Bài viết của Vi Nhĩ

[MINH HUỆ 25-01-2013] Bà Ngô Tòng Mỹ, hơn 70 tuổi, ở huyện Hội Lý, khu vực Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, gần đây đã bị thẩm phán Khưu Vân của tòa án huyện Hội Lý kết án phi pháp ba năm tù. Từ khi bà Ngô, một học viên Pháp Luân Công, bị đưa đến Trại tạm giam Hội Lý vào tháng 05 năm 2012, những gì bà phải trải qua đã cho thấy tòa án huyện và Đội An ninh nội địa đã trắng trợn vi phạm pháp luật như thế nào. Luật sư của bà Ngô, khi đối diện với những hành vi “không hiểu luật” của tòa án huyện, đã không thể không vì nghĩa vụ mà dạy cho tòa án huyện Hội Lý những “kiến thức cơ bản về pháp luật”. Cuối cùng, người luật sư cũng phải kết luận: “Tòa án huyện Hội Lý thật quá đen tối.”

Theo lý thuyết, thẩm phán Khưu Vân, thân là một chánh án tòa án hình sự của huyện, cần phải hiểu biết pháp luật và hành xử chuyên nghiệp. Nếu không, ông ta không có tư cách để hành nghề. Hai tháng sau khi bà Ngô bị bắt giữ, luật sư của bà đã đưa ra lời biện hộ vô tội dựa trên thực tế: “Tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp; phân phát các tài liệu Pháp Luân Công là hợp pháp.” Trong phiên xử, thẩm phán Khưu và các đồng nghiệp của ông ta đã hành động như những người không hiểu biết về luật pháp.

Luật sư bị tước đoạt quyền lợi hợp pháp

Khi luật sư của bà Ngô đi đến tòa án huyện Hội Lý để xem xét lại trường hợp của bà, thẩm phán Khưu đã nói với ông ấy: “Phó Viện trưởng đã cấm ông xem những hồ sơ này.” Luật sư của bà Ngô liền chỉ ra họ làm như vậy là vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, và ông ấy đã chiểu theo thủ tục pháp luật hiện hành để khởi kiện lên Viện Kiểm sát Hội Lý rằng Tòa án Hội Lý đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng và tước đoạt quyền lợi hợp pháp của ông với tư cách là một luật sư.

Vào ngày 16 tháng 11, ngày trước phiên xử, luật sư của bà Ngô lại đến tòa án để yêu cầu được xem các hồ sơ của thân chủ của ông, nhưng yêu cầu của ông lại bị từ chối.

Người nhà bị tước đoạt quyền tham dự phiên tòa

Ngày 17 tháng 11 năm 2012, bà Ngô bị hai nữ công an đưa đến tòa án. Bà không thể đi do bị tra tấn trong lúc giam giữ. Mặc dù bị đau, bà vẫn liên tục hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân – Thiện – Nhẫn hảo!” Tòa án đã không cho chồng bà Ngô vào dự phiên tòa. Tất cả những người tham dự phiên tòa đều là nhân viên do tòa án chỉ định.

Xử án phi pháp, không có chứng cứ

Sau khi công tố viên Vương Phương Vận của Viện Kiểm sát đọc xong bản cáo trạng, tòa án đã từ chối cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để buộc tội bà Ngô. Luật sư của bà đã đề nghị tòa cho biết các bằng chứng ban đầu; tuy nhiên, tòa đã từ chối. Luật sư đã chỉ ra rằng hành động như vậy là sự vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Những công bố của tòa án là vô căn cứ, và cuối cùng, tòa vẫn từ chối cung cấp bằng chứng ban đầu ngoại trừ một vài tấm ảnh và chữ ký giả mạo.

“Bà Ngô Tòng Mỹ tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp”, luật sư của bà tuyên bố. “Phân phát tài liệu giảng chân tướng Pháp Luân Công cũng là hợp pháp.” Ông cũng chỉ ra rằng việc buộc tội bà Ngô theo Điều 300 của Bộ luật Hình sự với tội danh “Lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại luật pháp quốc gia” là hoàn toàn vô căn cứ.

Cuối cùng, luật sư cũng tuyên bố: “Nếu kết án ai đó mà biết rằng người đó vô tội, đó là sự vi phạm pháp luật và cũng là bôi nhọ lương tri con người.” Vì vậy ông đã yêu cầu tòa án phóng thích bà Ngô.

Bà Ngô cũng kiên quyết yêu cầu được thả ngay lập tức.

