Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 07-03-2025] Tháng 1 và tháng 2 năm 2025 ghi nhận tổng cộng 518 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin.
518 trường hợp này gồm có 244 trường hợp bắt giữ (108 trường hợp diễn ra vào năm 2024 và 136 trường hợp vào năm 2025) và 274 trường hợp sách nhiễu (85 trường hợp vào năm 2024 và 189 trường hợp trong 2 tháng đầu năm 2025).
Việc chậm trễ trong báo cáo chủ yếu do sự kiểm duyệt thông tin của chế độ Cộng sản Trung Quốc, gây nên khó khăn cho phóng viên Minh Huệ thu thập, xác nhận và gửi dữ liệu tới trang web. Các học viên bị bức hại cũng phải đối mặt với nguy hiểm bị trả thù khi báo cáo việc bức hại bằng tên thật của họ.
518 học viên bị bức hại phân bố ở 20 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân). Hà Bắc ghi nhận số trường hợp bắt giữ và sách nhiễu kết hợp nhiều nhất (125), tiếp theo là 56 trường hợp ở Hắc Long Giang và 54 trường hợp ở Cát Lâm. 10 khu vực khác cũng có số trường hợp ở mức 2 chữ số từ 10 đến 46. 11 khu vực còn lại có số vụ việc ở mức 1 chữ số từ 1 đến 9.
Ít nhất 58 học viên ở độ tuổi 60 trở lên tại thời điểm bị bắt giữ hoặc sách nhiễu, bao gồm 24 người ở độ tuổi 60, 26 người ở độ tuổi 70, 7 người ở độ tuổi 80 và 1 người ở độ tuổi 90.
Tại huyện Phổ Thành, tỉnh Phúc Kiến, cảnh sát đã bắt giữ ông Trương Triệu Lợi vào ngày 30 tháng 8 năm 2024, với lý do ông “đi lại lung tung [mà không được phép]”, sau khi ông trở về từ một chuyến đi đến thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Theo một nguồn tin nội bộ, cuối năm ngoái chính quyền cộng sản đã ban hành lệnh tăng cường cuộc bức hại Pháp Luân Công. Mỗi khu vực còn được ấn định chỉ tiêu bắt giữ số lượng học viên nhất định. Vụ bắt giữ ông Trương là để hoàn thành chỉ tiêu đó.
Sách nhiễu trước Tết Cổ truyền và kỳ họp “Lưỡng hội”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được biết đến với việc tăng cường sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công trước các kỳ họp chính trị quan trọng hoặc các ngày lễ kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công, như một cách để đe dọa học viên không được tận dụng các sự kiện này để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Tết Cổ truyền năm 2025 (ngày 29 tháng 1) và các cuộc họp chính trị quốc gia thường niên của chế độ này vào tháng 3 năm 2025 cũng không ngoại lệ.
Gia đình bà Viên Hồng Anh, ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đến thành phố Cáp Nhĩ Tân trong cùng tỉnh vào kỳ nghỉ Tết Cổ truyền. Khi họ đang chờ chuyến tàu về nhà vào ngày 5 tháng 2, thì 2 cảnh sát đến yêu cầu kiểm tra hành lý của bà Viên. Khi bà giải thích rằng gia đình bà đã qua cửa kiểm tra an ninh, họ nói rằng phải lục soát túi của bà vì bà tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Viên, 65 tuổi, đã từ chối hợp tác. Họ gọi thêm 5 cảnh sát khác đến, đưa cả bà và con gái bà về đồn và lục soát túi xách. Khi phát hiện trong túi bà Viên có một số tờ tiền mang dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, cảnh sát cho rằng đây là bằng chứng phạm pháp và bắt đầu thẩm vấn bà.
Cảnh sát tịch thu chìa khóa của bà Viên và con gái, sau đó đi đến Tề Tề Cáp Nhĩ (cách đó khoảng 320 km) để khám xét nhà của họ khi không có ai ở nhà. Khi không tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong nhà con gái bà Viên, họ đã thả cô. Tuy nhiên, vì tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong nhà bà Viên, họ tiếp tục thẩm vấn bà đến khuya. Do thiếu ngủ, bà bị đau đầu dữ dội và huyết áp tăng cao. Khoảng 3 giờ sáng ngày 6 tháng 2, họ đưa bà đến Trại tạm giam Số 2 Thành phố Cáp Nhĩ Tân, và giam giữ bà từ đó đến nay.
