Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 04-02-2025] Theo thông tin được Minghui.org thu thập, tháng 1 năm 2025 có 97 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù.
Các trường hợp mới được xác nhận bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2021, 2 trường hợp năm 2022, 5 trường hợp năm 2023, 54 trường hợp năm 2024, 28 trường hợp năm 2025, cùng 7 trường hợp không rõ năm. Với việc kiểm duyệt thông tin ngày càng nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều chi tiết về cáo trạng, xét xử và kết án của các học viên rất khó (nếu không nói là không thể) thu thập được, gây ra sự chậm trễ hơn nữa trong việc báo cáo.
Trong số các trường hợp mới được báo cáo, một số học viên bị bắt vì tham gia gặp gỡ các học viên khác, một số bị cảnh sát mạng đánh dấu vì đăng thông tin trực tuyến về Pháp Luân Công và một số người khác bị nhắm mục tiêu vì nói chuyện với người dân, gửi thư hoặc phân phát tài liệu về cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Tổng quan về các trường hợp kết án
Các học viên Pháp Luân Công bị kết án phân bố trên 22 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương. Cát Lâm đứng đầu danh sách với 20 trường hợp. Liêu Ninh đứng thứ hai với 15 trường hợp, tiếp theo là Sơn Đông và Hắc Long Giang, cả hai đều báo cáo 8 trường hợp. 18 khu vực còn lại báo cáo từ 1 đến 6 trường hợp.
Sáu cư dân thành phố Lăng Hải, tỉnh Liêu Ninh, bị xét xử chung và bị kết án từ 1,5 đến 5 năm tù. Cảnh sát đã theo dõi các học viên trong nhiều tháng trước khi bắt giữ. Họ theo dõi các học viên bằng cách bám đuôi và lắp đặt camera giám sát gần nhà các học viên, và trong một số trường hợp, còn gắn thiết bị theo dõi trên xe đạp điện của họ. Hầu hết các học viên đều xuất hiện với vẻ hốc hác và tiều tụy trong phiên tòa xét xử, chỉ sau 7 tháng bị giam giữ.
Án tù của 97 học viên dao động từ 6 tháng đến 10 năm, trung bình là 3 năm 2 tháng. 33 học viên bị phạt tiền tổng cộng 323.500 Nhân dân tệ, trung bình 9.803 Nhân dân tệ mỗi người.
Trong số 63 học viên xác định được độ tuổi tại thời điểm kết án (chiếm 65% tổng số), học viên trẻ nhất ở độ tuổi 30, và lớn tuổi nhất là hai cụ bà ở độ tuổi 80. Có 3 học viên khác ở độ tuổi 40, 16 người ở độ tuổi 50, 22 người ở độ tuổi 60 và 19 người ở độ tuổi 70.
Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây PDF.
Cuộc bức hại kéo dài hàng thập kỷ
Chiến thuật bức hại chính nhắm vào các học viên
Sau khi hệ thống trại lao động cưỡng bức bị bãi bỏ vào năm 2013, việc kết án tù trở thành một trong những chiến thuật đàn áp chính đối với các học viên Pháp Luân Công, ngoài việc sách nhiễu, giam giữ tại trung tâm tẩy não và bệnh viện tâm thần. Trong khi bị giam giữ, các học viên bị tra tấn tàn bạo và tẩy não cường độ cao nếu không từ bỏ Pháp Luân Công.
Để đẩy nhanh quá trình kết án, một số khu vực chỉ định các viện kiểm sát và tòa án cụ thể chuyên xử lý các vụ án Pháp Luân Công. Các học viên có thể bị kết án chỉ vài ngày hoặc vài tuần sau khi bị bắt.
Ngày 9 tháng 1 năm 2025, bà Trương Thục Cầm, 65 tuổi, cư dân thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, bị chuyển vào Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh để thụ án 2 năm tù. Bà là học viên Pháp Luân Công thứ 24 bị Tòa án thành phố Lăng Hải kết án vào năm 2024, đây là tòa án thuộc quản lý của Cẩm Châu, được chỉ định xử lý các vụ án Pháp Luân Công trong khu vực thuộc quyền của Cẩm Châu. Ít nhất 48 học viên khác ở Cẩm Châu và các thành phố/quận trực thuộc đã bị Tòa án thành phố Lăng Hải kết án từ năm 2022 đến năm 2023.
Tại thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, bà Triệu Kim Lan bị kết án bí mật 3 năm tù sau khi bị bắt vào ngày 9 tháng 5 năm 2023. Tính từ năm 2020, bà là học viên thứ 12 sống trên cùng phố Cát Thư bị kết án vì cùng chung đức tin.
