Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 13-04-2025] Năm 2025 ghi dấu 27 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa Ngày 25 tháng 4 năm 1999. Đối với những đệ tử chân chính tu luyện Pháp Luân Đại Pháp mà nói, Ngày 25 tháng 4 hàng năm đều là một ngày đặc biệt đáng nhớ, còn đối với tôi, một đệ tử Đại Pháp năm đó mặc cảnh phục đích thân tham gia toàn bộ cuộc thỉnh nguyện thì đó lại càng là một ký ức khó quên trong đời.

Tôi là một đệ tử Đại Pháp đắc Pháp tu luyện vào năm 1994 và làm việc tại cơ quan tư pháp địa phương. Sau khi học Đại Pháp, tôi chiểu theo yêu cầu của Sư phụ làm tốt công việc của mình, tận tâm tận lực, nhiều năm liền được xếp hạng nhất về thành tích trong hệ thống khu vực, tôi cũng nhiều lần được đơn vị và cấp trên khen thưởng. Sư phụ yêu cầu chúng tôi tận lực học tri thức, vì vậy ngoài công việc và tu luyện, tôi đã học thêm hai trường đại học.

Tôi chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp để yêu cầu chính mình, không nhận một đồng nào của bất kỳ ai, không chiếm một xu công quỹ nào, không tham gia các cuộc vui chơi giải trí hay tiệc chiêu đãi sa hoa trụy lạc, không nhiễm một hạt bụi, thanh bạch liêm khiết, một thân chính khí. Trong công việc hay cuộc sống, tôi đều dang tay giúp đỡ những người gặp khó khăn. Tôi tận dụng mọi điều kiện thuận lợi để hồng dương Đại Pháp, đơn vị chúng tôi đã có hơn 10 đồng nghiệp đã đọc sách Đại Pháp, tôi còn đưa mấy vị lãnh đạo chủ chốt của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố đến tham gia Pháp hội chia sẻ tâm đắc thể hội Pháp Luân Đại Pháp của khu vực chúng tôi, trực tiếp hồng dương Đại Pháp với Giám đốc Công an, ngoài giờ làm việc tôi thường hồng dương Đại Pháp cho các nhân viên của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố, Đại hội Đại biểu Nhân dân Thành phố, Chính Hiệp Thành phố, những người này sau đó đều trở thành cán bộ lãnh đạo của các ban ngành, trong đó có ba vị còn làm Bí thư Huyện (Quận) ủy.

Sáng ngày 24 tháng 4 năm 1999, đồng tu A vội gọi điện thoại tìm tôi, sau khi tôi đến nhà đồng tu A, thấy trạm trưởng trạm phụ đạo địa phương chúng tôi và mấy vị đệ tử Đại Pháp tôi quen đều đã đến, vẻ mặt mọi người đều nghiêm túc, tôi dự cảm có chuyện quan trọng đã xảy ra. Trạm trưởng giới thiệu sơ qua tình hình: một tòa soạn tạp chí ở Thiên Tân đã đăng bài viết bịa đặt vu khống Pháp Luân Công, các đệ tử Đại Pháp địa phương đã đến tòa soạn để giải thích tình hình, kết quả là Cục Công an Thiên Tân đã điều động hàng trăm cảnh sát và cảnh sát vũ trang đánh đập và còn bắt giữ 45 đệ tử Đại Pháp, đồng thời cho biết Bắc Kinh đã can thiệp vào việc này, muốn giải quyết thì tìm Thiên Tân là vô ích, cần phải đến Bắc Kinh.

Nghe tin này tôi không cảm thấy bất ngờ, vì mấy năm gần đây những sự việc không như ý muốn như vậy đã xảy ra vài lần, chúng tôi vẫn luôn tu luyện bản thân trong sự can nhiễu và khảo nghiệm không ngừng này. Năm 1996, chính quyền không cho phép tiếp tục xuất bản và in ấn sách Đại Pháp, tiếp đó Quang Minh Nhật báo đăng bài viết vu khống Đại Pháp, sau đó lại có tin rằng nội bộ Công an bí mật tiến hành điều tra chúng tôi, rồi Đài Truyền hình Bắc Kinh (BRTV) phát sóng chương trình phỉ báng Đại Pháp. Lần này, Công an Thiên Tân lại trực tiếp đánh người bắt người, gây rắc rối, không chỉ từng bước leo thang, mà còn từ ngấm ngầm sang công khai, rõ ràng là nội bộ chính phủ có một thế lực không nhỏ vẫn luôn nhìn chòng chọc vào Đại Pháp và người tu luyện.

