Bài viết của một học viên ở tỉnh Hồ Bắc
[MINH HUỆ 21-07-2009] Kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi là một giáo viên tiểu học. Kể từ khi đắc Pháp vào năm 1998, tôi đã làm việc chăm chỉ và cần mẫn giảng dạy theo các yêu cầu của Đại Pháp. Kết quả là, tôi nhận được lời khen của các đồng nghiệp và cha mẹ học sinh. Tôi đã mất ba năm để đưa một “lớp học yếu kém” thành “lớp học xuất sắc nhất”, và chuyển biến hơn 80 “học sinh kém” thành những thiên thần nhỏ được mọi người yêu mến. Những thay đổi ở những đứa trẻ này đã có tác động to lớn khiến nhiều phụ huynh biết được sự tốt đẹp của Đại Pháp. Bảo bối của tôi là “Chân – Thiện – Nhẫn”.
Tiếp nhận “lớp học yếu kém”
Ngay hôm trước khai giảng học kỳ mới, hiệu trưởng yêu cầu tôi dạy tiếng Trung cho lớp 1 của khối bốn. Đây là lớp yếu kém cả về học lực lẫn kỷ luật. Thêm nữa, cha mẹ học sinh còn từng khiến giáo viên bị đuổi việc bằng cách dọa chuyển con sang trường khác nếu không đổi giáo viên. Hiệu trưởng rơi vào tình thế khó, tôi đoán có lẽ vì không ai muốn nhận lớp này. Vì thế, tôi tự nhủ mình là học viên Đại Pháp, mà Sư phụ luôn dạy chúng ta nghĩ đến người khác trước và lấy khổ làm vui. Sư phụ giảng trong sách Chuyển Pháp Luân:
“Những công nhân sau khi học Pháp Luân Đại Pháp của các ông, đến sớm về muộn, làm việc hết sức cẩn thận, lãnh đạo phân công việc gì cũng [thực hiện] không nề hà; [họ] cũng không tranh [giành] lợi ích. Họ đều làm việc như thế cả, làm cho diện mạo tinh thần toàn bộ nhà máy khởi sắc [hơn lên], hiệu quả kinh tế của nhà máy cũng tốt.“ (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Tôi nhận ra rằng tôi không nên kén chọn trong công việc và nên nghĩ cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh. Vì thế, tôi đồng ý ngay và hỏi hiệu trưởng tôi sẽ là dạy tiếng Trung cho các em trong bao lâu. Ông trả lời: “Một học kỳ được không?” và chờ đợi phản ứng của tôi. Tôi nói: “Hãy để tôi làm giáo viên của các em đến khi các em tốt nghiệp. Nếu lại thay đổi giáo viên một lần nữa chỉ sau một học kỳ thì sẽ không tốt cho các em, và cha mẹ các em có thể còn phàn nàn nhiều hơn nữa. Tôi cũng là phụ huynh và tôi muốn con mình được học giáo viên tốt, vì vậy tôi sẽ cố gắng hết sức để dạy các em.” Thầy hiệu trưởng vô cùng vui mừng, nhẹ nhõm. Nhưng khi các đồng nghiệp của tôi nghe thấy điều này, ai cũng nghĩ tôi thật ngốc.
Cảm giác bất lực khi mọi biện pháp không hiệu quả
Giáo viên dạy toán ở trường đã gần đến tuổi nghỉ hưu. Chị ấy là người có tinh thần trách nhiệm cao và đã dành cả cuộc đời để dạy học. Chị ấy rất thất vọng về lớp học mà tôi vừa nhận vì cho rằng nó đã làm hỏng danh tiếng của chị. Tuy vậy, chị đã đồng ý ở lại sau khi biết tôi sẽ là giáo viên dạy tiếng Trung ở lớp này. Trường tôi có cái lệ là giáo viên dạy toán thường là giáo viên chủ nhiệm. Nhưng khi cân nhắc về tuổi tác và sức khoẻ của chị, tôi đã tình nguyện làm giáo viên chủ nhiệm và nhờ chị làm cố vấn cho tôi.
