Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-06-2020] Trong suốt 21 năm qua, bà Cao Thục Anh – một giáo viên dạy tiếng Anh 56 tuổi ở huyện Tháp Hà đã bị bắt 10 lần, bị giam tổng cộng 8 tháng, bị kết án lao động cưỡng bức và tổng án tù là 6,5 năm.

Tất cả các đều là những hành vi phi pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì bà từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình – môn tu luyện Pháp Luân Công. Pháp Luân Công là một môn tu luyện của Phật gia chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ. Từ tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên phạm vi toàn quốc.

Suốt quá trình bị bức hại trong nhà tù, sức khoẻ của bà Cao Thục Anh ngày một xấu đi, răng bà đã rụng và tóc cũng chuyển bạc. Trong một vài lần bị tra tấn tàn bạo, bà Cao gần như ở ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Ngoài việc bị kết án tù phi pháp, bà đã bị đuổi việc. Chồng bà vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân nên cũng đã ly dị với hà. Cảnh sát thường xuyên sách nhiễu và tống tiền bà cũng như cả gia đình bà.

Hiện tại, bà đang bị giam giữ phi pháp và bị kết án 3 năm rưỡi tù tại Nhà tù nữ Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang.

Dưới đây là tóm tắt trường hợp bà Cao.

Lợi ích từ tu luyện

Năm 1996, bà Cao bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và thu được rất nhiều lợi ích về tâm tính cũng như sức khoẻ. Những bệnh ngày trước bà mắc phải như: huyết áp thấp, thiếu máu, đường huyết thấp, các bệnh phụ khoa, và đau đầu đã dần dần biến mất. Trong công việc hàng ngày, bà cũng tràn đầy năng lượng để hoàn thành tốt công việc của mình. Bà được các đồng nghiệp bầu là một giáo viên gương mẫu và được nhà trường công nhận là giáo viên ưu tú trong nhiều năm.

Bị công an sách nhiễu trong thời gian dài, gia đình tan vỡ

Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cảnh sát địa phương đã bắt giữ phi pháp các học viên Pháp Luân Công ở huyện Tháp Hà và cưỡng chế bắt họ xem những tin tức phỉ báng Pháp Luân Công. Các học viên phải viết các bản tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng của mình, vì bà Cao từ chối không thoả hiệp nên cảnh sát thuộc đồn cảnh sát Tân Kiến đã ngày ngày đến nhà sách nhiễu bà và tịch thu phi pháp những tài sản của bà Cao mà không có bất cứ lệnh khám nhà nào; hành động bức hại này kéo dài trong nhiều năm.

Chồng bà Cao không chịu được sức ép của cuộc đàn áp nên đã nộp đơn ly dị bà. Bí thư đảng uỷ trường nơi bà dạy học đã từng giam giữ bà và con bà trong phòng của ông ta. Ông đe doạ sẽ bỏ đói hai mẹ con đến chết nếu bà không viết giấy tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Thường xuyên bị bắt giam phi pháp và bị mất việc

Đầu năm 2000, trong khi bà Cao và các học viên khác đang học Pháp thì một quan chức địa phương đã đột nhập vào nhà bà. Người này đã báo cho cảnh sát, sau đó 4 cảnh sát đến và bắt giữ tất cả các học viên cùng con gái bà Cao và họ đã bị công an bỏ đói vào ngày hôm đó.

Đêm hôm đó, cảnh sát đã chuyển bà Cao đến trại tạm giam Tháp Hà và để lại con gái nhỏ tuổi của bà một mình mà không có bố mẹ chăm sóc.

Bà Cao đã bị giam giữ phi pháp trong một tháng, trong quá trình đó bà đã bị nhốt trong một phòng không có hệ thống sưởi ấm nên nhiệt độ trong phòng vô cùng lạnh. Hàng ngày, bà chỉ được phát cho hai bát canh lạnh. Sau khi bà được trả tự do, bà mới biết trường học đã đuổi việc bà.

Xúi giục gia đình bà Cao chống lại bà

Bảy cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà Cao vào mùa thu năm 2000 mà không xưng danh tính. Họ còng tay bà và giam bà tại trại tạm giam Tháp Hà trong 3 tuần. Khi một lính gác nam đang trực ban đêm, anh ta đột nhiên đập chiếc cửa kim loại của xà-lim đang giam giữ bà trong khi bà Cao không chú ý. Anh ta thường gào lên: “Tôi sẽ làm cho bà sợ! Làm cho bà sợ và làm cho bà phát điên!”