Chúng tôi trao đổi với nhau, Pháp Luân Đại Pháp không tốn một xu của nhà nước, giúp bao nhiêu người dân có được thân thể khỏe mạnh, đạo đức nâng cao, gia đình hòa thuận, thúc đẩy nếp sống xã hội tốt đẹp hơn, duy trì sự ổn định của đất nước, tiết kiệm chi tiêu tài chính cho nhà nước, một công pháp tốt như vậy, sao nhà nước lại ngăn cản? Nếu trong chính phủ có một số kẻ xấu có ý đồ không tốt đang âm thầm giở trò, vậy thì chúng tôi sẽ lợi dụng chính sự việc xảy ra ở Thiên Tân này để chính thức phản ánh tiếng lòng của đông đảo người tu luyện chúng tôi lên lãnh đạo cao nhất của đất nước, tin rằng các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ ủng hộ chúng tôi, ủng hộ quảng đại nhân dân tu luyện Đại Pháp. Vậy là, tôi cùng ba đồng tu khác quyết định đến Bắc Kinh để phản ánh yêu cầu của chúng tôi với nhà nước.

Tối hôm đó, chúng tôi lên chuyến tàu đến Bắc Kinh. Để thể hiện rằng các đệ tử Đại Pháp chúng tôi đến từ mọi tầng lớp xã hội, tôi đã mặc một bộ cảnh phục mới tinh. Chuyến tàu đêm hôm rất đông nhưng lại rất yên tĩnh, tôi cảm giác trên chuyến tàu này có lẽ có rất nhiều người là đệ tử Đại Pháp từ các nơi. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi xuống ga tàu hỏa Bắc Kinh, do xe buýt đi về hướng phố Phủ Hữu, Trung Nam Hải đông bất thường, đợi mấy chuyến chúng tôi mới lên được xe buýt. Khoảng hơn 20 phút sau, chúng tôi xuống xe ở trạm gần Trung Nam Hải, hầu hết những người đi cùng chuyến xe buýt với chúng tôi đều xuống ở trạm này, trong tâm tôi biết họ thực sự đều là đồng tu từ khắp cả nước đến tham gia thỉnh nguyện. Chúng tôi đi theo dòng người về phía Trung Nam Hải, tuy có rất nhiều người nhưng rất yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng bước chân của mọi người.

Đi khoảng hơn 10 phút, chúng tôi biết đã đến nơi, vì ở một bên đường đã có rất nhiều đồng tu, mọi người đều đứng trên vỉa hè đối diện con đường rộng bên ngoài bức tường đỏ của Trung Nam Hải, để không ảnh hưởng đến việc đi lại bình thường của người dân, các đệ tử Đại Pháp tự giác chừa ra một khoảng rộng khoảng ba mét trên vỉa hè. Còn xe cộ trên đường vẫn lưu thông bình thường không bị cản trở, không bị ảnh hưởng gì, trong quá trình tìm vị trí đứng, tôi phát hiện có mấy đồng tu cũng như tôi, cũng là đệ tử Đại Pháp mặc cảnh phục hoặc quân phục, chúng tôi gật đầu chào nhau.

Một lát sau, chúng tôi tìm được một chỗ đứng, tôi đứng ở hàng đầu tiên của các đệ tử Đại Pháp thỉnh nguyện. Lúc này trời đã sáng, những người dân Bắc Kinh đi đường liên tục đi qua trước mặt chúng tôi, họ vừa đi vừa trò chuyện, tôi nghe thấy một người nói: “Những người này là đến thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.” Người khác nói: “Anh xem những người thỉnh nguyện này, sao lại có cả cảnh sát, quân nhân, thẩm phán vậy nhỉ? Sao họ cũng thỉnh nguyện?” Một người khác nói: “Người học Pháp Luân Công đông, nên tất nhiên là nghề gì cũng có rồi.”

Giữa những ánh mắt nghi hoặc và những cuộc trò chuyện nhàn nhã của người qua đường, liên tục có các đệ tử Đại Pháp từ khắp cả nước nhập vào hàng ngũ thỉnh nguyện ôn hòa, dưới ánh nắng ban mai, với nền trời xanh, mây trắng, cây xanh và tường đỏ tô điểm, cảnh tượng tráng quan của hàng vạn đệ tử Đại Pháp thỉnh nguyện ôn hòa lúc này đã trở thành một bức tranh phong cảnh đặc biệt độc đáo nơi nhân gian.

