Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 08-01-2025] Ông Vương Hồng Kiệt, một cư dân có tinh thần khỏe mạnh ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã bị giam giữ hai lần tại bệnh viện tâm thần trong nhiều năm liền chỉ đơn giản vì ông không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã rụng hết răng và nằm liệt giường khi được trả tự do vào năm 2013. Sau nhiều năm chật vật với sức khỏe suy giảm, ông đã qua đời vào tháng 10 năm 2018, hưởng dương 65 tuổi.

Bà Lý Xuân Liên, ở thành phố Vũ Hãn, tỉnh Hồ Bắc bị đưa tới Bệnh viện Tâm thần Vạn Tế sau vụ bắt giữ vào ngày 16 tháng 6 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã bị sụt cân nghiêm trọng và không thể nhận ra người thân khi họ tới thăm bà vào đầu tháng 10 năm 2022. Sau khi được trả tự do vào ngày 8 tháng 4 năm 2023, bà vẫn rất yếu. Bà đột ngột qua đời vào ngày 11 tháng 11 năm 2024.

Ngay từ đầu những năm 1960, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng lệnh bắt buộc đưa vào các bệnh viện tâm thần như một cách trừng phạt các cá nhân có tinh thần khỏe mạnh bị coi là “kẻ thù của nhà nước.” Hoạt động này đã được áp dụng rộng rãi khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, nơi các học viên khỏe mạnh về tinh thần bị giam giữ trong các bệnh viện tâm thần, nhà tù và trung tâm tẩy não, đã bị tra tấn tàn bạo cũng như cưỡng bức dùng thuốc.

Một tài liệu nội bộ “chống tà giáo” do chính quyền cộng sản ban hành nêu rõ: “Thuốc có thể được sử dụng nếu cần thiết để đạt được mục tiêu khoa học ‘chuyển hóa’ thông qua các phương pháp tiếp cận y tế và chính sách thí nghiệm lâm sàng.”

Theo cuộc điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc Bức hại Pháp Luân Công, từ tháng 7 năm 1999 tới tháng 4 năm 2003, có ít nhất 1.000 học viên tinh thần khỏe mạnh đã phải chịu đựng các phương thức “điều trị tâm thần”. Với trường hợp của ông Vương nêu trên, ông đã bị giam giữ tại bệnh viện tâm thần trong 7 năm. Bà Lư Tú Lệ ở Thượng Hải đã bị cưỡng bức giam giữ trong một bệnh viện tâm thần hơn 20 lần. Tháng 2 năm 2021, bà đã qua đời sau khi chật vật với chứng rối loạn tâm thần do lạm dụng và các tình trạng y tế khác.

Cưỡng bức dùng thuốc hầu hết được thực hiện thông qua việc tiêm hay bức thực, thường đi kèm với việc sốc điện hay trói chân tay đau đớn. Điều này khiến một số học viên đã mất thị lực hoặc thính lực; một số bị đau đầu dữ dội kéo dài; một số bị tàn tật; một số bị lâm vào tình trạng mê sảng; và một số đã qua đời. Theo thông tin trang Minghui.org thu thập được, tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2023, có ít nhất 161 học viên đã qua đời do việc cưỡng bức dùng thuốc bao gồm 39 học viên qua đời trong nhà giam và 122 học viên khác qua đời ngay sau khi được trả tự do.

Các bệnh viện tâm thần trên khắp Trung Quốc đều tham gia

Theo báo cáo của Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc Bức hại Pháp Luân Công, 83% trong số hơn 100 bệnh viện tâm thần trên 15 tỉnh đã thừa nhận rằng họ “điều trị” cho các học viên Pháp Luân Công. Với 17% số còn lại đã phủ nhận việc tiếp nhận học viên Pháp Luân Công, nhưng những trường hợp giam giữ được các học viên báo cáo. Một thí dụ là Bệnh viện Tâm thần An Khang Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc. Mặc dù bệnh viện nói rằng họ chưa từng tiếp nhận học viên Pháp Luân Công, nhưng ông Dương Bảo Xuân đã trình báo rằng ông bị cho dùng thuốc độc suốt 6 năm tại đây.

