[MINH HUỆ 30-07-2020] Theo website Minh Huệ, kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa vào năm 1999, đã có ít nhất 300 nữ học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Vân Nam bị kết án tại Nhà tù nữ số 2 Vân Nam, nằm ở thủ phủ thành phố Côn Minh.

Ít nhất 250 người trong số họ đã bị tra tấn trong thời gian bị giam cầm. Bốn học viên, bà Thẩm Dược Bình, bà Dương Thúy Phân, cô Sử Hỉ Chi và bà Vương Liên Chi được biết là đã bị bức hại đến chết tại nhà tù, và nhiều người khác chỉ được tại ngoại điều trị y tế trong tình trạng bên bờ vực của cái chết.

Nhà tù đã áp đặt “kỷ luật nghiêm khắc” đối với các học viên mới được nhận vào, những người này bị đưa vào các phân trại cụ thể và bị tẩy não cũng như chịu các hình phạt khác. Những hành vi tra tấn này bao gồm việc bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ liên tục, bị ép uống các loại thuốc không rõ tên gây hại cho hệ thần kinh và bị xịt hơi cay.

“Kỷ luật nghiêm khắc”

Các học viên mới được nhận vào nhà tù trước tiên sẽ bị giam giữ trong Phân trại số 9, còn được gọi là phân trại giáo huấn và chịu cái gọi là “kỷ luật nghiêm khắc”. Những học viên này sẽ bị bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ hơn 13 giờ mỗi ngày và học thuộc nội quy nhà tù, xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, suy ngẫm về “vi phạm” của họ, cũng như viết báo cáo tư tưởng và tuyên bố từ bỏ đức tin.

Đôi khi họ cũng bị triệu tập tham dự các cuộc họp với mục đích là tự chỉ trích bản thân mình trước mặt các tù nhân khác. Kỷ luật sẽ chỉ dừng lại khi học viên đồng ý chuyển hóa.

Đối với những người từ chối chuyển hóa, họ bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mỗi ngày trong nhiều giờ cho đến khi hết thời gian thụ án. Một số học viên đã bị kết án, bao gồm cô Thạch Vân (7 năm), cô Ngô Kì Huệ (5 năm), cô Tiếu Ngọc Hà (5 năm), cô Đặng Li Hoa (4 năm), cô Mã Linh (4 năm) ), Cô Quách Linh Na (3 năm) và cô Triệu Phi Quỳnh (bị kết án ba lần tổng cộng 12 năm) đã phải chịu kỷ luật cho đến ngày họ được trả tự do.

Khi bị kỷ luật, các học viên sẽ không được phép nói chuyện với người khác hoặc liên lạc với gia đình. Họ cũng bị cấm mua các nhu yếu phẩm hàng ngày. Các học viên phải nhờ các tù nhân giúp mang thức ăn và nước uống vì họ không được phép ra ngoài; vì điều này, nhiều tù nhân sẽ càu nhàu và chửi rủa các học viên. Bị lính canh xúi giục, các tù nhân cũng trộn các loại thuốc không rõ tên vào thức ăn của các học viên.

Trước năm 2014, các học viên được phép sử dụng nhà vệ sinh ba lần một ngày và một số phải sử dụng xô trong phòng của họ. Họ bị bắt ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ từ 6:30 sáng đến 10:30 tối mỗi ngày, và không được phép đứng dậy hoặc vươn vai. Hàng tuần, họ được phát một chậu nước để lau người, sau đó, họ phải dùng chính chậu nước đó để giặt quần áo.

Có một chút cải thiện sau năm 2014. Các học viên được phép sử dụng nhà vệ sinh sáu lần một ngày và có thể đi lại trong phòng hai giờ một ngày. Họ được phép gội đầu, tắm rửa và giặt quần áo mỗi tuần một lần.

Nếu các học viên có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh trong tình huống đặc biệt, họ sẽ cần được sự đồng ý của các tù nhân giám sát họ. Do đó, các tù nhân này thường gây khó khăn cho các học viên. Nhiều học viên đã nhịn tiểu và kết quả là bị phù thận.

