Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 02-03-2025] Tháng 2 năm 2025 có 8 trường hợp học viên Pháp Luân Công được báo cáo qua đời do bị bức hại.
Trong 8 trường hợp tử vong mới được báo cáo, có 1 trường hợp xảy ra vào năm 2023, 4 trường hợp năm 2024, và 3 trường hợp năm 2025. 6 phụ nữ và 2 người đàn ông đã qua đời, ở độ tuổi từ 60 đến 74, đến từ 4 tỉnh thành. Sơn Đông có 4 trường hợp, tiếp theo là Hà Bắc (2 trường hợp), Hắc Long Giang và Quảng Đông (mỗi nơi 1 trường hợp). Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), việc bức hại các học viên Pháp Luân Công vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời, cũng như không phải mọi thông tin đều có sẵn.
8 trường hợp này đại diện cho những thống khổ về thể chất, tinh thần lẫn tài chính mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng trong cuộc bức hại kéo dài 26 năm.
Một người đàn ông ở Hà Bắc đã chết trong tù trong khi thụ án 13 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Một phụ nữ ở Sơn Đông qua đời 2 tuần sau khi được thả khỏi nhà tù trong tình trạng nguy kịch. Sức khỏe của bà suy giảm nhanh chóng chỉ sau 4 tháng bị cầm tù. Một phụ nữ ở Quảng Đông bị từ chối bảo lãnh y tế sau khi bà bị ung thư tử cung trong tù, và bà đã qua đời 2 năm sau khi được trả tự do.
Ngoài việc bị tra tấn thể xác trong tù, 2 học viên từng bị giam giữ trong các bệnh viện tâm thần và bị ép dùng thuốc, một thủ đoạn thường được sử dụng để bức hại các học viên.
Một người đàn ông ở Hà Bắc bị khủng hoảng tinh thần khi chính quyền đình chỉ lương hưu của ông vào năm 2022. Không lâu sau, ông bị đột quỵ, và qua đời 2 năm sau đó.
Ngoài sự thống khổ của bản thân, một phụ nữ cũng mất đi 3 thành viên gia đình vì cuộc bức hại trước khi bà qua đời.
Dưới đây là phần tóm tắt về 8 trường hợp tử vong. Danh sách các học viên tử vong có thể được tải xuống tại đây (PDF).
Tử vong trong khi giam giữ
Tin Muộn: Người đàn ông Hà Bắc 67 tuổi qua đời khi đang thụ án 13 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Ông Tả Hồng Đào, ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, đã qua đời vào ngày 6 tháng 8 năm 2024, khi đang thụ án 13 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông hưởng thọ 67 tuổi.
Ngày 9 tháng 6 năm 2017, ông Tả bị bắt giữ và bị kết án tù vào tháng 1 năm 2018, sau đó ông bị đưa tới Phân khu 19 của Nhà tù Bảo Định. Ngày 19 tháng 7 năm 2024, ông lâm bệnh nặng và được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Sau đó, ông được xuất viện và bị đưa trở lại nhà tù,nơi ông qua đời vào ngày 6 tháng 8. Gia đình không được phép đến gần thi thể của ông. Nhà tù đã hỏa táng thi thể của ông Tả mà không có sự đồng ý của gia đình.
Tử vong sau khi ra khỏi tù
Giữa tháng 10 năm 2024, một cư dân 63 tuổi ở thành phố Tê Hà, tỉnh Sơn Đông, bị bắt để thụ án 3 năm tù, được tuyên vào tháng 3 năm 2023, vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà Lâm Kiến Bình bị ngược đãi và rơi vào tình trạng nguy kịch. Ngày 30 tháng 1 năm 2025, ban quản lý nhà tù cho phép bà bảo lãnh y tế, sau đó bà qua đời vào ngày 13 tháng 2. Bà hưởng thọ 63 tuổi.
Bà Lâm Kiến Bình
Sự ra đi của bà Lâm khép lại hàng thập kỷ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại vì kiên định đức tin. Ngày 26 tháng 9 năm 2004, bà bị bắt, sau đó bị giam trong trại lao động cưỡng bức trong 3 năm. Sau khi mãn hạn, bà bị đưa thẳng đến nhà tù để thụ án 3 năm tù, mà không qua bất kỳ thủ tục tố tụng nào. Bà bị tra tấn tàn bạo trong thời gian bị giam giữ.
