Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-03-2013] Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Vậy luyện công chẳng tăng công có hai nguyên nhân [nói] trên: không biết Pháp tại cao tầng thì chẳng có cách nào tu; không hướng nội mà tu, không tu tâm tính [thì] chẳng thể tăng công. Đó chính là hai nguyên nhân.”

Để đề cao bản thân, tôi nên tuân thủ hai việc. Một là tôi không chỉ tăng cường lượng thời gian dành cho việc học Pháp, mà còn học với một tâm trí tập trung. Tôi cần phải chắc chắn bản thân nhận thức được mọi thứ mà mình đọc ở trên bề mặt thay vì cố gắng tìm ra ý nghĩa sâu xa đằng sau mỗi chữ hay mỗi câu. Khi chúng ta đến một tầng cao hơn, các vị Thần, Phật và Đạo đằng sau Pháp sẽ tiết lộ ý nghĩa sâu xa bên trong cho chúng ta. Đó không phải là điều mà chúng ta có thể lĩnh hội bằng cách cố tình đào sâu vào ý nghĩa bề mặt của từng câu chữ.

Việc nữa là hướng nội trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi tôi tự xét mình trong bất cứ vấn đề gì bản thân gặp phải, Sư phụ biết rằng tôi có ý chí tu luyện và sẽ điểm hóa cho tôi.

Tôi nên hướng nội khi bản thân bị kích động. Có chấp trước nào đó mà tôi vẫn chưa biết, nhưng nó khiến tôi trở nên bối rối. Đó là điều mà tôi thực sự cần phải tìm kiếm và loại bỏ đi. Chỉ bằng tâm bất động tôi sẽ có thể vượt qua khảo nghiệm. Ngoài ra, khi nghiệp tư tưởng xuất hiện, chúng ta nên cố gắng loại bỏ nó bằng cách chống lại nó và thay đổi quan niệm của chúng ta thay vì nhìn vào trong một cách mò mẫm.

Những ví dụ

Một buổi sáng khi tôi làm bữa sáng, chồng tôi khó chịu với tôi bởi vì những món tôi nấu quá đơn điệu và nhàm chán. Anh bỏ đi mà không ăn. Anh thường mua cho tôi sách dạy nấu ăn, chỉ ra rằng tôi cần nâng cao kỹ năng nấu nướng của bản thân. Một học viên có lần nói với tôi rằng tôi nên quan tâm nhiều hơn đến chồng của mình và nấu các món ăn ngon hơn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy sau khi hướng nội. Gia đình tôi không giàu có, và cách nấu ăn của tôi hoàn toàn giống bất kỳ bà nội trợ bình thường nào. Thái độ của chồng tôi là phản ánh chấp trước của tôi và một khảo nghiệm cho tôi. Tôi đã động tâm, điều này có nghĩa rằng tôi nên hướng nội để tìm ra những chấp trước làm cho tôi động tâm. Tôi không nên cố gắng làm hài lòng hoặc tử tế với ai đó một cách cố ý. Sau khi tôi buông bỏ chấp trước của mình, chồng tôi ngừng để ý đến những gì tôi nấu.

Một học viên không nên quá cầu kỳ về đồ ăn. Tôi ngộ ra rằng tôi không nên quá quan tâm đến việc nấu món ăn nào đó, mà chỉ nấu những gì có sẵn. Sau khi tôi loại bỏ chấp trước vào đồ ăn, tôi thấy uy lực vĩ đại của Pháp. Chồng tôi ăn bất cứ món nào tôi nấu. Nếu tôi cảm thấy không thích món thịt, gia đình tôi sẽ nói với tôi rằng họ đã chán món thịt, và tôi không phải nấu nó. Khi tôi bắt đầu chấp trước vào đồ ăn trở lại, gia đình tôi sẽ lại trở nên kén chọn. Họ sẽ nói với tôi rằng thịt có mùi vị thơm ngon. Với các học viên, không ngừng thăng tiến trong tu luyện là quan trọng nhất. Nếu tôi làm tốt, môi trường của tôi sẽ biến đổi.

Tương tự như vậy, nếu tôi thực sự có thể buông bỏ chấp trước vào gia đình của tôi và ngừng lo lắng về cha mẹ và con cái của mình, tôi sẽ đối đãi tốt với tất cả mọi người xung quanh. Gia đình của tôi sẽ không tập trung chú ý vào tôi hay đổ lỗi cho tôi vì đã không quan tâm đủ đến họ. Pháp là toàn năng và có thể giải quyết tất cả các vấn đề miễn là chúng ta cải thiện bản thân mình.

Không phải một kỹ năng bình thường

Tôi cảm thấy rằng một số học viên xem hướng nội như một kỹ năng bình thường và thường rơi vào một thói quen không ngừng hướng nội. Ví dụ, gia đình học viên A nói rằng anh không quan tâm đến họ, vì vậy anh bắt đầu hướng nội và quyết định rằng anh nên quan tâm nhiều hơn đến họ. Cuối cùng, anh đã dành quá nhiều sức lực cho họ đến nỗi chấp trước vào gia đình của anh đã trở nên lớn hơn. Tôi không nói rằng chúng ta không nên quan tâm đến gia đình của mình, bởi vì Pháp đòi hỏi chúng ta trở thành người tốt. Nếu chúng ta không làm việc gì sai, chúng ta nên hướng nội và xem chúng ta có bị lay động bởi ý kiến ​​của người thường hay không. Chúng ta không nên hoàn toàn làm theo những gì họ nói với chúng ta.

Chúng ta không được tách những lời giảng của Sư phụ ra khỏi bối cảnh. Ví dụ, học viên B bị bệnh và các học C và D đi thăm B. Sau đó, C và D đã bắt đầu hướng nội và họ thấy nhiều sai lầm và tìm thấy rất nhiều chấp trước. Không hiểu sao tôi nghĩ rằng họ đã nhầm lẫn khi nào thì hướng nội và khi nào thì không. Trên bề mặt họ dường như đã tìm thấy nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, khi chúng ta hướng nội, chúng ta nên làm như vậy dựa trên Pháp thay vì chỉ làm như vậy vì lợi ích của nó. Nếu chúng ta không ngừng ôm giữ những thứ này, đó cũng là một chấp trước và chúng ta đã đi đến một cực đoan khác.

Có một vấn đề khác. Khi một học viên chịu đựng khổ nạn, những người khác có xu hướng đổ lỗi cho họ làm không tốt. Đó có thể đúng là tà ác đang lợi dụng sơ hở của các học viên. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một học viên tinh tấn đang trải qua khảo nghiệm. Có khổ nạn không có nghĩa là học viên đó không làm tốt. Một nhận xét ngẫu nhiên của các học viên khác vừa là vô trách nhiệm vừa can nhiễu đến học viên. Mỗi người đi một con đường khác nhau, và chúng ta không bao giờ có thể phán xét vượt quá những gì đang thực sự xảy ra, chúng ta cũng không thể xác định rõ bản chất của sự vật. Chúng ta đừng bao giờ đưa ra nhận xét một cách vô trách nhiệm.

Khi chúng ta học Pháp tốt, chúng ta có thể hướng nội dựa trên Pháp và làm tốt ba việc để cứu độ nhiều chúng sinh hơn.

Trên đây là kinh nghiệm cá nhân của tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không đúng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/3/5/也谈谈如何向内找-270639.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/18/140557.html

Đăng ngày 09-07-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share