Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 02-02-2025] Tháng 1 năm 2025, 13 học viên Pháp Luân Công được báo cáo qua đời do cuộc bức hại đức tin của họ.
13 trường hợp tử vong bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2020, 11 trường hợp vào năm 2024 và 1 trường hợp vào năm 2025. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt, sự bức hại các học viên Pháp Luân Công vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời, cũng như không phải mọi thông tin đều có sẵn.
9 phụ nữ và 4 người đàn ông qua đời đến từ 7 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương. Cả Cam Túc và Hà Bắc đều có 3 trường hợp, tiếp đến là Cát Lâm có 2 trường hợp, và các tỉnh Trùng khánh, Giang Tô, Sơn Đông, Sơn Tây, Tứ Xuyên, mỗi tỉnh có 1 trường hợp.
13 học viên có độ tuổi từ 48 đến 83 khi tử vong, bao gồm 1 người hơn 40 tuổi, 3 người hơn 50 tuổi, 3 người hơn 60 tuổi, 3 người hơn 70 tuổi và 3 người hơn 80 tuổi.
Học viên trẻ nhất là người mẹ 48 tuổi của 2 đứa trẻ. Học viên lớn tuổi nhất 83 tuổi, tử vong sau 7 năm bị giam cầm và nhiều năm bị sách nhiễu, đình chỉ lương hưu. Một bác sỹ 50 tuổi quá đau khổ vì cái chết của cha mẹ mình vì bị bức hại, khiến ông qua đời 8 tháng sau đó.
Bên dưới là thông tin bổ sung về một số trường hợp tử vong này. Danh sách đầy đủ các học viên tử vong có thể tải ở đây(PDF).
Bà Lý Chính Hoa, một người dân Trùng Khánh, phải chịu đựng sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát từ đầu tháng 12 năm 2023, vì những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về việc bức hại đức tin của bà, Pháp Luân Công. Trong 3 tuần, bà sợ không dám ra khỏi nhà, sau đó qua đời đột ngột tại nhà vào 27 tháng 1 năm 2024. Bà thọ 77 tuổi.
Bà Lý là một công nhân về hưu của Nhà máy Cơ khí Tổng hợp Trùng Khánh, phải chịu đựng sự bức hại hàng thập kỷ trước khi qua đời. Bà đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tự do tín ngưỡng ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Bà bị bắt và đưa trở lại Trùng Khánh. Bà thoát khỏi nhà giam vào ngày 2 tháng 10 năm 1999, và trở lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện, rồi lại bị bắt và bị kết án lao động cưỡng bức. Bà đã tuyệt thực hơn 1 năm ở nơi giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Trùng Khánh, sau đó được thả.
Năm 2002, không lâu sau khi trở về nhà, bà Lý lại bị bắt vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công ngoài trời, và bị kết án thêm một án lao động cưỡng bức 1 năm.
Lần bắt giữ tiếp theo của bà là vào tháng 7 năm 2004, vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Bà tuyệt thực trong tù để phản đối việc giam giữ phi pháp. Lúc xét xử, bà Lý quá yếu đến nỗi phải được khiêng vào phòng xử án bằng cáng. Thẩm phán kết án bà 3 năm 6 tháng tù. Mặc dù bà gầy gò và sắp chết sau 2 tháng 3 ngày tuyệt thực, bà vẫn bị đưa tới Nhà tù Nữ Vĩnh Xuyên bằng xe cấp cứu. Tất cả tù nhân đều nghĩ bà sẽ chết sớm, nhưng bà đã sống sót thần kỳ. Bà được thả vào tháng 10 năm 2007.
Bà Lý lại bị bắt vào ngày 4 tháng 6 năm 2009 vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Bà bị kết án 2,5 năm tại Trại Lao động Cưỡng Bức Nữ Sa Bảo, và bị tra tấn dã man.
Người mẹ 48 tuổi tử vong vì bị bức hại, để lại 2 con nhỏ (Link tiếng Anh)
Bà Trịnh Vấn Siêu, ở huyện Dịch, tỉnh Hà Bắc, buộc phải sống xa nhà từ tháng 9 năm 2020 để tránh bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt vào năm 2021, sau đó bị kết án 1 năm tù. Minh Huệ Net xác nhận vào tháng 1 năm 2025 rằng bà đã qua đời vào khoảng tháng 3 năm 2024. Bà qua đời khi mới 48 tuổi, và còn có 2 con nhỏ.
Bà Trần Lâm, một công nhân về hưu của xưởng bột mì ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, đã qua đời vào tháng 7 năm 2024, sau hàng thập kỷ chịu bức hại vì đức tin của mình. Bà hưởng thọ 71 tuổi.
Bà Trần bị bắt lần đầu vào ngày 1 tháng 10 năm 2000 khi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị đưa trở lại Diêm Thành và bị giam tại một trại tẩy não. Vì vẫn kiên định đức tin của mình, bà bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức vào ngày 23 tháng 12 năm 2000.