Học viên có tinh thần khỏe mạnh bị giam giữ

Bà Ngô Hiểu Hoa, cựu phó giáo sư của Viện Kiến trúc và Công nghệ tỉnh An Huy, đã bị đưa tới Khoa Tâm thần của Bệnh viện Nhân dân Số 4 Hà Bắc vào năm 2001. Bác sỹ và y tá đã tiêm và cho bà dùng thuốc gây tổn hại hệ thần kinh trong gần 10 tháng. Ban đầu, bà bị cho dùng những loại thuốc này ba lần một ngày, mỗi lần dùng một nhúm nhỏ. Sau đó, bà bị cho dùng thuốc dạng viên ba lần một ngày, mỗi lần khoảng bốn viên. Cuối cùng, bà bị cho dùng 1 đến 2 viên trong ba lần một ngày. Bà đã nhiều lần yêu cầu dừng việc dùng thuốc, nhưng vô ích. Bà bắt đầu di chuyển chậm chạp, bà ngủ rất sâu và khó để đánh thức bà dậy. Tâm trí của bà hỗn loạn, chu kỳ kinh nguyệt của bà dừng lại, phản ứng của bà chậm chạp và khi tỉnh giấc bà không thể ngồi yên.

Bác sỹ sử dụng châm điện để sốc điện bà Ngô. Mỗi ngày, các bác sỹ đều châm kim vào thái dương của bà, khiến hệ thần kinh toàn thân bà bị co thắt. Bà vô cùng đau đớn và cảm giác như tóc bị giật ra khỏi đầu mình. Khi sốc điện, họ trói bà vào giường và bác sỹ đe dọa tăng điện áp nếu bà không hợp tác.

Sáu tháng sau, bác sỹ Lý Uyển đã thú nhận với bà Ngô: “Tôi đã theo dõi bà trong thời gian dài và bà không hề có bệnh tâm thần. Chính quyền đã ra lệnh rằng phải cho bà dùng một số loại thuốc nhất định.”

Bị giam giữ tùy tiện lên đến 12 năm

Như đề cập ở trên, một số học viên đã bị giam giữ tại bệnh viện tâm thần trong thời gian dài, đôi khi là hơn 10 năm.

Ông Trương Ngọc Long, một kỹ sư ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã bị giam giữ tại Bệnh viện não Nam Kinh trong 12 năm. Vợ ông bị buộc phải ly hôn ông và bà được trao quyền nuôi con. Ông bị suy sụp tinh thần và không thể tự chăm sóc cho mình.

Ông Lưu Dũng, một cựu nhân viên của Tập đoàn Thép Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc, đã bị đưa tới Bệnh viện Số 6 Bảo Định vào năm 2001 và ông cũng bị giam giữ tại đây 12 năm. Ông bị cho dùng thuốc, bị tiêm thuốc độc vào hệ thần kinh trung ương và suýt chết.

Tiêu chuẩn xuất viện

Hầu hết các học viên bị đưa tới bệnh viện tâm thần đã từng bị các đồn cảnh sát địa phương, ủy ban khu phố, trung tâm tẩy não hoặc nhà tù tra tấn và cưỡng bức trước đó. Khi nhà chức trách không thể buộc họ từ bỏ đức tin thông qua cưỡng chế và bạo lực, họ nỗ lực chuyển hóa học viên thông qua thuốc tâm thần.

Trường hợp của một học viên ở thành phố Thái Thương, tỉnh Giang Tô, bệnh viện tâm thần đã viết lý do nhập viện của bà là: “Bà bị cảnh sát đưa tới đây vì bà kiên định tu luyện Pháp Luân Công.” Khi bà được trả tự do sau khi bị cưỡng bức từ bỏ Pháp Luân Công, bệnh viện đã ghi chú rằng: “Bà được chấp thuận xuất viện vì bà đã có sự hiểu biết đúng đắn về Pháp Luân Công.”

Luật Sức khỏe tâm thần Trung Quốc được thông qua vào năm 2012 quy định rõ ràng rằng để một người được đưa vào bệnh viện tâm thần, người đó phải bị “bệnh nặng” và có nguy cơ “gây hại cho xã hội”. Tuy nhiên, bất chấp sự thật rằng các học viên Pháp Luân Công có tinh thần khỏe mạnh không đạt một trong hai tiêu chí này, nhưng nhân viên y tế vẫn tiếp nhận họ với lý do tuân lệnh của cấp trên.

