[MINH HUỆ 27-12-2022] Nhân ngày Nhân quyền Quốc tế, ngày 10 tháng 12, các học viên Pháp Luân Công ở 38 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ nước sở tại danh sách thủ phạm mới để kêu gọi trừng phạt những cá nhân này vì đã bức hại Pháp Luân Công, trong đó có hình thức cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản ở nước ngoài của những thủ phạm này. Các quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, 22 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và 11 quốc gia khác ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Trong danh sách thủ phạm có Cố Tuyết Phi, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Công an Tỉnh Hà Nam.
* * *
Thông tin về thủ phạm
Họ và tên: Cố Tuyết Phi (顾雪飞)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày sinh: Tháng 3 năm 1964
Nơi sinh: huyện Hải Diêm, tỉnh Chiết Giang
Cố Tuyết Phi
Chức vụ
Tháng 4 năm 2021 – hiện nay: Phó Chủ tịch Tỉnh Hà Nam; Giám đốc Công an Tỉnh Hà Nam
Tháng 1 năm 2018 – tháng 4 năm 2021: Bí thư Đảng ủy kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh Hà Nam
Tháng 2 năm 2015 – tháng 1 năm 2018: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang
Tháng 8 năm 2008 – tháng 2 năm 2015: Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Viện phó, Thanh tra viên, và là ứng cử viên cho chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Tháng 3 năm 2002 – tháng 8 năm 2008: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang
Tháng 12 năm 2000 – tháng 3 năm 2002: Công tố viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh Chiết Giang, tổ trưởng tổ công tố
Tháng 12 năm 1998 – tháng 12 năm 2000: Phó Bí thư Khu ủy Phú Dương, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Phú Dương, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang
Những tội ác chính
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Cố Tuyết Phi đã nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trong ngành kiểm sát và tư pháp, chịu trách nhiệm trực tiếp về việc bức hại vô số học viên Pháp Luân Công. Tháng 1 năm 2018, khi chuyển sang Viện Kiểm sát Tỉnh Hà Nam, ông ta càng lún sâu hơn vào cuộc bức hại khi triển khai bức hại học viên Pháp Luân Công trên toàn khu vực.
Những tội ác trên cương vị trưởng công tố của Viện Kiểm sát Tỉnh Hà Nam từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 4 năm 2021
Ngày 12 tháng 3 năm 2018, với tư cách là đại biểu Hội đồng Nhân dân Toàn quốc, đồng thời là trưởng công tố kiêm Bí thư Đảng ủy Viện Kiểm sát Tỉnh Hà Nam, Cố đã vu khống Pháp Luân Công trong một cuộc phỏng vấn video trực tuyến có tiêu đề “Công lý hiện hành“. Ông ta dùng những ngôn từ như “thẳng tay đàn áp bạo lực, khủng bố, tà giáo, và các tội phạm khác, trong khi tích cực tham gia vào chiến dịch đặc biệt chống tà giáo”.
Những học viên bị kết án vào năm 2018
Theo Minh Huệ Net, năm 2018 có 36 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hà Nam bị kết án, trong đó riêng tháng 9 là 14 học viên.
Sáu học viên từ thành phố Tín Dương, trong đó có ông Bạch Quốc Hiển 80 tuổi; bà Đào Ngọc Hoa; và bà Dương Thành Vân, bị bắt vào ngày 16 tháng 3 năm 2017, và bị Tòa án Quận Dịch Thành, thành phố Trú Mã Điếm kết án vào ngày 19 tháng 9 năm 2018. Bản án của họ là:
-
Ông Bạch Quốc Hiển: 8 năm tù với số tiền phạt 26.000 Nhân dân tệ
-
Bà Đào Ngọc Hoa: 8 năm tù với số tiền phạt 30.000 Nhân dân tệ
-
Bà Dương Thành Vân: 8 năm 6 tháng tù với số tiền phạt 30.000 Nhân dân tệ
-
Bà Lý Tuấn Hoa: 7 năm 6 tháng tù với số tiền phạt 20.000 Nhân dân tệ
-
Bà Đinh Tuyết Mai: 7 năm sáu tháng tù với số tiền phạt 20.000 Nhân dân tệ
-
Bà Dương Sơn Bình: 2 năm tù với số tiền phạt 6.000 Nhân dân tệ
Sau đó ông Bạch bị chuyển sang Nhà tù Trịnh Châu. Do bị ngược đãi trong thời gian dài, ông bị yếu đi. Vào nửa cuối năm 2019, ông bị cao huyết áp và khó thở. Ông được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế nhưng qua đời vào ngày 19 tháng 4 năm 2021.