Bị bức hại nhiều lần
Vì cuộc bức hại Pháp Luân Công đã kéo dài gần 26 năm, nhiều học viên nhiều lần bị nhắm mục tiêu vì đức tin.
Chỉ sau 5 tháng bà Trần Thủy Thanh, 62 tuổi, một chủ cửa hàng tạp hoá ở thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, mãn hạn án tù 9 tháng vì tu luyện Pháp Luân Công, bà lại bị bắt giữ lần nữa và bị kết án thêm 3 năm tù. Trong khi bắt giữ bà, cảnh sát đã ra lệnh cho văn phòng quản lý tài sản ở khu phố của bà cắt nước nhà bà, và xông vào nhà sau khi lừa bà tới văn phòng quản lý tài sản.
Ông Liệu Chí Quân, 53 tuổi, cựu nhân viên phòng bảo dưỡng của Ga tàu thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, bị kết án 5 năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 13 tháng 1 năm 2025. Trước khổ nạn mới nhất này, ông từng bị bắt giữ ít nhất 7 lần, dẫn đến án lao động cưỡng bức 2 năm và 3 án tù phi pháp với tổng thời gian lên tới 11,5 năm.
Ông Liệu Chí Quân
Bà Hứa Tĩnh Ba ở thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm, bị bắt giữ tại nhà riêng vào ngày 22 tháng 4 năm 2024. Cảnh sát không thông báo cho con gái bà về vụ bắt giữ cho đến khi lệnh bắt giữ chính thức của bà Hứa được ban hành. Sau đó, con gái bà mới biết được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau rằng bà đã bị Tòa án Huyện Y Thông kết án vào cuối tháng 12 năm 2024 hoặc đầu tháng 1 năm 2025.
Đây không phải là lần đầu bà Hứa bị kết án vì kiên định đức tin. Bà và chồng đều bị bắt giữ vào giữa tháng 4 năm 2009, sau đó bị kết án tù. Bà Hứa bị kết án 5 năm tù và chồng bà bị kết án 6 năm tù. Khi đó con gái của họ chỉ mới là học sinh tiểu học.
Bà Hứa lại bị bắt giữ vào ngày 30 tháng 1 năm 2016, sau khi bị tố giác vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công, và bị kết án 4,5 năm tù vào ngày 5 tháng 12 năm 2016.
Án tù nặng và kết án các học viên cao tuổi
Hai vợ chồng ở thành phố Tháp Hà, tỉnh Hà Nam, ông Dương Tuấn Thành và bà Đinh Hương Cần, ngoài 60 tuổi, đều lĩnh án 10 năm vào một thời điểm không xác định sau khi bị bắt vào tháng 9 năm 2023. Cảnh sát tịch thu 300.000 Nhân dân tệ tiền mặt và các tài sản cá nhân khác khi đột kích nhà họ. Cha của ông Dương, đã ngoài 90 tuổi và phải dựa vào ông chăm sóc, hiện đang rơi vào tình trạng khốn cùng.
Bà Lý Diễm Hà, ngoài 70 tuổi, đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị kết án 8 năm tù vào cuối năm 2024, vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công.
Bà Vương Phượng Anh, 83 tuổi, cư dân thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, bị thẩm vấn suốt đêm sau khi bị bắt vào ngày 14 tháng 6 năm 2023. Bà được thả vào chiều hôm sau, sau khi được phát hiện bị huyết áp cao nguy hiểm. Bà bị truy tố vào tháng 12 năm 2024, và phải hầu tòa vào ngày 26 tháng 12. Khi bà từ chối ngồi vào ghế bị cáo, một nữ cảnh sát nói với các nam đồng nghiệp của cô ta: “Tại sao các anh không hành động?” Thẩm phán kết án bà 3 năm tù vào ngày 31 tháng 12, cáo buộc bà “tái phạm”, do bà từng bị kết án 3 năm tù vào năm 2018 vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Vương Phượng Anh
Khoảng 10 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 2024, trong khi bà Trương Tú Quân, ngoài 70 tuổi, nhân viên về hưu của Mỏ dầu Thắng Lợi ở thành phố Đông Doanh, tỉnh Sơn Đông, đang mua hàng tạp hóa tại một chợ nông sản thì 2 cảnh sát mặc thường phục đột nhiên xuất hiện. Họ ghì bà xuống, giẫm lên người bà, giật túi sách của bà và yêu cầu bà giao nộp điện thoại di động. Sau đó, 4 cảnh sát mặc thường phục khác cũng tham gia với 2 cảnh sát trên, và đưa bà Trương tới đồn công an. Cảnh sát đe dọa gia đình bà Trương không được tìm công lý cho bà, và họ cũng không cho gia đình biết về tình trạng vụ án của bà. Cảnh sát đã trình hồ sơ vụ án của bà Trương lên Viện Kiểm sát Quận Đông Doanh vào khoảng giữa tháng 8 năm 2024, sau đó bà bị kết án 1 năm tù.