Tôi không biết lớp tôi nhận là lớp thế nào. Lớp học trông như đống rác, trên sàn dính đầy vết sữa đậu nành. Cả lớp 83 học sinh thì hơn 70 em không bao giờ làm bài tập về nhà, không đọc sách giáo khoa hay trả lời câu hỏi của giáo viên, không biết cách cư xử. Mười mấy em hay lấy trộm đồ; văn phòng phẩm tôi vừa mang đến lớp thì mắt trước mắt sau đã biến mất. Các em thậm chí còn lấy trộm ví của giáo viên chủ nhiệm cũ. Chúng phối hợp thành nhóm, phân công vai trò, trách nhiệm rõ ràng. Chúng đã mang tiếng rất xấu trong trường chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp kiểu học sinh thế này trong hơn mười năm giảng dạy. Tôi bắt đầu hối hận về quyết định của mình, nghĩ rằng: “Mình có thể làm gì được đây? Cuộc sống của mình sẽ dễ dàng hơn nếu không nhận lớp học này!” Nhưng sau đó, tôi cảm thấy tiếc cho những đứa trẻ này. Nếu chúng không được giáo dục tử tế thì sinh mệnh của chúng sẽ bị hủy.
Lần đầu thu bài tập về nhà, tôi chỉ nhận được vài tờ giấy. Tôi yêu cầu những em không nộp bài tập về nhà đứng dậy thì lập tức hầu hết học sinh đều đứng dậy, vẻ mặt đầy thách thức. Rõ ràng là chúng đã sẵn sàng để chọn cách đối đầu với giáo viên. Tôi đưa các em ra sân chơi và lấy chạy làm hình phạt cho chúng. Tất cả chúng đều cười. Hiệu trưởng ngăn tôi lại và nói: “Đừng để chúng chạy quá năm vòng. Nếu có đứa trẻ nào bị ngất là chị gặp chuyện đấy.” Nước mắt liền lăn dài trên má tôi. Tôi quay lại, hướng mặt vào tường và tự nhủ: “Mình không nên động tâm!” Tôi tự nhủ mình là đệ tử Đại Pháp và Đại Pháp có thể cứu bọn trẻ. Tôi bình tâm lại, bảo bọn trẻ ngừng chạy, và bắt đầu kể cho chúng nghe câu chuyện cổ “Lập mộc thủ tín”. Tôi nói với bọn trẻ rằng chúng ta nên giữ chữ tín và hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn hàng ngày. Nghe vậy, chúng đều im lặng.
“Chân – Thiện – Nhẫn” quả là Pháp bảo
Để sửa thói xấu cho học sinh, tôi thường tham khảo ý kiến các giáo viên kỳ cựu có kinh nghiệm. Chiêu pháp thì rất nhiều: nào là phạt đứng, phạt làm bài tập, không cho ăn cơm, ở lại lớp sau khi tan học, viết kiểm điểm; nào là khiển trách chế nhạo, cũng có đánh, thậm chí còn có cả phạt quỳ, bình thường nếu không gặp sự cố, vết thương không rõ thì nhà trường cũng nhắm mắt làm ngơ, học sinh về nhà cũng không dám nói, sợ bị bố mẹ phạt. Cũng có nhiều giáo viên giao quyền cho “cán bộ lớp”, cho phép cán bộ lớp phạt các bạn những hình phạt này. Vô tình, học sinh từ nhỏ đã bị nhiễm quan niệm lấy ác trị ác, “Tôi quản bạn vì muốn tốt cho bạn” nên có em bị đánh cũng không dám lên tiếng. Cứ như vậy, tệ nạn lại càng đến càng nhiều: cán bộ lớp trở thành kẻ bạo lực học đường, có thể làm xằng làm bậy, cũng có thể nhận “hối lộ”, tùy tiện quyết định hoặc gỡ bỏ hình phạt. Cứ như vậy, trường học trở thành môi trường bát nháo, như một xã hội thu nhỏ.
Tôi là đệ tử Đại Pháp, không thể đánh mắng các em, cũng không có thể lấy ác trị ác. Tôi nhớ Sư phụ giảng:
“Tôi vẫn thường giảng rằng một người nếu hoàn toàn muốn tốt cho người khác, chứ không có bất kể chút nào mục đích hoặc nhận thức của mình, thì lời nói ra sẽ khiến người nghe rơi lệ. Tôi không chỉ là dạy chư vị Đại Pháp, tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể! Trong tâm người ta không phục mà chỉ là phục tùng ở bề ngoài, như vậy khi nhìn không thấy thì vẫn hành sự theo ý nguyện của chính mình.“ (Thanh Tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi quyết định dùng giọng nói và thiện tâm của mình để quy chính tâm hồn của những đứa trẻ này.