Bà Cao bị lính gác đó làm cho kinh hãi. Bà đã tuyệt thực trong 6 ngày. Trưởng trại tạm giam đã trả tự do cho bà sau khi tống tiền bà hàng trăm nhân dân tệ với cái cớ là phí chi trả cho những đồ ăn của bà.

Bà Cao và một học viên khác, bà Lưu Thư Cầm, 63 tuổi, đi đến Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2000 để phản đối cuộc đàn áp. Hai cảnh sát nam đã đánh họ và đẩy họ vào thùng xe cảnh sát. Họ bị đưa thẳng đến trại tạm giam Gia Các Đạt Cơ ở tỉnh Hắc Long Giang.

Các lính gác đã đánh bà Cao tàn bạo đến mức họ giật tung một mảng tóc của bà. Mỗi ngày, bà chỉ được cho hai hớp cháo vào buổi sáng và một chiếc bánh bao nhỏ vào buổi chiều. Hai học viên sau đó đã bị chuyển về trại tạm giam Tháp Hà.

Mẹ và con gái bà Cao đến thăm bà nhiều lần nhưng không được vào gặp bà. Cuối cùng, họ cũng gặp được bà Cao trong một lần vào thăm, nhưng một lính gác đã kích động lòng thù hận đối với Pháp Luân Công bằng cách bảo gia đình bà rằng bà Cao đã từ bỏ gia đình bởi vì bà tu luyện.

“Nếu tôi mà là mẹ của bà ấy, tôi sẽ cho bà ấy một trận đòn nặng”, một lính gác nói với mẹ của bà Cao.

Mắt ngấn lệ, người mẹ già giơ tay lên và suýt nữa thì đánh con gái mình, nhưng đã dừng lại trước khi tay bà chạm vào người bà Cao.

Bà Cao đã tuyệt thực trong 15 ngày và bị trả thù. Các lính gác đã ra lệnh cho những người bị giam khác ngồi lên người bà trong khi họ ấn một chai bia chứa bánh bao ôi thiu và nước muối vào cổ họng bà. Bà gần như bị ngạt thở.

Bà Cao và bà Lưu đã được trả tự do khoảng 3 tuần sau đó. Bà Lưu đã bị nhiều vết thương do bị tra tấn và mất không lâu sau đó.

Bị đầu độc trong bệnh viện tâm thần đến suýt chết

Các đặc vụ ở Phòng 610 huyện Tháp Hà đã bắt cóc bà Cao từ nhà bà và đưa bà đến Bệnh viện Tâm thần Bắc An ở tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 1 năm 2001. Bà đã bị tiêm những loại thuốc không rõ tên khi đang trên đường đến đó. Bà bị bất tỉnh và khi tỉnh dậy bà thấy mình bị trói vào một cái giường và trên thân không còn quần áo.

Một số người đứng quanh bà và hỏi là bà có tập Pháp Luân Công nữa không. Bà tập trung mọi sức lực của mình và nói “có” trước khi lại ngất đi.

Các nhân viên trong bệnh viện đã bức thực và tiêm cho bà Cao những loại thuốc gây cho bà đau đớn tột cùng. Bà đã tuyệt thực và lại bị bức thực. Ống dẫn thức ăn đã làm dạ dày, mũi và miệng của bà Cao bị thương trong quá trình tàn bạo này, và bà không thể ngừng nôn mửa sau đó. Một ý tá đã truyền dịch vào tĩnh mạch của bà nhưng tình trạng của bà chỉ tồi tệ đi. Xương cốt khắp người bà đều bị đau.

Sau khi bị tiêm nhiều lần, hai bàn tay, cánh tay, đùi và bàn chân bà Cao trở nên đầy vết bầm tím đến mức y tá ngày càng khó xác định được tĩnh mạch của bà để tiêm tiếp.

Một y tá tuổi ngoài 40 đã từng nói với bà Cao rằng: “Tôi hiện đang thực hành kỹ năng tiêm của tôi trên người bà”. Cô ta đã vỗ bà Cao hơn 20 lần và vẫn không tìm được tĩnh mạch của bà.

Sau 45 ngày bị tra tấn và tiêm thuốc, bà Cao đã không thể ăn được chút gì và đang ở bên bờ vực của cái chết. Không muốn bà chết ở trong bệnh viện dưới sự quản thúc của họ, chính quyền đã gọi điện cho gia đình bà Cao và bảo họ đến nhận bà về. Mẹ bà đã gục ngã ngay khi nghe nói về tình trạng của bà. Bố bà vội đến bệnh viện cùng với đứa cháu của mình. Ông bị yêu cầu phải trả cho bệnh viện hàng chục ngàn nhân dân tệ trước khi đưa bà về nhà.