Tương tự như khó nạn của bà Trương, bà Viên Quỳnh Tú, 72 tuổi, cựu nhân viên Ngân hàng Công thương Trung Quốc ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt bên ngoài chợ nông sản vào ngày 28 tháng 4 năm 2024. Cảnh sát còng tay bà ra sau lưng, trói chặt hai cổ tay, chụp ảnh bà và đẩy bà lên một chiếc ô tô đen không có biển số đưa đi. Ngay sau đó, nhà bà bị lục soát. Cảnh sát không cho gia đình biết bà Viên ở đâu. Họ phải mất đến hai tháng mới tìm ra tung tích của bà. Sau đó, bà bị kết án 4 năm tù.
Phục vụ cho sự bất công
Cô Phùng Quý Xuân, ngoài 30 tuổi, nhân viên của Ngân hàng Máu Trung tâm thành phố Lâm Nghi, bị kết án 4 năm tù và phạt 20.000 Nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 5 năm 2024. Cảnh sát và công tố viên từ chối gặp gia đình cô trong quá trình điều tra. Thẩm phán cũng cấm luật sư của cô đại diện cho cô tại tòa trong hai phiên xét xử đầu tiên.
Mặc dù luật sư được phép bào chữa cho cô tại phiên xét xử thứ ba, nhưng không có nhân chứng nào có mặt tại tòa để đối chứng. Cô Phùng khai rằng cảnh sát đã dùng lừa dối và đe dọa để buộc cô khuất phục. Cô bị sốc bởi vụ bắt giữ đột ngột đến mức gần như suy sụp. Công tố viên Lý cáo buộc cô Phùng cố gắng lật đổ ĐCSTQ. Luật sư của cô lập luận rằng cô đơn thuần chỉ nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công phi pháp của ĐCSTQ. Ông yêu cầu trắng án cho cô, nhưng cô vẫn bị kết án tù.
Ông La Quốc Long, ngoài 60 tuổi, và vợ ông, ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đang chuẩn bị ra đồng vào ngày 24 tháng 4 năm 2024, thì 3 cảnh sát mặc thường phục xuất hiện. Vợ ông nghĩ họ là khách nên đã mở cửa đón tiếp. Ba người cho biết họ là cảnh sát của Công an Tân Khu Thẩm Bắc. Sau đó, họ bắt đầu lục soát nhà của hai vợ chồng. Họ chụp ảnh và tịch thu sách Pháp Luân Công của ông La.
Tòa án quận Đại Đông không thông báo cho gia đình ông La về phiên toà của ông (thời gian cụ thể chưa rõ) cho đến chưa đầy hai giờ trước khi phiên toà bắt đầu. Vợ ông không được khỏe trong ngày hôm đó. Con trai của họ không thể xin nghỉ làm trong thời gian ngắn như vậy. Chỉ có con dâu và anh họ của ông La đến dự phiên tòa.
Hai nhân chứng của bên công tố cáo buộc rằng ông La đã nói chuyện với họ về Pháp Luân Công và đưa cho họ một số tài liệu thông tin. Không rõ cáo buộc này có đúng sự thật hay không. Ngay cả khi ông La thực sự phân phát tài liệu Pháp Luân Công, ông cũng không làm gì sai, vì không có điều luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công.
Ông La đã làm chứng chống lại các cảnh sát bắt giữ vì xâm phạm tài sản của ông và lục soát nhà mà không xuất trình lệnh khám xét hoặc mặc cảnh phục. Ông cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại chống lại họ. Thẩm phán chủ tọa liên tục ngắt lời bào chữa của ông.
Sau đó, tòa án không cung cấp thêm thông tin cập nhật về vụ án. Ngày 30 tháng 9 năm 2024, gia đình ông La đến trại tạm giam để gửi tiền cho ông nhưng không được, và các lính canh cho biết ông La đã bị chuyển đến Nhà tù Thẩm Dương một tháng trước. Tòa án đã tổ chức một phiên tòa kết án bí mật, nhưng không thông báo cho gia đình ông.
