Bài viết từ các phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm
[MINH HUỆ 29-12-2022] Vào khoảng Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công ở 38 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ nước sở tại một danh sách thủ phạm mới để kêu gọi trừng phạt những cá nhân này vì tội ác của họ trong việc bức hại Pháp Luân Công, trong đó có hình thức cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài. Các quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand, 22 quốc gia trong Liên minh Châu Âu và 11 quốc gia khác tại Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Trong danh sách thủ phạm có Lưu Kim Ba, Phó tỉnh trưởng của tỉnh Cát Lâm.
Thông tin thủ phạm
Tên đầy đủ: Lưu Kim Ba (刘金波)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Thiên Tân, Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: Tháng 8 năm 1963
Lưu Kim Ba
Chức danh và chức vụ
Tháng 10 năm 1983: Kết nạp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
Tháng 2 năm 2009 – tháng 9 năm 2010: Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao Thiên Tân.
Tháng 9 năm 2010 – Tháng 9 năm 2014: Bí thư Đảng ủy Ban cán sự Đảng và kiêm Chánh án Tòa án Nhân dân Trung cấp Số 1 Thiên Tân.
Tháng 8 năm 2014 – Tháng 1 năm 2018: Phó Giám đốc và Phó Bí thư Đảng ủy của Công an Thiên Tân.
Tháng 1 năm 2018 – Đến nay: Phó tỉnh trưởng kiêm ủy viên Ban cán sự Đảng Tỉnh Cát Lâm; Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Công an Tỉnh Cát Lâm và Phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) của Tỉnh ủy Cát Lâm.
Tội ác chủ yếu
Tỉnh Cát Lâm và Thiên Tân là hai trong số những tỉnh thành bức hại Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. Số lượng học viên bị bức hại đến chết ở tỉnh Cát Lâm cao thứ tư cả nước. Chính quyền ở tỉnh Cát Lâm và Thiên Tân đều tích cực tuân theo các chính sách đàn áp của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Lưu Kim Ba phụ trách các cơ quan tòa án và cơ quan công an ở Thiên Tân và tỉnh Cát Lâm đồng thời chịu trách nhiệm chủ yếu về cuộc đàn áp ở cả hai khu vực trên.
Tội ác từ tháng 1 năm 2018 đến nay
Kể từ tháng 1 năm 2018 đến nay, Lưu đích thân chỉ đạo cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở tỉnh Cát Lâm. Ngày 24 tháng 2 năm 2018, trong Hội nghị Công tác Công an Tỉnh Cát Lâm, Lưu, với tư cách là Phó tỉnh trưởng kiêm Giám đốc Công an Tỉnh Cát Lâm phụ trách tư pháp đã chỉ đạo công an các cấp: “Xóa bỏ hoàn toàn mảnh đất sinh tồn của các tổ chức tà giáo ở [tỉnh Cát Lâm], kiên quyết phá hủy các hệ thống tổ chức, tụ điểm hoạt động và cơ hội tái sinh của chúng“.
Lưu đã nhiều lần lập chiến lược và triển khai các hoạt động về “công tác duy trì an ninh và ổn định của cơ quan công an”.
Trong nhiệm kỳ của Lưu, ít nhất 28 học viên Pháp Luân Công từ tỉnh Cát Lâm đã bị bức hại đến chết. Nhiều học viên khác bị sách nhiễu, bị bắt và lục soát nhà cửa. Một số khác cũng bị giam giữ, kết án và tra tấn.
Sự bức hại trong năm 2018
Theo Minh Huệ Net ghi nhận, 777 trường hợp học viên trở thành mục tiêu bức hai vì đức tin vào Pháp Luân Công được báo cáo trong năm 2018. Trong số đó, 1 học viên bị bức hại đến chết, 65 người bị kết án, 26 người bị xét xử, 15 người bị truy tố, 463 người bị bắt, 134 người bị sách nhiễu và 31 người bị tống tiền.
Bà Tống Triệu Hằng (76 tuổi), một giáo viên nghỉ hưu, đã bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công vào ngày 27 tháng 8 năm 2018. Trong cuộc nói chuyện với thẩm phán vào ngày 14 tháng 1 năm 2019, thẩm phán đã cố gắng gây áp lực lên con gái bà Tống và đe dọa sẽ kết án bà 9 năm tù nếu bà không từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Tống đã vô cùng sợ hãi. Cuối cùng, bà đã qua đời một cách oan ức chỉ vài giờ sau khi bị đưa trở lại Trại tạm giam.
Sự bức hại trong năm 2019
Năm 2019, có 1.015 trường hợp học viên trở thành mục tiêu bức hại ở tỉnh Cát Lâm. Trong số đó, 8 người bị bức hại đến chết, 72 người bị kết án tù, 19 người bị xét xử tại tòa án, 582 người bị bắt giữ, 236 người bị sách nhiễu và 38 người bị bức hại tài chính và bị tống tiền tổng cộng 286.605 Nhân dân tệ.
