Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-08-2020] Trở về nhà sau khi kết thúc ba năm tù giam vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công, bà Vương Phượng Anh 78 tuổi đã suy sụp khi biết rằng hơn hai phần ba trợ cấp lương hưu hàng tháng của bà hiện đã bị tước bỏ.
Bà Vương, sống tại thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, hiện chỉ nhận được 800 nhân dân tệ tiền lương hưu hàng tháng và phần còn lại – 1.800 nhân dân tệ mỗi tháng – đã bị Cục An ninh Xã hội Nam Xương giữ lại để bù lại khoản tiền hơn 70.000 nhân dân tệ mà bà đã nhận được trong khi bị tù giam từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 6 năm 2020.
Mấy năm gần đây, Cục An ninh Xã hội ở Trung Quốc đã giữ lại lương hưu của các học viên khi họ đang bị giam giữ vì đức tin của mình khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh túng quẫn.
Bà Vương Phượng Anh
Bà Vương bị bắt vào tháng 6 năm 2017 vì treo các biểu ngữ Pháp Luân Công và sau đó đã bị kết án ba năm tù. Trong khi bị giam tại Nhà tù Nữ Giang Tây, bà đã bị bắt phải lao động khổ sai, bị cấm ngủ và hai tay bị treo lên. Lính canh cũng sỉ nhục và bức thực bà bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Bà Vương khẳng định rằng những loại thuốc mà bà đã bị bắt phải uống là giống với loại mà bà La Xuân Vinh đã bị cưỡng ép uống, chúng được cho là gây tổn hại đến hệ thần kinh trung ương.
Việc bà Vương bị bắt và bị tù giam đã gây ra nỗi thống khổ to lớn cho chồng bà là ông Đường Duy Ký. Người đàn ông 86 tuổi khoẻ mạnh này đã bị mất ăn và mất ngủ. Ông đã đến rất nhiều nơi để kháng cáo và thanh minh cho vợ mình tại phòng ban cảnh sát địa phương, viện Kiểm sát quận và toà án quận để bà được thả nhưng đều không có kết quả. Áp lực tinh thần to lớn, sự sợ hãi và lo lắng đã ảnh hưởng tiêu cực đến ông Đường và khiến cho sức khoẻ của ông xuống dốc nhanh chóng. Ông qua đời trong đau đớn vào tháng 6 năm 2019, một năm trước khi bà Vương được thả.
Bà Vương là một nhân viên đã về hưu của Công ty Hoa quả và Tạp hoá Nam Xương (nay là công ty con của Khách sạn Cống Giang). Bà đã bị nhắm đến vì đức tin của mình từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Trong 21 năm qua bà Vương đã liên tục bị bắt, giam giữ và phải trải qua các lớp tẩy não. Chỉ riêng năm 2016 bà đã bị bắt bốn lần.
Bà đã bị bức thực tại Trung tâm giam giữ quận Vĩnh Tu, bị bắt phải lao động nô lệ tại Trại lao động cưỡng bức Mã Gia Lũng tại thành phố Cửu Giang, và bị thẩm vấn trong bốn ngày liền tại Phòng cảnh sát Bộ phận An ninh Nội địa Thành phố Hưng Hoá tại tỉnh Giang Tô trong lần bắt giữ trước.
Bị Bộ phận An ninh Nội địa bắt giữ và lục soát nhà cửa
Vào ngày 12 tháng 6 năm 2017, bà Vương đã bị bắt trong khi đang treo các biểu ngữ Pháp Luân Công tại quận Hồng Cốc Than và bị đưa đến Bộ phận An ninh Nội địa Hồng Cốc Than. Tại đây bà bị trói vào băng ghế hổ và phải chịu thẩm vấn trong ba giờ đồng hồ. Vì không có nhân viên nào chịu giúp đỡ, giám đốc Từ đã tự mình trói bà Vương.
Mô phỏng hình thức tra tấn: Băng ghế hổ
Vào ngày tiếp theo, một nhóm sĩ quan đã lục soát nhà bà Vương ở Sở Giao thông vận tải Trường Vận cùng nhà con gái lớn của bà. Nhà con trai út của bà cũng bị khám xét hai lần, vào ngày 16 tháng 6 và ngày 17 tháng 6 năm 2017.
