Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 15-04-2020] Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện cổ xưa chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại môn tu luyện này vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị cầm tù và tra tấn vì từ chối từ bỏ đức tin của họ.
Báo cáo này tập trung vào Nhà tù Nữ Hắc Long Giang ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Nhà tù này giam giữ hơn 4.000 tù nhân hình sự, trong đó ước tính khoảng 300 đến 400 nữ học viên Pháp Luân Công. Các học viên chủ yếu bị giam ở Khu giam giữ Số 8, 9, và 10 cùng các tù nhân khác, với hơn 20 người sống cùng trong một xà lim. Khoảng 1/3 số người trong xà lim là các học viên Đại Pháp.
Dưới đây là một số phương thức tra tấn mà nhà tù dùng để bức hại các học viên.
Xúi giục tù nhân
Để ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, quản lý nhà tù sẽ sử dụng việc giảm án để thúc đẩy các tù nhân hình sự bức hại và “chuyển hoá” các học viên.
Tù nhân sẽ dùng nhiều cách thức để bức hại các học viên. Những ai từ chối viết các tuyên bố cam kết bất tu luyện trong vòng ba tháng sau khi vào tù sẽ phải đối mặt với việc bị bức hại.
Bà Lý Minh Tú ở Đại Khánh bị tát vào mặt, bị cấm ngủ vài giờ mỗi ngày và bị đánh bằng dép. Cả người bà đều bầm tím.
Các tù nhân đang giám sát học viên sẽ báo cáo mọi hoạt động của học viên với quản lý tù, bao gồm họ nói chuyện hay tương tác với ai và đã làm những gì. Các học viên sẽ bị kéo dài án tù nếu hành vi của họ bị quản lý nhà tù xem là “nghiêm trọng”.
Hàng năm nhà tù đều chọn ra các tù nhân mà có thành tích xuất sắc trong việc “chuyển hoá” các học viên. Những người được chọn sẽ được giảm án tù.
Ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ
Một trong những phương thức tra tấn chính được sử dụng trong nhà tù là buộc học viên ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ. Chiếc ghế nhựa cao chưa đến 15 cm và rất nhỏ. Ngoài việc chỉ được ngủ vài giờ, các học viên còn phải ngồi trên ghế từ sáng đến tối. Họ không được cử động, hai chân chạm vào nhau và tay đặt trên đầu gối. Nếu tù nhân thấy các học viên khẽ cử động thì họ sẽ đá, tát và đổ nước lạnh lên học viên.
Nhiều học viên vừa mới đến nhà tù đã bị ép ngồi trên ghế nhỏ mỗi ngày dẫn đến việc đùi họ sưng phồng, không thể duỗi thẳng lưng và đau khắp mình mẩy. Thủ đoạn tra tấn này chỉ được dừng lại khi họ viết các bản cam kết. Các tra tấn này khiến mông của họ mưng mủ và bầm tím. Thậm chí huyết áp một số người bị tăng lên.
Có một chiếc ghế cao hơn khoảng 25 cm. Sau khi bức hại ban đầu kết thúc, mỗi người sẽ bị ép ngồi lên ghế này từ 8 giờ 30 sáng đến tận lúc đi ngủ, ngoại trừ khi ngủ hay nghỉ trưa.
Bà Vu Quế Vinh bị tra tấn
Bà Vu Quế Vinh, 56 tuổi, ở thành phố An Đạt bị ép ngồi trên ghế đẩu nhỏ từ 4 giờ 30 sáng đến 10 giờ 30 tối từ khi bà vào tù vì từ chối viết bản cam kết. Bà cũng thường xuyên bị phạt bằng nhiều hình thức trừng phạt khác nhau, như đánh đập và lăng mạ. Từ khi vào tù từ tháng 12 năm 2019, bà đã phải ngồi trên ghế hơn ba tháng và bị bệnh vẩy nến. Dù vậy bà vẫn bị các tù nhân đánh đập, đấm đá và chửi bới.
Một lần, khi bà Vu lại từ chối viết tuyên bố bảo đảm, một vài tù nhân bắt đầu đánh đập, đá và chửi rủa bà. Những phòng khác có thể nghe được tiếng ồn. Việc đánh đập chỉ dừng lại khi nhà tù cho người đến điều tra sau khi các tù nhân khác phản ánh với nhà tù, cho rằng việc này là phi pháp.