Tôi sưu tầm nhiều câu chuyện từ trang Chánh Kiến, phân loại và viết tóm tắt ngắn cho mỗi câu chuyện vào một cuốn sổ tay. Tôi phân loại các câu chuyện theo chủ đề, chẳng hạn như tính chính trực, lòng tốt, sự nhẫn nhịn, nhân quả, tính trung thực, chân thành, tránh ghen tị, hay câu chuyện về các vị Thần, khám phá khoa học và nền văn minh tiền sử. Tôi thường xuyên đọc cuốn sổ tay này, để khi học sinh gây chuyện, tôi có thể dạy chúng bằng cách kể một câu chuyện và không làm tổn thương lòng tự trọng của các em. Bọn trẻ thích những gì tôi kể và cũng hiểu chúng nên làm gì cho phải. Khi về nhà, các em cũng kể lại với bố mẹ.
Khi các em vi phạm nội quy nhà trường, tôi cố hết sức để đặt mình vào vị trí của chúng, lắng nghe chúng và thật tâm hướng nội. Sau đó, tôi sẽ cùng các em tìm một biện pháp thích hợp. Chẳng hạn, có em không hoàn thành bài tập về nhà, có khi là vì em không hiểu bài học trên lớp, có khi vì bài tập về nhà quá nhiều nên không có thời gian để hoàn thành hết, có khi là vì thiếu kiến thức cơ bản nên mất tự tin, cũng có khi vì mải chơi mà xao lãng việc học. Tôi sẽ tìm ra nguyên nhân gốc rễ rồi hướng dẫn các em cho phù hợp. Trong khi đó, tôi sẽ nói với các em lý do cần làm bài tập về nhà và làm thế nào để học tập hiệu quả. Tôi luôn khích lệ chúng.
Tôi đã trở thành một người bạn tốt của các em, và chúng sẵn sàng chia sẻ bí mật của chúng với tôi. Mỗi ngày sau giờ học, bọn trẻ không muốn về nhà vì muốn ở lại lớp với tôi. Lớp học của tôi trở thành một trong những lớp xuất sắc nhất. Các đồng nghiệp của tôi đều nói rằng tôi có “huyền năng kỳ diệu”.
Dưới đây là một số câu chuyện có thật về những điều đã xảy ra trong lớp học của tôi.
1) Lớp học viết văn đầu tiên
Môn mà học sinh lớp tôi đau đầu nhất là viết văn. Có ba nguyên nhân: 1) chúng quá ngại viết, 2) không biết viết và 3) ảnh hưởng văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến đề bài thiếu tính trung thực, bị phóng đại, sáo rỗng, vì vậy bọn trẻ không muốn viết, cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.
Lần đầu, khi tôi bắt đầu dạy lớp này, các em chỉ viết tối đa ba câu mà không dùng dấu câu. Một hôm, trong giờ học, tôi nghe có tiếng kêu, và phát hiện ra chú chim bồ câu nhỏ giấu trong ngăn bàn học sinh. Tôi lo nó có thể chết. Tôi cũng biết ở Trung Quốc Đại lục ngày nay, người ta bị đầu độc bởi chủ nghĩa vô thần, không biết sát sinh là tạo nghiệp.
Tôi đặt con chim câu nhỏ lên một miếng bìa cứng và bảo bọn trẻ quan sát kỹ. Tôi đề nghị các em chạm vào bộ lông mềm và bàn chân nhỏ xíu màu đỏ của nó. Em nào cũng thích chú chim bồ câu nhỏ này, còn chú chim lại nhìn chúng bằng ánh mắt lo sợ và ríu rít tuyệt vọng. Tôi đề nghị các em im lặng lắng nghe tiếng hót của chú chim và thử xem nó đang nói gì. Một số em nói: “Nó đang gọi mẹ vì nó sợ.” Những em khác nói: “Nó muốn về nhà.” Chúng bắt đầu thấy thương con chim bồ câu này. Tôi hỏi các em: “Nó đến từ đâu?” Chúng nói với tôi rằng chúng đã mua nó từ một người bán rong với giá 50 xu, giống như những các bạn khác thôi.” Tôi hỏi lại chúng: ”Rồi giờ nó sẽ đi đâu?” Bọn trẻ nói chỉ mấy ngày là nó sẽ chết. Vì vậy, tôi đã nói với cả lớp: “Nói cách khác, tất cả chúng ta đều thích chú chim bồ câu nhỏ này, nhưng chúng ta lại giết nó.” Tôi viết lên bảng, “50 xu = một mạng sống.” Làm sao một sinh mệnh lại rẻ đến vậy? Điều ấy để lại trong chúng ấn tượng sâu sắc. Nhiều em không còn mua động vật nhỏ từ những người bán hàng rong nữa mà phê bình họ “chỉ vì tiền mà việc gì cũng dám làm”.
