Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-01-2023]

Họ và tên: Chu Tú Mẫn

Tên tiếng Trung: 朱秀敏

Giới tính: Nữ

Tuổi: 51

Thành phố: Đại Khánh

Tỉnh: Hắc Long Giang

Nghề nghiệp: Công nhân nhà máy sản xuất chăn

Ngày mất: Tháng 7 năm 2022

Ngày bị bắt gần đây nhất: 21 tháng 3 năm 2017

Nơi giam giữ gần đây nhất: trại tạm giam thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ.

Bà Chu Tú Mẫn và chồng bà đã bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm 2017 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.

Bà Chu đã tuyệt thực 5 tháng để phản đối việc giam giữ tùy tiện đó vì sức khoẻ của bà rất yếu và bà bị táo bón nặng. Bà đã được đưa đến bệnh viện để khám. Bà đã sốc khi biết rằng bà đã có thai. Bà được phóng thích 2 ngày sau đó.

Con gái bà được sinh ra ngày 8 tháng 12 năm 2017. Sáu ngày sau đó, chồng bà đã bị kết án 3 năm tù. Bà Chu đã phải vật lộn chăm sóc cho con gái một mình trong khi phải tránh cảnh sát sách nhiễu. Cuối cùng bà cũng đã được đoàn tụ với chồng bà khi ông được phóng thích vào tháng 3 năm 2020. Nhưng gia đình ông bà đã không có được nhiều thời gian ở bên nhau, vì bà Chu đã không trụ được trước nỗi thống khổ cả về thể xác lẫn tinh thần và đã qua đời vào tháng 7 năm 2022 ở tuổi 51, năm tháng trước ngày sinh nhật lần thứ 5 của con gái bà.

Trước lần bà Chu bị bắt lần cuối cùng vào năm 2017, bà đã bị bắt 6 lần trước đó và đã bị tra tấn tàn nhẫn trong 7 năm bị giam giữ.

c7d9c8feb1d44f20b09238bc51a8b3b3.jpg

Con gái mới sinh của bà Chu

Hai thập kỷ bị bức hại

Bà Chu, ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã từng làm việc cho nhà máy sản xuất chăn ở địa phương. Bà đã bị mất việc khi nhà máy bị thua lỗ. Bà theo tập Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1998 và đã thay đổi từ một người nóng tính thành một người rất hòa nhã và quan tâm đến người khác.

Những lần bị bắt vào những năm đầu của cuộc đàn áp

Bà Chu đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 18 tháng 3 năm 2000, chưa đầy 1 năm sau khi cuộc đàn áp bắt đầu. Bà đã bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và sau đó bị đưa trở lại Đại Khánh. Cảnh sát đã giam bà ở trại tạm giam Tát Nhĩ Đồ trong 20 ngày. Bà đã bị bắt phải trả 3.600 tệ cho chi phí đi lại của cảnh sát đến Bắc Kinh để đưa bà về.

Bà Chu quay trở lại Bắc Kinh ngày 29 tháng 4 năm 2000, để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và lại bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Sau khi bà bị đưa trở lại Đại Khánh, đầu tiên chính quyền tạm giam bà 15 ngày và sau đó gia hạn thêm 4 tháng nữa vì bà từ chối viết bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Sau đó, bà đã bị tống tiền 3.400 tệ.

Bà Chu lại bị bắt vài tháng sau đó vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công nơi công cộng. Bà bị giam trong một phòng rộng 100 m2 với 30 người khác. Không có điều hòa trong phòng đông người đó mặc dù thời tiết rất nóng. Sức khỏe của bà Chu có vấn đề và bà được phóng thích.

Bị tra tấn bằng cách cho ngạt thở bằng dầu mù tạt

Để phổ biến thông tin về cuộc đàn áp, bà Chu đã phối hợp với các học viên khác để truy cập vào đường truyền tín hiệu truyền hình để phát những video bác bỏ những tuyên truyền phỉ báng của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công.