Các học viên phải có tù nhân giám sát đi cùng khi rời khỏi phòng để đi vệ sinh và không được phép tiếp xúc với người khác, cũng như không được phép nhìn xung quanh khi đi bộ. Các học viên cũng được yêu cầu nộp báo cáo tư tưởng hàng tuần.

Các học viên cần được sự cho phép của lính canh nếu họ muốn mua bất kỳ nhu yếu phẩm hàng ngày nào, nhưng họ không được phép mua bất kỳ thực phẩm nào. Vì các tù nhân khác thường lấy các phần ăn của họ nên nhiều học viên đã luôn bị đói và trong tình trạng suy kiệt trầm trọng.

Ba tù nhân được chỉ định giám sát một học viên duy nhất và họ sẽ hợp tác với lính canh để hạn chế các học viên nói chuyện, sử dụng nhà vệ sinh, lấy đi nguyên vật liệu mà họ cần thiết để lao động khổ sai và trừ điểm của các học viên khi họ không thể hoàn thành các nhiệm vụ. Một khi điểm bị trừ, các học viên sẽ phải chịu một thời gian kỷ luật dài hơn.

Kỷ luật chia thành ba cấp độ

Trong tháng 7 năm 2019, Phân trại số 9 đã thiết lập một khu vực riêng để thi hành kỷ luật và chia phương thức kỷ luật thành kỷ luật cấp độ 1, kỷ luật cấp độ 2 và cấp độ kiểm tra.

Các học viên lần đầu tiên vào trại giam được chỉ định vào cấp kiểm tra. Họ sẽ được phép lao động khổ sai nếu học xong nội quy nhà tù. Đối với những người không thể hoặc từ chối chuyển hóa, trại giam sẽ viện nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như không nghe lời lính canh, để trừ điểm của các học viên và đưa họ lên mức kỷ luật. Các học viên thậm chí có thể bị biệt giam và bị cấm tắm rửa, không được cấp bất kỳ tấm chăn nào, và chỉ được ăn cơm không. Mức hình phạt phụ thuộc hoàn toàn vào lính canh.

Đối với những học viên bị đưa vào mức kỷ luật cấp độ 1, họ sẽ bị nhốt trong một căn phòng chỉ có một chiếc chiếu mỏng và chăn. Các học viên được phép mang theo một chiếc ghế đẩu nhỏ và một ly uống nước. Trong khi bị kỷ luật, các học viên phải ngồi trong một khu vực được chỉ định và buộc phải ghi nhớ nội quy nhà tù mỗi ngày. Các tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát họ được chia thành hai ca, và những người trực ca đêm sẽ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để làm phiền các học viên ngủ. Bất kể thời tiết lạnh giá, các học viên không được cấp thêm chăn và cửa sổ phải luôn mở.

Các học viên phải thức dậy lúc 5:40 sáng hằng ngày. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, họ bắt đầu ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ cho đến nửa đêm. Họ được phép sử dụng nhà vệ sinh bốn lần một ngày. Họ được cung cấp ba cốc nước mỗi ngày và bị cắt giảm một phần rau và cơm cho bữa ăn vốn đã không đủ cho các học viên. Đôi khi, các học viên được cố tình cho nhiều thức ăn khi các tù nhân biết rằng một món ăn tệ sẽ được nấu vào ngày hôm đó.

Các học viên có 5 phút để gội đầu và tắm rửa mỗi tuần, và 5 phút để giặt quần áo hai tuần một lần. Họ không được phép giặt chăn trong thời gian dài và phải nhờ các tù nhân khác giúp phơi quần áo và lấy bất kỳ vật dụng cần thiết nào hàng ngày. Các tù nhân sẽ gây khó dễ bằng cách chửi bới hoặc ném chậu rửa của họ xuống đất.

Các học viên cũng không được phép mua bất kỳ loại thực phẩm nào và phải đề xuất lên lính canh để được đồng ý mua 3 món đồ giá trị không quá 50 nhân dân tệ. Đôi khi, các lính canh có thể từ chối cho phép các học viên mua bất cứ thứ gì, kể cả băng vệ sinh. Nếu ai giúp đỡ các học viên, cả hai sẽ bị trừng phạt và bị trừ điểm.