Các học viên ngoài 70, 80 tuổi bị bức hại
Một học viên 79 tuổi ở Cáp Nhĩ Tân, người đã từng bị giam giữ hai lần với tổng cộng 15 năm tù, cũng bị bức hại như vậy. Bà vẫn còn phải thụ án ba năm tù trước khi mãn hạn.
Một học viên khác, bà Lưu Tú Liên, 75 tuổi, đã bị kết án 2,5 năm tù, cũng bị tra tấn. Chồng bà hơn 80 tuổi đã qua đời sau khi bà bị kết án nửa năm vì áp lực to lớn.
Tẩy não
Có một số tù nhân như Tả Tiên Phương, một giáo viên Anh ngữ 40 tuổi, người đã bắt đầu “chuyển hoá” các học viên khác sau khi tự “chuyển hoá” chính mình. Tả đã kết thúc án tù vào tháng 4 và được giao nhiệm vụ giảng giải cho các học viên từ chối “chuyển hoá.”
Một tù nhân khác là Vương Chí Cương đã biên soạn các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công vào một đĩa DVD để được sử dụng trong các nhà tù khác nhau nhằm “chuyển hoá” các học viên. “Kiến thức về Hiến pháp Trung Quốc,” bao gồm nội dung lăng mạ Pháp Luân Công, đã được phòng tư pháp của tỉnh Tứ Xuyên chuẩn bị vào tháng 11 năm 2018 để “chuyển hoá” các học viên.
Các học viên bị ép phải đọc kinh sách Phật giáo trong thư viện nhà tù. Trưởng phòng giam sẽ sắp xếp để mọi người đọc sách cùng nhau. Những ai từ chối sẽ bị đánh đập, la mắng hoặc phải ngồi trên ghế nhỏ. Mỗi người cũng phải viết báo cáo tư tưởng mỗi ngày, mỗi tuần và hàng tháng. Việc tẩy não trường kỳ và hàng ngày này nhằm ép các học viên từ bỏ đức tin của họ.
Lao động cưỡng bức
Nhà tù cũng ép tù nhân phải lao động nô lệ để tạo lợi nhuận cho nhà tù.
Các tù nhân bị giao chỉ tiêu phải gấp từ 900 đến 1.200 tờ giấy bạc có chất độc mỗi ngày từ sáng đến tối muộn. Họ sẽ không được ngủ nếu không hoàn thành sản lượng.
Vì vật liệu này độc hại và không được cung cấp mặt nạ hay kính bảo hộ nên nhiều người cảm thấy buồn nôn, ho khan và nổi mụn trên da. Mỗi tù nhân sẽ được trả 12 nhân dân tệ mỗi tháng cho công việc của họ.
Giám sát và theo dõi
Diện tích mỗi xà lim chỉ có 50 mét vuông nhưng chứa từ 40 đến 50 người. Buổi tối, các tù nhân chỉ có thể ngủ ngược đầu nhau và có thể người này phải giữ chân người kia. Mỗi phòng có hai camera giám sát các tù nhân liên tục, thậm chí cả khi họ đi vệ sinh.
Nhà tù cũng đo huyết áp các tù nhân mỗi ngày và ép họ dùng thuốc. Nhà tù sẽ bảo đảm các học viên đã uống thuốc bằng cách kiểm tra miệng của họ.
Nhà tù còn thực hiện lục soát các tù nhân và xà lim hàng tháng nhằm bảo đảm rằng các học viên không giấu tài liệu Pháp Luân Công. Chính quyền cũng lưu giữ hồ sơ của các học viên, tóm tắt về quá trình giáo dục, thông tin cá nhân về sức khoẻ và tên tuổi cùng những thông tin khác về gia đình của họ.
Để buộc mọi người phải tuân thủ các yêu cầu, bất kể là tù nhân hình sự hay học viên vi phạm nội quy thì nhà tù sẽ trừng phạt mọi người trong xà lim. Việc trừng phạt gồm có học thuộc nội quy nhà tù hay ngồi trên ghế đẩu nhỏ dọc hành lang từ ba đến bốn tiếng.
Nhà tù cũng giới hạn thời gian để đi vệ sinh và tắm rửa. Đi vệ sinh là từ năm đến sáu phút, tắm rửa không được quá 15 phút. Quản lý tù cũng chỉ định thời gian và số lần tắm rửa, số lần sử dụng nhà vệ sinh, kể cả khi tù nhân đi đại tiện.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/15/403828.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/24/184173.html
Đăng ngày 01-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.