Sau lần bị bắt vào ngày 6 tháng 2 năm 2022, bà Lâm được thả, và bị quản thúc tại nhà cùng ngày hôm đó. Ngày 29 tháng 3 năm 2023, bà lại bị kết án 3 năm tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ. Kháng cáo của bà nhanh chóng bị Tòa án Trung cấp thành phố Yên Đài bác bỏ. Bà không bị tống giam ngay lập tức vì lý do sức khỏe.
Tháng 9 năm 2024, cảnh sát cạy cửa nhà bà và đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ. Bà được xác định là không đủ sức khoẻ để giam giữ, và được đưa về nhà. Khoảng giữa tháng 10 năm 2024, cảnh sát cố gắng bắt bà lần nữa, và đưa bà đến Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông, nằm ở thủ phủ Tế Nam
Vì bị ngược đãi ở trong tù, bà Lâm rơi vào trạng thái nguy kịch, mất nhận thức và mê man. Sau đó, vào ngày 30 tháng 1 năm 2025 (Mồng 2 Tết Cổ truyền), nhà tù thông báo gia đình bà đến đón bà về. Gia đình đưa bà Lâm thẳng đến bệnh viện để cấp cứu. Bà mất lúc 2 giờ sáng ngày 13 tháng 2 năm 2025. Không rõ bà Lâm qua đời tại bệnh viện hay tại nhà.
Bị đầu độc và tra tấn trong tù, cụ bà 74 tuổi qua đời chưa đầy 2 năm sau khi được trả tự do
Bà Vương Ngọc Linh, cư dân thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời vào ngày 7 tháng 10 năm 2024, chưa đầy 2 năm sau khi mãn hạn tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Do bị tra tấn về thể xác và cưỡng bức sử dụng thuốc trong tù, bà gặp khó khăn trong việc phục hồi và phải chịu đựng nỗi đau đớn tột cùng trong những năm cuối đời. Bà qua đời ở tuổi 74.
Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Vương liên tục bị nhắm đến vì kiên định đức tin. Vào năm 1999, vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công, bà bị giam trong bệnh viện tâm thần, nơi bà bị tiêm thuốc độc và bị sốc điện.
Tháng 9 năm 2002, 2 tháng trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 16 của ĐCSTQ, bà Vương bị bắt, và lại bị giam giữ tại một bệnh viện tâm thần. Bà lại bị tiêm và bị ép uống thuốc độc. Sau đó, chính quyền chuyển bà đến Trại tạm giam Chương Điền, và kết án bà 3 năm lao động cưỡng bức. Trong thời gian thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn, bà bị biệt giam trong thời gian dài, bị cấm ngủ và bị ép phải xem các tài liệu tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công.
Cuối tháng 8 năm 2021, bà Vương bị bắt một lần nữa sau khi bị cảnh sát theo dõi vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị thẩm vấn tại Đồn Công an Quận Truy Xuyên. Cảnh sát tống tiền bà 2.000 Nhân dân tệ trước khi thả bà ra và quản thúc tại gia. Nhà của bà cũng bị lục soát.
Lần bắt giữ cuối cùng của bà Vương là vào tháng 7 năm 2022, dẫn đến án tù 1,5 năm. Vì bà cự tuyệt từ bỏ Pháp Luân Công, bà bị biệt giam trong năm tháng tại Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông. Bốn tù nhân luân phiên giám sát bà suốt ngày đêm. Họ cũng ra lệnh cho bà viết bài để lên án Pháp Luân Công mỗi ngày. Khi bà không tuân thủ, họ nắm lấy tay bà và buộc bà phải viết.
Các lính canh còn ép bà Vương uống thuốc không rõ chủng loại 3 lần mỗi. Các tù nhân ép bà uống nếu bà không hợp tác. Được sự xúi giục của lính canh, các tù nhân có thể tùy ý đánh đập và lăng mạ bà. Bà thường xuyên bị bắt ngồi trên ghế đẩu nhỏ bất động trong nhiều giờ, và bị cấm sử dụng nhà vệ sinh.
Sau khi mãn hạn tù vào ngày 30 tháng 1 năm 2023, bà Vương đã rất yếu, và phải chịu đựng các biến chứng nghiêm trọng do bị đầu độc trong tù. Cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm, đôi khi khiến bà phải hét lên vì đau đớn.