Những người bị kỷ luật ở cấp độ 2 không được ngủ trên mặt đất và có 7 phút để gội đầu và tắm rửa. Nếu đề xuất của họ được đồng ý, họ có thể mua 5 nhu yếu phẩm hàng ngày giá trị dưới 70 nhân dân tệ. Số lần sử dụng nhà vệ sinh và khẩu phần ăn vẫn giữ nguyên như kỷ luật cấp độ 1.

Cảnh sát cung cấp một số quyền lợi riêng tư cho một số tù nhân để có thể hỗ trợ họ trong việc bức hại các học viên.

Các học viên bị kỷ luật bao gồm cô Triệu Phi Quỳnh (bị kết án 4,5 năm), cô Lương Vân (4 năm), cô Từ Á Mai (3 năm), cô Lý Quần (3 năm), cô Trương Quế Hà (không rõ thời hạn), cô Quách Quỳnh (7 năm), cô Hà Lị Xuân (7 năm) và cô Đặng Thúy Bình (6 năm).

Cô Triệu, Cô Lý và cô Từ được trả tự do vào tháng 6 năm 2020 sau khi hết thời gian thụ án. Cô Lương và cô Đặng hiện đang bị kỷ luật ở cấp độ 2, còn cô Quách và cô Hà đang bị kỷ luật ở cấp độ 1.

Kể từ tháng 11 năm 2019, cô Hà không được phép mua bất kỳ nhu yếu phẩm hàng ngày nào, chẳng hạn như giấy vệ sinh hoặc băng vệ sinh, ngay cả khi cô có tiền. Cô đã phải ngủ trên sàn nhà trong suốt mùa đông và bị buộc phải dọn dẹp nhà vệ sinh và các cơ sở công cộng khác. Nếu từ chối, cô sẽ không được phép rửa bát của mình hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Cô bị từ chối việc liên lạc và thăm hỏi từ phía gia đình.

Bắt đầu từ năm 2018, nhà tù ra lệnh không tắt đèn vào ban đêm, và các tù nhân phải luân phiên canh gác ban đêm, trừ những người ngoài 60 tuổi; các học viên đang làm nhiệm vụ sẽ có một tù nhân đi cùng giám sát. Cô Hà phải túc trực từ 10 giờ tối đến nửa đêm và chỉ được phép ngủ sau khi làm xong nhiệm vụ. Cô ấy phải dậy lúc 5:40 sáng, nghĩa là cô ấy thường được phép ngủ từ 5 đến 6 tiếng mỗi đêm.

Cô Quách đã phải dọn dẹp nhà vệ sinh và các cơ sở công cộng khác dẫn đến gót chân của cô bị nứt và chảy máu.

Trước khi đại dịch virus corona bùng phát, có những lính canh cụ thể phụ trách từng học viên. Sau đó sự sắp xếp này đã dừng lại và giờ các lính canh có thể ngược đãi bất kỳ học viên nào một cách tùy tiện.

Kể từ khi dịch virus corona bùng phát, nhà tù đã hủy bỏ tất cả các chuyến thăm hỏi đối với tù nhân và chuyển sang hình thức liên lạc qua điện thoại. Các học viên đang chịu kỷ luật còn không được phép liên lạc với gia đình.

Các phương pháp tra tấn khác

Các học viên bị xịt nước ớt.

Bà Quách Quỳnh bị mất khứu giác sau khi bị xịt; Khuôn mặt của cô Vương Tiến Tiên trở nên đen và biến dạng. Sau khi mặt cô Vương bị biến dạng, cảnh sát đã ra lệnh lấy trường hợp này để răn đe đối với các học viên hoặc để các học viên khác nhìn thấy khuôn mặt của cô.

Cô Lưu Quốc Hoa, người bị đưa đến nhà tù vào ngày 24 tháng 7 năm 2012, đã bị xịt nước ớt vào mắt ba lần, khiến cô chảy nước mắt và chảy nước mũi. Đôi mắt cô đau đớn tột độ; những người xịt cô ấy đều đeo mặt nạ phòng độc và họ cũng không thể chịu được mùi của nước ớt.