Khoảng 10 giờ sáng, trong đám đông ở phía tây cách chúng tôi từ rất xa đột nhiên vang lên tiếng vỗ tay. Sau này mới biết, Thủ tướng Quốc Vụ viện Chu Dung Cơ lúc bấy giờ đã đi ra từ cổng tây Trung Nam Hải. Vài phút sau, bỗng nhiên có hai nữ đệ tử Đại Pháp ở Bắc Kinh vội vã đi tới từ phía tây, họ hỏi trong các đồng tu có ai hiểu biết về pháp luật không, vì Thủ tướng yêu cầu các đệ tử Đại Pháp cử mấy người đại diện vào nói chuyện với lãnh đạo của Văn phòng Kháng cáo Trung ương nên trong số các đại diện của đệ tử Đại Pháp cần có người hiểu biết về pháp luật. Do tôi mặc cảnh phục nên họ hy vọng tôi làm đại diện vào Trung Nam Hải để đối thoại với lãnh đạo Văn phòng Kháng cáo Trung ương và Quốc Vụ viện.

Việc này đến hơi đột ngột, có phần vượt quá sự chuẩn bị tư tưởng của tôi, tôi có chút chần chừ, cảm thấy mình chỉ là một cán bộ tư pháp địa phương, vào Trung Nam Hải gặp mặt các nhà lãnh đạo quốc gia, đối với tâm lý của tôi thực sự là một thử thách lớn, gánh nặng ngàn cân này giao cho tôi, tôi thực sự cảm thấy áp lực rất lớn, về bản chất mà nói, vẫn là có chút tâm sợ hãi. Hơn nữa, mặc dù tôi làm việc trong cơ quan tư pháp nhiều năm, nhưng chỉ quen thuộc với phần luật hình sự, đối với các luật khác trong tâm không nắm chắc, lo lắng làm lỡ việc lớn thỉnh nguyện này. Bây giờ nhìn lại, xem ra đây hẳn là tâm lo nghĩ. Tóm lại tôi không dám nhận lời, mà giới thiệu cho họ một vị thẩm phán là đệ tử Đại Pháp đang đứng sau tôi.

Vị thẩm phán này chuyên phụ trách xét xử các vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế tại tòa án địa phương, nhưng ông ấy đối với lý luận và ứng dụng của các luật khác trong tâm cũng không chắc chắn, vì vậy cũng từ chối đi.

Thời gian cấp bách không thể chờ đợi như vậy nữa, hai vị đệ tử Đại Pháp ở Bắc Kinh rất sốt ruột. Cuối cùng họ quyết định vẫn để tôi đi. Tôi thấy việc này vô cùng khẩn cấp, trước mắt lại thực sự không có người nào khác phù hợp hơn, vậy là tôi đi, đây hẳn là sự an bài của Sư phụ, thế là tôi hạ quyết tâm, bước những bước vững chắc theo hai vị đệ tử Đại Pháp Bắc Kinh này đi về hướng cổng tây Trung Nam Hải (Văn phòng Khiếu nại Quốc Vụ viện). Đi được khoảng hơn 100 mét, vị đệ tử Đại Pháp Bắc Kinh bỗng nhận được một cuộc điện thoại, nói rằng trong số các đệ tử Đại Pháp ở Bắc Kinh đã tìm được người hiểu biết về pháp luật, và đã cùng mấy vị đại diện khác vào Trung Nam Hải. Vì vậy tôi quay trở lại về chỗ cũ.

Tôi vừa về đến chỗ cũ không lâu, trên đường đột nhiên xuất hiện nhiều xe cảnh sát. Rất nhiều cảnh sát xuống xe, họ tản ra, đứng thành từng đoạn ở phía trước các đệ tử Đại Pháp. Do hàng vạn đệ tử Đại Pháp vừa không giương biểu ngữ, cũng không hô khẩu hiệu, chỉ lặng lẽ đứng đó, khuôn mặt mỗi đệ tử Đại Pháp đều tràn đầy thiện lương, tường hòa, thân thiện, vì vậy cảnh sát tuy đến nhưng cũng không có việc gì để làm, bèn tụm năm tụm ba đứng đó tán gẫu. Họ cũng không có ác ý gì với các đệ tử Đại Pháp. Bầu không khí có chút căng thẳng ban đầu đã nhanh chóng qua đi.

Lúc này chúng tôi phát hiện, trên đường thỉnh thoảng có những chiếc xe van màu đen hoặc trắng chầm chậm chạy qua, cửa sổ của những chiếc xe này đều che rèm vải. Có đệ tử Đại Pháp phát hiện, trong những chiếc xe này có ống kính máy quay màu đen đang quay phim các đệ tử Đại Pháp. Lúc này tâm trạng vừa thả lỏng của mọi người dường như lại có chút căng thẳng.

