Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Bulgaria
[MINH HUỆ 27-04-2024] Cuộc thỉnh nguyện Ngày 25 tháng 4 tại Bắc Kinh là cuộc kháng nghị công khai ôn hòa lớn nhất so với bất kỳ nhóm tín ngưỡng nào bị bức hại ở Trung Quốc. Hơn 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã đứng yên lặng và có trật tự bên ngoài Văn phòng thỉnh nguyện của Hội đồng Nhà nước để yêu cầu trả tự do cho 45 học viên bị giam giữ phi pháp và yêu cầu có quyền tự do thực hành đức tin, vốn là quyền được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ.
Mặc dù sự kiện này đã xảy ra vào năm 1999, cách đây 25 năm, nhưng sức mạnh và sự từ bi của các học viên ở Trung Quốc đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa trên khắp thế giới. Các học viên trên khắp sáu châu lục, trong đó có các học viên ở Bulgaria, đã liên tục nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trong hơn hai thập kỷ qua.
Trước dịp kỷ niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện Ôn hòa Ngày 25 tháng 4, các học viên Bulgaria đã chia sẻ ấn tượng của họ về sự kiện này và cho biết nó đã thôi thúc họ đề cao tâm tính và hỗ trợ các đồng tu ở Trung Quốc.
Nhà báo tự do: “Cuộc thỉnh nguyện Ngày 25 tháng 4 cho thấy thiện luôn thắng ác”
Cô Lilia Kostova, người Đức, bắt đầu tập các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2008 và chính thức bước vào tu luyện vào năm 2014. Hiện, cô là giáo viên và nhà báo tự do.
Cô Lilia Kostova, một giáo viên và nhà báo tự do người Đức, phát biểu tại cuộc kháng nghị
Trước khi trở thành học viên, cô là một nhà hoạt động dân sự ở Bulgaria. Khi biết đến cuộc thỉnh nguyện ở Bắc Kinh, cô vô cùng cảm động trước sự thiện lương và sự điềm tĩnh của các học viên Pháp Luân Đại Pháp khi thỉnh nguyện cho môn tu luyện của họ.
“Tôi biết đến ngày 25 tháng 4 qua các bài báo và lời kể của nhân chứng. Bản thân tôi đã là một nhà hoạt động dân sự ở Bulgaria trong nhiều năm, bởi vậy cuộc kháng nghị này khiến tôi rất xúc động”, cô cho biết. “Tôi hình dung về toàn bộ 10.000 người này thật bình hòa mà kiên quyết với nguyện ước nói lên sự thật.”
Cô cũng rất ấn tượng trước tính kỷ luật của các học viên, điều đó giúp họ bày tỏ yêu cầu của mình bằng “nhân phẩm và trí tuệ” với chính quyền. Cô nói, mặc dù các học viên đi thỉnh nguyện một cách tự phát, không có sự tổ chức trước, nhưng cô rất ngưỡng mộ họ khi có thể “giữ bình tĩnh trong suốt cuộc thỉnh nguyện, không để lại rác, thậm chí còn dọn sạch rác do công an vứt ra.“
Cô Lilia cho hay: “Đối với tôi, ngày 25 tháng 4 là lý lẽ thuyết phục nhất cho luận điểm rằng thiện luôn chiến thắng ác.”
Cô cho biết cuộc thỉnh nguyện ngày hôm đó đã thôi thúc vô số học viên trên khắp thế giới, giống như cô, hãy noi gương 10.000 học viên của 25 năm trước và hãy kiên định nhưng thiện khi đối mặt với sự bất công.
Cô Lilia nói: “[Chúng ta phải] nhẫn nại, có kỷ luật, đừng để mất kiên nhẫn, hãy thể hiện vẻ đẹp và sức mạnh của Đại Pháp bằng hành vi của mình, hãy bảo vệ cái thiện, sự thật, và đừng đánh mất hy vọng cho dù có khó khăn thế nào.”
Giảng viên: “Cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 cho thấy điều mà các chế độ độc tài không cách nào hiểu được”
Ông Martin Georgiev là kiến trúc sư, trợ lý cấp cao kiêm giảng viên tại Đại học Kiến trúc, Xây dựng và Trắc địa. Ông được một người bạn giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2001.
Ông Martin Georgiev (phía trước bên trái)
Hồi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Khi đọc các bản tin từ các nguồn bên ngoài Bulgaria, ông Martin và bạn của ông đã phát hiện ra ĐCSTQ đang ngược đãi các học viên—điều này khiến họ nhớ đến nỗi kinh hoàng mà người dân Bulgaria phải chịu đựng dưới 45 năm cai trị của chủ nghĩa cộng sản.
Ông Martin nói: “Tôi nhớ bạn tôi chia sẻ rằng: ‘Vì Đảng Cộng sản đang bức hại những người này nên họ nhất định là người tốt.”