Các sĩ quan này mặc thường phục và không hề có lệnh khám xét hợp lệ hoặc bất kỳ thủ tục giấy tờ nào. Họ đập phá các khoá cửa, đột nhập và tiến hành lục soát nhà của họ từ trong ra ngoài. Cảnh sát đã tịch thu các bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, các cuốn sách, bốn máy tính xách tay bao gồm của bà Vương, con trai, con gái và cháu nội bà, bốn máy in, và những vật dụng cá nhân khác. Người chồng 86 tuổi của bà Vương đã bị khám xét thân thể và bị lấy đi 500 nhân dân tệ. Tiền lương hưu của bà Vương cũng bị lấy mất.
Các sĩ quan của Phòng An ninh Nội địa thành phố Nam Xương và Phòng An ninh Nội địa Hồng Cốc Than đã tham dự vào việc lục soát dưới sự chỉ đạo của sĩ quan Trần.
Sau khi bà Vương bị bắt, chồng của bà đã nhiều lần đến Đồn công an Phượng Hoàng Châu, Phòng cảnh sát Hồng Cốc Than, Viện Kiểm sát quận Đông Hồ, và Toà án quận Đông Hồ để yêu cầu thả bà, nhưng đều không có kết quả.
Án tù ba năm
Phòng An ninh Nội địa thành phố đã trình vụ việc của bà Vương lên Viện Kiểm sát quận Đông Hồ và lệnh bắt giữ đã được ban hành vài ngày sau đó.
Bà Vương bị xét xử vào 11 giờ trưa ngày 13 tháng 11 năm 2017 tại Toà án quận Đông Hồ. Tám thành viên gia đình gồm chồng bà Vương và các con của họ đều được phép tham dự phiên toà. Thẩm phán viên Lý Ích Khánh đã đọc bản cáo trạng và tuyên bố bà Vương phạm tội dựa trên Điều 300 bộ luật Hình sự – “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ được dùng để áp đặt bản án trái pháp luật đối với các học viên Pháp Luân Công.
Bà Vương đã không nhận tội. Bà tuyên bố: “Tu luyện Pháp Luân Công đã giúp tôi trở thành một người có đạo đức và khoẻ mạnh. Tôi cố gắng trở thành một người tốt và không hề phạm tội hoặc vi phạm pháp luật. Tôi không thừa nhận các cáo buộc sai trái chống lại mình và sẽ không tuân theo bất kỳ phán quyết nào của toà án.”
Bà yêu cầu được trả lại tất cả những vật dụng đã bị tịch thu, bao gồm sổ ký gửi ngân hàng và tiền mặt. Chồng bà Vương cung cấp số tiền mặt cụ thể đã bị cảnh sát lấy mất.
Phiên toà đã bị hoãn lại vào giữa trưa và sau đó bà Vương được thông báo rằng bà đã bị kết án ba năm tù giam.
Tẩy não, cấm ngủ và hành hạ
Từ ngày bị đưa đến Nhà tù Nữ Giang Tây, bà Vương đã bị quản thúc bởi ba tù nhân suốt ngày đêm. Một trong số họ là Lưu Tưởng đã đe doạ và không cho bà ngủ. Các tù nhân đánh đập và sỉ nhục bà khi cần và thỉnh thoảng trút giận lên đầu bà Vương.
Bà đã đã bị bắt phải xem những chương trình video lăng mạ phỉ báng Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm “chuyển hoá” bà. Bà cũng bị bắt phải đứng và đi vòng quanh dưới cái nắng mùa hè. Khi phải đứng ở trong phòng giam, tù nhân Trần Viên đã bắt bà đứng vào giữa phòng để bà không thể dựa vào tường.
Bà Vương lúc đó đã 75 tuổi. Lúc đầu bà bị bắt phải đứng 2 tiếng, sau đó tăng lên 4 tiếng. Một lần, bà Vương không thể tiếp tục đứng được nữa và đã la lên: “Tôi không thể chịu được nữa. Chân tôi bị gãy rồi.” Các tù nhân đã đe doạ và một số kéo lê bà và đẩy bà ngã xuống đất dưới sự chứng kiến của hàng trăm tù nhân khác. Bà cũng thường xuyên bị bắt phải đứng suốt đêm.