Bắt giữ hàng loạt và kết án từ năm 2019 đến 2020
Theo dữ liệu hiện có, từ năm 2019 đến năm 2020, có 102 học viên ở tỉnh Hà Nam đã bị kết án. Tháng 8 năm 2020, 27 học viên đã bị xét xử, trong đó 6 người bị kết án phi pháp.
Ngày 30 tháng 8 năm 2019, cảnh sát từ Sở Công an Thành phố Nam Dương đã tiến hành một vụ bắt giữ quy mô lớn. Ít nhất 80 học viên đã bị bắt, hơn 130 học viên bị khám xét nhà mà không có lệnh.
Ngày 11 tháng 8 năm 2020, có 27 học viên, trong đó có ông Triệu Nguyên Bồi và ông Vương Vỹ, đã bị xét xử. Ngày 30 tháng 12 năm 2020, họ bị kết án từ 7 tháng đến 13 năm tù và bị phạt từ 3.000 đến 50.000 Nhân dân tệ.
Tháng 3 năm 2021, có 14 học viên, trong đó có bà Hà Hỷ Mai, bà Tào Ái Lan và ông Vương Thiết Tráng, đã bị kết án từ 3 đến 9 năm tù và bị phạt từ 5.000 đến 30.000 Nhân dân tệ.
Những tội ác trên cương vị Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Công an Tỉnh Hà Nam từ tháng 4 năm 2021
Từ tháng 4 năm 2021, Cố Tuyết Phi được thăng chức lên phó chủ tịch kiêm giám đốc Sở Công an Tỉnh Hà Nam. Việc trực tiếp tham gia tổ chức các chiến dịch bức hại của ông ta đã làm gia tăng đàn áp ở tỉnh Hà Nam. Trong vòng chưa đầy hai năm sau khi ông ta nhậm chức, có ít nhất tám học viên ở tỉnh này, trong đó có ông Lý Hiện Tập, ông Quách Bảo Quân, ông Bạch Quốc Hiển, ông Lý Kiến Thiết, ông Lý Quốc Huân, bà Lý Điện Thu và ông Lý Văn Nhiên, đã chết vì bị bức hại.
Tuyên truyền kích động thù hận ở các trường đại học
Sáng ngày 15 tháng 4 năm 2021, tại Đại học Kinh tế và Luật Hà Nam, công an tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ khởi động “chiến dịch bài trừ dị giáo” nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các trường đại học trên toàn tỉnh. Chiến dịch này có phát sóng một bộ phim hoạt hình phỉ báng Pháp Luân Công dưới tiêu đề “Chiến lược chống tà ác ở các trường cao đẳng và đại học” do Cố đạo diễn, và được các giáo viên và sinh viên của trường đại học này sản xuất.
Chiến dịch này đã cho đặt hơn 2.800 bảng trưng bày tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn tỉnh, phân phát hơn 50.000 tờ rơi, và treo hơn 1.000 áp phích.
Huy động công an truy bắt các học viên ở ngoài tỉnh
Theo một báo cáo vào năm 2021 trên Minh Huệ Net, trong năm đó, ở tỉnh Hà Nam có 90 học viên Pháp Luân Công bị kết án, cao thứ năm trong cả nước. Ngoài ra, còn có 237 vụ bắt giữ và 95 vụ sách nhiễu khác.
Năm 2021, cảnh sát Hà Nam đã bắt giữ nhiều học viên ở các tỉnh khác. Ngày 28 tháng 4 năm 2021, ông Lý Bân ở thành phố Bạc Đầu, tỉnh Hà Bắc, đã bị người từ Sở Công an An Dương bắt. Ngày 12 tháng 4 năm 2021, bà Đái Chí Dĩnh ở Thượng Hải đã bị cảnh sát thành phố Lạc Dương bắt.
Ngày 25 tháng 4 năm 2021, bà Tôn Lệ Quyên ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh và chồng bà là ông Trương Bảo Quốc đã bị bắt tại nhà của họ. Những cảnh sát bắt giữ họ thuộc Đội An ninh Nội địa Quận Giải Phóng, thành phố Tiêu Tác, cũng như cảnh sát ở Cẩm Châu. Ngày 28 tháng 4, bà Tôn bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Tiêu Tác, còn ông Trương bị giam tại trại tạm giam Thành phố Cẩm Châu.
Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 năm 2020, cảnh sát Lạc Dương đã bắt giữ thêm nhiều học viên, trong đó có bà Phó Ni Quyên ở thành phố Chi Giang, tỉnh Hồ Bắc; ông Lý Phúc Xuân ở Bắc Kinh; và ông Ngô Giai Kiện ở thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông. Họ bị giam tại trại tạm giam Thành phố Lạc Dương. Ngày 25 tháng 4 năm 2021, họ bị công tố viên Vũ Giang Dương của Viện Kiểm sát Quận Giản Tây, Lạc Dương truy tố và bị Tòa án Quận Giản Tây, Lạc Dương kết án.
Những trường hợp bị bức hại đến chết
Trường hợp 1: Ông Lý Hiện Tập chết trong trại tạm giam
Ngày 11 tháng 5 năm 2021, ông Lý Hiện Tập ở thành phố An Dương bị bắt. Ngày 12 tháng 6, ông qua đời ở tuổi 52 sau một tháng bị tạm giam, người tiều tụy, đầu thâm tím, và có vết thương ở thắt lưng, lưng và đầu gối. Khi người nhà hỏi về nguyên nhân cái chết của ông, lính canh của trại tạm giam không trả lời. Người nhà từ chối ký vào đơn hỏa táng ông.
Trường hợp 2: Ông Lý Kiến Thiết bị tra tấn đến chết sau 16 ngày bị bắt
Ngày 20 tháng 6 năm 2021, ông Lý Kiến Thiết ở thành phố Trú Mã Điếm bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Trú Mã Điếm. Ngày 2 tháng 7, gia đình ông được thông báo ông Lý đã được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Một người nhà đã nhìn thấy lưng, cánh tay và cổ của ông thâm tím, và ông đang hấp hối. Ông qua đời trong bệnh viện vào ngày 6 tháng 7 năm 2021.
Trường hợp 3: Bà Lý Điện Thu qua đời vì liên tục bị sách nhiễu
Tháng 12 năm 2021, bà Lý Điện Thu ở thành phố Tín Dương đã bị theo dõi và bắt giữ khi đang phát tài liệu về Pháp Luân Công trên phố. Nhà bà đã bị khám xét dù không có lệnh. Vì kết quả kiểm tra sức khỏe của bà không đạt, nên bà bị trại tạm giam từ chối và đã được thả ra. Tuy nhiên, bà liên tục bị cảnh sát và nhân viên ủy ban sách nhiễu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bà. Cuối cùng bà đã qua đời vào ngày 5 tháng 8 năm 2022 ở tuổi 79.
Trường hợp 4: Ông Lý Văn Nhiên bị kết án phi pháp và chết vì bệnh tâm thần
Ngày 15 tháng 5 năm 2019, ông Lý Văn Nhiên ở thành phố Nam Dương đã bị bắt và lục soát nhà mà không có lệnh. Năm 2020, ông bị kết án tù 1,5 năm. Sau khi trại tạm giam từ chối tiếp nhận ông vì lý do sức khỏe, ông bị giám sát tại khu dân cư và thỉnh thoảng bị yêu cầu tham gia các khóa tẩy não. Ông không trụ nổi trước áp lực tinh thần, và qua đời vào ngày 25 tháng 1 năm 2022 ở tuổi 79.
Một số trường hợp bức hại khác
Trường hợp 1: Kế toán Lâu Á Hồng bị lính canh bức thực và bị cao huyết áp
Ngày 15 tháng 12 năm 2021, bà Lâu Á Hồng, ngoài 50 tuổi, ở thành phố Hứa Xương, đã bị bắt tại nhà. Đầu tháng 7 năm 2021, Tòa án Quận Ngụy Đô kết án bà bốn năm tù giam. Bà đã kháng án lên Tòa án Trung cấp Thành phố Hứa Xương, nhưng thẩm phán vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Đầu tháng 11 năm 2021, bà Lâu bị đưa đến Nhà tù Nữ Tân Hương, tỉnh Hà Nam. Bà đã tuyệt thực trong vài ngày và bị bức thực, khiến bà bị cao huyết áp.
Trường hợp 2: Ông Trịnh Gia Kim, ngoài 80 tuổi, bị buộc thi hành án chín năm tù
Ngày 28 tháng 8 năm 2020, ông Trịnh Gia Kim, 81 tuổi, ở thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, đã bị bắt. Ngày 19 tháng 5 năm 2021, ông bị kết án tù 1 năm 8 tháng. Trước đó, ông đã bị kết án 7,5 năm vào năm 2015 nhưng chưa thi hành án, nên ông bị bắt lại vào tháng 6 năm 2021 để thi hành tổng cộng 9 năm 2 tháng tù sau bản án mới nhất.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/27/453615.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/14/206167.html
Đăng ngày 16-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.