Bài của Vân Nê

[Minh Huệ] ‘Chấp trước của đồng tu’ vẫn là một cửa ải khảo nghiệm khó khăn đối với tôi, nhất là khi nhân tố ‘người thường’ của học viên thể hiện ra quá nổi cộm, ví như tâm tranh đấu, tự ngã phô trương, không nhìn toàn cục, nói không thật lòng, thậm chí có lúc còn nói dối. Ngay cả khi chưa tu luyện tôi cũng đã coi đó là những thứ đồ bất hảo, và giờ đây thấy những lời nói hay hành vi như thế hiển lộ ra tôi thường mất bình tĩnh trong tâm. Tuy đã hiểu rõ rằng: người tu luyện thảy đều là người đang chiểu theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn một cách chân thành để đề cao bản thân, dù sao cũng chưa phải là hoá thân của Chân Thiện Nhẫn, và mỗi cá nhân, kể cả tôi, đều phải thông qua một quá trình để thăng hoa và không ngừng đột phá những quan điểm của mình. Nhưng tôi vẫn chưa vượt qua được, trong tâm vẫn bất bình, thậm chí có những lúc phẫn nộ: người tu luyện mà thế à, thật quá lắm!

Về vấn đề này, tôi thường nhận được điểm hoá trong khi học Pháp hoặc trong đời thường, gợi ý rằng tôi cần bỏ nó đi, mở rộng tầm mắt hơn, coi xem các đệ tử trong thời kỳ Chính Pháp trên thế giới đang làm những gì cho hôm nay và mai sau, cần để mắt đến những việc như thế. Vậy hỏi còn gì nữa mà không bỏ được đây? Nhiều lúc khi gặp chuyện như thế tôi nghĩ: ‘À, đúng rồi, nên bỏ qua đi, nhưng mà…’ Phần ý nghĩ thứ hai nảy sinh chính là tìm cái nguyên nhân bên ngoài: đây là vì chấp trước của người ta, tôi cần vứt bỏ gì đâu?

Sau này trong giao lưu và công tác cùng các học viên khác, tôi cũng nhận thấy họ gặp phải khó khăn tương tự. Tôi cũng không đưa vấn đề của mình ra thảo luận. Qua một quá trình học Pháp và tự xét bản thân mình, cho đến một hôm đột nhiên tôi bừng tỉnh.

Thứ nhất, chấp trước của người khác chính là thiếu sót của họ. Nếu như mình nhận thức được rõ và có thể giúp người khác làm được tốt, thì mình nên làm điều đó. Ấy là lấy Thiện đãi người, là thể hiện của Phật quang phổ chiếu.

Thứ hai, nếu như thấy người khác ôm giữ chấp trước một thời gian lâu không bỏ, thì cũng không nên có thành kiến hay kết luận về họ, vì như thế cũng là một điều bất thiện rất lớn. Đại Pháp dạy chúng ta nên ‘đối sự bất đối nhân’, cần xử lý sự việc sao cho tốt chứ không chống đối những người tham gia vào sự việc ấy. Tức là đối với sự việc gì thì mọi người cũng giúp đỡ lẫn nhau, bao dung, đồng tâm thăng tiến, chứ không phải cứ có việc gì liền cho rằng người này là thế này thế nọ. Bản thân mình cần lấy phương diện này của Pháp để đặt yêu cầu cho mình.

Thứ ba, không nên lấy chấp trước của người khác làm cái cớ cho chấp trước của bản thân mình hoặc việc mình không tự tu. Khi thấy chấp trước của người khác, thì cái tâm nào làm cho mình trở nên bất bình? Đó chính là chấp trước của bản thân, bị dao động, còn chưa bỏ được chữ ‘tình’. Mình nên kịp thời tu sửa bản thân, không nên để mắt vào người khác. Vừa không tu cái tâm của mình, vừa để mắt vào lỗi của người khác, đó chẳng phải chấp trước không bỏ được là gì? Cũng là chưa đột phá lên Pháp lý cao hơn. Sư phụ đã dạy một chân lý thật thâm thuý:

“Nếu khai mở lĩnh vực này, thì cần phải cải biến từ tận gốc quan niệm cũa người thường; nếu không, chân tướng vũ trụ sẽ vĩnh viễn là điều thần thoại của nhân loại, và người thường vĩnh viễn bò lết trong cái khung hiểu biết ngu muội của mình.” — «Luận Ngữ»

Khi được hỏi “Hỏi: Bạch Sư tôn, con có chỗ không lý giải được tại sao có người tu luyện Đại Pháp không đồng hoá với Pháp, nói những lời không thật”, Sư phụ đã giảng giải:

“Phương pháp đề cao nhanh nhất mà tôi cấp cho chư vị, chính là thông qua mâu thuẫn xảy ra khi chư vị hợp tác với nhau mà biểu lộ ra nhược điểm của chư vị. [Hễ] khi chư vị gặp vấn đề này, liền đẩy cho người khác, chỉ ra khuyết điểm của người khác, nhưng [lại] không coi xét bản thân; như thế có phải là tu hay không? Đây chính là phương pháp đề cao tốt nhất mà tôi muốn cấp cho chư vị. Do vậy, quan điểm của chư vị nhất định phải chuyển biến mới được. Còn đến như có học viên chúng ta nói lời không thật, thì đúng là biểu hiện sai sót về tâm tính cá nhân. Đối với người đó thì chúng ta thiết nghĩ cũng nên giúp đỡ họ mà chỉ ra [sai sót ấy]. Nhưng tôi nghĩ rằng sự đề cao thật sự là còn dựa vào bản thân cá nhân đó; [nếu] bản thân vị ấy không học Pháp, [thì] không giải quyết được việc gì đâu.” — «Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore, tháng 8, 1998»

[Tôi nghĩ rằng, ] “quan điểm của chư vị nhất định phải chuyển biến mới được” đúng là nói về việc không nên lấy chấp trước của người khác làm cái cớ cho việc bản thân mình không tu sửa, và không ‘lấy Thiện đãi người’.

Sau khi minh bạch ra như thế, tôi thấy mọi việc thật tốt đẹp, trong tâm thật tĩnh lặng, khoan dung và nhẫn nại. Cũng thấy bản thân thật đáng cười: một sự việc minh hiển đến thế, vậy mà ngộ tính thấp không nhận ra ngay. Nhìn lại mới thấy rằng, vì Sư phụ từ bi khoan dung với những thiếu sót của mình, nên mình mới tu được đến ngày hôm nay, mới có chuyện đề cao ngày hôm nay; nếu không đã bị đánh trượt trong cuộc ‘khảo thí’ từ lâu! Từ nay trở đi tôi cần từ bi hơn, khoáng đạt hơn, cho đúng với một đệ tử trong thời kỳ Chính Pháp.

Ngày 18 tháng Ba, 2003

* * * * *

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2003/3/19/46732.html;
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2003/3/28/33895.html.

Dịch và đăng ngày 13-5-2003; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên tác.

Share