Tù nhân Vương Tú Cầm đặc biệt hung dữ với bà Vương. Cô ta đã từng nhấn đầu bà Vương vào bồn cầu và nói rằng: “Bà già này không nghe lời gì cả.”
Tù nhân Thái Trác Diễm cũng gây khó dễ cho bà Vương. Cô ta thường xúi giục những người khác bắt nạt bà và bắt bà phải làm việc cho họ như nô lệ. Vào Tết Trung thu năm nọ, Thái đã giật lấy đồ ăn trên tay của bà Vương và nói: “Bà chẳng làm được tích sự gì mà cũng đòi ăn sao?” Tù nhân khác đã tát bà bằng một cuốn sách còn tù nhân Vương Tú Cầm thì đánh vào đầu bà.
“Chuyển hoá” và tra tấn
Sau đó hai tù nhân nữa được chỉ định để quản thúc và Vương. Hai người này đã trải qua huấn luyện đặc biệt để có thể “chuyển hoá” các học viên Pháp Luân Công bằng mọi giá khiến họ phải từ bỏ Pháp Luân Công. Họ đã cố gắng ép buộc bà Vương viết “bốn tuyên bố” hối hận vì đã tu luyện Pháp Luân Công, lăng mạ pháp môn và hứa rằng sẽ không tập luyện Pháp Luân Công nữa. Bà Vương từ chối viết những tuyên bố này và đã bị tố cáo với các quan chức nhà tù.
Một số tù nhân đã xô bà Vương xuống đất và đánh bà trong khi một người vồ lấy đầu bà, một người ghì chân bà xuống, một người kéo tay và một người kéo lê bà. Bị kéo căng trong tư thế ngũ mã phanh thây, bà Vương không thể nói chuyện hoặc cử động.
Khi các tù nhân tố cáo bà Vương giả chết, bà đã cố hết sức lực để nói với họ rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Bà giải thích rằng cuộc bức hại là sai trái và khuyên các tù nhân không nên ngược đãi các học viên Đại Pháp vô tội. Họ đã tát bà Vương.
Bà Vương bị đưa đến xưởng ở tầng sáu và bị bắt mặc áo khoác bó và bị treo lên giá kim loại. Ngực và chân của bà đều đau đớn. Hướng dẫn viên Ngô Chí Dũng và tù nhân Úc Sâm ở đơn vị giam giữ bà Vương cũng tham gia và họ cố gắng bắt bà viết “Bốn tuyên bố”.
Bà Vương la lên: “Tôi không viết. Tôi không viết.” Các tù nhân đã gọi cho Đội đặc nhiệm gồm các lính canh đã được huấn luyện và tù nhân chuyên tra tấn. Một vài lính canh nữ nhanh chóng xuất hiện và tấn công bà Vương. Những lính canh này to lớn và khoẻ mạnh hơn bình thường và một số người nặng hơn 80 kg.
Một người trong số họ đã đẩy bà Vương xuống sàn và ngồi lên người bà. Bà đã thở rất khó nhọc. Họ cũng không để bà Vương ngủ hay thậm chí là ngồi trên giường. Bà bị bắt mặc áo khoác bó lần nữa và bị treo lên với một tay cao một tay thấp. Bà đã đau đớn dữ dội và đổ mồ hôi ướt đẫm chiếc áo khoác.
Năm ngày sau, một tù nhân khác bắt bà Vương mặc áo khoác bó. Bà đã yêu cầu tù nhân Úc Sâm nới lỏng chiếc áo một chút vì nó quá chặt nhưng Úc đã nói rằng chỉ cần bà viết tuyên bố dài chừng nào thì nó sẽ dễ chịu hơn chừng ấy. Bà Vương hỏi: “Pháp Luân Công đã làm gì sai với cô mà cô lại tra tấn tôi như vậy?” Bà đã bị bắt mặc áo khoác bó trong chín ngày mà không được tắm. Một lần khác bà đã phải mặc áo khoác bó trong sáu ngày.
Cưỡng ép dùng thuốc không rõ nguồn gốc
Các tù nhân bị kiểm tra thể chất thường xuyên tại Nhà tù Nữ Giang Tây. Các quan chức nhà tù nói rằng họ quan tâm đến sức khoẻ của các tù nhân nhưng đó không phải là lý do thực sự khiến họ thường xuyên kiểm tra thể chất. Có rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng việc thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm đã được nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc và điều này đã giải thích cho động cơ phía sau của các quan chức nhà tù.