Vì điều này mà người phụ nữ lúc đó mới 30 tuổi đã bị bắt vào ngày 8 tháng 5 năm 2002 tại ga tàu hỏa thành phố Mẫu Đơn Giang và bị đẩy lên một xe ô-tô của cảnh sát. Cảnh sát đã ấn đầu bà xuống dưới ghế ngồi trên xe và bà gần như bị ngạt thở.

Cảnh sát trưởng Chu đã còng tay bà Chu vào một cái ghế tựa bằng kim loại, đánh vào đầu bà và đe dọa sẽ lột quần áo của bà. Vì bà Chu phản đối mạnh mẽ nên cảnh sát Chu đã thôi và bỏ đi.

Hai cảnh sát khác không lâu sau đó đã đến để hỏi cung bà Chu. Họ tháo bỏ giầy và bít-tất của bà, bắt bà đứng chân trần trên sàn xi-măng. Hai cẳng chân bà bị xích vào các chân ghế tựa, hai cánh tay vào 2 bên ghế và hai bàn tay bà bị còng lại với nhau.

Một cảnh sát gập một ống bằng cao-su lại và quật vào mu bàn chân bà Chu và gào lên, “Tao đánh máy cho đến khi các móng chân của mày tím đen rồi rơi ra.” Bà Chu đã gần như ngất đi vì đau đớn. Ngay cả một giây cũng cảm thấy như dài vô tận và không thể chịu được.

Cảnh sát đó sau đó quật vào hai đùi bà và người bà trong một thời gian dài. Anh ta không dừng lại cho đến khi anh ta trở nên kiệt sức. Sau đó anh ta chỉ vào 6 lọ dầu mù tạt ở trên bàn và nói với bà Chu rằng, “Chúng tao đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý bọn mày (các học viên Pháp Luân Công)”.

Anh ta đổ dầu mù tạt lên một mảnh vải và dùng nó để bịt mũi bà Chu lại, và sau đó trùm hai cái túi ni-lông lên đầu bà. Bà đã gần như ngạt thở. Thấy rằng bà gần như đã ngừng thở, cảnh sát đã xé rách các túi ni-lông, đổ một cốc nước lạnh vào mũi bà để trôi đi dầu mù tạt và cuối cùng bà lại có thể bắt đầu thở trở lại.

06e4a06f37341d8d7680c82b217ca4fc.jpg

Dựng lại cảnh tra tấn: đầu bị trùm các túi ni-lông

Bị kết án 7 năm tù

Bà Chu bị chuyển đến trại tạm giam số 2 thành phố Mẫu Đơn Giang ngày 10 tháng 5 và sau đó đến trại tạm giam số 1 thành phố Mẫu Đơn Giang vào tháng 6 sau khi việc bắt bà được phê duyệt. Bà đã bị kết án 7 năm tù bởi Tòa án quận Dương Minh vào tháng 10 năm 2002.

Đầu tiên bà Chu bị giam ở khu tập huấn sau khi bà bị đưa đến Trại tù nữ tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 1 năm 2003. Ở đó, bà đã bị bắt phải dậy từ 4 giờ sáng để tham gia các phiên tẩy não hàng ngày, bao gồm việc đọc thuộc lòng các quy định của trại tù, xem các video tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công, và hát các bài hát ca ngợi Đảng cộng sản Trung Quốc. Vì bà từ chối hợp tác, bà đã bị bắt đứng vào buổi tối và không được phép ngủ cho đến 2 giờ đêm.

Lao động cưỡng bức và gia đình không được vào thăm

Bà Chu bị phân đến khu 5 một tháng sau đó. Bà bị 4 tù nhân theo dõi suốt ngày đêm, và họ đã đánh đập và chửi bới bà tùy ý. Bà không được phép nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công khác và phải xin phép trước khi làm bất cứ điều gì. Hàng đêm, bà phải điểm danh trong khi phải ngồi xổm.

