Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 09-02-2013] Trại Lao động cưỡng bức nữ tại tỉnh Hà Bắc được xây dựng vào năm 2007, và bắt đầu hoạt động vào năm 2008, trước kỳ Thế vận hội Bắc Kinh. Trại này nằm ở vùng ngoại ô của thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Nhà tù nữ tỉnh Hà Bắc nằm dọc con phố với trại lao động cưỡng bức, và cũng được xây dựng cùng một lúc. Theo tính toán thì vào năm 2008, đã có hơn 500 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trái phép tại đó.

Nguồn tài chính chính cho các viên chức công an tại trại lao động cưỡng bức là từ sự lao động khổ sai của các tù nhân trong trại. Chúng tôi bị bắt làm việc từ sáu đến sáu ngày rưỡi trong một tuần. Trong nửa ngày mà chúng tôi được nghỉ, chúng tôi bận rộn giặt giũ áo quần, tắm gội, mua những đồ dùng cần thiết, gặp gỡ gia đình, v.v. Đôi khi, chúng tôi bị bắt tập dượt xếp hàng và không còn thời gian để nghỉ ngơi. Rất nhiều người hiện đang bị giam giữ tại Trại Lao động cưỡng bức nữ Hà Bắc, nhưng đại đa số là các học viên Pháp Luân Công – khoảng 30% đến 50%. Những tù nhân khác bao gồm những người kháng nghị, và những người tham gia kinh doanh đa cấp. Không cần biết là họ bị kết án “tội” gì, bất cứ ai cũng bị ép buộc lao động. Những người từ chối làm lao động đối mặt với áp lực rất nặng nề, và những tù nhân không dám từ chối những công việc này. Chỉ có một số học viên can đảm không chấp nhận làm lao động khổ sai, mà kết quả là bị bức hại rất nặng nề. Trước hết, thời hạn giam giữ sẽ bị kéo dài. Dù chỉ thêm một ngày là cộng thêm sự khổ nhục cho họ, đừng nói là cộng thêm vài tháng chịu đựng sỉ nhục từ những người đội trưởng và tổ trưởng của họ, bị đánh đập và bị sốc bằng ba-tông điện. Vào mùa hè, họ không được phép tắm, mua những vật dụng cần thiết, v.v.

Vào lúc đó, trại lao động cưỡng bức có ba đội: Số 2, Số 3, và Số 4. Đội Số 1 trước đây tập trung chính vào việc giam giữ và bức hại các học viên Pháp Luân Công. Tất cả các học viên Pháp Luân Công đã từ chối không chịu hợp tác với họ, không chấp nhận làm việc, và không chấp hành mệnh lệnh của họ, chứ đừng nói là bị “chuyển hoá”. Vì thế, đội đó đã bị giải tán.

Đội Số 2 và đội Số 3 làm những công việc tương đối nhẹ hơn, chủ yếu là gấp khăn tắm. Đội Số 3 sản xuất những khăn tắm nhãn hiệu “Tần Lão Đại” (Big Qin). Đội Số 4 làm công việc tỉ mỉ nhất – nhét những vòng cao su vào nắp chai. Công việc này được làm cho Công ty Đóng hộp Kim Hoàn tỉnh Hà Bắc, đặt tại khu Dụ Hoa, Thạch Gia Trang. Công ty này chủ yếu sản xuất những hàng hóa cung cấp cho những công ty dược phẩm, và cũng xuất khẩu hàng hóa của họ. Những nắp chai loại này làm bằng nhôm. Để đóng nắp chặt chai, họ phải nhét cái vòng cao su vào bên trong cái nắp. Mỗi tù nhân đều có một chỉ tiêu, trung bình là 10.000 cái mỗi ngày. Nếu tù nhân nào không hoàn thành chỉ tiêu của mình vào cuối mỗi ngày, người đó phải làm thêm giờ. Không có giờ nghỉ ăn trưa, hoặc họ phải làm thêm một giờ rưỡi sau khi ăn tối.

Mặc dù “Quy định Trại Lao động cưỡng bức” nói rằng chỉ làm sáu tiếng mỗi ngày, thực ra, chúng tôi phải làm tám tiếng rưỡi—không kể làm thêm giờ. Chúng tôi phải xin phép đi nhà vệ sinh, và chỉ được đi sau khi được cho phép. Để làm công việc của mình, chúng tôi dùng một cái khung để đặt cái vòng cao su vào trong nắp chai. Tay của nhiều người trở thành biến dạng trong khi làm công việc này. Một số tù nhân trong trại lao động cưỡng bức là những người nghiện ngập hoặc gái mại dâm; rất nhiều người mang bệnh tật, thậm chí những bệnh truyền nhiễm như viêm gan B. Những ai chẩn đoán mang bệnh viêm gan B cần phải được chữa trị ngay lập tức, nhưng các viên chức trong trại không cung cấp hay cho phép điều trị. Ngoài ra, các viên chức trong trại không báo cho các tù nhân đó rằng họ mang bệnh viêm gan B, tuy nhiên vẫn bắt họ làm việc nặng nhọc như các tù nhân khác. Sản xuất đồ y tế cần phải có một môi trường vệ sinh, nhưng rất nhiều lúc chúng tôi không được phép đi rửa tay.

