Bài viết của Cố Vọng

[MINH HUỆ 18-04-2025] Nhà toán học và triết gia người Pháp Blaise Pascal đã viết: “Trong đức tin, có đủ ánh sáng cho những ai muốn tin và đủ bóng tối để làm mù loà những người không muốn tin.” Đối với tôi, cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1999 là một ví dụ như vậy.

Chỉ vài năm sau khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, Pháp Luân Công đã giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần cho khoảng 100 triệu người. Tuy nhiên, với lịch sử tàn bạo và lừa dối, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không thể chịu nổi việc có quá nhiều người bước chệch khỏi đường lối của Đảng. Khi hàng chục học viên vô tội bị bắt ở Thiên Tân, các học viên khác đã đến Bắc Kinh và thỉnh nguyện ôn hòa tại Văn phòng Khiếu nại Trung ương của Quốc vụ viện vào ngày 25 tháng 4 năm 1999.

Những học viên này đã quá quen với bạo lực của ĐCSTQ. Nhiều người trong số họ từng là nạn nhân hoặc chứng kiến các chiến dịch chính trị của Đảng như Chiến dịch Chống Cánh hữu và Cách mạng Văn hóa. Vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn trước đó 10 năm vẫn còn hiện rõ trong tâm trí nhiều người. Nhưng những học viên này vẫn không dao động. Họ tin vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và biết rằng công lý rồi sẽ chiến thắng.

Đứng lên bảo vệ lẽ phải

Nhưng chế độ ĐCSTQ toàn trị không chỉ dừng lại ở đó. Ba tháng sau, nó đã phát động một cuộc đàn áp có hệ thống nhắm vào Pháp Luân Công trên toàn quốc. Nhiều học viên đã bị bắt giữ, giam cầm và tra tấn vì đức tin của họ. Cũng như các chiến dịch chính trị trước đây, ĐCSTQ đã bịa đặt vô số lời dối trá để vu khống Pháp Luân Công. Nó gán cho những bệnh nhân tâm thần là “học viên Pháp Luân Công” để bôi nhọ môn tu luyện.

Bà Triệu Ngọc Mẫn, từng là học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh, hiện đang sinh sống tại Úc, cho biết vì ĐCSTQ kiểm soát các phương tiện truyền thông, các học viên buộc phải tiếp tục thỉnh nguyện và nói rõ sự thật. Giống như nhiều học viên khác, bà biết cuộc bức hại là sai trái và bà cảm thấy có nghĩa vụ phải nói cho mọi người biết chân tướng về Pháp Luân Công. Đó là lý do tại sao sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà đã đến Quảng trường Thiên An Môn sáu lần để khiếu nại cho Pháp Luân Công: Cụ thể là ngày 28 tháng 10 năm 1999 và năm lần trong năm 2000 (ngày 4 tháng 2, ngày 25 tháng 6, ngày 19 tháng 7, ngày 1 tháng 10 và ngày 6 tháng 10).

Cần có dũng khí để đứng lên bảo vệ lương tâm của mình. Bà Triệu nói: “Mỗi lần đến Quảng trường Thiên An Môn, tôi đều phải buông bỏ sinh tử thì mới có thể đi được.”

Không chỉ có bà Triệu. Theo thống kê chưa đầy đủ do trang Minh Huệ tổng hợp, từ năm 2000 đến năm 2001 có khoảng 100.000 đến 150.000 học viên Pháp Luân Công đã đến Quảng trường Thiên An Môn để nói lên tâm nguyện của mình. Con số thực tế có thể còn cao hơn nữa.

Vào thời điểm đó, CNN đưa tin rằng các học viên xuất hiện đơn lẻ và theo nhóm, hết người này đến người khác căng biểu ngữ, giương bảng hiệu hoặc lên tiếng bày tỏ mối quan ngại của mình rồi nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ và đưa đi. Nhưng ngay sau đó, ở một góc khác của Quảng trường, một người hoặc một nhóm khác lại xuất hiện.

Trong một bài báo ngày 22 tháng 1 năm 2001 dưới tiêu đề “Trung Quốc hoảng sợ vì thất bại trong việc đàn áp Pháp Luân Công”, hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin: “Trong 18 tháng qua, phong trào tâm linh này đã chống chọi với một cuộc tấn công tổng lực, và bất chấp sự đàn áp bạo lực đối với các cuộc kháng nghị ôn hòa, vẫn có hàng trăm người ủng hộ Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào các dịp quan trọng”.

Theo bài báo, ước tính vào thời điểm đó có khoảng 10.000 học viên đã bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức và số học viên bị giam giữ lên đến 50.000 người. Nhưng họ không khuất phục mà còn trở nên kiên định hơn, ngay cả giới lãnh đạo ĐCSTQ cũng có sự chia rẽ lớn về vấn đề này.