Lần đầu tiên, cô Lưu bị trói và xịt thứ trông giống như nước ớt và bị tra tấn trong bốn giờ. Cô đau đớn tột độ và mắt bị sưng lên. Thị lực của cô giảm đến mức gần như mù lòa. Cô không thể nhìn rõ gia đình mình khi họ đến thăm cô.

Cô Lưu lại bị xịt nước ớt lần thứ hai. Trong lần thứ ba, hai tay cô còn bị còng ra sau lưng và bị xịt dung dịch vào mắt khiến mắt cô không mở được. Chiếc còng tay cũng góp phần gia tăng sự đau đớn, và cuối cùng cô Lưu đã ngất xỉu. Sau một thời gian dài bị còng tay, chiếc còng đã không thể tháo ra và phải dùng cưa để cắt bỏ. Tay cô đã bị sẹo do tra tấn theo cách này.

Cô Hà Giai Mạn ở thành phố Côn Minh bị xịt chất pha loãng xenlulo vào mắt và miệng, một loại dung môi độc hại đối với cơ thể người.

Cô Vương Mĩ Linh ở thành phố Sở Hùng đã bị một số tù nhân khóa tay sau lưng và xịt chất độc vào mắt. Cô bị mất thị lực ngay khi bị xịt thuốc. Không rõ hiện giờ cô ấy đã lấy lại được thị lực hay chưa.

Cô Ngô Kì Huệ ở thành phố Côn Minh bị xịt nước ớt vào mặt.

Cô Lương Vân ở thành phố Khúc Tĩnh đã bị xịt chất độc không tên trong lần bị giam giữ đầu tiên. Cô cảm thấy khó thở trong quá trình bị tra tấn.

Cô Triệu Phi Quỳnh ở thành phố Tuyên Uy đã bị bắt tổng cộng sáu lần, bị đưa đi lao động cưỡng bức trong 2 năm và bị kết án ba lần với tổng cộng 12,5 năm. Khi không chịu từ bỏ đức tin của mình, cô Triệu bị nhốt trong phòng biệt giam và bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ. Cô cũng bị tiêm các loại thuốc không rõ tên và bị sốc điện bằng dùi cui điện.

Vào tháng 5 năm 2009, cô Triệu bị kết án bốn năm tù trong lần bị bắt thứ hai và bị giam giữ tại Phân trại số 2. Cô đã bị tra tấn trong nhiều giờ với hai tay bị còng ra sau lưng vào ngày 18 tháng 1 năm 2010. Vào ngày 17 tháng 4 năm 2011, cô đã bị lột quần áo và lấy đi chăn gối. Đêm đó trời mưa to nhưng cai ngục đã để mở cửa sổ để cô Triệu tiếp xúc với thời tiết lạnh.

Cô Triệu được chuyển đến Phân trại số 8 vào ngày 14 tháng 11 năm 2012. Nơi giam giữ các tù nhân già yếu, bại liệt và bệnh tật. Sau khi cô Triệu bị nhốt ở đó, cô không được phép nhìn thấy ánh sáng mặt trời và bị cấm rời khỏi căn phòng nhỏ mà cô bị biệt giam cho đến khi mãn hạn tù. Cô bị giam giữ bên cạnh một căn phòng đầy những người mắc bệnh AIDS và bệnh lao. Trong thời gian bị giam giữ, cô Triệu không được phép tắm, rửa mặt, khiến tóc cô bết lại và khuôn mặt trở nên gầy guộc, hốc hác.

Trước khi cô Triệu được trả tự do vào tháng 4 năm 2013, một nhóm cảnh sát và tù nhân đã cưỡng chế tiêm cô bằng các loại thuốc không rõ tên. Vài ngày sau, cô rơi vào trạng thái hôn mê, mất trí nhớ và cảm thấy choáng váng.