Chính phủ rốt cuộc muốn đối xử với những đệ tử Đại Pháp thỉnh nguyện chúng tôi như thế nào? Trong tâm mọi người cũng không biết chắc, dù sao thì mọi người đều đã biết chuyện giết hại học sinh sinh viên thỉnh nguyện ở Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng dù sao chúng tôi là người tu luyện Đại Pháp, lúc này một vị đệ tử Đại Pháp bên cạnh nói: “Công an đang quay phim, trên trời cũng đang quay phim.” Ông ấy vừa nói vậy, chính niệm của mọi người lập tức khởi lên, các đệ tử Đại Pháp đứng ở hàng đầu tiên ưỡn ngực ngẩng cao đầu đứng đó không hề sợ hãi.

Đến giữa trưa, các đệ tử Đại Pháp ở hàng sau có người lấy lương khô mang theo ra ăn một chút. Để không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường của thủ đô, họ đều chủ động bỏ vỏ bao bì thực phẩm hoặc chai nước rỗng vào túi của mình. Có người còn từng chút một lấy tay nhặt cả những mảnh vỏ trứng hay vụn bánh mì nhỏ như hạt gạo vô tình rơi xuống đất. Có đệ tử Đại Pháp khi dọn rác quanh mình còn tiện tay nhặt luôn cả những mẩu thuốc lá cảnh sát hút thuốc xong vứt lại và bỏ vào thùng rác ở xa. Cảnh sát tại hiện trường vô cùng khâm phục những hành vi nhỏ bé này của các đệ tử Đại Pháp, thái độ đối với các đệ tử Đại Pháp càng trở nên thân thiện hơn.

Sóng này vừa lặng sóng khác lại nổi lên, sau sự yên tĩnh ngắn ngủi, hiện trường lại xảy ra tình huống mới. Cảnh sát nhận được lệnh của cấp trên, phát một thông báo cho các đệ tử Đại Pháp, nói rằng các đệ tử Đại Pháp chúng tôi không nên tụ tập quanh Trung Nam Hải (xin lưu ý, thông báo của cảnh sát dùng từ “tụ tập”, chứ không phải là “bao vây tấn công” như sau này Giang Trạch Dân vu khống), điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc của các nhà lãnh đạo quốc gia tại Trung Nam Hải và trật tự xã hội của thủ đô, yêu cầu các đệ tử Đại Pháp tự động rời đi, nếu không rời đi sẽ phải tự gánh chịu hậu quả.

Các đệ tử Đại Pháp chúng tôi đến Bắc Kinh chính là để phản ánh tình hình với các nhà lãnh đạo quốc gia, đại diện của chúng tôi đang ở trong Văn phòng Khiếu nại Quốc Vụ viện tại Trung Nam Hải nói chuyện với lãnh đạo để phản ánh tình hình và yêu cầu của chúng tôi, sự việc vẫn còn chưa rõ kết quả, sao chúng tôi có thể cứ thế rời đi? Thế là mọi người đều không rời đi theo yêu cầu của thông báo, đều kiên định đứng yên tại chỗ không di chuyển. Mặc dù trong thời gian này liên tục có người vận động mọi người nhưng không một ai rời đi. Sau đó, nghe nói mấy vị phụ trách của Hội Nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh cũng được Cục Khiếu nại Quốc gia mời vào bên trong tường rào Trung Nam Hải, mọi người đều lặng lẽ chờ đợi kết quả.

Khoảng 6, 7 giờ tối, trời đã nhá nhem, bên trong Cục Khiếu nại Quốc Vụ viện vẫn chưa có tin tức gì truyền ra. Chúng tôi không biết cuộc nói chuyện lần này giữa đại diện của các đệ tử Đại Pháp và các đồng tu ở Hội Nghiên cứu Đại Pháp Bắc Kinh với lãnh đạo Cục Khiếu nại Quốc gia diễn ra thế nào. Rốt cuộc sự việc này hôm nay có thể giải quyết được không? Nếu không thể giải quyết thì chúng tôi còn phải chờ đợi ở đây bao lâu nữa? Do đó, tâm trạng của tôi có phần nặng nề và áp lực.

Lúc này, chuyện đệ tử Đại Pháp đến Cục Khiếu nại Quốc gia thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công đã lan truyền ở Bắc Kinh, những người dân Bắc Kinh tốt bụng đi qua đây cũng có người khuyên các đệ tử Đại Pháp trở về. Họ nói: “Đảng Cộng sản tàn nhẫn lắm, các vị không nói lý lẽ được với họ đâu, khi trời tối nói không chừng họ sẽ giải tán các vị, hồi Lục Tứ họ cũng làm như vậy đó.”