Tuyên truyền thù hận leo thang

Một ngày sau bài viết “Vụ tự thiêu được dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn” của AFP, cũng là lúc ĐCSTQ tung ra một trò lừa bịp lớn khác nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công. Mặc dù vô nhân đạo, nhưng âm mưu như vậy không phải là hoàn toàn chưa từng có. Gần 2.000 năm trước, Hoàng đế Nero đã đốt các tòa nhà vào năm 64 sau Công nguyên và đổ lỗi cho những người Cơ đốc giáo về vụ phóng hỏa để lấy cớ đàn áp họ.

Với sự kiểm soát chặt chẽ đối với các phương tiện truyền thông và các kênh liên lạc khác, ĐCSTQ còn đi xa hơn nhiều. Hai giờ sau khi “vụ việc” xảy ra vào ngày 23 tháng 1 năm 2001, Tân Hoa Xã đã đưa tin trên toàn cầu, bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, tuyên bố rằng năm học viên Pháp Luân Công đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn. Trò lừa bịp này và những lời dối trá sau đó đã được phổ biến lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông, sách giáo khoa, văn học và các chương trình giải trí, gây hiểu lầm cho công chúng và kích động lòng căm thù đối với Pháp Luân Công.

Việc xem xét kỹ lưỡng các bản tin của CCTV về “vụ việc” này đã cho thấy đầy rẫy sơ hở. Trước hết, “nạn nhân” nhỏ tuổi Lưu Tư Ảnh có thể nói và hát trong một cuộc phỏng vấn bốn ngày sau khi phẫu thuật mở khí quản, điều này về mặt y học là không thể. Thứ hai, trong một bài báo tháng 2 năm 2001 có tiêu đề “Ngọn lửa người làm dấy lên bí ẩn ở Trung Quốc”, tờ Washington Post đưa tin rằng, một nhà báo đã đến quê của một “nạn nhân” bị cáo buộc khác, bà Lưu Xuân Linh, nhưng không ai biết bà từng tập Pháp Luân Công.

Thứ ba, mặc dù một người tham gia tự thiêu khác là Vương Tiến Đông, bị bỏng toàn thân, nhưng chai Sprite nhựa chứa xăng trước mặt ông ta vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, đoạn phim cho thấy các cảnh quay tầm xa và tầm trung từ các máy quay cố định, điều này chỉ có thể thực hiện được khi đoàn làm phim truyền hình có mặt sẵn ở đó. Do sự kiểm duyệt gắt gao của ĐCSTQ, việc đưa tin về các sự kiện thường mất nhiều ngày. Nhưng Tân Hoa Xã đã có thể đưa tin về “trường hợp khẩn cấp” này bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung chỉ trong vòng hai giờ. Điều này là chưa từng có tiền lệ và hết sức đáng ngờ.

Trên thực tế, các bài giảng của Pháp Luân Công nghiêm cấm việc sát sinh và tự sát. Đây đơn thuần là tuyên truyền thù hận do ĐCSTQ bịa đặt để bôi nhọ Pháp Luân Công. Đáng tiếc là, nhiều người đã bị nó đánh lừa và quay lưng lại với các học viên vô tội.

Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999 cho chúng ta biết điều gì

Khi phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã tuyên bố rằng sẽ xóa sổ môn tu luyện trong ba tháng. Sau 18 tháng không đạt được tiến triển nào, ông ta và bè lũ đã bịa đặt thêm nhiều lời dối trá, chẳng hạn như trò lừa bịp đã đề cập ở trên, để kích động lòng căm thù của công chúng đối với môn tu luyện và leo thang đàn áp. Mặc dù đến nay, 26 năm đã trôi qua, các học viên Pháp Luân Công vẫn kiên định với đức tin của mình. Tại sao vậy?

Đó là bởi vì Pháp Luân Công không phải là một phong trào chính trị. Các học viên chỉ muốn trở thành những người khỏe mạnh với các giá trị đạo đức cao thượng. Họ là niềm hy vọng của thế giới chúng ta. Đó là lý do tại sao ĐCSTQ toàn trị đã, và sẽ, không thể thành công.

Kể từ năm 1999, các bài giảng của Pháp Luân Công đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ và thu hút các học viên từ hơn 100 quốc gia. Giống như các học viên ở Trung Quốc, họ trân quý các giá trị phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn và đã được thụ ích từ pháp môn này.

Cuộc bức hại kéo dài, cùng với cách xử lý đại dịch của chính quyền Bắc Kinh đã cho mọi người thấy rõ ĐCSTQ tàn ác đến mức nào. Sự tàn ác của chế độ đã khiến gần 450 triệu người Trung Quốc có động lực thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ, bao gồm Đảng cộng sản, Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong.

Đối với tôi, cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999 là một lời cảnh tỉnh. Những người đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ đã chọn cho mình một tương lai tươi sáng. Cho dù thế lực tà ác có vẻ lớn mạnh đến đâu, và có bao nhiêu kẻ đồng lõa tham gia vào hàng ngũ của chúng, các nguyên lý của vũ trụ cuối cùng sẽ khiến mỗi người phải chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/18/492660.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/19/226300.html

Đăng ngày 22-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share