Các thủ phạm tham gia bức hại

Dương Minh San, cựu giám thị nhà tù

Dương Minh San (杨明 山) là một cựu giám thị nhà tù, người đã ban hành lệnh trừng phạt các học viên Pháp Luân Công từ chối chuyển hóa bằng cách bắt họ ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ tới 15 giờ liền và tiêm các loại thuốc không rõ tên.

Khi người thân của các học viên cáo buộc Dương về những hành động bất hợp pháp của ông ta trong việc trừng phạt những học viên này, ông ta trả lời rằng ông ta đang tuân theo lệnh của Phòng 610 và với tư cách là giám thị nhà tù ông ta có quyền đặt ra các quy tắc. Ông ta nói thêm rằng tất cả những người bị kết án và đưa vào nhà tù đều có tội và phải tuân thủ các quy định của nhà tù.

Một số người thân của các học viên đã đệ đơn khiếu nại nhà tù về việc tra tấn người thân của họ. Dương đã nói với họ: “Các người cho rằng ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ là tra tấn thân thể ư? Lý giải như thế nào? Các người có bằng chứng nào không? Theo quan điểm của tôi, đó là một hình thức rèn luyện. Nếu không đồng ý, các người có thể gửi đơn khiếu nại lên cấp trên của tôi ”.

Năm 2011, Dương đã tổ chức và sáng tác các bản phác thảo để phỉ báng Pháp Luân Công.

Vương Li Mĩ, cựu phó giám thị nhà tù

Vương Li Mĩ (王丽 美), một cựu giám thị nhà tù, bắt đầu bức hại các học viên Pháp Luân Công vào năm 2002. Bà ta đã đẩy mạnh hình phạt ngồi trên ghế đẩu nhỏ và tiêm cho các học viên những loại thuốc không rõ tên. Trong khi đó bà ta cũng xuất hiện nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng để kể về cách bà ta chăm sóc và giúp đỡ các tù nhân.

Vương nghỉ hưu vào năm 2018.

Lí Đông Đông, cựu đội trưởng Đội quản giáo

Lí Đông Đông (李冬冬), nguyên đội trưởng Đội quản giáo, hiện là phó giám thị ở Phân trại số 2. Bà ta tích cực thực hiện nhiều chính sách khác nhau trong việc bức hại các học viên và tổ chức các cuộc họp hai tháng một lần để phỉ báng Pháp Luân Công. Bà ta cũng trực tiếp nói tại các cuộc họp này.

Lí đã tiêm cho các học viên những loại thuốc không rõ tên và bắt họ ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ đến 15 giờ một ngày.

Dương Hoan, cựu Đội trưởng quản giáo phân trại

Dương Hoan (杨 欢) từng là đội trưởng quản giáo phân trại và phó đội trưởng quản giáo trại giam trước khi trở thành Trưởng phân trại số 2. Sau khi bà ta đến Trại lao động Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh vào năm 2005 để học cách bức hại các học viên Pháp Luân Công, bà ta trở về với tư cách là đội trưởng chịu trách nhiệm quản lý các học viên.

Dương thường đánh đập các học viên. Bà ta cũng trực tiếp chỉ đạo và tham gia tra tấn các học viên Pháp Luân Công như biệt giam, ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và tiêm các loại thuốc không rõ tên. Bà ta cũng từ chối cho các học viên được tắm, rửa mặt, sử dụng băng vệ sinh và không cho phép các học viên giặt quần áo của họ trong bốn tháng mặc dù có vết máu do kinh nguyệt. Một học viên, cô Mậu Thanh, đã bị biệt giam trong vài năm sau khi cô từ chối hợp tác với lính canh. Cô ấy chỉ được trả tự do khi hết thời gian thụ án.

Dương đã khuyến khích các lính canh khác còng tay học viên Triệu Phi Quỳnh vào trấn song cửa sổ và sốc điện cô bằng sáu dùi cui điện trong hai giờ. Khi cô Triệu từ chối chuyển hóa, các lính canh lại sốc điện cô trong ba giờ, khiến cô bị bỏng nhiều vùng da và mô mềm.

Dương đã cho phép các tù nhân đánh đập và còng tay học viên Trương Lỗi tám lần.