Vì bà từ chối tuân theo lệnh của các lính canh, họ đã cấm bà mua các đồ dùng cần thiết hàng ngày, gặp mặt hay gọi điện về cho gia đình. Khi gia đình bà đi hàng trăm dặm đến để thăm bà, các lính canh đã bảo họ rằng bà Chu từ chối gặp mặt họ. Họ đã thất vọng và không quay trở lại nữa.

Bà Chu cũng bị bắt phải làm việc trong xưởng sản xuất quần áo của trại tù, thường là từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm, mà không được trả công. Nếu bà và những người khác không thể hoàn thành định mức hàng ngày, các lính canh sẽ bắt họ phải làm đến 12 giờ đêm hoặc thậm chí muộn hơn.

Bị tra tấn cho lạnh cóng, bị sốc điện và đánh đập

Bốn tù nhân đã lôi bà Chu vào phòng vệ sinh ngày 1 tháng 10 năm 2003 và ấn bà xuống sàn, rồi đánh đập bà. Một số người còn giẫm lên bụng bà và những người khác đánh vào đầu bà. Mặt bà bị sưng lên và thâm tím. Bà bị đau không thể chịu được ở bên sườn phải, đặc biệt là khi bà thở. Bà không thể lật mình khi nằm trên giường trong 1 tháng.

Bà Chu và một vài học viên khác đã từ chối lao động không công vào ngày 24 tháng 11 năm 2003, và đã bị các tù nhân khác đánh đập. Các học viên lại biểu tình ở công xưởng 2 ngày sau đó. Các lính canh đã lôi bà xuống cầu thang từ tầng 5 và đánh đập bà tàn nhẫn.

Vào buổi chiều, lính canh Tôn Lý Tống đã ra lệnh cho các tù nhân cởi chiếc áo khoác mùa đông của bà Chu ra và bắt bà đứng ở ngoài trời mà chỉ mặc một lớp quần áo mỏng. Các tù nhân thậm chí còn run lên khi mặc hai áo khoác. Vào buổi tối, bà Chu bị đưa lại vào trong và bị bắt ngồi ở trên một cái ghế đẩu nhỏ mà không được cử động trong một vài giờ đồng hồ nữa.

Từ khi đó đến ngày 2 tháng 12 năm 2003, các lính canh đã tiến hành một đợt tra tấn kéo dài cả tuần đối với các học viên. Hàng sáng vào lúc 5 giờ, họ đưa các học viên ra ngoài trời khi nhiệt độ vào khoảng -20 đến -30 độ C, mà không cho họ đội mũ, quàng khăn hay đeo găng tay. Họ cũng xắn tay áo của các học viên lên để hở cánh tay họ ra ngoài. Các học viên bị bắt phải chạy theo vòng, trong khi các lính canh và tù nhân đánh đập họ bằng các roi tre hoặc chai nước.

Sau đó các lính canh ra lệnh cho các học viên đứng để hai bàn tay ở hai bên quần cho đến 4 giờ chiều. Bất cứ ai cử động một chút cũng bị đá vào đùi. Trong khoảng thời gian đó, họ không được phép ăn, uống hay dùng phòng vệ sinh. Vào lúc họ bị ra lệnh quay trở lại xà-lim, hai chân của họ bị cứng đến mức không thể gập đầu gối lại.

Sau khi được nghỉ một lúc, các học viên lại phải đứng tiếp cho đến 10 giờ đêm. Sau đó, các học viên phải ngồi xổm ở hành lang hoặc ngồi trên sàn gạch cho đến 2 giờ đêm, trước khi họ có thể đi ngủ.

Vào sáng ngày 29 tháng 11 năm 2003, lính canh Dương Tử Phong đã đánh đập các học viên, bao gồm cả bà Chu, bằng một cái gậy bằng cao-su.

Bà Chu không chấp nhận việc bị tra tấn làm rét cóng vào ngày 30 tháng 11 năm 2003. Lính canh Ngô Diễm Kiệt đã dùng dùi cui điện sốc điện vào mặt bà. Hai tù nhân sau đó đã lôi bà ra ngoài trời bằng cách nắm cổ áo bà và bà đã gần bị áo của mình siết cổ.