Bà Vương đã bị đưa đến phòng khám để kiểm tra thể chất vào ngày đầu tiên tới nhà tù mẫu máu của bà đã bị lấy đi mà không có sự đồng ý của bà. Các quan chức nhà tù nhận thấy rằng bà Vương bị cao huyết áp và đã bắt bà uống thuốc mỗi ngày. Sau khi uống thuốc được khoảng một năm, bà Vương bắt đầu nghi ngờ và từ chối dùng thuốc.
Kết quả của việc không uống thuốc là bà Vương bị cấm mua các vật dụng vệ sinh cá nhân từ cửa hàng của nhà tù và người nhà không được phép vào thăm. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2018, bà nói với lính canh Trứ rằng bà cần xà bông và khăn giấy nhưng lính canh đã không đưa cho bà. Bà cảnh cáo rằng bà sẽ nộp đơn khiếu nại và điều này đã làm Trứ tức điên. Đội đặc nhiệm đã được gọi đến và sáu sĩ quan xuất hiện và treo bà Vương lên.
Sau đó bốn sĩ quan kéo lê bà Vương đến nhà kho, bắt bà mặc áo khoác bó và treo bà lên giá kim loại. Họ kéo căng tay và chân của bà Vương để bà không thể đứng yên. Điều này khiến bà đau đớn đến bật khóc. Bà đã bị treo lên trong hơn ba giờ đồng hồ.
Mô phỏng hình thức tra tấn: Hai tay bị treo lên
Sau đó bà được bảo rằng huyết áp bà đã lên rất cao và bà bị bắt phải uống thuốc. Khi bà từ chối, Đội đặc nhiệm đã bức thực bà bằng những viên thuốc. Bảy sĩ quan cảnh sát ghì bà xuống đất và giữ đầu, túm lấy cánh tay, đè lên chân và ép các viên thuốc xuống cổ họng bà.
Bà Vương bắt đầu để ý rằng các tù nhân đã hoà thuốc vào trong phích nước nóng nên bà đã dừng sử dụng nước ở đó. Bà cũng biết được rằng trong đồ ăn của bà có trộn thuốc nên bà đã không ăn nữa. Bà đã bị đánh đập khi không ăn đồ ăn. Bà Vương nhớ lại thỉnh thoảng rau có mùi thuốc như thể là nó đã được ngâm trong thuốc.
Bà Vương đã phải dùng nhiều cách để tìm thức ăn. Thỉnh thoảng bà ăn đồ ăn thừa của những bàn khác. Có lần, bà lấy tô của một tù nhân khác và đẩy tô của bà về phía người đó. Khuôn mặt tù nhân kia tái xanh – cô ta chồm tới, nhanh chóng giành lại tô của mình và hét lên: “Chúng ta không thể đổi tô. Chúng ta không thể đổi tô.”
Để ép bà dùng thuốc, có lần hai tù nhân đã chặn lối nhỏ dẫn đến nhà ăn bằng một cái xe đẩy đồ ăn và bà Vương không thể đi qua được. Bà đã cố bước lên cái ghế đẩu để leo qua cái xe đẩy nhưng tù nhân Diêu Tế Mai đã chửi rủa bà và kéo bà lại trong khi tù nhân Tôn Vy Mỹ thì đấm bà. Lúc đó là vào thời gian ăn tối nên có rất nhiều tù nhân dừng lại và đứng nhìn. Đầu của bà Vương đã sưng lên vì bị đánh.
Có lần bà Vương nói với chồng khi ông đến thăm rằng: “Các quan chức nhà tù đã bắt tôi phải uống thuốc cao huyết áp. Nếu tôi không uống thì họ sẽ cưỡng ép tôi uống. Tôi không bị bệnh. Tại sao họ lại bắt tôi phải uống những viên thuốc đó?” Một lần khác bà nói với chồng: “Nếu tôi xảy ra chuyện gì, thì hãy nhớ rằng tôi đã không tự tử.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/1/409880.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/4/186618.html
Đăng ngày 15-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.