Tại Trùng Khánh, bà Lý Vân Huệ phát hiện mình bị theo dõi vào ngày 15 tháng 1 năm 2025, khi bà đi chợ mua một ít xúc xích cho dịp Tết Cổ truyền sắp tới (ngày 29 tháng 1 năm 2025). Họ tiếp tục theo dõi bà trong 2 ngày tiếp theo khi bà đi thăm gia đình. Một người theo dõi, cô Hồ Trung Hội, nói rằng cô ta chỉ muốn kiếm tiền bằng công việc “giám sát” này. Sau đó, cảnh sát lắp đặt camera giám sát đối diện nhà của bà Lý, nơi bà ở cùng con gái, cô Triệu Lệ, cũng như cửa hàng may của cô Triệu.
Ngoài việc bị nhắm mục tiêu trong dịp Tết Cổ truyền, nhiều học viên cũng bị sách nhiễu trước “Lưỡng hội”, kỳ họp toàn thể thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Tại huyện Tây Thủy, tỉnh Hồ Bắc; thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông; thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây; và huyện Can An, tỉnh Cát Lâm, cảnh sát gọi điện hoặc đến nhà các học viên vào tháng 2 năm 2025, thông báo họ được giao nhiệm vụ kiểm tra các học viên trước “Lưỡng hội”. Một số cảnh sát yêu cầu chụp ảnh các học viên làm bằng chứng cho thấy họ đang ở nhà.
Tối ngày 14 tháng 2 năm 2025, một nhóm cảnh sát từ Đồn Công an Thập Tam Lăng đến nhà anh Vương Vũ ở Bắc Kinh. Vì anh Vương không ở nhà, cảnh sát nói chuyện với bà nội của anh, 93 tuổi, cũng là một học viên Pháp Luân Công sống cùng anh. Cảnh sát quay lại vào ngày 17 tháng 2, và nói chuyện với anh Vương và vợ, cô Quách Hiểu Thanh.
Bà Tùng Bồi Hỷ ở Thượng Hải báo cáo rằng bà bị theo dõi suốt ngày đêm từ ngày 13 đến ngày 18 tháng 1 năm 2025. Chỉ vài tuần sau, cảnh sát địa phương nhận được một yêu cầu khác để giám sát bà từ ngày 5 đến ngày 14 tháng 2 năm 2025, trong thời gian Thế vận hội Mùa đông châu Á 2025 đang diễn ra tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang (cách Thượng Hải gần 2.400km). Chính quyền tiếp tục theo dõi bà ngay trước khi “Lưỡng hội” khai mạc vào ngày 5 tháng 3.
Vụ bắt giữ thô bạo một góa phụ 73 tuổi mất bàn chân phải do bị tiêm thuốc độc trong khi bị giam giữ
Ngày 16 tháng 1 năm 2025, trong khi bà Tống Hội Lan, 73 tuổi, cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đang ngồi trên giường đọc sách thì hơn 10 cảnh sát xông vào nhà bà bằng chìa khóa vạn năng. Không ai trong số họ xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lệnh khám xét. Không cho phép người phụ nữ khuyết tật lắp chân giả, mặc áo khoác hoặc đi giày, cảnh sát đã kéo lê bà xuống cầu thang. Trong quá trình này, áo sơ mi và áo ngực của bà bị kéo lên để lộ ngực và lưng. Quần của bà cũng bị tụt xuống đến đùi.
Cảnh sát ném bà Tống vào xe mà không cho bà chỉnh lại quần áo. Do thời tiết lạnh giá, bà run rẩy liên tục, nhưng nữ cảnh sát trong xe từ chối giúp bà kéo áo xuống và quần lên. Khi đến đồn công an, bà yêu cầu được đi vệ sinh, nhưng cảnh sát cự tuyệt giúp bà, mặc dù bà không thể tự đi lại. Kết quả là bà làm ướt quần, nhưng cảnh sát vẫn làm ngơ.
Sau khi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, bà Tống được phát hiện bị huyết áp cao nguy hiểm, tiêm thuốc cũng không hạ. Sau khi Trại tạm giam địa phương từ chối nhận bà, cảnh sát đưa bà trở lại bệnh viện và tiêm cho bà một loại thuốc khác. Bà cảm thấy tức ngực và rất yếu. Bà được thả vào khoảng 7 giờ tối. Ngày hôm sau, bà bị bắt ký vào một thông báo bảo lãnh tại ngoại 3 tháng. Khi bà trở về nhà, gia đình nhận thấy nhiều vết bầm tím trên cơ thể bà.