Răng bị gãy do bị bức thực; tiếp tục bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức

Chỉ một vài tháng sau đó, cảnh sát đột nhập vào nhà bà Cao vào tháng 7 năm 2001, họ lục soát nhà bà và tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công của bà như là bằng chứng cho việc bức hại bà thêm nữa. Họ bỏ bà vào trại tạm giam Tháp Hà, tại đây bà lại tuyệt thực và bị bức thực. Trong khi đó, chính quyền đã bôi nhọ nhân cách của bà, nói rằng bà đã bỏ việc và không quan tâm chăm sóc bố mẹ cùng con gái sau khi học Pháp Luân Công.

Các lính gác đã bức thực bà bằng bánh mì ngâm nước muối. Việc bức thực đã làm cho đầu bà dính đầy máu. Môi và lưỡi của bà bị đầy vết cắt và thâm tím.

Trong một lần bức thực, các lính gác đã cố cạy miệng bà bằng một miếng gỗ. Một lính gác đã làm gãy những chiếc răng cửa và răng giả của bà Cao. Sau khi bị tra tấn dã man, bà chỉ còn lại một cái răng còn tốt ở trong miệng.

Cảnh sát đã bắt giữ con gái bà Cao và đưa cô bé đi vòng quanh huyện Tháp Hà, bắt cô bé chỉ nơi ở của các học viên khác. Con gái bà không chỉ không được cho ăn gì ngày hôm đó, mà cô bé còn bị đe dọa và kinh hãi trong suốt ngày hôm đó.

Vào cuối tháng 8 năm 2001, bà Cao gầy hốc hác. Không muốn bà chết trong khi bị giam giữ, các lính gác đã gọi gia đình bà đến nhận bà về sau khi tống tiền họ 1000 nhân dân tệ.

Tóc chuyển bạc chỉ sau một tuần sau khi bị tra tấn tàn bạo

Một tuần sau đó, trong khi bà Cao vẫn đang trong quá trình hồi phục, cảnh sát lại bắt giữ bà. Ngày hôm sau, mặc dù không có một thủ tục nào, cảnh sát lại tùy tiện bỏ bà vào Trại lao động cưỡng bức Song Hà trong 3 năm vì “kích động sự bất ổn định xã hội”. Tiền bạc và đồ dùng cá nhân của bà đã bị tước mất và không bao giờ được trả lại.

Bà đã bị đánh đập và bị theo dõi chặt chẽ bởi 6 tù nhân để ngăn không cho bà nói chuyện với những học viên khác. Bà phải làm việc từ 5h sáng đến 7h tối mỗi ngày, sau đó bà phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ xem những video phỉ báng Pháp Luân Công cho đến 1h sáng. Nếu bà từ chối tuân theo, bà sẽ bị đánh đập và bị đưa vào biệt giam.

Có lần bà Cao đang ngồi thiền trên giường và một lính gác đã kéo bà xuống đất từ trên giường tầng.

Chín học viên, bao gồm cả bà Cao, đã treo một tấm biển về Pháp Luân Công từ xà-lim của họ và sau đó bị biệt giam. Bà Cao đã bị treo trên một bể nước lớn. Bà không được cho uống nước và không được sử dụng nhà vệ sinh. Còng tay cắt vào da thịt bà. Phòng giam ban đêm lạnh cóng và gió liên tục thổi vào bà; vào ban ngày, phòng giam trở nên nóng bỏng và bà liên tục đổ mồ hôi.

Năm ngày sau đó, hai đùi bà Cao trở nên tím ngắt và sưng tấy đến mức bà không thể đứng được nữa. Các lính gác sau đó chuyển bà đến một phòng giam khác. Hai đùi bà dần dần chuyển sang màu đen và mủ chảy ra từ nhiều vết loét. Một học viên khác đã bị liệt do bị đánh đập; một người bị đi tiểu ra máu; một người trở nên không kiểm soát được việc tiểu tiện và đại tiện của mình; và một người bị chảy máu mũi liên tục do bị tra tấn.