Bà Lý Tinh, 64 tuổi, đang đi ô tô điện về nhà một mình vào chiều ngày 14 tháng 3 năm 2018 thì bị cảnh sát bắt giữ. Sau đó, cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu máy in, máy tính và các sách Pháp Luân Đại Pháp của bà. Bà bị thẩm vấn liên tục trong 2 ngày tại đồn công an trong trại thái bị còng tay, cùm chân và không được phép ngủ. Việc bắt giữ bà đã được viện kiểm sát phê duyệt vào ngày 28 tháng 3 năm 2018. Khoảng nửa tháng sau, bà bị kết án 10 năm tù vào ngày 12 tháng 4 năm 2019.
Ngày 15 tháng 8 năm 2019, hàng trăm cảnh sát được huy động ở huyện Lê Thụ và thành phố Tứ Bình phối hợp cùng cảnh sát ở thành phố Trường Xuân và truy quét bắt giữ hơn 30 học viên và người nhà của họ ở Trường Xuân theo mệnh lênh của Lưu. Ngày 26 tháng 2 năm 2021, Tòa án Huyện Lê Thụ ở thành phố Tứ Bình đã tổ chức một phiên tòa xét xử và kết án 14 học viên, trong đó có 7 người là thành viên của một đại gia đình, mức án từ 7 đến 9 năm tù. Trong số các học viên có bà Phó Quế Hoa đã bị tra tấn đến chết ở trong tù vào ngày 25 tháng 7 năm 2021.
Sự bức hại trong năm 2020
Tổng cộng 1.498 trường hợp bị bức hại đã được báo cáo trong năm 2020. Trong số đó, 6 học viên đã bị bức hại đến chết, 68 người bị kết án, 21 người bị xét xử và 10 người bị truy tố; 486 học viên khác bị bắt giữ, 471 người bị sách nhiễu, và 337 người bị đưa đến các trung tâm tẩy não; 58 học viên đã bị tống tiền với tổng cộng 810.550 Nhân dân tệ.
Ngày 15 tháng 7 năm 2020, UBND Huyện Nông An và Phòng 610 đã bắt giữ 13 học viên, bao gồm bà Trương Tú Chi (64 tuổi), bà Thái Ngọc Anh (66 tuổi), bà Cao Hiểu Kỳ và ông Phùng Lập Tề. Thư ký của UBCTPL thành phố Trường Xuân Mã Diên Phong đã đích thân giám sát hoạt động bắt giữ. Tháng 4 năm 2021, các học viên này đã bị Tòa án Thành phố Đức Huệ kết án phi pháp từ 2 đến 10 năm tù.
Sự bức hại trong năm 2021
Năm 2021, với cái cớ là chiến dịch “Xóa sổ”, chính quyền đã sách nhiễu hầu hết các học viên ở trong tỉnh, bao gồm các học viên cao tuổi ngoài 90 và những người đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Một số bị sách nhiễu tới hàng chục lần.
Cũng trong năm này, tổng cộng 1.293 trường hợp bức hại đã được ghi nhận. Trong số đó, 10 học viên đã bị bức hại đến chết, 96 người bị kết án tù, sáu người bị xét xử, 14 người bị truy tố, 287 người bị bắt và 732 người bị sách nhiễu. 79 học viên khác bị đưa đến các trung tâm tẩy não và 43 người bị tống tiền với tổng số tiền là 115.160 Nhân dân tệ.
Vào ngày 16 tháng 3 năm 2021, 2 cảnh sát Phác Đông Kiệt và Tôn Hải Đào đã đột nhập vào nhà của anh Doãn Chí Ba (44 tuổi). Trong lúc xảy ra giằng co, cảnh sát đã đẩy anh ra khỏi cửa sổ, khiến anh ngã xuống đất tử vong.
Ông Lưu Vĩnh Tồn, 89 tuổi, đã bị cảnh sát của thị trấn Pháp Đặc bắt giữ vào mùa đông năm 2020. Cảnh sát đã lục soát nhà của ông và ép ông phải ký tên vào bản cam kết từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ông Lưu sợ hãi đến mức bị đột quỵ và nằm liệt giường. Đến tối ngày 12 tháng 5 năm 2021, cảnh sát lại lục soát nhà ông. Họ đã cố bắt ông nhưng đã nhượng bộ khi thấy tình trạng sức khoẻ của ông không tốt. Không chịu nổi áp lực to lớn từ những vụ sách nhiễu và bắt giữ, ông Lưu đã qua đời vào ngày 10 tháng 9 năm 2021, ở tuổi 89.
Sự bức hại trong năm 2022
Trong nửa đầu năm 2022, 333 trường hợp bị bức hại được ghi nhận. Trong số đó, 3 người đã chết vì bị ngược đãi, và 22 người bị kết án. Có tổng cộng 100 vụ bắt giữ và 99 vụ sách nhiễu. Cảnh sát đã lục soát nhà của 66 học viên và tịch thu tổng cộng 152.600 Nhân dân tệ. Chính quyền cũng đã đình chỉ lương hưu của 39 học viên.