Trước Thế vận hội Olympics Bắc Kinh 2008, bà Trần lại bị bắt giữ và đưa tới trại tạm giam Thành phố Diêm Thành. Sau đó, bà bị kết án lao động cưỡng bức lần 2 (không rõ thời hạn chính xác, nhưng khoảng hơn 1 năm). Lính canh bắt bà lao động khổ sai trong nhiều giờ, khiến móng tay bà trở nên đen kịt.
Giữa tháng 6 năm 2014, bà Trần bị tố giác vì nói với vài người về Pháp Luân Công. Các viên chức khu phố địa phương theo dõi bà, dẫn đến việc bà bị bắt. Bà bị giam tại trại tạm giam Thành phố Diêm Thành, sau đó bị kết án ít nhất 7 năm tù (chưa rõ thời hạn chính xác).
Sau khi bà Trần mãn hạn tù, phòng an sinh xã hội đình chỉ lương hưu của bà, khiến bà gặp khó khăn về tài chính. Viên chức khu phố địa phương và cảnh sát cũng thường xuyên sách nhiễu bà tại nhà. Sự bức hại không ngừng nghỉ cuối cùng đã cướp đi mạng sống của bà vào tháng 7 năm 2024.
Người đàn ông Sơn Tây tử vong sau khi chịu 2 bản án lao động cưỡng bức và 1 án tù (Link tiếng Anh)
Vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Lý Tích Phúc, một nhân viên về hưu của Công ty Thép Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã phải chịu 2 án lao động cưỡng bức và 1 án tù, tổng cộng 7 năm. Ông phải chiụ đựng sự tra tấn liên tục khi bị giam giữ, dẫn đến bị liệt. Sau khi được thả, ông Lý bị sốc khi biết lương hưu của mình đã bị đình chỉ. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông. Sau khi bị bức hại trong nhiều năm, ông Lý đã qua đời vào ngày 25 tháng 9 năm 2024, hưởng thọ 83 tuổi.
Ông Lý Tích Phúc
Khi đang thụ án 3 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Tân Điếm từ 2001 đến 2004, ông Lý bị 2 tù nhân giám sát suốt ngày, bao gồm cả khi ngủ. Họ đánh đập khi ông luyện các bài công pháp Pháp Luân Công hay cử động khi ngủ. Sau đó cai ngục yêu cầu ông Lý đào và chuyển đất. Vì lao động nặng nhọc, ông phát bệnh viêm ruột, và không thể giữ thức ăn trong bụng. Bắp chân của ông sưng to như bắp đùi. Vậy mà cai ngục vẫn bắt ông lao động khổ sai.
Năm 2015, vì nộp đơn kiện hình sự Giang Trach Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công, ông Lý bị bắt, và bị kết án 3 năm tù vào ngày 31 tháng 8 năm 2016. Ông bị đánh đập dã man trong tù và bị tước quyền thăm thân. Hai bàn tay ông trở nên tê liệt do bị còng kéo dài, và ông phải nhờ các tù nhân giúp thay quần áo vào ngày được thả.
Trong khi đó, chính quyền còn khấu trừ 80.000 Nhân dân tệ tiền lương hưu của ông Lý, và bắt gia đình ông ký bảo đảm rằng ông không tiếp tục “gây rối trật tự xã hội”, một cái cớ thường dùng để hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công. Sau khi chịu đựng bức hại quá nhiều năm, ông Lý đã qua đời vào ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Bà Thượng Thục Hà ở thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm, qua đời vào ngày 11 tháng 10 năm 2024, sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 62 tuổi.
Bà Thương là một cựu giáo viên ở Trường Tiểu học Thành phố Liêu Nguyên. Bà liên tục bị bắt và sách nhiễu sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động một chiến dịch quy mô toàn quốc nhắm vào Pháp Luân Công tháng 7 năm 1999.
Sau một lần bị bắt vào ngày 1 tháng 5 năm 2009 do bị tố giác vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công, bà Thương bị bất tỉnh ở trại tạm giam, và được đưa tới bệnh viện. Dù bà được thả sau khi chẩn đoán mắc bệnh tim, cảnh sát vẫn sách nhiễu bà ở nhà thường xuyên.
Bà Thương lại bị bắt vào ngày 22 tháng 11 năm 2010, và bị kết án lao động cưỡng bức 1 năm 9 tháng. Bà thụ án tại Trại Lao động Hắc Chủy Tử, và bị tra tấn dã man.
Bà Thương bị chẩn đoán ung thư vú sau khi trở về nhà, và chuyển tới ở với con gái tại Bắc Kinh vào 2014. Bà bị bắt ở đó ít nhất 1 lần vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát của thành phố Liêu Nguyên thậm chí còn đến tận Bắc Kinh để sách nhiễu bà.
Sự bức hại không ngừng nghỉ làm tổn hại sức khỏe vốn đã yếu ớt của bà. Bà qua đời vào 11 tháng 10 năm 2024. Hiện chưa rõ bà mất ở Bắc Kinh hay Liêu Nguyên.