Giả mạo chữ ký nhân chứng

Các nhân viên An ninh nội địa đã cung cấp chữ ký của con trai và con dâu của bà Ngô, tuyên bố rằng họ được yêu cầu ký vào danh sách các tài sản cá nhân bị tịch thu sau khi nhà bà Ngô bị lục soát. Con trai và con dâu của bà Ngô không có ở nhà khi công an đưa bà đi; tuy nhiên, công an lại dùng những chữ ký như vậy để xem là “bằng chứng”. Như vậy tòa án đã sử dụng một cách sai trái con trai và con dâu bà Ngô làm “nhân chứng trọng yếu” để bức hại bà.

Không cung cấp bản phán quyết cho luật sư và người nhà

Ngày 21 tháng 12 năm 2012, khi chồng bà Ngô đến gặp thẩm phán Khưu để yêu cầu thả vợ ông, thẩm phán Khưu đã nói: “Tôi đã kết án bà ấy ba năm rồi.” Chồng bà Ngô đáp lại: “Luật sư nói rằng vợ tôi vô tội. Tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp. Vì sao kết án tù bà ấy?” Thẩm phán Khưu trả lời liến thoắng: “Đúng, ông có thể kiện tôi.” Cuối cùng, cả người nhà và luật sư của bà Ngô đều không nhận được một “bản phán quyết” chính thức nào.

Bản án quá hạn

Cuộc xét xử phi pháp bà Ngô tại Tòa án huyện Hội Lý diễn ra vào ngày 17 tháng 11 năm 2012 và tuyên án diễn ra vào ngày 07 tháng 12. Bản án đã được đưa cho bà Ngô vào ngày 20 tháng 12, tức là quá hạn 14 ngày.

Bà Ngô đã kháng cáo vào ngày 21 tháng 12. Tuy nhiên, cho đến ngày 08 tháng 01, luật sư thứ hai của bà ở Bắc Kinh vẫn bị Tòa án phúc thẩm Lương Sơn từ chối cho xem các hồ sơ liên quan.

Luật sư đã đến Hội Lý vào ngày 09 tháng 01 để giải quyết vấn đề xử lý sai hồ sơ với thẩm phán Khưu. Thẩm phán Khưu tuyên bố rằng các hồ sơ đã được chuyển cho Tòa án phúc thẩm khu vực Lương Sơn. Trước mặt thẩm phán Khưu, luật sư đã gọi điện cho chánh án của Tòa án Hình sự thuộc Tòa án phúc thẩm Lương Sơn để làm rõ. Sau đó luật sư đưa điện thoại cho thẩm phán Khưu, và ông ta đã thay đổi câu chuyện. Ông ta nói rằng hồ sơ vẫn đang trên đường chuyển đi. Chỉ mới chuyển được khoảng 185 km (115 dặm) giữa huyện Hội Lý và thành phố Tây Xương (thủ phủ của Khu vực Lương Sơn). Thật khó tin rằng hồ sơ đã được chuyển đi hơn 10 ngày mà chưa đến nơi. Gia đình bà Ngô rất giận dữ bởi lời dối trá trắng trợn này.

Luật sư đã đưa ra bằng chứng rằng tòa án huyện Hội Lý đã gây ra sự trì hoãn không cần thiết, vì họ đã giam giữ phi pháp bà Ngô trong ba tháng rưỡi, gửi bản phán quyết quá hạn 14 ngày, và cố tình giữ hồ sơ vụ án từ các tòa án phúc thẩm. Luật sư cũng chỉ ra rằng công tố viên Vương Phương Vận của Viện Kiểm sát đã vô trách nhiệm trong việc giám sát các hoạt động của tòa án.

Sau đó một nhân viên thuộc Viện Kiểm sát huyện Hội Lý đã biết đến những chi tiết này. Chữ ký của ông ta vào ngày 27 tháng 07 năm 2012, cơ bản là truy tố bà Ngô, và ông ta đã bị sốc sau khi luật sư chỉ ra một số hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông ta. Ông ta nói rằng mình không liên quan đến vụ việc này, và chữ ký của ông trên các bản cáo trạng đã bị làm giả mạo.

Luật sư của bà Ngô đã đệ đơn khiếu nại đến Tòa án phúc thẩm Lương Sơn đối với thẩm phán Khưu Vân của tòa án huyện Hội Lý, Vương Phương Vận của Viện kiểm sát huyện Hội Lý và những người khác liên quan đến vụ việc. Luật sư đã yêu cầu Tòa án phúc thẩm Lương Sơn khắc phục lại bản án sai trái của tòa án huyện Hội Lý.

Những sự việc liên quan đến các chuyên gia luật pháp vi phạm pháp luật một cách trắng trợn, thật không may là nó không chỉ phổ biến ở huyện Hội Lý, mà còn ở khắp Trung Quốc ngày nay.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/1/25/是谁把法官变成了“法盲”和罪犯–268163.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/2/6/137382.html

Đăng ngày 27-03-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share