Ông còn nói rằng trong thời gian đầu tu luyện, việc tìm hiểu về những gì xảy ra vào ngày 25 tháng 4 ở Bắc Kinh “là nguồn động lực” để ông tiếp tục tu luyện và góp sức nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.
Ông nói: “Tôi vô cùng cảm động trước việc [các học viên ở Trung Quốc] luôn nghĩ cho người khác và không bao giờ dùng đến bạo lực, ngay cả khi phải đối mặt với sự bất công nghiêm trọng.” “Chỉ qua những bức ảnh này cũng đủ để thấy đám đông này không phải là người đi biểu tình thông thường. Mọi người đứng điềm tĩnh mà lý trí, xếp hàng ngay ngắn dọc trên lề đường, không ai la hét hay làm phiền người khác.“
“Để có nhiều người tự phát tụ họp và hành động như một – chắc chắn phải có một loại nội lực nào đó gắn kết họ với nhau. Đây là điều mà các chế độ độc tài không thể hiểu được, và đó là lý do tại sao họ lo sợ”, ông Martin tiếp tục. “Khi mọi người chia sẻ những tiêu chuẩn đạo đức cao thượng và biết nghĩ cho người khác thì đâu cần ai cưỡng chế nữa.”
Ông Martin cho biết ông cũng đã tận mắt chứng kiến sự kiên cường của các học viên Trung Quốc khi gặp một người mẹ là học viên cùng con gái ba tuổi của cô đã trốn thoát khỏi Trung Quốc sang châu Âu. Trải nghiệm này đã để lại ấn tượng dai dẳng trong anh.
“Mặc dù chồng cô đã bị giết, và gia đình cô bị tan vỡ, cô vẫn quyết tâm đi khắp thế giới một mình với con nhỏ và chỉ một, hai vali hành lý! Ai biết cô ấy đã phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn?”, ông nói.
Chuyên gia bảo tàng: “Sự thật đã được hé lộ thông qua sự kiện ngày 25 tháng 4”
Bà Ivelina Romanova học Pháp Luân Đại Pháp khi đang sống ở Đức vào năm 2006. Khi trở về quê hương, bà rất vui khi thấy các học viên Bulgaria khác và đã cùng họ thiền định.
Bà Ivelina Romanova
Bà là chuyên gia bảo tàng 25 năm qua. Bà cho biết Pháp Luân Đại Pháp đã giúp bà có một cuộc sống trọn vẹn hơn.
“Pháp Luân Đại Pháp đã ban cho tôi sức khỏe, dạy tôi phải khoan dung hơn với người thân và những người tôi gặp trong cuộc sống. Điều đó mang lại cho tôi sự bình yên và tự tin vào những gì tôi làm cho người khác. Nó đã giúp tôi tu sửa những mặt xấu trong tâm tính của mình và suy nghĩ sâu sắc hơn về các giá trị đạo đức”, bà Ivelina nói.
Hy vọng cho tương lai
Năm nay đánh dấu năm thứ 25 diễn ra Cuộc thỉnh nguyện Ngày 25 tháng 4. Hàng năm, các học viên Bulgaria đều tổ chức các sự kiện vào dịp này để tôn vinh sự can đảm của 10.000 đồng tu của họ.
Bà Ivelina cho biết: “Ở Bulgaria, ngày càng có nhiều người biết sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, và chúng tôi đang nhận được sự ủng hộ chân thành của họ khi họ ký đơn thỉnh nguyện [lên án cuộc bức hại]. Sự thật giờ đây đã được phơi bày và thế giới ngày càng hiểu rõ bản chất tà ác của ĐCSTQ.”
Bà nói, sức mạnh của các học viên ở Trung Quốc thể hiện qua sự kiện ngày 25 tháng 4 cũng là công cụ giúp các học viên Bulgaria giữ vững “niềm tin mãnh liệt vào Thiện”.
Bà nói: “Chỉ có hòa bình và đoàn kết, chúng ta mới có thể thay đổi thế giới.”
Đối với Lilia, các học viên vào ngày 25 tháng 4 tượng trưng cho sức mạnh của “các giá trị truyền thống” đã tồn tại trong các xã hội cổ xưa như Trung Quốc và Bulgaria trong hàng ngàn năm. Mặc dù ĐCSTQ đã nỗ lực hết sức để thanh lọc những giá trị này khỏi xã hội Trung Quốc, nhưng các học viên kháng nghị ôn hòa là dấu hiệu cho thấy những giá trị này vẫn còn đó.
Ba học viên cho biết họ thấy được ở Cuộc thỉnh nguyện Ngày 25 tháng 4 một lý do để hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho các học viên ở Trung Quốc.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/27/475652.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/29/216791.html
Đăng ngày 05-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.