Ngày 31 tháng 8 năm 2024, bà Vương đột nhiên bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sỹ chẩn đoán bà bị suy đa tạng. Bà qua đời 2 tháng sau đó, vào ngày 7 tháng 10 năm 2024.
Người phụ nữ Quảng Đông bị từ chối tạm tha dù bị ung thư tử cung, qua đời sau hai năm được ra tù
Bà Khâu Hán Nùng, một cư dân thành phố Hà Nguyên, tỉnh Quảng Đông, bị ung thư tử cung trong thời gian thụ án 4 năm 3 tháng tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Yêu cầu bản lãnh của bà bị từ chối, và bà vẫn bị giam giữ đến khi mãn hạn tù vào tháng 12 năm 2022. Sau khi được thả, tình trạng của bà ngày một xấu đi, và bà qua đời ngày 14 tháng 12 năm 2024, hưởng thọ 66 tuổi.
Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, bà Khâu từng bị bắt 3 lần và bị giam 2 lần với tổng cộng là 7 năm 3 tháng.
Bà Khâu bị bắt lần đầu vào ngày 3 tháng 8 năm 2013, và tài sản cá nhân của bà bị tịch thu. Tháng 9 năm 2013, bà Khâu bị bắt lần nữa vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, và bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức.
Lần bắt giữ cuối cùng của bà là vào ngày 11 tháng 9 năm 2018. Ngày 21 tháng 9, gia đình bà đến gặp cảnh sát huyện Đông Nguyên để yêu cầu thả bà, nhưng bị đe dọa và phải rời đi. Cảnh sát còng tay ba thành viên trong gia đình bà trong vài giờ. Ngày 4 tháng 4 năm 2019, bà Khâu bị xét xử tại Tòa án quận Nguyên Thành, và bị kết án 4 năm 3 tháng tù, với khoản tiền phạt 3.000 Nhân đân tệ.
Do bị bức hại trong nhiều năm, bà Khâu bị mắc bệnh ung thư tử cung trong thời gian thụ án tại nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông. Bất chấp tình trạng của bà, nhà tù vẫn từ chối thả bà để chữa trị y tế. Sau khi bà Khâu mãn hạn tù và được thả, gia đình bà không cho bà tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Tình trạng của bà ngày càng xấu đi, và cuối cùng bà đã qua đời.
Tử vong do bị bức hại trong thời gian dài và huỷ hoại tài chính
Người đàn ông Hà Bắc 62 tuổi đột quỵ sau khi bị tước lương hưu, qua đời hai năm sau đó
Năm 2022, một cư dân thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc, bị tước lương hưu vì đức tin vào Pháp Luân Công. Từng phải chịu đựng hàng thập kỷ bị bức hại vì đức tin, việc bị đình chỉ lương hưu trở thành giọt nước tràn ly khiến ông Lỗ Xuân Dương suy sụp. Ông bị đột quỵ không lâu sau đó, và qua đời vào ngày 15 tháng 1 năm 2025. Ông hưởng thọ 62 tuổi.
Ông Lỗ Xuân Dương
Ông Lỗ, từng là giám đốc văn phòng của công ty xuất khẩu thành phố Tam Hà, và vợ ông, bà Lệ Vĩnh Liên, từng dạy tại Trường tiểu học Số 4 thành phố Tam Hà, đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu 2 năm sau đó, họ liên tục bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm tới.
Hai vợ chồng ông đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày cuộc bức hại chính thức bắt đầu. Họ bị bắt và bị đưa đến thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Họ bị giam giữ ngoài trời dưới ánh nắng như thiêu đốt suốt cả ngày. Đêm đó, ông Lỗ bị đưa đến nơi làm việc và bị buộc phải viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Vợ ông bị đưa đến lần lượt qua hai khách sạn khác nhau. Hai ngày sau, một quan chức thành phố yêu cầu bà lên TV để vu khống Pháp Luân Công. Bà từ chối và ban giám hiệu nhà trường cảnh báo bà về “những ngày khó khăn phía trước” vì bà dám thách thức quan chức thành phố. Sau đó bà bị đưa đến trường và bị giam giữ ở đó mà không được liên lạc với gia đình.