Ngày 12 tháng 6 năm 2022, Công an Thành phố Cát Lâm đã bắt giữ một cựu giảng viên đại học, bà Khương Vĩnh Cần. Nhân viên từ Phòng Huấn luyện Đặc biệt của Đồn Công an Tỉnh Cát Lâm và cảnh sát của Đội An ninh Nội địa địa phương đã thẩm vấn bà. Họ sử dụng các công cụ tra tấn từ “hộp dụng cụ” gồm tăm xỉa răng, dụng cụ tra tấn, chai thuốc, dây điện, thuốc kích dục, v.v. Những người này xịt dầu mù tạt và nhét thuốc lá đang cháy vào lỗ mũi của bà. Bà đã bị lạm dụng và tấn công tình dục cũng như tra tấn trong ít nhất 2 tiếng đồng hồ. Bà hiện đang bị giam giữ ở trong trại tạm giam Thành phố Cát Lâm. Người mẹ già 86 tuổi của bà vô cùng lo lắng cho con gái mình đến mức thần trí mơ hồ và không thể tự chăm sóc bản thân được nữa.
Tội ác phạm phải từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 1 năm 2018
Trong nhiệm kỳ của mình với tư cách là phó giám đốc Công an Thiên Tân, cùng với giám đốc Công an Thiên Tân Triệu Phi, Lưu đã tăng cường bức hại Pháp Luân Công ở Thiên Tân, khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực bị bức hại nặng nề nhất trong cả nước. Họ đã bắt giữ và tra tấn nhiều học viên Pháp Luân Công, dẫn đến cái chết của nhiều học viên.
Tháng 7 năm 2014, sau khi Triệu nhậm chức giám đốc Công an Thiên Tân, ông ta đã tuyên bố sẽ trao “phần thưởng 10.000 Nhân dân tệ cho việc bắt giữ một học viên Pháp Luân Công”, dẫn đến sự leo thang bức hại ở Thiên Tân.
Đến tháng 3 năm 2015, trước thềm Lưỡng hội lần thứ 12 ĐCSTQ và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Phòng 610 Thiên Tân và Đội An ninh Nội địa đã bắt giữ ít nhất 60 học viên. Từ ngày 2 đến 4 tháng 3, có 37 học viên và người nhà của họ đã bị bắt giữ. Nhà của họ đều bị cảnh sát đột nhập trái phép.
Ngày 2 tháng 3 năm 2015, Lý Chấn Miên từ Đội An ninh Nội địa Đường Cổ đã dẫn theo cảnh sát đột nhập vào nhà của bà Vương Huệ Trân. Họ lục soát nhà bà và lấy đi máy tính, nhiều điện thoại di động, sách Pháp Luân Công và đĩa CD. Mặc dù trước đó bà Vương đã bị ốm nhưng vẫn bị đưa đến Trung tâm Cai nghiện Đường Cổ. Khi bà từ chối trả lời mọi câu hỏi trong quá trình thẩm vấn, cảnh sát đã làm giả lời khai của bà. Bà ở trong tình trạng nguy kịch sau khi bị giam giữ và sau đó được trả tự do. Bà qua đời vào ngày 21 tháng 3 năm 2015.
Trong năm 2016, ít nhất 244 học viên đã bị bức hại ở Thiên Tân, bao gồm 160 vụ bắt giữ và lục soát nhà cửa.
Trong năm 2017, ít nhất 427 học viên ở Thiên Tân đã bị bức hại trong đó có 130 người bị bắt giữ và lục soát nhà; 3 người đã qua đời vì bức hại.
Ông Dương Ngọc Vĩnh và vợ là bà Mạnh Hiến Trân đã bị bắt vào ngày 7 tháng 12 năm 2016. Công an đã giam họ ở trong trại tạm giam Quận Vũ Thanh. Ông Dương đã bị tra tấn đến chết ở trong trại giam vào ngày 11 tháng 7 năm 2017.
Trước khi ông chết, lính canh Lưu Kiến Cương đã tát vào mặt ông rất nhiều lần. Lưu cũng xúi giục 13 tù nhân đánh ông Dương. Họ đánh ông bất tỉnh và tấn công tình dục ông, bao gồm véo bộ phận sinh dục và cắn vào núm vú của ông.
Vào lúc 6:00 tối ngày 11 tháng 7 năm 2017, gia đình ông Dương nhận được thông báo từ đồn công an địa phương, yêu cầu họ đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Vũ Thanh. Gia đình nhìn thấy cảnh sát đứng chật kín cả sảnh bệnh viện. Người thân và bạn bè ông Dương phát hiện vùng cổ và toàn thân ông Dương có nhiều vết bầm tím, tai và mắt đều có vết máu. Ngoài ra còn có một vết thương lớn ở gốc tai và dấu vết của que tre trong móng chân. Ông đã tắt thở nhưng vẫn được kết nối với máy hồi sức tim phổi. Bác sỹ nói rằng cảnh sát đã đưa ông Dương đến bệnh viện hồi 3:40 chiều và lúc đó nội tạng của ông ấy đã bị hỏng và ông đã đang hấp hối.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/29/453883.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/15/206174.html
Đăng ngày 22-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.