Tôi đề nghị bọn trẻ viết vào vở những gì chúng đã thấy, nghe và cảm nhận và dùng danh xưng của chúng. Lần đó là những bài viết hay nhất và nhanh nhất cho đến nay. Sau đó, tôi kể cho các em thí nghiệm thực vật cũng có cảm quan, còn mở máy tính cho chúng quan sát ảnh thí nghiệm “Nước biết đáp án”. Lũ trẻ hiểu rằng mọi thứ đều có sinh mệnh, chúng ta nên trân trọng chúng và sống hòa hợp với thiên nhiên. Trong chuyến tham quan mùa xuân, học sinh lớp tôi không hái một bông hoa nào mà tự dọn dẹp, không cần ai bảo. Điều đó khiến tôi hết sức cảm động.
2) Hai cái xúc xích
Trong chuyến tham quan mùa xuân lớp 6, căng tin của trường giao nhầm cho lớp tôi nhiều hơn hai cái xúc xích cho bữa sáng, nhưng không em nào lấy.
Tôi đưa ra hai cái xúc xích, hỏi: “Ai muốn ăn nào?” Bọn trẻ đều lắc đầu và mỉm cười. Một số em nói: “Cô ăn đi ạ!”
Mắt tôi ngân ngấn lệ, nói với các em: “Hai cái xúc xích này là bằng khen cao quý nhất đối với cô. Đó là bằng chứng cho thấy cô là giáo viên giỏi nhất. Chúng cũng là giải thưởng cao quý nhất đối với các em bởi vì các em là những học sinh trung thực nhất!”
Nhiều em mắt cũng ong óng nước. Những điều như thế chưa từng xảy ra ở lớp này trước khi tôi tiếp quản, và cũng không xảy ra ở các lớp khác.
Hai năm trước khi tôi nhận lớp học này, có 12 học sinh lấy trộm đồ. Ngày hôm sau thì một số em bị mất đồ. Tôi đã kể cho cả lớp nghe những câu chuyện như “Vợ của Nhạc Dương”, “Khổng Tử không uống nước của đạo tặc”, “Cho đi đáng giá hơn tặng vật” và “Kho báu của Tử Hãn là không tham lam”. Tôi lấy văn hóa Thần truyền để dạy cho các em những giá trị làm người căn bản.
Khi tôi kể cho lũ trẻ về “Triều đại của Trinh Quán”, thời Thái bình Thịnh thế, người người “không nhặt của rơi trên đường, đêm không cần đóng cửa”, chúng rất hào hứng. Các em liên tục hỏi: “Thưa cô, khi nào chúng ta có thể ngủ mà không cần khoá cửa? Dù chúng ta có nhiều cửa, nhưng trộm vẫn vào được nhà chúng ta.” Tôi khuyến khích các em rằng khi tất cả mọi người đều trọng đức hành thiện, thiên hạ sẽ thực sự thái bình.
Tôi không nhận bất kỳ quà tặng nào của phụ huynh học sinh. Tôi cởi mở nói với họ rằng tôi là đệ tử Đại Pháp, không thể nhận quà của họ. Tôi cũng từ chối lời mời ăn tối của cha mẹ học sinh và không bao giờ nhờ vả họ làm gì cho tôi. Đôi khi, nếu không thể trả lại quà, tôi sẽ tìm ra giá trị của món quà này và mua sách cho bọn trẻ. Sau đó, tôi sẽ nói với chúng rằng những cuốn sách này là do cha mẹ em nào đó “tặng” cho thư viện nhỏ của chúng tôi. Sau một thời gian, khi phụ huynh nhận ra điều này, không còn ai tìm cách tặng quà cho tôi nữa. Nhưng họ cũng không lo tôi sẽ bỏ bê con cái họ. Tất cả phụ huynh đều nói rằng con họ cuối cùng đã gặp được một giáo viên tốt.
Cuối cùng, học sinh của tôi đã trả lại hai cái xúc xích cho căng tin của trường.