Trong một chiến dịch nhằm để bắt các học viên từ bỏ tín ngưỡng của mình, các lính gác đã còng hai tay và hai chân bà Cao chặt lại với nhau vào ngày 16 tháng 2 năm 2004. Chiếc còng sau đó được gắn với một sợi dây thừng để lính gác có thể kéo bà lên và đột ngột để bà rơi xuống từ một độ cao lớn. Việc này đã được thực hiện nhiều lần cho đến khi bà ngất đi do quá đau đớn. Lính gác đổ nước lên người bà và cho bà uống những loại thuốc không rõ tên để giữ cho bà tỉnh táo trong khi họ tiếp tục tra tấn bà. Việc này đã kéo dài nhiều ngày.

Khi bà trở nên bất động, một lính gác gào lên: “Chúng tao đã liên hệ với nhà tang lễ. Mày sẽ bị coi như là tự tử!”

Bà Cao toàn thân bị những vết thương hở và vết bầm tím vì bị đánh đập tàn nhẫn. Tóc bà chuyển bạc một tuần sau khi lính gác thực hiện các cách tra tấn tàn bạo trên và sức khỏe của bà ngày càng yếu đi.

Trại tù đã kéo dài thời gian giam bà thêm 1 tháng vì bà từ chối ký vào bản tuyên bố miễn trừ trách nhiệm cho các lính gác đối với tất cả những thương tổn họ đã gây ra cho bà.

Bị tống tiền và mất thu nhập: Gia đình bà Cao rơi vào tuyệt vọng

Trở về nhà từ trại lao động cưỡng bức 3 năm sau đó, bà Cao trông già hơn nhiều so với tuổi và không thể tự chăm sóc bản thân mình. Cảnh sát đã làm hỏng nhà của bà sau khi lục soát hai lần và lấy tất cả tiền mặt mà bà để trong nhà. Bà phải sống với bố mẹ bà, và hai ông bà đã chăm sóc con gái bà trong khi bà bị giam giữ. Con gái bà, đang học tiểu học, đã bị chấn động bởi sự tàn bạo của cảnh sát và vì bà Cao bị bắt đi nhiều lần. Cháu bé ít khi nói và không thể tập trung đầu óc trong lớp học.

Trong khi đưa cháu đến trường, bố bà Cao đã bị một chiếc ô-tô đâm phải. Ông bị thương nặng và bị gãy xương sườn.

Do vết thương này, bố mẹ bà Cao đã không thể chăm sóc cho bà sau khi bà được trả tự do. Bà phải về hưu sớm, và chỉ được nhận đồng lương hưu ít ỏi.

Chân bị gãy trong trại tạm giam Tề Tề Cáp Nhĩ

Bà Cao chỉ được ở một vài tháng với bố mẹ và con trước khi lại bị bắt vào ngày 20 tháng 11 năm 2004. Sáu cảnh sát đã lao vào nhà bố mẹ bà Cao trong khi bật camera lên. Họ kéo bà Cao vào một chiếc xe ô-tô, chụp ảnh gia đình bà và tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công cùng những bức thư riêng của bà.

Mẹ bà, vẫn đang phục hồi từ một lần bị nhồi máu cơ tim, đã cố gắng chặn cảnh sát lại. Con gái bà hét lên vì sợ hãi. Cảnh sát đã bắt em gái bà cùng ngày hôm đó và giam cả hai trong trại tạm giam Tháp Hà. Em gái bà đã được trả tự do vào ngày 23 tháng 11 sau khi phải nộp cho họ 4.000 nhân dân tệ.

Bà Cao bị còng tay vào một chiếc ghế làm bằng kim loại trong 24 giờ trong một cuộc thẩm vấn tại Phòng cảnh sát Thiết Phong. Vì từ chối cung cấp thông tin về những học viên khác, bà đã bị chuyển đến trại tạm giam số 1 Tề Tề Cáp Nhĩ. Bác sĩ ở đó từ chối tiếp nhận bà vì bà trông ốm yếu và xanh xao, hai mắt bà ủ dột và một chân bà bị què. Cảnh sát kiên quyết bắt trại tạm giam vẫn phải tiếp nhận bà.

Trong trại tạm giam, bà Cao đã bị bắt phải ghi nhớ và hát những bài hát tẩy não ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 7h sáng đến 9h tối hàng ngày. Bà được trả tự do 2 tháng sau đó, sau khi gia đình bà nộp 2.000 nhân dân tệ.

Bị bắt nhiều lần, bị tra tấn đến mức suy tim

Ngày 13 tháng 8 năm 2009, bà Cao bị bắt trong khi bà đang phát những tư liệu về Pháp Luân Công. Bà bị bắt giữ tại trại tạm giam Tháp Hà trong 5 ngày và phải nộp 200 nhân dân tệ cho ban quản lý ở đó.