Khoảng tháng 12 năm 2024, gia đình ông La nhận được một cuộc gọi từ Nhà tù Cẩm Châu, thông báo ông đã bị chuyển đến đó vài ngày trước, và bị giam tại Khu 7 để thụ án 4 năm tù.
Ảnh hưởng của việc kết án đối với các học viên
Sức khỏe thể chất bị đe dọa
Bà Triệu Dĩnh, 81 tuổi, cư dân thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã thất bại trong việc kháng cáo bản án 3,5 năm tù vào ngày 30 tháng 12 năm 2024. Các thẩm phán của Tòa án Trung cấp thành phố Quảng Châu tuyên bố rằng họ giữ nguyên phán quyết ban đầu của bà với lý do bà có khả năng gây ra nguy hại nghiêm trọng cho xã hội.
Bà Triệu vẫn đang bị giam giữ trong Trại tạm giam Quận Thiên Hà, và đang phải chống chọi với các căn bệnh nghiêm trọng, bao gồm ung thư bàng quang, bệnh tim và tiểu đường. Người nhà bà kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến trường hợp của bà và giúp giải cứu bà.
Ông Chu Ngọc Quân ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào ngày 5 tháng 6 năm 2024, trong một cuộc càn quét của cảnh sát. Khi ông bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Thư Lan, một người trong cuộc cho hay đã nhìn thấy ông bị hai lính canh đánh đập. Một lính canh nói: “Tên này chẳng nói gì cả, đúng là đáng bị đánh”.
Sau đó, ông Chu được phát hiện có một số vấn đề về tim mạch và phải nhập viện một thời gian. Trại tạm giam đệ đơn yêu cầu bảo lãnh tại ngoại cho ông, nhưng một cơ quan cấp cao hơn (không rõ cơ quan nào) đã bác bỏ. Tòa án thành phố Thư Lan kết án ông 4 năm tù vào một thời điểm chưa xác định, và ông bị chuyển đến Nhà tù Công Chủ Lĩnh vào ngày 18 tháng 12 năm 2024. Do sức khỏe yếu, ông được đưa vào bệnh viện nhà tù. Gia đình ông không được thông báo về sức khỏe của ông hoặc nơi ông đang ở.
Tra tấn thể xác
Sau khi ông Lang Bách Minh, cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị chuyển đến Nhà tù tỉnh Cát Lâm để thụ án 3 năm hoặc 5 năm tù, ông bị buộc phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ khoảng 17 giờ mỗi ngày, từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, liên tục trong 3 tháng. Đây là một hình thức tra tấn phổ biến được sử dụng trong các nhà tù Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công kiên định. Mông của họ thường bị lở loét chỉ sau vài ngày ngồi lâu như vậy.
Ông Lang bị bắt vào ngày 20 tháng 7 năm 2023, và Minghui.org biết về bản án của ông vào cuối tháng 1 năm 2025.
Bức hại tài chính sau khi mãn hạn tù
Bà Vương Vinh Quân, 74 tuổi, nhân viên bán hàng về hưu, và con gái, cô Na Diễm, một y tá ngoài 40 tuổi, ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt tại nơi ở chung của họ vào ngày 13 tháng 7 năm 2021. Hai mẹ con bà đều bị kết án vào tháng 2 năm 2022, mỗi người bị kết án 3 năm 2 tháng tù giam và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ.
Sau khi mãn hạn tù, cô Na được biết cô đã bị Bệnh viện Số 6 Thành phố Thẩm Dương sa thải trong thời gian ở trong tù. Cô yêu cầu khôi phục công việc của mình, nhưng bệnh viện này quả quyết rằng một “tội phạm bị kết án” phải bị sa thải.
Bà Vương được trả lương hưu trong một khoảng thời gian ở trong tù, nhưng không rõ khoảng thời gian này kéo dài bao lâu. Sau đó, phòng an sinh xã hội địa phương ngừng chi trả khoản lương hưu này. Sau khi bà được trả tự do vào tháng 8 năm 2024, phòng an sinh xã hội vẫn không phôi phục lương hưu cho bà, và yêu cầu bà hoàn trả lại khoản lương hưu đã thanh toán khi bà ở trong tù, nếu không họ sẽ tiếp tục đình chỉ lương hưu của bà.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo năm 2024: 764 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/4/490336.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/12/225447.html
Đăng ngày 02-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.