Pháp Luân Đại Pháp hảo
Chẳng bao lâu sau, bọn trẻ biết rằng tôi là đệ tử Đại Pháp vì tôi “khác” với những giáo viên khác. Tôi chú ý hơn đến hành vi của bản thân. Mỗi sáng, chúng tôi có tiết đọc sách, và các em sẽ thay phiên nhau chia sẻ những bài viết hay. Nhiều lần, các em đọc Tuần báo Minh Huệ và các tài liệu giảng chân tướng khác vì chúng thấy những bài viết đó rất hay. Các em còn giao lưu, chia sẻ với các lớp khác. Một số em còn công khai mang theo tài liệu liên quan đến Đại Pháp và tự hào nếu có người thân tu luyện Đại Pháp.
Có lần, một học sinh còn nói với tôi: “Thưa cô, con bị quai bị”. Tôi nói với em: “Hãy nói cha mẹ đưa em đến bác sỹ.” Em ấy nói: “Không ai quan tâm đến em. Em có thể niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ được không?’” Tôi trả lời: “Tất nhiên rồi!” Ngộ tính của em ấy còn tốt hơn cả tôi! Trong giờ học giáo dục thể chất, em ấy ngồi cạnh tường và niệm liên tục “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Kết quả là, vết sưng trên mặt em ấy biến mất, và em không còn đau đớn nữa.
Trong lễ chào cờ, hai học sinh của tôi là Tiểu Phương và Tư Tư, được vinh danh là những học sinh tiêu biểu và được lên bục nhận giải thưởng. Khi thầy hiệu phó thấy nhiều học sinh không đeo khăn quàng đỏ của ĐCSTQ, ông giận dữ và nói rằng, nếu không có khăn quàng đỏ, học sinh không được nhận giải thưởng. Nhiều học sinh trong lớp tôi không đeo khăn quàng đỏ. Tiểu Phương và Tư Tư muốn nhận giải thưởng nhưng lại sợ. Các em hỏi tôi phải làm gì. Tôi lặng lẽ nói với hai em: “Các em niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ rồi bước lên bục giảng nhận giải thưởng. Thầy hiệu phó sẽ không nhận ra các em không đeo khăn quàng đỏ”. Quả thực các em không gặp khó khăn gì khi nhận giải thưởng và thấy thật kỳ diệu.
Sau khi Cửu Bình được xuất bản, tôi nóng lòng muốn bọn trẻ thoái Đội Thiếu niên Tiền phong, một tổ chức của Đảng Cộng sản. Nhưng tôi cũng sợ bị bức hại. Mấy hôm, tôi không có đủ can đảm để lên tiếng. Đến một hôm, khi tôi đưa học sinh về nhà, Tiểu Cảnh, một học sinh của tôi, đột nhiên hỏi tôi: “Thưa cô, các bạn đã đọc cửu bình chưa?” Tôi rất ngạc nhiên và hỏi em: “Em đọc chưa?” Em nói rằng không hiểu cuốn sách lắm, nhưng mẹ đỡ đầu của em nói em nhất định phải thoái Đội Thiếu niên Tiền phong để tránh rủi ro sau này nên em đã thoái. Em ấy còn thuyết phục Văn Văn, một học sinh khác ở lớp tôi thoái Đội.
Tôi thấy rất xấu hổ. Tôi yêu quý học sinh của tôi. Con gái tôi đã thoái Đội từ lâu mà tôi lại không dám nói với học sinh của tôi. Chẳng phải tôi thật ích kỷ mà còn bao biện cho bản thân sao? Vì thế, tôi quyết định phải nói với các em ngay.
Trước khi bắt đầu, tôi phát chính niệm và thỉnh cầu Sư phụ gia trì, rồi nói với các em rằng trời sẽ diệt ĐCSTQ, vì thế chúng ta phải thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó để bảo vệ bản thân chúng ta. Tôi mở máy tính trong phòng tin học tìm ảnh “Tàng tự thạch”, rồi hoa Ưu Đàm cho các em xem. Tôi cũng xin lỗi các em, chỉ vì sợ bị bức hại mà tôi không nói cho các em sớm hơn. Học sinh của tôi đều dùng tên giả để thoái. Cuối cùng, một học sinh của tôi có tên là Trân Trân đã nói: “Không ai được nói chuyện này ra ngoài, kể cả với cha mẹ chúng ta. Ai mà nói ra chuyện này hoặc tiết lộ tên cô giáo chủ nhiệm thì sẽ không được tha thứ.” Đêm đó tôi có một giấc mơ, trong mơ tôi đang dẫn một nhóm đứa trẻ leo lên một cái thang hẹp từ dưới lòng đất.