Đồng thời, trong khi các bệnh viện tâm thần thừa nhận rằng học viên Pháp Luân Công không bị rối loạn tâm thần, họ vẫn kê đơn thuốc và tiêm thuốc tâm thần cho học viên. Nếu học viên vẫn kiên định tu luyện Pháp Luân Công, bệnh viện sẽ tăng liều lượng thuốc hoặc bắt đầu sử dụng việc sốc điện. Nếu học viên đồng ý viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, họ sẽ đạt tiêu chuẩn xuất viện.

47a03cfc3c52ec2b788a9e237a8c647c.jpg

Minh họa tra tấn: Kim châm điện

Ông Triệu Tương Hải, nhân viên lái cần cẩu tại Công ty Thép thành phố Tương Đàm ở tỉnh Hồ Nam, đã bị giam giữ tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Tương Đàm trong 6 năm. Bệnh viện nói rằng ông phải nộp chi phí y tế và phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công để được trả tự do.

Một học viên báo cáo rằng bà đã trải qua cơn đau đớn tột cùng sau khi bị tiêm thuốc tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Từ Châu ở tỉnh Giang Tô. Sự đau đớn dữ dội tới mức bà không thể ngừng đập mình vào tường. Khi bà hỏi y tá tại sao họ lại tiêm thuốc độc cho bà, y tá trả lời rằng họ chỉ đang làm việc của mình và phải tuân theo lệnh của cấp trên. Họ nói cách duy nhất để họ ngừng tiêm thuốc là học viên phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Hậu quả nghiêm trọng của “các phương pháp điều trị”

Cô Quách Mẫn, một nhân viên tại chi nhánh thị trấn Tây Mã của Cục thuế Hy Thủy, tỉnh Hồ Bắc đã bị bắt giữ vào tháng 3 năm 2000 vì mang theo sách Pháp Luân Công. Cô bị đưa tới Bệnh viện Tâm thần Khang Thái ở thành phố Hoàng Cương và được điều trị như bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Sau đó, cô bị chuyển tới Bệnh viên Tâm thần huyện Hy Thủy vào năm 2002 và bị giam giữ tại đây 8 năm. Cô Quách bị cho dùng thuốc gây tổn hại hệ thần kinh trung ương khiến cô bị vô kinh (không có kinh nguyệt) trong 6 năm và bụng cô sưng to tới mức nhìn cô giống như người phụ nữ đang mang thai nặng nề. Sau khi bị giam giữ tại hai bệnh viện tâm thần trong 10 năm, cô Quách đã qua đời vào ngày 4 tháng 8 năm 2011, hưởng dương 38 tuổi.

Anh Tô Cương, một kỹ sư máy tính của Công ty Hóa dầu Tề Lỗ ở tỉnh Sơn Đông, đã bị đưa tới Bệnh viên Tâm thần Xương Lạc, Duy Phường vào ngày 23 tháng 5 năm 2000. Sau khi bị cho dùng thuốc 9 ngày tại bệnh viện tâm thần, anh Tô đã được trao cho cha mình. Khi đó, đôi mắt của anh đờ đẫn và vô cảm, phản ứng của anh chậm chạp, chân tay cứng đơ, khuôn mặt nhợt nhạt và anh vô cùng yếu ớt. Tám ngày sau, ngày 10 tháng 6, anh đã qua đời do bị suy tim, hưởng dương 32 tuổi.

Cô Mã Diễm Phương, nhân viên của Nhà máy Gốm sứ thành phố Chư Thành ở tỉnh Sơn Đông, đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 4 năm 2000. Sau đó, cô bị bắt giữ và bị đưa tới Bệnh viện Tâm thần Chư Thành. Bác sỹ tại đây đã cho cô dùng thuốc tâm thần khiến cô qua đời tại bệnh viện sau hai tháng vào tháng 9 năm 2000, hưởng dương 33 tuổi.

Khi bà Lưu Hiểu Liên, một cư dân ở thành phố Xích Bích, tỉnh Hồ Bắc bị giam giữ lần thứ 4 vào tháng 4 năm 2006 vì tu luyện Pháp Luân Công, thay vì giam bà trong trại tạm giam, các quan chức lại đưa bà thẳng tới Bệnh viện Tâm thần Bồ Phưởng ở địa phương. Bà đã bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc trong 24 giờ. Toàn thân của bà tím đen và bà đã mất ý thức trong hai ngày. Khi tỉnh lại, bà đã bị câm.