Lính canh Đào Thụ Bình đã ra lệnh cho bà Chu phải ngồi xổm. Khi bà từ chối tuân theo, Đào đã ra lệnh cho các tù nhân đá bà Chu vào chỗ đằng sau đầu gối. Sau khi bà bị ngã xuống, tù nhân đó đã lôi bà dậy và lại đá bà. Tù nhân này đã đá nhiều lần nữa. Đào cũng ra lệnh cho tù nhân trói hai bàn tay bà Chu ở phía sau lưng bà, dán băng dính vào miệng bà và để cho bà ngồi ở ngoài trời tuyết. Đào thỉnh thoảng lại giẫm chân lên và đá vào hai đùi bà Chu.

Để sỉ nhục bà Chu, Đào xúi giục các tù nhân cắt tóc bà, khiến cho tóc bà trông như một cái nắp ấm trà. Tóc ở phía sau đầu bà bị cắt thành dài ngắn nham nhở. Việc cắt tóc này cũng để phơi hai tai và đầu bà Chu ra ngoài nhiệt độ lạnh cóng.

Sau khi cắt tóc bà, một tù nhân đã quật vào hai bàn tay bà Chu vốn đang bị trói ở sau lưng bà bằng một cái gậy trê, bao gồm cả lên hai lòng bàn tay, hai mu bàn tay, và xung quanh các ngón tay của bà. Hai bàn tay bà Chu đã bị biến dạng nghiêm trọng và các móng tay của bà đều bị vỡ rách. Các ngón tay của bà bị sưng đến mức bà không thể gập chúng lại. Bà bị đau không thể chịu được.

Khi bà Chu vẫn đang phải ngồi ở ngoài trời tuyết lạnh, lính canh Tôn Lý Tống ngồi trên một cái ghế tựa ở trước mặt bà và sau đó giẫm lên đùi bà. Bà Chu bị mất thăng bằng và gần bị ngã ra phía sau. Sau đó Tôn đẩy vai bà bằng một thanh tre, cho đến khi bà ngã xuống. Tôn giữ hai bàn chân cô ta ở trên đùi bà Chu, nói rằng việc đó sẽ làm cho bà ấm lên. Các lính canh đã để bà Chu ở ngoài trời tuyết suốt một ngày. Vào buổi tối, họ đưa bà trở vào trong tòa nhà của trại tù và bắt bà ngồi trên sàn ở hành lang cho đến 2 giờ đêm.

Vào cuối đợt tra tấn cho lạnh cóng kéo dài cả tuần đó, bà Chu và các học viên khác đều bị toàn thân đầy các vết thương nghiêm trọng.

Vào ngày 5 tháng 12 năm 2003, lính canh Tôn ra lệnh cho các tù nhân lột áo khoác mùa đông của bà Chu ra và đưa bà ra ngoài trời để lại tra tấn bà bằng cách cho lạnh cóng. Trong thời gian đó, các tù nhân cũng chửi bà và đánh đập bà. Một người trong số họ đá bà vào chỗ dưới ngực trái. Ngực bà trở nên sưng lên và bà không thể thở một cách bình thường hay trở mình trong khi ngủ cho đến 1 tháng sau đó.

Khi bà Chu được phóng thích ngày 9 tháng 5 năm 2009, bà nói bà đã không kỳ vọng mình có thể sống sót qua 7 năm bị tra tấn như địa ngục đó.

Tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ gần đây nhất và bị bức thực bằng các loại thuốc thần kinh

Bà Chu và chồng bà là ông Vương Ngọc Đông đi đến thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ vào ngày 21 tháng 3 năm 2017 để thăm bố mẹ chồng bà. Trong khi đến thăm một học viên khác là bà Lưu Minh Anh, họ đã bị cảnh sát bắt, không biết rằng cảnh sát đã ở đó để bắt bà Lưu.

