[MINH HUỆ 24-12-2022] Nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 năm 2022, học viên Pháp Luân Công ở 38 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ nước sở tại một danh sách mới gồm các thủ phạm bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, kêu gọi họ buộc những cá nhân này phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đã yêu cầu chính phủ của họ cấm thủ phạm và gia đình của họ nhập cảnh cũng như đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.

38 quốc gia này bao gồm: Liên minh Ngũ Nhãn, cụ thể là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand; 22 quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu; 11 quốc gia khác ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Trong số những thủ phạm được liệt kê có Chu Thủ Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù của Phòng Công an.

Thông tin thủ phạm

Tên đầy đủ của thủ phạm: Chu Thủ Khoa (朱守科)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Năm sinh: Tháng 7 năm 1969
Nơi sinh: Thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc

Chức danh/chức vụ:

Năm 2013: Bí thư Đảng ủy của Công an tỉnh Cam Túc

Năm 2013 – 2016: Trưởng Công an thành phố Lan Châu

Năm 2014 – 2016: Phó Giám đốc Công an tỉnh Cam Túc

Năm 2015: Phó Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Cam Túc

Từ năm 2016 – Đến nay: Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù của Bộ Công an

Tội ác chủ yếu

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Bộ Công an đã trở thành một công cụ đắc lực của chính quyền trong việc thực hiện cuộc đàn áp. Chỉ vì kiên định đức tin của mình, vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và giam giữ trong các Trại tạm giam ở tất cả các cấp trong hệ thống công an của Trung Quốc.

Theo mật lệnh của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân là “giết [các học viên Pháp Luân Công] không tha” và “đánh chết [các học viên] tính là tự sát”, các cơ sở giam giữ đã được tự do sử dụng nhiều loại phương pháp tra tấn tàn bạo khác nhau đối với với các học viên từ chối từ bỏ đức tin. Do những thủ đoạn này hết sức tàn ác nên thường dẫn đến những thương tích kéo dài, tàn tật vĩnh viễn hoặc dẫn đến tử vong cho các học viên.

Trong nhiệm kỳ của Chu Thủ Khoa với tư cách là Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù của Bộ Công an, ông ta đã đích thân lên kế hoạch và chỉ đạo cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công tại các cơ sở giam giữ trên khắp Trung Quốc.

Một số ví dụ về việc thực hiện tra tấn học viên theo mệnh lệnh của Chu là Vương Phượng Minh, giám đốc của trại tạm giam Bách Thắng ở tỉnh Cát Lâm, và Vệ Bình, phó giám đốc trại, đã đánh đập các học viên Pháp Luân Công ở trong trại giam, đầu độc bằng thuốc, dìm vào nước lạnh và cưỡng bức lao động khổ sai. Trong khi thực thi các mệnh lệnh này, một lính canh tuyên bố: “Cái chết của các học viên Pháp Luân Công không phải có gì to tát cả.”

Theo số liệu thống kê kể từ tháng 1 năm 2017 đến nay, ít nhất 37 học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết trong các trại giam. Nhiều người bị thương nặng hoặc tàn tật và một số còn bị mổ cướp nội tạng.

Là giám đốc điều hành tối cao của hệ thống quản lý nhà tù của Bộ Công an, Chu Thủ Khoa phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này.

Những trường hợp bị bức hại đến chết

Trường hợp 1: “Nếu tôi chết, thì đó là do bị tra tấn mà chết”

Bà Quý Vân Chi, một học viên Pháp Luân Công 66 tuổi, đã bị bắt tại nhà vào ngày 1 tháng 2 năm 2022. Cảnh sát đã đưa bà Quý đến Bệnh viện Số 2 Ba Lâm Tả kỳ và cưỡng chế bà kiểm tra y tế.

Trong quá trình kiểm tra, bà Quý lên cơn co giật. Bà không thể đứng vững hoặc nói năng gì và liên tục nôn mửa. Bất chấp tình trạng của bà, cảnh sát vẫn tùy tiện đưa bà đến trại tạm giam và giam giữ bà ở đó.