Bất cứ khi nào công việc “nhét vòng cao su” được làm xong sớm, chúng tôi phải làm công việc đóng gói các muỗng nhựa. Những muỗng nhựa nhỏ loại này gọi là “Muỗng nhựa cán thẳng Y Lợi”, và nó được dùng để múc sữa bột. Mặt hàng này là làm cho Công ty Đóng hộp Thực phẩm Chính Thông tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Chúng tôi đặt vài hộp muỗng lên trên một cái bàn lớn, sau đó bỏ một cái muỗng vào một cái túi nhựa nhỏ. Mỗi tù nhân phải bỏ từ 7.000 đến 8.000 chiếc mỗi ngày. Những yêu cầu về sản xuất của công ty vốn rất nghiêm ngặt, và yêu cầu chúng tôi phải được tẩy trùng vài lần một ngày, và cũng chỉ cách chính xác khi đóng gói cái muỗng. Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn sản xuất mỗi ngày, trại lao động cưỡng bức đơn giản là không theo đúng những yêu cầu đó. Vì thế, chúng tôi không đáp ứng được những tiêu chuẩn sản xuất của họ. Những lính canh nữ tại đó thậm chí nói: “Người ta sẽ không bao giờ muốn mua hàng của ‘Y Lợi’ nữa.”

Một công việc khác là xâu các chuỗi hạt cườm, hay làm những đồ vật trang trí cho Công ty Nữ trang Nhuận Thạch tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Rất nhiều trong chúng là những bán thành phẩm để xuất khẩu hoặc sản xuất đồ tự làm/tự chế tác (DYI: do it yourself). Nhuận Thạch có rất nhiều mặt hàng được sản xuất tại Nhà tù nữ Hà Bắc (vì nó tọa lạc gần trại lao động cưỡng bức). Hàng hóa của họ thường để xuất khẩu.

Những người đang bị bức hại tại trại lao động cưỡng bức nhận tiền mặt chỉ 10 nhân dân tệ (khoảng 1,6 đô la Mỹ) mỗi tháng. Lương hàng tháng của họ từ 10 đến 60 nhân dân tệ, nhưng không bảo đảm là được trả đúng hạn.

Ngoài việc phải hoàn thành những công việc tại xưởng, chúng tôi phải làm việc ngoài đồng. Một khoảng đất rộng được dành riêng trong trại lao động cưỡng bức để trồng rau. Chúng tôi trồng khoai lang, tỏi, cà tím, củ cải, cải bắp, đậu, hành lá, v.v. Những viên chức công an trả tiền rất rẻ cho hành lá và khoai lang. Họ để lại những rau củ xấu cho tù nhân ăn. Công việc ở đây bao gồm nhổ cỏ, hái rau, cày đất và dọn dẹp.

Trong khi làm việc, chúng tôi không được phép nói chuyện với nhau. Chúng tôi phải dùng nhà vệ sinh theo sự sắp xếp thời gian định trước và chúng tôi cũng phải xếp hàng chờ đợi tới phiên mình. Bình thường nhà vệ sinh và phòng đựng nước bị khóa và chúng tôi không được phép dùng tự do. Rất nhiều máy quay theo dõi được gắn trong xưởng, nhà ở và thậm chí trong nhà vệ sinh.

Hơn nữa, chúng tôi bị kiểm tra an ninh một lần mỗi tuần. Lúc đầu, chúng tôi vì quá mệt sau khi làm việc suốt ngày và muốn được nghỉ ngơi sau khi về phòng. Tuy nhiên, tất cả đồ đạc đều bị lục soát vung vãi khắp nơi như đống rác. Chúng tôi phải dọn dẹp và sắp xếp lại đồ đạc. Không có sự tôn trọng, tự do và chúng tôi sống như những người nô lệ.

Đôi khi, không có ai làm việc vì họ thả nhiều người. Sau đó họ lại đi lấy thêm tù nhân từ các trung tâm giam giữ khác và các trung tâm cai nghiện. Nhiều báo cáo nói rằng mỗi lần trại lao động cưỡng bức nhận một người từ các đồn công an địa phương, họ phải trả tiền cho đồn công an để “mua” một người nô lệ. Đôi khi, các đồn công an địa phương phải trả tiền cho các trại lao động cưỡng bức để họ có thể đưa những người không đủ sức khoẻ hay các học viên Pháp Luân Công đến trại lao động cưỡng bức.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/9/曝光河北省女子劳教所的奴工黑幕-269352.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/2/25/138257.html

Đăng ngày 08-04-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share