Cảnh sát đã bắt bà Chu phải đưa họ đến nhà để lục soát. Cảnh sát ập vào bằng một cái chìa khóa vạn năng nhưng không tìm thấy thứ gì liên quan đến Pháp Luân Công. Tối hôm sau, cảnh sát đưa bà Chu và chồng bà đến các phòng khác nhau để hỏi cung. Bà nghe thấy tiếng cảnh sát đánh đập và chửi bới chồng bà. Một cảnh sát tát vào mặt bà Chu, đánh vào trán bà và giẫm đạp lên đùi bà. Thấy rằng bà vẫn không lay động, họ quay lại phòng kia để đánh chồng bà.

Cảnh sát giữ hai vợ chồng ngồi trên hai ghế tựa bằng kim loại qua đêm và lại hỏi cung họ vào ngày thứ 3, trước khi đưa họ đến trại tạm giam.

Bà Chu đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại này vào ngày 27 tháng 3 năm 2017. Các lính canh đã còng tay và cùm chân bà. Những cái còng và cùm cũng được xích lại với nhau, khiến cho bà không thể ngồi hay nằm xuống. Bà đã phải nhờ các tù nhân ở cùng phòng chăm sóc nhưng họ thường đánh và chửi bà.

Vì các tù nhân phải theo dõi bà Chu và không thể ngủ được, họ đã trả thù bằng cách gỡ bỏ chăn đệm của bà và bắt bà phải ngủ trên tấm phản trần. Ba người trong số họ đã đè lên người bà trong khi bà vốn đã gầy hốc hác và rất yếu, và nói họ muốn giết bà.

Các lính canh sau đó thêm các loại thuốc thần kinh vào đồ ăn mà họ bức thực bà, khiến cho hai mắt và mặt của bà sưng lên, lưỡi của bà bị tê, và bà cảm thấy cực kỳ khát nước.

Sau khi bà Chu bị chuyển đến xà-lim khác, các lính canh đã bắt bà phải ngồi trên một tấm phản trần và đánh bà đập vào tường. Bà bị đau khắp toàn thân thể và thường cảm thấy váng đầu. Bà đã bị ngã hai lần trong khi đang sử dụng phòng vệ sinh.

Do tuyệt thực trong thời gian dài, bà Chu đã bị táo bón nặng. Bà được đưa đến bệnh viện. Trong khi khám sức khỏe, bà đã bị sốc khi biết rằng mình đã có thai. Thật thần kỳ rằng đứa con còn trong bụng bà đã sống sót qua 5 tháng thống khổ đó. Do có thai nên bà đã được phóng thích 2 ngày sau đó.

Khi trở về nhà, bà Chu bị thiếu máu, bị sưng phù nặng và bị đau khắp người do bị suy dinh dưỡng trong thời gian dài. Bất chấp những khó khăn không thể tưởng tượng được về mặt thể chất, tinh thần và tài chính, bà vẫn thường đến các cơ quan chính quyền khác nhau để tìm kiếm công lý cho chồng bà.

Trong khi khám trước khi sinh, đứa bé trong bụng bà được phát hiện là bị vấn đề về dây rốn, khiến cho bà Chu phải sinh mổ vào ngày 8 tháng 12 năm 2017, 6 ngày trước khi chồng bà bị kết án 3 năm tù. Lúc đó chỉ mới 7 năm sau khi ông ra khỏi tù vào năm 2011 sau khi phải thi hành án 10 năm cũng vì tín ngưỡng của ông vào Pháp Luân Công.

Không có thu nhập, bà Chu đã phải vật lộn tự chăm sóc cho đứa bé, trong khi thường xuyên sợ bị cảnh sát sách nhiễu. Cuộc sống của bà chỉ khá hơn khi ông Vương được phóng thích vào tháng 3 năm 2020. Nhưng sự thống khổ từ 2 thập kỷ bị bức hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà. Cuối cùng bà đã qua đời vào tháng 7 năm 2022, 5 tháng trước ngày sinh nhật lần thứ 5 của con gái bà.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/18/455324.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/20/206314.html

Đăng ngày 07-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share