Trước đây, bà Tống từng bị bắt giữ nhiều lần, và bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức 3 năm. Bà bị tiêm thuốc không rõ chủng loại tại Trại tạm giam huyện Thang Nguyên vào ngày 23 tháng 2 năm 2011, khiến bàn chân phải của bà bị hoại tử mô nghiêm trọng. Nó chuyển sang màu đen và rơi ra khỏi chân bà vào ngày 25 tháng 5 năm 2011.
Bà Tống bị bắt lại vào ngày 29 tháng 9 năm 2021, sau đó bị truy tố. Tháng 3 năm 2024, để tránh án tù, bà buộc phải sống xa nhà. Chồng bà lo lắng cho bà đến mức sức khỏe của ông suy giảm. Sau đó ông bị ung thư và qua đời không lâu sau đó.
Bà Tống Hội Lan thời trẻ
Bà Tống Hội Lan sau khi mất bàn chân phải
Các trường hợp bức hại khác đối với các học viên cao tuổi
Bà Chu Thục Mẫn, một nông dân 84 tuổi ở thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 18 tháng 1 năm 2025, khi bà đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một hội chợ địa phương. Cảnh sát tìm thấy địa chỉ nhà bà thông qua cơ sở dữ liệu về học viên Pháp Luân Công của họ. 4 cảnh sát, 1 quan chức chính quyền địa phương và 1 phụ nữ không rõ danh tính đã lục soát nhà bà và tịch thu sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin Pháp Luân Công, máy nghe nhạc, đĩa DVD cùng các tài sản có giá trị khác của bà. Họ còn bắt các con bà ký một số biên bản thay cho bà bằng cách đe dọa gây ảnh hưởng đến công việc của họ. Đây là lần thứ 12 bà Chu bị bắt kể từ khi ĐCSTQ ra lệnh bức hại Pháp Luân Công.
Ngày 21 tháng 1 năm 2025, bà Giang Bích Ngâm, 83 tuổi, ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông, bị bắt trong khi học Pháp tại nhà của một học viên địa phương. Vụ bắt giữ diễn ra khoảng 1 năm sau khi bà mãn hạn 6 tháng tù chỉ vì đọc sách Pháp Luân Công với các học viên khác.
Sau khi bà Cao Bích Trân, một bác sỹ Trung y về hưu, 78 tuổi, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt vào ngày 9 tháng 10 năm 2024, Đồn Công an Lạc Gia Sơn không thông báo cho gia đình bà về địa điểm giam giữ bà. Ba tháng sau vụ bắt cóc, người thân của bà vẫn không biết bà đang ở đâu.
Sau khi bị giam giữ 18 năm, bao gồm 3 năm lao động cưỡng bức (tháng 1 năm 2001 – tháng 1 năm 2004) và 3 án tù 5 năm (tháng 7 năm 2003 – tháng 7 năm 2008, tháng 1 năm 2010 – tháng 1 năm 2015, và tháng 4 năm 2017 – tháng 4 năm 2022), ông Hà Kính Như, một cư dân 68 tuổi của huyện Huệ Đông, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt giữ vào năm 2024 (không rõ ngày chính xác) và bị giam giữ tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Huệ Châu.
Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, các học viên có sức khỏe tâm thần bình thường thường bị đưa đến các bệnh viện tâm thần, và bị ép buộc sử dụng các loại thuốc tâm thần, điều có thể gây ra những tổn thương lâu dài.
Trong một trường hợp cực đoan, một người mẹ góa chồng 78 tuổi ở thành phố Nhũ Sơn, tỉnh Sơn Đông, bị 2 con trai giam giữ ở một địa điểm bí mật và cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Các con trai của bà Tuần Bồi Anh làm như vậy vì lo sợ việc bà tu luyện Pháp Luân Công sẽ ảnh hưởng đến việc con trai của một trong số họ xin vào học viện cảnh sát. Họ cũng đã hủy cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, của bà Tuần.