Họ vừa nói vậy, tâm tôi chấn động, lại nổi lên một chút tâm sợ hãi – trong đơn vị tôi có mấy sỹ quan quân đội đã đích thân tham gia giải tán sự kiện Lục Tứ năm 1989 ở Bắc Kinh, Đảng Cộng sản mà tàn nhẫn lên thì rất đáng sợ! Nhưng tôi ngước mắt nhìn, các đồng tu vẫn đứng đó ngay ngắn và kiên định, trong trường chính niệm cự đại này, tâm sợ hãi ở tôi vừa nổi lên liền lắng xuống. Tôi lại hạ quyết tâm: Đã đến đây rồi, thì không thể lo nghĩ nhiều như vậy nữa, hết thảy phó thác cho ý trời.

Đêm qua tôi đã thức trắng đêm trên tàu, lại trải qua một ngày đứng ở Bắc Kinh, đột nhiên tôi cảm thấy thân thể nặng trĩu, thực sự hơi mệt, liền đi ra phía sau đám đông tìm một chỗ trống nghỉ ngơi một chút, và bất giác ngủ thiếp đi. Đột nhiên, một đồng tu đánh thức tôi và khi ngước nhìn thì đã hơn 9 giờ tối rồi. Hóa ra cuộc gặp mặt giữa vài đại diện học viên Pháp Luân Công được tìm tạm thời tại hiện trường và mấy vị phụ trách của Hội Nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh với lãnh đạo Cục Khiếu nại Trung ương và Quốc Vụ viện đã kết thúc, lãnh đạo quốc gia đã thông báo cho công an Thiên Tân thả người, các yêu cầu khác của học viên Đại Pháp cần được trao đổi thêm để giải quyết, yêu cầu các đệ tử Đại Pháp lập tức rời khỏi Trung Nam Hải. Cuộc trao đổi ôn hòa đã kết thúc, cứ như vậy, ngay trong đêm hôm đó, các đệ tử Đại Pháp đều trở về quê nhà của mình.

Sau khi trở về quê nhà, không biết Phòng Bảo vệ Chính trị của Cục Công an địa phương chúng tôi lấy được tin tức từ đâu, họ đã triệu tập tôi. Lãnh đạo đơn vị chúng tôi đã phê bình nghiêm khắc hành vi thỉnh nguyện của tôi, nói rằng tôi với tư cách là một cán bộ cơ quan tư pháp nhà nước mặc cảnh phục đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công là thiếu nhạy bén chính trị, nhưng không hề xử phạt gì đối với tôi.

Tôi nghĩ, khi Đại Pháp vũ trụ vạn năm khó gặp bị công kích ở nhân gian, là một đệ tử Đại Pháp, tôi cần dùng hết thảy những điều kiện thuận lợi của mình ở nơi người thường để chứng thực và duy hộ Đại Pháp, đó là trách nhiệm không thể thoái thác của mỗi đệ tử Đại Pháp chân chính. Công danh, lợi lộc và địa vị xã hội của tôi ở thế gian vốn là do Sư phụ và Đại Pháp ban cho, khi Sư phụ và Đại Pháp gặp nguy nan, tôi cần dùng tất cả những gì mình có để chứng thực và duy hộ Đại Pháp.

Xét về lý của người thường, tôi là một cán bộ tư pháp nhà nước, khi cao đức Đại Pháp ích nước lợi dân bị thế lực tà ác đối đãi bất công, tôi cũng cần có trách nhiệm và nghĩa vụ phản ánh tiếng nói và ý nguyện chân thực nhất của người dân lên nhà nước, bởi đây không chỉ là quyền lợi mà Hiến pháp và pháp luật quốc gia trao cho mỗi công dân chúng ta, mà còn là nghĩa vụ mà một công dân cần làm.

Bản chất của Cuộc thỉnh nguyện Ngày 25 tháng 4 chính xác là cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, không liên quan đến số lượng người nhiều hay ít, càng không liên quan đến những luận điệu như “bao vây tấn công chính phủ” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng để vu khống đàn áp. Việc ĐCSTQ bịa đặt đã thành bản chất, và còn bịa đặt không có giới hạn. Người Trung Quốc khi nào nhìn thấu được chân tướng thì khi đó mới có thể bắt đầu thoát khỏi sự khống chế tư tưởng của ĐCSTQ.

(Phụ trách biên tập: Văn Khiêm)

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/13/492361.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/18/226288.html

Đăng ngày 20-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share