học thì lề mề không đi học. Lúc nào cũng tự mình lập ra các kế hoạch hoành tráng nhưng chưa một lần hoàn thành hoặc nỗ lực hoàn thành. Do đó thành tích học tập rớt xuống thảm hại. Thậm chí nhiều lần làm bài thi bị đứng trong nhóm điểm thấp nhất.

Cho dù như vậy nhưng tôi vẫn không ngộ ra, lúc làm bài thi vẫn nghĩ đến việc lợi dụng Sư phụ, nghĩ Sư phụ sẽ giúp mình đạt được thành tích tốt. Mà mỗi lần thành tích kém thì không biết suy xét, vẫn lười biếng như trước mà không thay đổi. Thành tích không khởi sắc lên nổi.

Thời gian trôi qua, tôi không còn tự tin với khả năng học tập và kiến thức của mình, sợ các thử thách và không dám tham gia vào các cuộc thi. Nhưng thái độ kiêu ngạo vì trước đây từng là một học sinh khá giỏi vẫn không thay đổi. Thời gian trôi đi, tôi trở nên mẫn cảm, đa nghi, vừa tự phụ vừa tự ti. Hâm mộ, tật đố với những học sinh đạt thành tích ưu tú, trong lòng luôn xem thường họ, cho rằng mình còn ưu tú hơn, chỉ là không hiển lộ ra mà thôi. Ngoài ra trong ba năm cấp ba, tôi cũng không làm ba việc. Cứ như vậy, tôi vẫn không thể ngộ ra, còn lấy lý do là cấp ba rất bận (kỳ thực bản thân cả ngày không làm gì) và lên đại học mình sẽ có thêm nhiều thời gian tự do hơn, đến đại học nhất định sẽ tinh tấn.

Quả đúng là tôi đã có nhiều thời gian hơn khi vào đại học. Nhưng tôi cũng tham gia một vài câu lạc bộ và dạy kèm tại nhà v.v. Đây là Sư phụ đã an bài cho tôi các cơ hội để giảng chân tướng, tuy nhiên tôi tiếp tục thoái thác rằng lần này trạng thái không tốt, để lần sau nói tiếp, lo lắng này lo lắng kia, chính là không nói về chân tướng, bỏ lỡ mất nhiều cơ hội. Tôi đã không làm gì đáng kể trong hai năm đầu.

Nhưng Sư phụ từ bi không hề từ bỏ tôi. Vào năm thứ ba tôi có cơ hội được ra khỏi Đại Lục trong chương trình giao lưu trao đổi sinh viên. Sau khi ra nước ngoài tôi có được liên lạc với các đồng tu ở địa phương. Tôi là kiểu học viên mà Sư phụ đã nói đến:

“Những học viên đến từ Trung Quốc Đại Lục, không phải phê phán chư vị đâu, đa số không thực thi được tốt ở trong nước, ở ngoại quốc cũng thực thi không tốt lắm.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Đương nhiên, các đồng tu hải ngoại cũng có chỗ băn khoăn. Dù sao tôi cũng vừa mới từ Đại Lục ra, cho nên không thể cho tôi biết nhiều về hoạt động địa phương. Nhưng có đồng tu biết tôi buổi sáng không dậy nổi để luyện công nên thường xuyên dặn dò tôi luyện công hàng ngày. Nhưng tôi cũng không chấp nhận, vẫn lười biếng như xưa, không nỗ lực gì. Cũng có lúc tôi thanh tỉnh hơn một chút, cảm thấy hối tiếc, nhưng vẫn lề mề như cũ.

Tôi tin rằng cựu thế lực đã tạo ra một hệ thống những trở ngại được sắp xếp chu đáo để bức hại tôi. Chỉ cần tôi đặt chân vào cái bẫy của chúng liền rất khó thoát ra.

Sư phụ giảng:

“Tôi bảo chư vị này, chúng chính là dùng biện pháp đó để tiêu hao chư vị, tiêu hao tín niệm kiên định của chư vị, mọi người cần chú ý những việc này.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)

Thực sự dù thế nào cựu thế lực cũng phải hạ địa ngục, cho nên liều chết muốn hại tôi.