Bà Quý đã tuyệt thực để phản đối vụ bắt giữ. Để trả đũa, giám đốc trại tạm giam là Cao Vĩnh Cương, và bác sỹ pháp y Điền Chí Quân, cùng với nhiều cảnh sát và tù nhân khác đánh đập và tra tấn bà. Sự ngược đãi về thể xác đã khiến bà Quý rơi vào tình trạng nguy kịch.

Ngày 21 tháng 3, gia đình bà Quý nhận được thông báo rằng bà đã qua đời. Gia đình bà yêu cầu được vào phòng bệnh để nhìn mặt bà Quý lần cuối, nhưng cục công an từ chối. Từ bên ngoài căn phòng, gia đình bà Quý có thể nhìn thấy khí quản của bà bị cắt mở, trên mặt và vai dính nhiều vết máu.

Nhiều cảnh sát đóng tại hành lang bệnh viện khi người nhà bà Quý tới. Họ xua đuổi người nhà ra khỏi hành lang của bệnh viện và khóa thang máy bệnh viện để không ai có thể lên tới tầng mà bà Quý đang nằm.

Sáng ngày 8 tháng 4, phía chính quyền đã hỏa táng thi thể bà Quý, dù không có sự đồng ý của gia đình bà.

Trước khi bà Quý chết, bà đã nói với những người trong cùng phòng giam của mình: “Nếu tôi chết, thì đó là do bị tra tấn mà chết”

Trường hợp 2: Bà Khương Ái Phân bị bức hại đến chết chỉ 5 tháng sau vụ bắt giữ gần nhất

Bà Khương Ái Phân, một cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt tại nhà vào ngày 17 tháng 6 năm 2021 và bị đưa đến trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư. Trong khi giam giữ, bà phát bệnh tim nặng và sưng phù toàn thân. Bà không thể đứng dậy hoặc đi lại, bị khó thở, thị lực suy giảm và gần như mất hoàn toàn thị lực.

Khi ở bên bờ vực cái chết, bà Khương được trả tự do và bị quản thúc tại gia vào ngày 17 tháng 8. Ba tháng sau, bà qua đời vào ngày 18 tháng 11 năm 2021, ở tuổi 64.

2022-12-23-190707-1.jpg

Hình ảnh đôi chân sưng phù của bà Khương

Trường hợp 3: Trong thời gian chấp hành án, bà Thi Mộng Xảo qua đời sau khi trải qua cuộc phẫu thuật một cách không tình nguyện sau khi bị gán cho là bị u não

Bà Thi Mộng Xảo ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, đã bị bắt vào tháng 2 năm 2020 và bị kết án 18 tháng tù cùng với khoản tiền phạt lên tới 20.000 nhân dân tệ.

Vào cuối tháng 3 năm 2021, trại tạm giam thành phố Vĩnh Khang nói với gia đình bà Thi rằng bà hiện đang có một khối u não và sẽ không bị đưa tới nhà tù. Trại giam đã phẫu thuật cho bà Thi dù không có sự chấp thuận của gia đình, sau đó bà được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực.

Bà Thi không bao giờ tỉnh lại sau ca phẫu thuật đó nữa và qua đời vào ngày 6 tháng 6 năm 2021. Trại tạm giam đã đưa thi thể bà đến nhà tang lễ ngay trong đêm.

Trường hợp 4: Ông Quách Bảo Quân qua đời sau gần 1 năm rưỡi bị giam giữ

Ông Quách Bảo Quân đã bị bắt vào ngày 10 tháng 11 năm 2019 và bị giam giữ trong trại tạm giam Số 3 thành phố Trịnh Châu. Trong hơn 1 năm, gia đình ông không được phép vào thăm nom.

