Bài viết từ các phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 02-01-2023] Vào khoảng Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công ở 38 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ nước sở tại một danh sách thủ phạm mới, kêu gọi trừng phạt những cá nhân này vì tội ác của họ trong việc bức hại Pháp Luân Công, trong đó có hình thức cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài. Các quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand, 22 quốc gia trong Liên minh Châu Âu và 11 quốc gia khác tại Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Trong danh sách thủ phạm có Hác Vĩ Phu, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy Hắc Long Giang.

* * *

Thông tin thủ phạm

Họ tên: Hác Vĩ Phu (郝伟夫)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Năm sinh: Tháng 6 năm 1965
Nơi sinh: Huyện Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

Hác Vĩ Phu

Chức danh hoặc/và chức vụ

Tháng 12 năm 1990: Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)

Tháng 11 năm 2011 – Tháng 1 năm 2012: Bí thư Đảng ủy kiêm Quyền Chánh án Tòa án Trung cấp Tề Tề Cáp Nhĩ

Tháng 1 năm 2012 – Tháng 5 năm 2017: Bí thư Đảng ủy kiêm Chánh án Tòa án Trung cấp Tề Tề Cáp Nhĩ

Tháng 5 năm 2017 – Đến nay: Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) của Tỉnh ủy Hắc Long Giang

Tội ác chủ yếu

UBCTPL và Phòng 610 là hai cơ quan của ĐCSTQ giữ vai trò chủ yếu trong việc chỉ đạo và điều hành cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang kể từ tháng 5 năm 2017, Hác Vĩ Phu đã trực tiếp chỉ đạo cuộc bức hại với các hoạt động bắt giữ, sách nhiễu và kết án một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2018 đến tháng 8 năm 2022, có tới 65 học viên ở tỉnh Hắc Long Giang đã chết do bị bức hại, trong đó 24 trường hợp xảy ra trong năm 2021. Nhiều học viên khác liên tục bị tra tấn đến tàn phế.

Tội ác của Hác Vĩ Phu khi giữ chức Phó Bí thư của UBCTPL tỉnh Hắc Long Giang kể từ tháng 5 năm 2017

Sự bức hại trong năm 2022

Chỉ trong nửa đầu năm 2022, ít nhất 142 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt giữ, 80 người bị sách nhiễu, 23 người bị kết án và 14 người bị bức hại đến chết, khiến Hắc Long Giang trở thành một trong những tỉnh có cuộc bức hại Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất cả nước.

Ngày 12 tháng 7 năm 2022, dưới sự chỉ đạo của UBCTPL tỉnh Hắc Long Giang và Công an tỉnh, cảnh sát ở Đại Khánh đã bắt giữ hơn 100 học viên có tên trong danh sách mục tiêu của chính quyền.

Một cảnh sát tiết lộ, chính quyền đã bắt đầu theo dõi và ghi hình những học viên này khoảng 9 tháng trước khi chiến dịch bắt đầu. Ngày bắt đầu chiến dịch bắt giữ chỉ được thông báo trước 1 tuần. Các cảnh sát tham gia hành động không cung cấp danh tính thật, đơn vị công tác, hay thông tin liên hệ của họ trong khi tiến hành bắt giữ, và tuyên bố rằng những thông tin đó là “bí mật quốc gia”.

Hầu hết các vụ bắt giữ được thực hiện vào sáng sớm, từ 5 đến 7 giờ sáng, khi các học viên đang ở nhà. Nhiều tài sản cá nhân đã bị tịch thu, đặc biệt là các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính xách tay, điện thoại di động, và những tờ tài liệu mà các học viên dùng để truyền rộng thông tin về cuộc đàn áp. Những đồ vật này sau đó được chính quyền sử dụng làm bằng chứng truy tố hòng kết tội các học viên.

Hầu hết các học viên bị bắt là phụ nữ. Trong số hơn 20 học viên từ 70 tuổi trở lên, hơn 10 người ở độ tuổi 80 và một người 98 tuổi.

Đến cuối tháng 9 năm 2022, 8 học viên vẫn bị giam giữ ở trong Nhà tù Số 2 Thành phố Đại Khánh. Họ gồm bà Đỗ Thuần Hương, bà Trương Lâm Ưng, bà Phùng Vân Quyên, bà Phùng Liên Hà, ​​bà Thái Tú Anh, bà Đường Tăng Hiệp, bà Trình Xảo Vân và bà Trần Thục Hoa.