Bà Cao và ba học viên khác đang phát những đĩa DVD về Pháp Luân Công hôm 10 tháng 7 năm 2014 thì hơn chục cảnh sát từ Đồn cảnh sát Tháp Nhĩ Căn bắt giữ họ.

Những cảnh sát này đã giật tóc các học viên và dùng vũ lực để chụp ảnh họ. Sau đó các học viên bị còng tay lại với nhau và không được phép ngồi trong nhiều giờ.

Sau khi bị đánh đập trong quá trình thẩm vấn, bà Cao bị chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa – những dấu hiệu của việc bị chấn thương. Sau đó bà được trả tự do vào tối ngày 11 tháng 7 năm 2014.

Trong khi bà Cao đang dán những tờ rơi và phát những đĩa DVD về Pháp Luân Công ở huyện Tháp Hà vào ngày 16 tháng 4 năm 2017 thì một cảnh sát bắt bà. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu hầu như tất cả mọi thứ, bao gồm máy in, các cuốn sách Pháp Luân Công, giấy in và mực in của bà.

Sau đó, bà Cao bị bỏ vào một phòng thẩm vấn và bị xích và một chiếc ghế. Bà từ chối trả lời các câu hỏi, nên cảnh sát đã làm giả tài liệu lấy cung. Vào buổi tối, họ đưa bà Cao đến bệnh viện huyện. Có lúc bà bắt đầu bị đau lồng ngực. Cảnh sát sau đó đã trói bà vào một chiếc giường sắt, để cho bà ở trần từ thắt lưng trở lên trong nhiều giờ.

Bà Cao được phát hiện là bị huyết áp cao và thiếu ô-xy cho cơ tim. Bất chấp tình trạng sức khỏe cấp tính của bà, cảnh sát vẫn bỏ bà vào một trại tạm giam hôm 17 tháng 4. Có lúc bà đã không thể bước đi được và không được cấp đồ ăn và nước uống kể từ ngày trước đó.

Vào đêm hôm 18 tháng 4, bà Cao bắt đầu bị co giật và ngã khỏi giường. Sinh mạng của bà đang gặp nguy hiểm, và ban quản lý trại tạm giam đề nghị cảnh sát trả tự do cho bà. Cảnh sát đã từ chối.

Bà Cao không thể ngủ và bị buồn nôn. Vào khoảng ngày 21 tháng 4, bà bị nôn thốc nôn tháo và không thể thở được. Ban quản lý trại vẫn để bà lăn lộn ở giường. Chỉ đến ngày hôm sau cảnh sát mới để gia đình bà đưa bà về nhà.

Bị kết án 3,5 năm và bị bỏ vào tù ngay cả khi không kiểm soát được bản thân và không thể bước đi

Hơn một chục cảnh sát đã đột nhập vào nhà mẹ bà Cao hôm 20 tháng 4 năm 2018. Họ đã bắt bà Cao đi với cái cớ rằng họ muốn khám sức khỏe của bà trong một bệnh viện. Bà yếu đến mức bị co giật hai lần ở đó. Bà bị tiêm những loại thuốc không rõ tên và sau đó bị bỏ vào một trại tạm giam.

Bà Cao không thể ăn và có lúc sinh mạng của bà đã ở trong tình trạng nguy hiểm. Trại tạm giam từ chối không cho gia đình bà vào thăm bà và liên tục đòi tiền trước khi truyền dịch cho bà.

Gia đình bà đã thuê một luật sư vào ngày 27 tháng 4. Cùng ngày, luật sư đã cố gắng vào gặp bà nhưng bà đã bị đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện địa phương trước đó.

Bốn người khiêng bà Cao ra tòa ngày 2 tháng 5. Gia đình bà và luật sư không được thông báo về việc xét xử. Bà bị kết án 3,5 năm tù. Cả bà và gia đình bà đều không nhận được bản tuyên án nào.

Các quan chức tòa án và trại tạm giam đã nói dối gia đình bà, rằng họ sẽ trả tự do cho bà vì lý do y tế sau khi bản án tù có hiệu lực. Khi bản án tù chuẩn bị bắt đầu, chính quyền nói rằng đề nghị trả tự do vì lý do y tế đã bị từ chối.

Bà Cao đã bị chuyển đến Nhà tù nữ Cáp Nhĩ Tân ngày 15 tháng 5, bất chấp thực tế rằng bà đã không còn kiểm soát được bản thân mình và không thể tự bước đi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/8/407414.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/7/186225.html

Đăng ngày 07-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share