Một hôm, đột nhiên có một học viên liên hệ với tôi qua mạng, thức tỉnh tôi, hẹn tôi cùng nhau học thuộc Pháp, hàng ngày đều học, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau, mỗi ngày đều không được phép quên. Tôi đã rơi vào trạng thái lộn xộn trong một thời gian dài, không muốn mất mặt với đồng tu nữa, nên đã đồng ý. Mỗi ngày dù lười biếng cũng phải học thuộc vài đoạn Pháp. Dần dần, sau khi đã ghi nhớ được nhiều hơn, tôi bắt đầu thấy nhập tâm, bắt đầu từ trong Pháp mà quy chính bản thân và bắt đầu đuổi theo cho kịp. Đúng là hết thảy đều đến từ trong Pháp.

Hiện tại, mặc dù không thể so sánh mình với các đồng tu đã luôn tu luyện tinh tấn như thuở đầu, nhưng tôi đã tận lực để đuổi theo. Mỗi ngày đều đọc sách học Pháp, dậy sớm để luyện năm bài công pháp. cựu thế lực nhìn thấy tình hình liền can nhiễu khiến tôi dù nghe thấy chuông báo thức thì ngay lập tức tắt đi ngủ tiếp. Nhưng về sau tôi dần dần lại kiên trì trở lại. cựu thế lực thấy vậy liền khiến cho chuông báo thức của tôi mất tiếng, cho dù đến giờ báo thức cũng không lên tiếng, nhưng tôi cũng không vì vậy mà lo lắng, mà xin Sư phụ gia trì, hiện tại chuông báo thức lại kêu bình thường.

Vì tôi đã từng trải qua cảm giác khi buổi sáng không thể dậy sớm luyện công khiến cả ngày mệt mỏi, nên gần đây tôi chọn cách không ngủ vào ban đêm, nếu có ngủ thì ngủ một chút trên bàn làm việc thôi, đến giờ thì thức dậy luyện công. Đương nhiên nói như vậy ban ngày tôi vẫn dành một vài tiếng để ngủ. Tôi không chắc duy trì như vậy có đúng không, nhưng tôi không dám ngủ vì tôi phải luyện công. Hơn nữa nhờ Sư phụ gia trì, mặc dù buổi tối không ngủ nhưng cả ngày không thấy mệt mỏi, ban đêm có thể độc các bài chia sẻ trên Minh Huệ Net và làm tài liệu giảng chân tướng.

Hiện tại, tôi tận lực làm ba việc, cố gắng bù đắp lại quãng thời gian mình đã bỏ lỡ. Mục đích tôi viết bài chia sẻ này là để nhắc nhở, cảnh tỉnh các đồng tu, nhất thiết phải học Pháp, đọc Pháp thật nhiều, như vậy mới có thể đảm bảo chúng ta luôn luôn ở trong Pháp, không lạc lối. Như tôi lúc đầu đi lạc cũng là vì không học Pháp tốt, mà một khi học Pháp không tốt, lập tức đi theo con đường an bài của cựu thế lực, làm trễ nải bản thân, trễ nải chúng sinh, phụ lòng Sư tôn.

Mặc dù trải nghiệm của tôi nhìn bề ngoài không có sóng gió hay kinh tâm động phách như các đồng tu đã bị bắt giam hoặc bị đánh, nhưng quá trình “nước ấm nấu ếch” gần như đã huỷ diệt tôi. Bời vì tôi biết mình phải làm gì nhưng hành động thực tế thì lại theo không kịp. Khi thanh tỉnh thì cảm thấy vô cùng hối tiếc vô cùng. Cuối cùng thông qua đọc sách học Pháp cũng quay trở lại được nhưng tôi biết được rằng có những thứ một khi đã mất thì không thể lấy lại được.

Dù thế nào, cuối cùng tôi đã quay trở lại, nhận ra được, và hiện tại đang nỗ lực hết sức làm ba việc. Đối với sự bức hại của cựu thế lực, tôi cũng không ôm hận. Sư phụ hoàn toàn không thừa nhận những thứ đó, thì tôi so đo tính toán với chúng làm gì, tôi chỉ hối hận bản thân vì sao lúc đầu không học Pháp tu bản thân cho tốt. Cho nên các đồng tu hãy lấy tôi làm tấm gương thể rút kinh nghiệm, thời thời khắc khắc hành xử theo Pháp, đi trên con đường do Sư phụ an bài, cùng nhau theo Sư phụ, cứu độ chúng sinh và cùng nhau quay trở về nhà.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/25/371559.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/6/171786.html

Đăng ngày 24-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share