Khi Dương nhìn thấy học viên cô Phương Thế Mai nói với một lính canh về Cửu Bình, bà ta đã gọi hơn bảy tù nhân đè cô Phương xuống đất, đè lên người và bịt miệng trước khi đánh cô. Dương cũng xúi giục các tù nhân trộn thuốc vào thức ăn, các loại thuốc khiến cô bị đau đầu và cảm thấy mơ hồ, chệnh choạng. Cô trở nên rất yếu và sau đó được tại ngoại để điều trị y tế.

Tạ Linh, Cựu quản giáo phân trại

Tạ Linh (谢 玲) là một cựu quản giáo phân trại. Bà ta đã tham gia vào việc sốc điện cô Triệu Phi Quỳnh bằng sáu dùi cui điện và từng nói với một tù nhân: “Nếu Triệu Phi Quỳnh từ chối chuyển hóa, hãy hành hạ cô ta đến chết bằng chiếc ghế đẩu nhỏ.” Tạ cũng khuyến khích một tù nhân lột quần áo của cô Triệu và bắt cô ngồi xổm một ngày trước khi trả lại quần áo cho cô vào ban đêm.

Tạ cũng tham gia và sai các tù nhân đánh cô Trương Lỗi tám lần và còng tay cô ba lần. Một lần, khi thấy một tù nhân không thể còng tay cô Trương, bà ta đã đạp vào tay cô Trương và còng mạnh tay cô vào giường, khiến cô Trương bị thương nặng. Cô Trương chỉ được tạm tha sau khi sức khỏe của cô xấu đi.

Vào tháng 5 năm 2006, Tạ đã dùng nhiều cách khác nhau để hành hạ cô Cao Huệ Tiên bằng cách bắt cô mặc một chiếc áo khoác dày dưới trời nắng gắt, cho phép sử dụng nhà vệ sinh ba lần một ngày và chỉ cho cô uống một chai nước nhỏ mỗi ngày. Cô Cao bị nhốt trong phòng biệt giam gần năm tháng.

Danh sách các thủ phạm khác có liên quan

Ngoài 5 thủ phạm chính được đề cập bên trên, dưới đây là danh sách 69 thủ phạm khác liên quan đến cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công:

Đinh Oánh, Tôn Lăng Sảng, Lâm Tiểu Uyển, Cảnh Nga, Tống Kiến Li, Ti Hiểu Yến, Lý Tường, Tào Duệ, Thỏa Hồng Phân, Trương Nghênh Tâm, Cận Quyên Quyên, Thẩm Đan, Diệp Dung Huệ, Quách Quỳnh Sinh, Vương Diễm, Dương Vĩnh Phân, Mã Li Hà, Tăng Giác, Vương Li, Chu Dĩnh, Cảnh Nhung, Trịnh Tần, Nghê Lệ Hoành, Lý Oánh Thụy, Khổng Nhân Nhân, Lý Kim Hội, Trương Định Phương, Lôi Á Mai, Vương Lâm Lâm, Lương Mẫn, Chu Mai, Vương Quốc Yến, Vương Côn Cáp, Vương Hồng, Chu Linh, Đinh Cối, Đinh Nhất, Lý Cát, Lý Yến, Chu Oánh, Vương Lê Lê, Dương Vĩnh Phương, Long Tuyết Tùng, Trương Nam, Hoàng Đào, Vu Quế Vân, Ngô Húc Anh, Vạn Tuyết Mai, Thang Ngọc Phương, Trương Yến Hoa, Triệu Hiểu Hà, Lôi Dục, Trương Anh, Nghê Lệ Giang, Văn Hiểu Cầm, Lưu Chấn Hoa, Tôn Hiểu Hồng, Ngô Kiếm Ba, Trương Anh, Vương Yến, Triệu Phong, Lưu Yến, Lưu Bân San, Lưu Thục Quỳnh, Hạ Côn Lệ, Lâm Hiểu Văn, Trương Đính Phương, Trần Trúc Phân, Lương Khiết.

Để có danh sách đầy đủ các thủ phạm, vui lòng tham khảo bản tiếng Hán.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/30/409551.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/9/186687.html

Đăng ngày 18-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share