Người nhà bị bắt hoặc sách nhiễu cùng nhau
Bị bắt cùng nhau, người mẹ bị buộc phải uống thuốc huyết áp, còn con gái bị đuổi việc
Ngày 20 tháng 1 năm 2025, một nhóm 8 cảnh sát đột nhập vào nhà bà Lưu Anh ở thành phố Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang. Vì bà không ở nhà, họ đến nơi làm việc của con gái bà và bắt giữ người phụ nữ trẻ, cô Vương Tinh. Sau đó, họ buộc cô Vương đưa họ đến nhà một người họ hàng, nơi họ bắt giữ bà Lưu.
Sau đó, cảnh sát đưa hai mẹ con bà đến trại tạm giam thành phố Mật Sơn. Sau khi bà Lưu được phát hiện có huyết áp tâm thu trên 180 mmHg (mức bình thường là 120 mmHg hoặc thấp hơn) và bệnh tim, trại tạm giam từ chối nhận bà. Cảnh sát đưa bà Lưu đến bệnh viện và buộc bà uống thuốc huyết áp. Khi họ đo huyết áp của bà 30 phút sau, chỉ số huyết áp tâm thu của bà lên tới 190 mmHg. Cảnh sát buộc bà phải uống một loại thuốc khác, và huyết áp của bà tiếp tục tăng (huyết áp tâm thu trên 200 mmHg).
Cảnh sát còng tay bà Lưu vào xe lăn và yêu cầu bác sỹ tiêm hoặc truyền dịch cho bà. Bà nói với bác sỹ rằng bà đã dùng hai loại thuốc khác nhau và bà không thể dùng thêm thuốc. Bác sỹ nói với cảnh sát: “Nếu bà ấy không đồng ý tiêm, chúng tôi không thể ép buộc. Bà ấy không phải là tội phạm. Tại sao các anh lại đối xử với bà ấy như vậy?” Cảnh sát im lặng.
Sau này, bà Lưu mới biết lý do cảnh sát ráo riết bắt giữ bà là vì cấp trên của họ đe dọa từ chối mọi yêu cầu thanh toán chi phí công tác của họ nếu không bắt giữ được bà. Sau đó, cảnh sát ép bệnh viện phải nhận bà và thường xuyên đo huyết áp cho bà. Ngay khi huyết áp tâm thu của bà giảm xuống còn 176 mmHg, cảnh sát cố gắng để trại tạm giam nhận bà.
Cả bà Lưu và cô Vương đều bị tạm giam trong 10 ngày. Khi trở về nhà, cô Vương đã sốc khi biết công ty của cô đã sa thải cô.
Người mẹ buộc phải lẩn trốn; Cảnh sát bắt con gái bà thay thế
Tương tự như tình huống của bà Lưu, ngày 23 tháng 12 năm 2024, cảnh sát cũng không bắt được bà Triệu Hi Hoa khi họ đến nhà của cư dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang này, vì bà không ở nhà. Tuy nhiên, cảnh sát không rời đi mà lục soát nhà bà Triệu, và tịch thu điện thoại di động, sách Pháp Luân Công và máy tính bị hỏng của con gái bà.
Sau đó, cảnh sát phát hiện bà Triệu đang ở tại nhà thuê của con gái bà, và đến đó để bắt bà. Con gái bà, cô Tuyên Chiêu Tinh, đứng chắn trước cửa và không cho cảnh sát vào. Sau đó, cảnh sát buộc chồng bà Triệu, người đã bị giam giữ tại đồn công an trong 6 giờ, phải nói chuyện với con gái qua điện thoại. Cô vẫn không lùi bước, ngay cả sau khi một cảnh sát chĩa súng vào trán cô. Cảnh sát sau đó đã nhượng bộ và rời đi.
Năm ngày sau, cảnh sát bắt giữ cô Tuyên tại nơi làm việc của cô, và giam cô tại trại tạm giam Số 2 thành phố Cáp Nhĩ Tân, với lý do cô “cản trở việc thực thi pháp luật”. Bà Triệu lại thoát khỏi cuộc bắt giữ và buộc phải sống xa nhà.
Cha và con gái bị giữ tại sân bay trong tám giờ; buộc phải hủy chuyến du lịch Đông Nam Á
Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Từ Húc Đông, ở thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, phải chịu 2 án tù 5 năm vì đức tin của mình. Bản án đầu tiên của ông xảy ra không lâu sau khi con gái ông chào đời. Ông bị bắt lại vào năm 2013, khi con gái ông 13 tuổi. Khi ông được thả, con gái ông đã 18 tuổi. Để cải thiện mối quan hệ với con gái, ông đã đặt một chuyến đi đến Đông Nam Á vào tháng 2 năm 2025.