Cựu chủ tiệm giày tử vong vì ung thư do cuộc bức hại gây ra (Link tiếng Anh)
Ông Dịch Tiểu Hồng, một cựu chủ tiệm giày ở huyện Doanh Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đã qua đời vào ngày 4 tháng 11 năm 2024, sau nhiều năm bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông hưởng thọ 60 tuổi.
Ông Dịch bị bắt vào 20 tháng 4 năm 2011, và bị giam tại trại tạm giam Huyện Doanh Sơn. Tháng 3 năm 2012, Tòa án Huyện Doanh Sơn kết án ông 4 năm tù. Ông phải chịu đựng tra tấn dã man trong tù, mà vẫn bị cảnh sát sách nhiễu liên tục sau khi ra tù. Trong khi đó, gia đình ông cũng cấm ông tu luyện Pháp Luân Công vì áp lực từ chính quyền. Trong khi ông đang chống chọi để phục hồi sau khi bị tra tấn trong tù, áp lực tinh thần đã làm tổn hại rất nhiều sức khỏe của ông. Ông phát bệnh ung thư vào năm 2023 và qua đời sau đó 1 năm.
Người phụ nữ Cát Lâm 59 tuổi qua đời khi đang chờ xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công
Bà Đổng Ngọc Tố, cư dân huyện Đông Phong, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào ngày 8 tháng 8 năm 2024, khi đang học các bài giảng Pháp Luân Công với những học viên khác. Vì bị ngược đãi trong tù, bà bị phù nề toàn thân và khó thở. Bà được tại ngoại vào một ngày chưa rõ, và phải nằm viện một thời gian. Bà đã chuyển tới ở với con gái sau khi ra viện, và qua đời ở nhà con gái vào ngày 15 tháng 12 năm 2024. Bà hưởng dương 59 tuổi.
Viện Kiểm sát Quận Long Sơn ở thành phố Liêu Nguyên (nơi giám sát huyện Đông Phong) đã truy tố bà Đổng vào một ngày chưa rõ. Bà đang chờ hầu tòa tại thời điểm qua đời.
Bệnh nhân ung thư ra tù trong tình trạng nguy kịch, qua đời sau đó 4 tháng (Link tiếng Anh)
Bà Lý Phượng Anh, một người dân 52 tuổi ở huyện Ngũ Liên, tỉnh Sơn Đông, qua đời vào khoảng 4 giờ ngày 31 tháng 12 năm 2024, 4 tháng sau khi được ra tù trong tình trạng nguy kịch.
Bà Lý bị bắt vào ngày 10 tháng 10 năm 2022 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị kết án 8 năm tù và phạt 20.000 Nhân dân tệ vào ngày 15 tháng 5 năm 2023. Vì sức khỏe yếu do bị tra tấn trong trại tạm giam, thẩm phán yêu cầu chuyển bà tới Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông vào ngày 8 tháng 8 năm 2023.
Chỉ sau vài ngày trong tù, bà Lý bị đưa tới bệnh viện, nơi bà được chẩn đoán ung thư hệ bạch huyết và ung thư tử cung. Đề nghị bảo lãnh y tế của bà bị từ chối. Cả gia đình và bà đều từ chối hóa trị, nhưng bệnh viện của nhà tù ép bà điều trị. Bà ngày càng yếu hơn. Khi gia đình tới thăm, bà mất hơn 1 tiếng đi một đoạn ngắn để ra tới phòng thăm thân.
Khi tình trạng của bà Lý tiếp tục xấu đi, nhà tù cuối cùng cũng thả bà vào 23 tháng 8 năm 2024. Bà qua đời 4 tháng sau đó.
Cựu bác sỹ 50 tuổi qua đời trong một năm sau khi cha mẹ từ trần
Trong khi còn đang chịu tang cha mẹ qua đời vì cuộc bức hại Pháp Luân Công, hai chị em gái ở huyện Hòa Lai, tỉnh Hà Bắc, lại tiếp tục đau khổ vì mất đi anh trai của họ, một bác sỹ 50 tuổi.
Khổ nạn của gia đình họ bắt đầu khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Vì kiên định đức tin, ông Lưu Ngọc Thư, vợ ông, bà Nghê Văn Tú, cùng 2 con gái và 1 con trai đều liên tục bị bắt giữ, tạm giam và sách nhiễu. Bà Nghê qua đời sau một đợt sách nhiễu vào tháng 11 năm 2023. Sau nhiều năm bị giam giữ và ép dùng thuốc, ông Lưu qua đời sau 6 tháng, vào 25 tháng 5 năm 2024. Con trai họ, ông Lưu Triêu Huy, vì quá suy sụp và qua đời 8 tháng sau, vào ngày 6 tháng 1 năm 2025.
Related Report:
Báo cáo năm 2024: 164 học viên Pháp Luân Công qua đời trong cuộc bức hại đức tin của họ
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/2/490295.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/10/225411.html
Đăng ngày 04-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.