Trong thời gian đó, tôi đã tăng cường phát chính niệm. Hầu hết các em trong lớp tôi đã thoái Đội Thiếu niên Tiền phong. Sau khi các em học lên trung học, nhiều em cũng từ chối tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Được các học sinh bảo vệ
Một lần cuối tuần, một đồng tu của tôi cũng là giáo viên đến nói với tôi rằng Phòng Giáo dục đã ban hành một công văn thông báo một giáo viên bị đưa đi lao động cưỡng bức vì nói về Pháp Luân Công và yêu cầu học sinh thoái ĐCSTQ và các tổ chức của nó. Công văn này chỉ đạo trường nào cũng phải tiến hành điều tra toàn diện. Việc này xảy ra cùng thời điểm nạn thu hoạch nội tạng từ học viên Pháp Luân Công còn sống ở Tô Gia Đồn bị phơi bày. Rõ ràng là cựu thế lực tà ác đã sợ hãi.
Tôi cùng đồng tu tự hỏi: phải chăng chúng ta có tâm sợ hãi? Giải thể tà ác, không thừa nhận chúng. Đồng tu đi rồi, tôi lại ngộ ra giảng chân tướng có thể giải thể tà ác.
Trong buổi họp lớp hôm thứ Hai, tôi đã nói với các em về nạn thu hoạch nội tạng. Các em đã bị sốc và rất tức giận. Tôi cũng nói với các em về việc một giáo viên bị bức hại vì nói về Pháp Luân Công và tôi đã chia sẻ với bọn trẻ một số mánh khóe mà Phòng 610 và các đội an ninh nội địa thường sử dụng. Một số em còn gọi họ là bọn lưu manh.
Ngày hôm sau, tôi vừa bước vào lớp, các em đã vây quanh tôi hỏi: “Thưa cô, cô có phải là thầy bói không? Hôm qua, thầy hiệu phó và thầy phụ trách đến nói chuyện với chúng em và muốn kiểm tra sổ ghi đầu bài của lớp tiếng Trung của chúng ta.” Tôi mỉm cười, hỏi: “Các em đã nói với các thầy thế nào?” Tư Tư nói: “Thầy hiệu phó hỏi cô dạy những gì trong lớp. Em nói: ‘Cô giáo tiếng Trung thì dạy tiếng Trung thôi ạ! Từ khi là giáo viên chủ nhiệm của chúng em, cô còn dạy chúng em kỷ luật và vệ sinh cá nhân.’” Phi Hùng, một học sinh khác của tôi nói: “Em đã nói với các thầy rằng cô đã dạy chúng em theo sách giáo khoa.” Họ không thể tìm thấy bất cứ điều gì về Đại Pháp trong sổ ghi bài của học sinh, vì tôi thường viết thơ Hồng Ngâm lên bảng để học sinh của tôi đọc và dặn các em không chép vào vở vì lo các em chép xong lại tùy tiện để lung tung, tránh bất kính mà tạo nghiệp.
Thư cảm ơn
Vì lớp tôi có nhiều tiến bộ nên nhà trường quyết định trao giải thưởng đặc biệt cho tôi. Tôi từ chối không nhận và viết một lá thư cảm ơn cho hiệu trưởng với nội dung: “Cảm ơn hiệu trưởng vì đã tin tưởng và cho tôi cơ hội hiếm có và trọng trách này. Ông đã ủng hộ tôi suốt bảy năm qua, trong khi chính quyền tiến hành bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Lòng chính nghĩa và thiện lương của ông nhất định sẽ mang lại phúc báo cho ông cùng gia đình. Tôi cũng muốn cảm tạ Sư phụ tôi, người đã dạy cho tôi nguyên lý ‘Chân – Thiện – Nhẫn’, và đây là bảo bối mà tôi đã sử dụng để dạy cho lớp mình. ”
Có lần, một trường học khác tổ chức triển lãm ảnh tà ác bôi nhọ Pháp Luân Công. Tôi tận dụng cơ hội để giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho thầy hiệu trưởng. Tôi chưa nói xong, hiệu trưởng đã nói: “Làm sao mà họ lại làm điều này? Như vậy sẽ làm hỏng bọn trẻ mất!”
Có rất nhiều câu chuyện về lớp học của tôi. Một trong những bài viết của học sinh của tôi đã được đăng trên Minh Huệ Net. Tôi tin rằng các em cuối cùng sẽ đắc Pháp và trở thành các học viên.
Cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu! Xin chỉ ra những điều chưa phù hợp!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/11/7/211999.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/12/2/112770.html
Đăng ngày 13-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.