Trong khi làm thủ tục kiểm tra biên giới tại Sân bay Quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải vào khoảng 11 giờ 30 phút tối ngày 2 tháng 2 năm 2025, ông Từ và con gái đã bị chặn lại và đưa đến một căn phòng nhỏ. Họ bị giữ ở đó cho đến 7 giờ 42 phút sáng hôm sau, bị 2 cảnh sát theo dõi mọi lúc, và không được phép nói chuyện với nhau. Cảnh sát cũng hỏi chi tiết lý do họ rời Trung Quốc và họ đã đặt vé máy bay như thế nào. Con gái ông vừa đói vừa lạnh trong suốt 8 giờ bị giam giữ. Cô nói điều này giúp cô phần nào hình dung được những khổ nạn mà cha cô đã trải qua trong suốt những năm qua.
Ngoài ra, cảnh sát đã lấy điện thoại di động của hai cha con và gọi cho người nhà bằng điện thoại của họ mà không có sự cho phép của họ. Vì vé máy bay và tiền thuê khách sạn không được hoàn lại tiền, ông Từ đã mất vài nghìn nhân dân tệ. Sau đó, ông gọi cho một cảnh sát thuộc Đội An ninh Nội địa quận Vân Dương ở Thập Yển để khiếu nại. Viên cảnh sát, họ Chu, trả lời rằng ông là một mục tiêu trọng điểm trong danh sách của họ, và không được phép rời khỏi Trung Quốc trong bất kỳ trường hợp nào.
Bức hại tài chính
Ngoài việc bị bắt giữ, giam giữ và tra tấn, các học viên còn phải đối mặt với sự bức hại tài chính, dưới các hình thức tịch thu, tống tiền, phạt tiền hoặc đình chỉ lương hưu của họ.
Ngày 14 tháng 4 năm 2024, cảnh sát ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, đột kích nhà cô Chu Lệ Na và bắt giữ bạn cùng phòng của cô, cô Mạnh Xuân Anh, cũng là một học viên Pháp Luân Công. Mặc dù cô Chu thoát khỏi vụ bắt giữ vì không ở nhà, nhưng 115.000 Nhân dân tệ tiền mặt và 2 chứng chỉ tiết kiệm của cô, trị giá 50.000 Nhân dân tệ và 30.000 Nhân dân tệ, bị cảnh sát tịch thu.
Cảnh sát đã theo dõi và bắt giữ cô Chu vào ngày 21 tháng 8 năm 2024. Họ thẩm vấn cô về việc cô dùng số tiền này để làm gì. Cô nói đó là số tiền tiết kiệm cả đời của cô nhờ việc buôn bán quần áo, kinh doanh tiệm tóc và làm các công việc vặt khác. Cô định mua một căn nhà bằng số tiền này. Cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa trả lại tiền cho cô.
Cô Chu bị đưa tới trại tạm giam địa phương sau vụ bắt giữ một ngày. Mặc dù cô được phát hiện có lượng tiểu cầu thấp và không đủ điều kiện để giam giữ, nhưng lính canh vẫn tiếp nhận cô. Kể từ đó, cô bị giam giữ và hiện đang phải đối mặt với việc bị truy tố sau khi cảnh sát trình hồ sơ vụ án của cô lên Viện Kiểm sát Thành phố Lăng Hải.
Ngày 6 tháng 1 năm 2025, cô Hà Diễm, một giáo viên âm nhạc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nhận được cảnh báo từ ban lãnh đạo nhà trường rằng cô có thể không được nhận tiền thưởng trong quý cuối của năm 2024, vì cô tu luyện Pháp Luân Công, cũng như nộp đơn khiếu nại cảnh sát vì đã bắt giữ và đột kích nhà cô vào tháng 3 năm 2023. Cô từ chối rút đơn khiếu nại bất chấp áp lực từ cảnh sát, ban lãnh đạo nhà trường và Phòng Giáo dục quận Đông Tây Hồ. Để trả đũa, nhà trường giữ lại khoản tiền thưởng 20.000 Nhân dân tệ hàng quý của cô vào ngày trả lương, ngày 9 tháng 1 năm 2025.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo năm 2024: 5.692 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/7/491416.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/14/225839.html
Đăng ngày 28-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.