Chiều ngày 27 tháng 8 năm 2022, Phòng 610 Thành phố Tuy Hóa đã ra lệnh bắt giữ ít nhất 10 học viên, trong đó có ông Trương Liên Khánh, vợ ông là bà Lưu Quế Anh và con trai của họ là anh Trương Phượng Minh.

Chính quyền đã bắt đầu lên kế hoạch cho đợt bắt giữ từ 3 tháng trước đó. Với khẩu hiệu “Bách nhật hội chiến” (Cuộc chiến 100 ngày), UBCTPL và Phòng 610 Tuy Hóa đã chỉ thị cho cảnh sát và ủy ban dân cư theo dõi sát sao cuộc sống hàng ngày của các học viên. Khi một học viên bị phát hiện phân phát tài liệu giảng chân tướng, cảnh sát sẽ không bắt họ ngay lập tức mà sẽ tăng cường giám sát để phát hiện và giăng một mẻ lưới để bắt tất cả các học viên khác có liên hệ với học viên đó.

Sự bức hại trong năm 2021

Trong năm 2021, 125 học viên ở Hắc Long Giang đã bị kết án tù, đưa tỉnh này trở thành tỉnh đứng thứ hai cả nước về mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại. Ngoài ra Hắc Long Giang còn đứng thứ tư cả nước về số vụ bức hại, với 463 vụ bắt giữ và 872 vụ sách nhiễu.

Ông Lý Lực Tráng (48 tuổi) đã bị cảnh sát của Đội An ninh Nội địa Thành phố Đại Khánh và Đồn Công an Long Nam bắt giữ vào ngày 8 tháng 4 năm 2020. Ông bị kết án 10 năm 8 tháng tù giam và phạt tiền 80.000 Nhân dân tệ vào ngày 17 tháng 11 năm 2021. Một học viên khác bị bắt cùng với ông Lý là bà Đường Trúc Nhân đã bị kết án 9 năm 4 tháng tù và bị phạt 50.000 Nhân dân tệ.

Sự bức hại trong năm 2020

Trong năm 2020, ĐCSTQ cho thực thi cái gọi là chiến dịch “Xóa sổ” nhắm vào học viên Pháp Luân Công trên cả nước. Rất nhiều học viên đã bị sách nhiễu và ép từ bỏ đức tin của mình.

Ngày 17 tháng 7 năm 2020, Hác đã tổ chức các buổi học tập lý luận cộng sản và yêu cầu cấp dưới của mình “triển khai các hành động đặc biệt để ngăn chặn và trấn áp các tổ chức tà giáo“.

Ngày 22 và 23 tháng 9, một chiến dịch do Hác chỉ đạo đã khiến gần 30 học viên bị bắt giữ ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Cảnh sát đã bắt các học viên theo danh sách đã lập và họ sẽ nhận được tiền thưởng tương ứng với số học viên mà họ bắt giữ.

Chỉ riêng trong năm 2020, ít nhất 27 học viên đã bị kết án tù ở tỉnh Hắc Long Giang.

Sự bức hại trong năm 2019

Trong năm 2019, nhân viên của UBCTPL Hắc Long Giang, Phòng 610 và cảnh sát đã nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công với cái cớ “duy trì sự ổn định” trong đại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ. Có ít nhất 384 học viên đã bị bắt, 118 người khác bị kết án tù, khiến tỉnh Hắc Long Giang trở thành tỉnh có mức độ bức hại nghiêm trọng thứ hai trong cả nước.

Sự bức hại năm 2018

Trong năm 2018, ít nhất 475 học viên ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt, 169 người bị sách nhiễu và 62 người bị kết án tù.

Bà Lý Tú Mẫn bị bắt vào cuối tháng 10 năm 2018 và bị đưa đến bệnh viện tâm thần và bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Sau đó, bà bị nằm liệt giường và không thể nói rõ ràng.

Ngày 9 tháng 11 năm 2018, 119 học viên đã bị bắt tại thành phố Cáp Nhĩ Tân và thành phố Đại Khánh. Chiến dịch này đã được lên kế hoạch trong một thời gian dài bởi UBCTPL Hắc Long Giang, Phòng 610 và Đồn Công an.