Ngay sau khi được trả tự do, bà Lưu bị bắt giữ lần nữa vào tháng 9 năm 2006 và bị giam giữ tại Bệnh viện Tâm thần Bồ Phưởng, tại đây bà thường bị bức thực, sốc điện và cho dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Toàn thân của bà sưng phù và da bà chuyển sang màu đục. Khi bà được đưa tới bệnh viện để siêu âm, bác sỹ đã sốc khi thấy tim của bà bị tổn thương tới mức tâm thất không thể đóng lại được. Bà qua đời vào chiều ngày 26 tháng 10 năm 2008. Ngay sau đó, một cảnh sát của Phòng 610 thành phố Xích Bích đã gọi cho quan chức địa phương chúc mừng họ về cái chết của bà.

Cô Lục Hồng Phong là phó hiệu trưởng trường tiểu học ở thành phố Wuling, Khu Tự trị Dân tộc Hồi Ninh Hạ. Tháng 3 năm 2000, Sở giáo dục Wuling đã đình chỉ việc của cô vì cô ký vào đơn kiến nghị ngừng cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chồng cô cùng với nhà chức trách địa phương đã đưa cô tới bệnh viên tâm thần vào ngày 7 tháng 7 năm 2000. Cô bị trói trên giường trong bệnh viện và bị tiêm một loại thuốc tám lần với liều lượng thông thường để buộc cô từ bỏ Pháp Luân Công. Sau 5 ngày tra tấn tại bệnh viện tâm thần, hệ thần kinh của cô Lục đã bị phá hủy và cô trở nên rất yếu. Cô được đưa về nhà vào tháng 7 năm 2000, nhưng chồng cô tiếp tục tiêm thuốc cho cô với liều lượng lớn cho đến khi cô qua đời vào ngày 6 tháng 9 năm 2000, hưởng dương 37 tuổi.

Bà Lữ Yến Phi là cựu hội trưởng Hội Phụ nữ quận Thuyền Sơn ở thành phố Toại Ninh và là đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn. Bà bị chuyển tới Bệnh viện Tâm thần Bắc Cố sau vụ bắt giữ vào ngày 2 tháng 3 năm 2006. Một bác sỹ đã cưỡng bức tiêm thuốc cho bà, khiến bà mất cảm giác và mất khả năng vận động lưỡi trong 3 ngày.

Sau đó, bà Lữ bị chuyển tới Bệnh viện Dân Khang, tại đây bà nhiều lần bị trói, bức thực và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc với liều lượng lớn. Điều này khiến bà bị mù, rụng hết tóc, lú lẫn và không thể ngủ được. Chân của bà cũng sưng tấy và bà còn bị mất trí nhớ.

Bà Tề Bỉnh Thục, ngoài 60 tuổi, là cháu gái của một họa sỹ nổi tiếng, ông Tề Bạch Thạch. Bản thân bà cũng là một họa sỹ nổi tiếng. Bởi bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, bà đã bị anh trai đưa tới Bệnh viện tâm thần Đại Liễu Thụ ở Bắc Kinh. Bác sỹ nói rằng bà bị “rối loạn tâm thần khí công” và đã tiêm thuốc không rõ nguồn gốc cho bà. Họ còn tuyên bố rằng bà không thể được xuất viện cho đến khi “sự cố” với Pháp Luân Công kết thúc. Một năm sau, bà bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Tây An. Sự giam cầm và tra tấn khiến tóc bà chuyển sang màu xám và tay bà run rẩy không tự chủ, bà gặp vô cùng khó khăn khi vẽ.

Bài liên quan:

Trường hợp mới về các học viên Pháp Luân Công qua đời do bị ép dùng thuốc không rõ nguồn gốc trong khi bị giam (Ảnh)

Sự tra tấn tinh thần và thí nghiệm trên thân thể người của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công

Báo cáo tổng hợp: Các học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh bị tra tấn đến chết trong các bệnh viện tâm thần

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/8/488076.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/3/225306.html

Đăng ngày 16-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share