Ngày 3 tháng 12 năm 2020, trại tạm giam đã gọi điện cho con trai của ông Quách thông báo rằng cha của anh đã được đưa đến Bệnh viện Số 2 thành phố Trịnh Châu và đang trong tình trạng nguy kịch. Khi gia đình ông Quách đến, họ thấy ông gầy bất thường với hai mắt sưng húp. Một cái ống dẫn được đưa vào dạ dày qua lỗ mũi cùng với một kim truyền dịch IV được cắm vào cánh tay ông–cánh tay đầy rẫy những vết thâm tím và những lỗ kim có thể nhìn thấy rõ. Trên người ông còn gắn một ống thông tiểu, và đôi chân vẫn bị xích lại bằng xích nặng.

Ngày 14 tháng 3 năm 2021, trại tạm giam gửi tin nhắn thông báo cho gia đình ông Quách rằng ông đã chết. Gia đình yêu cầu được nhìn thi thể của ông lần cuối, nhưng trại tạm giam từ chối.

Trường hợp 5: Ông Vu Vĩnh Mãn tử vong trong trại tạm giam

Ông Vu Vĩnh Mãn bị bắt vào ngày 15 tháng 11 năm 2019 và bị giam trong trại tạm giam thành phố Liêu Dương. Ông tử vong trong khi bị giam giữ vào ngày 23 tháng 2 năm 2020, ở tuổi 65.

trại tạm giam tuyên bố cái chết của ông là do “đột nhiên mắc bệnh”. Tuy nhiên, nhân viên pháp y khám nghiệm tử thi phát hiện ra rằng ông Vu bị gãy xương sườn và có vết rách ở phổi. Người nhà nghi ngờ là ông đã bị đánh đập đến chết ở trong trại tạm giam.

Trường hợp 6: Ông Hà Lập Phương tử vong ở tuổi 45 trong khi bị giam giữ, gia đình nghi ngờ ông bị hành hạ đến chết và mổ cướp nội tạng

Ông Hà Lập Phương bị bắt vào tháng 5 năm 2019 và qua đời vào ngày 2 tháng 7 trong khi đang bị giam giữ ở trong trại tạm giam Phổ Đông, tỉnh Sơn Đông, khi mới 45 tuổi.

Gia đình ông Hà xem xét thi thể của ông và thấy có nhiều vết rạch ở ngực và lưng của ông. Nét mặt ông lộ rõ ​​vẻ đau đớn, miệng há to, mũi và miệng đều có vết máu. Nướu răng có máu chảy ra và nhiều vết thương trên khắp cơ thể; chân tay bầm tím và chi chít những lỗ kim dâm cùng một vết phồng rộp trên cổ.

Ban đầu, cảnh sát nói rằng vết thương của ông Hà là do khám nghiệm tử thi, nhưng gia đình nghi ngờ rằng ông Hà có thể đã bị mổ cướp nội tạng khi còn sống hoặc ngay sau khi vừa chết.

Trường hợp 7: Ông Dương Ngọc Vĩnh bị tra tấn đến chết ở trong trại tạm giam

Ông Dương Ngọc Vĩnh và vợ ông (đều ở Thiên Tân) đã bị bắt vào ngày 7 tháng 12 năm 2016 và bị giam trong trại tạm giam quận Vũ Thanh. Ông Dương bị tra tấn đến chết vào ngày 11 tháng 7 năm 2017.

Một nguồn tin bên trong tiết lộ, ông Dương đã bị ngược đãi tàn bạo ở trong trại giam. Lính canh Lưu Kiến Cương tát vào mặt ông Dương và sau đó để 13 tù nhân đồng loạt đánh ông cho đến khi ông bất tỉnh. Họ còn sỉ nhục, véo bộ phận sinh dục cũng như cắn núm vú của ông.

Vào khoảng 6 giờ chiều vào ngày 11 tháng 7, gia đình ông Dương nhận được thông báo rằng ông đang ở trong tình trạng nguy kịch. Khi đến Bệnh viện Trung y Vũ Thanh, họ thấy cảnh sát có mặt ở khắp nơi. Lúc họ được gặp ông Dương thì ông đã không còn thở nữa, cơ thể ông chuyển sang màu xanh đen.

Bác sỹ nói khi ông được đưa đến bệnh viện vào lúc 3:40 chiều, nội tạng của ông Dương đã bị tổn thương. Các y tá cũng cho biết khi đến đây, ông đã ở trong tình trạng hấp hối.