Sự bức hại trong năm 2017

Trong năm 2017, UBCTPL Tỉnh Hắc Long Giang, Phòng 610 và Đồn Công an đã tổ chức cái gọi là “Chiến dịch gõ cửa” để sách nhiễu học viên Pháp Luân Công trên địa bàn tỉnh. Cảnh sát đã theo dõi, quay video và thu thập thông tin cá nhân về các học viên, cũng như lục soát nhà của họ. Theo dữ liệu từ Minh Huệ Net, có tới 676 học viên đã bị bắt và 1.043 người bị sách nhiễu ở Hắc Long Giang trong năm 2017.

Vắn tắt về một số trường hợp tử vong do bị bức hại

Trường hợp 1: Bà Lý Song Yến bị bắt và bức hại đến chết chỉ trong 1 ngày

Bà Lý Song Yến bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2021 vì làm tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà bị thẩm vấn và tra tấn trong gần 30 tiếng đồng hồ tại Đồn Công an Phú Lực. Khi thấy bà sắp chết vì bị tra tấn, cảnh sát đã đã gọi chồng bà đến đón về sau khi ông ấy tan làm.

Khi chồng của bà Lý đến đồn công an, bà đã không thể tự đi lại được và phải có ba cảnh sát khiêng ra ngoài. Chồng bà gọi xe cấp cứu ngay khi họ trở về nhà, nhưng trước khi xe cấp cứu kịp đến, bà Lý đã qua đời đầy oan ức.

Trường hợp 2: Ông Lữ Quan Như bị tra tấn đến chết ở trong Nhà tù Thái Lai

Ông Lữ Quan Như, một cư dân của thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị Tòa án Quận Nhượng Hồ Lộ của thành phố Đại Khánh kết án 7 năm tù vào ngày 1 tháng 7 năm 2019. Sau khi bị bắt, ông đã nhiều lần bị bức thực vì tuyệt thực để phản bức hại. Việc bức thực khiến ông bị suy tim và chảy máu dạ dày. Ông đã được đưa vào bệnh viện nhiều lần để cấp cứu hồi sức.

Ngày 30 tháng 7 năm 2019, ông Lữ đã bị đưa thẳng từ bệnh viện đến Nhà tù Hô Lan và sau đó lại bị chuyển đến Nhà tù Thái Lai vào tháng 11 năm 2019. Mặc dù ông vẫn đang rất yếu, Nhà tù Thái Lai vẫn tiếp tục tra tấn và giam ông trong một phòng giam nhỏ trong hơn 1 tháng trời. Ông bị xuất huyết tiểu não và tử vong ở trong tù vào ngày 4 tháng 4 năm 2021, hưởng dương 69 tuổi.

Trường hợp 3: Bác sỹ Vương Thục Khôn qua đời chỉ vài ngày sau khi bị cảnh sát đánh đập

Bác sỹ Vương Thục Khôn (66 tuổi) ở thành phố Hải Ninh, tỉnh Hắc Long Giang, bị yêu cầu từ bỏ Pháp Luân Công vào cuối tháng 6 năm 2020. Khi bà cự tuyệt, cảnh sát đã đánh đập bà dữ dội trong nhiều giờ liên tục. Bà bị chấn thương ở chân và xin cảnh sát thả bà. Lúc đó họ đã đồng ý, nhưng dọa rằng vài ngày sau sẽ lại đến tìm bà.

Bác sỹ Vương phải bò lên cầu thang để trở về căn hộ của mình. Chồng bà phát hiện có những vết bầm tím trên cơ thể của bà. Bà ấy bị gãy xương bánh chè và cả người ướt đẫm mồ hôi. Vào chiều ngày 1 tháng 7, bà ấy cảm thấy vô cùng chóng mặt và buồn nôn và sau đó đã qua đời vào khoảng 4:25 sáng ngày 2 tháng 7.

Trường hợp 4: Ông Vương Phượng Thần bị tra tấn đến chết khi bị giam giữ

Ông Vương Phượng Thần, 50 tuổi, một giáo viên dạy địa lý tại thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 1 năm 2017, cùng với vợ ông, bà Lãnh Tú Hà. Vào ngày 11 tháng 10 năm 2017, cả hai đều bị kết án 4 năm tù giam với số tiền phạt 30.000 Nhân dân tệ. Sau đó, ông Vương bị đưa đến Nhà tù Hô Lan và bà Lãnh bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang. Trong thời gian ở tù, ông Vương đã bị ngược đãi đến mức bị ho và nôn ra máu. Ông đã qua đời tại một bệnh viện vào ngày 9 tháng 8 năm 2020.

Trường hợp 5: Cô Dương Lập Hoa bị bức hại đến chết ở trong Nhà tù Nữ Hắc Long Giang

Ngày 17 tháng 11 năm 2017, cô Dương Lập Hoa bị bắt cùng với một học viên Pháp Luân Công khác, cô Khúc Vĩnh Hà, tại văn phòng kháng cáo của chính quyền địa phương. Đến ngày 26 tháng 12 năm 2017, cô Dương đã bị Tòa án Huyện Tôn Ngô kết án 4 năm tù và cô Khúc 3 năm tù.

Ngày 5 tháng 11 năm 2019, Nhà tù Nữ Hắc Long Giang thông báo với gia đình cô Dương rằng cô đang ở trong tình trạng nguy kịch. Gia đình vội vã đến bệnh viện và thấy cô đã bất tỉnh. Cô qua đời sau đó vào cùng ngày, ở tuổi 43. Khi gia đình cô hỏi lý do tại sao thân thể cô đầy vết bầm tím, lính canh nhà tù nói rằng đó là “hồ máu tử thi” (một dấu hiệu của cái chết, khi máu tụ lại ở phần dưới cơ thể và làm màu da biến thành màu đỏ hơi tía). Nhà tù đã đe dọa gia đình của cô Dương, ép buộc họ ký vào đơn đồng ý hỏa táng thi thể cô.

Tội ác của Hác khi giữ chức Chánh án Tòa án Trung cấp Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 5 năm 2017

Trong nhiệm kỳ của Hác với tư cách là chánh án của Tòa án Trung cấp Tề Tề Cáp Nhĩ, ông ta đã tích cực thi hành chính sách bức hại Pháp Luân Công của chính quyền Giang Trạch Dân. Ông ta đã chỉ thị cho tòa án các cấp vào cuộc, khiến cho ít nhất 23 học viên bị kết án tù từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016.

Ông Chu Kim Thụy bị bắt vào ngày 10 tháng 1 năm 2013 và nhà của ông bị lục soát. Sau 3 tháng ở trong Trại tạm giam Huyện Phú Dụ, ông đã bị kết án 4 năm tù phi pháp. Tối ngày 6 tháng 5 năm 2014, Nhà tù Bắc An thông báo với gia đình rằng ông bị đột tử vì lên cơn đau tim, khi đó ông 44 tuổi. Sau khi gia đình đến nhà tù, họ nhìn thấy có bọt máu trong miệng ông Chu và nghi ngờ rằng ông ấy đã bị đánh đập dã man.

Vào năm 2014, 8 học viên ở Tề Tề Cáp Nhĩ đã bị kết án. Trong số đó, bà Mao Thục Trân bị kết án 5 năm, bà Thạch Ngọc Hà, bà Ngô Quế Tĩnh và bà Lý Đức Vinh mỗi người bị kết án 4 năm, bà Vương Kim Anh, ông Tôn Hải Châu, ông Trương Tiểu Quang và bà Lưu Huy mỗi người bị kết án 3 năm tù.

Trong năm 2016, có 7 học viên đã bị kết án. Vào ngày 8 tháng 6, bà Chiêm Thục Phân và bà Lý Ái Anh mỗi người bị kết án 4 năm. Vào ngày 5 tháng 5, bà Dương Thục Quân, 78 tuổi, bị kết án 3,5 năm. Vào tháng 6, bốn học viên ở độ tuổi 70, bà Triệu Tú Chi (78 tuổi) , bà Lý Quải Chi (76 tuổi), bà Lý Phượng Cầm (72 tuổi) và bà Bành Thục Vinh (70 tuổi), đã bị kết án từ 3-3,5 năm tù.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/2/453876.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/17/206216.html

Đăng ngày 25-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share