Những trường hợp bị tra tấn

Trường hợp 1: Bà Lý Đông Mai bị tra tấn trong khi bị giam giữ và không được ngủ trong 6 ngày

Chiều ngày 18 tháng 7 năm 2019, bà Lý Đông Mai và bà Cảnh Thụ Lan ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt khi đang nói với mọi người về Pháp Luân Công.

Ngày 20 tháng 7, bà Lý và bà Cảnh bị đưa đến trại tạm giam Số 2 Thạch Gia Trang. Bà Lý hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” để phản kháng và lính canh đã ra lệnh cho 6 tù nhân đánh đập bà. Người bà Lý đầy vết bầm tím, mặt và mũi be bét máu.

Đêm đó, lính canh không cho phép bà Lý ngủ. Họ bố trí 8 tù nhân thay phiên nhau canh chừng bà suốt đêm. Bà Lý không được chợp mắt và vô cùng đau đớn do vết thương, bà gần như suy sụp tinh thần và phát điên lên. Cuộc tra tấn kéo dài trong 6 ngày. Trong suốt thời gian đó, ba Lý chỉ được ăn ba cái bánh bao hấp.

Vào ngày giam giữ thứ hai và thứ ba, lính canh chỉ đạo 6 tù nhân còng tay bà Lý trong một thời gian dài.

Trong khi bị giam giữ, bà Lý từ chối mặc đồng phục tù nhân để phản đối việc giam giữ phi pháp. Thay vào đó, bà kiên quyết mặc quần áo của chính mình. Lính canh đã làm nhục bà bằng cách không cho bà mặc quần, chỉ cho bà mặc quần lót.

Khi lính canh cho tù nhân ra ngoài để tập thể dục, bà Lý đã từ chối đi theo. Lính canh cưỡng chế bà ra ngoài bằng cách kéo lê bà trên mặt đất trong khi bà chỉ mặc quần lót, khiến bà bị thương khắp người.

Vào khoảng ngày 27 tháng 7, lính canh đã vu khống rằng tóc bà Lý có chấy. Họ viện cớ này để cắt trụi tóc và xịt thuốc lên đầu bà. Một tù nhân đã dùng vòi nước xịt vào đầu bà Lý để dìm bà trong nước lạnh, khiến bà suýt chết ngạt. Các tù nhân cũng ngâm quần của bà trong nước bẩn từ sàn nhà vệ sinh và nhét chiếc quần ướt đó vào miệng bà.

Trường hợp 2: Bà La Minh Xuân bị kết án 4 năm tù, bị tra tấn treo người ở trong trại tạm giam

Tháng 8 năm 2019, cảnh sát đã bắt giữ và lục soát nhà bà La Minh Xuân ở thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên dù không có lệnh khám xét. Bà bị giam trong trại tạm giam thành phố Tây Xương, và ở đây, bà bị còng tay vào khung cửa và treo người lên bằng cổ tay với các ngón chân chỉ hơi chạm đất. Hầu như toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn vào phần cổ tay nên chỉ một lúc sau cổ tay đã trở nên tím đen, toàn thân bà vô cùng đau đớn. Bà cảm thấy khó thở.

Lính canh đã treo bà lên trong suốt một buổi sáng. Bà bị bầm tím và bị thương ở phần thịt tiếp xúc với chiếc còng. Trại tạm giam cũng sử dụng hình thức tra tấn “treo người” này đối với các tù nhân khác.

2022-12-23-190707-2--ss.jpg

Minh họa tra tấn: Treo cổ tay

Trường hợp 3: Bà Hoàng Tá Bình bị suy sụp tinh thần dẫn tới mất trí

Bà Hoàng Tá Bình, một cư dân 68 tuổi của thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, đã bị bắt vào tháng 11 năm 2021. Bà bị suy sụp tinh thần sau 10 tháng bị giam trong trại tạm giam Số 1 thành phố Nam Xương và sau đó được trả tự do.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/24/453487.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/13/206149.html

Đăng ngày 01-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share