Lúc 11 giờ tối ngày 23 tháng 9 năm 1999, vợ chồng ông cùng con gái của họ đang ngủ say thì có người đập cửa. Ông Lỗ mở cửa, và thấy khoảng 8 cảnh sát từ Đồn Công an Bắc Thành xông vào. Họ tịch thu sách Pháp Luân Công của vợ chồng ông và bắt vợ ông. Bà Lệ bị giam tại trại tạm giam thành phố Tam Hà trong một khoảng thời gian không xác định.
Ngày 28 tháng 8 năm 2000, bà Lệ và ông Lỗ đều bị bắt tại nơi làm việc, và nhà của họ bị lục soát. Ông Lỗ từ chối ký vào thông báo tạm giam hình sự, và cảnh sát đè ông xuống rồi vặn một tay ra sau lưng để còng vào tay kia kéo qua vai từ phía trước. Ông hét lên vì đau đớn. Trong khi đưa ông đến Trại tạm giam, còng tay cứa vào da thịt ông, và cảnh sát đã để một thời gian dài trước khi tháo chúng ra. Các vết thương trên cổ tay ông mãi đến vài tháng sau mới lành.
Tháng 9 năm 2000, công ty ông Lỗ ngừng trả lương cho ông khi ông vẫn còn bị giam giữ. Sau khi ông được thả vào giữa tháng 12 năm 2000, họ không cho phép ông trở lại làm việc, và chính thức sa thải ông vào năm 2002. Vợ ông bị mất việc vào năm 2000. Chính quyền cũng vu khống vợ chồng ông trên truyền hình.
Sau khi bị mất việc, hai vợ chồng họ làm việc tại một vườn cây ăn quả để kiếm sống. Ngày 25 tháng 9 năm 2002, khi đang làm việc tại vườn cây, ông Lỗ bị hơn 10 cảnh sát từ Đồn Công an Bắc Thành bắt giữ. Họ đến bằng nhiều xe ô tô không có biển số, mang theo ống nhòm và bộ đàm. 2 cảnh sát trẻ hơn đấm vào đầu ông Lỗ, khiến đầu ông sưng to, và sau đó ông đã bị đau đầu. Ông hét lên: “Cảnh sát đang đánh người!” Họ nhét cát vào miệng ông và đưa ông lên một chiếc xe tải nhỏ. Ông thậm chí không được phép mặc áo khoác và đi giầy.
Cảnh sát đưa ông Lỗ đến bệnh viện để lấy thuốc điều trị vết thương ở đầu. Không rõ liệu ông có bị buộc phải trả hơn 600 Nhân dân tệ chi phí y tế hay không. Ông được phát hiện bị huyết áp rất cao (chỉ số huyết áp tâm thu gần 200 mmHg, trong khi chỉ số bình thường là 120 hoặc thấp hơn). Bất chấp điều đó, cảnh sát vẫn đưa ông lên xe và chở ông đến Trung tâm Tẩy não Lang Phường sau khi kiểm tra sức khỏe. Ông bị giam ở đó 20 ngày. Công ty cũ của ông, công ty xuất khẩu thành phố Tam Hà, phải trả cho trung tâm tẩy não 8.000 Nhân tệ để đổi lấy việc ông được thả.
Cha của ông Lỗ bị sốc vì việc bức hại của con trai mình và đổ bệnh. Ông cụ phải nhập viện nhiều lần và qua đời vào năm 2009. Mẹ của ông Lỗ bị sa sút trí tuệ và cần được chăm sóc suốt ngày đêm. Bà qua đời vào năm 2015. Con gái của ông Lỗ lớn lên chứng kiến cảnh cha mẹ mình bị bức hại, và kết quả học tập của cô bị giảm sút do sang chấn tâm lý.
Trong vài năm tiếp theo, ông Lỗ và vợ ông phải chịu đựng sự sách nhiễu không ngừng. Vào năm 2022, Sở Nhân sự thành phố Tam Hà xóa bỏ thâm niên công tác của vợ chồng ông Lỗ, nghĩa là họ không có lương hưu. Ông Lỗ bị suy sụp đến mức bị đột quỵ không lâu sau đó. Ông không bao giờ hồi phục, và qua đời vào ngày 15 tháng 1 năm 2025.
Năm 2015, bà Hồ Khắc Linh đệ đơn kiện hình sự cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công dẫn đến việc bà bị bắt giữ và lạm dụng. Cư dân thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông này sau đó bị cảnh sát giám sát chặt chẽ và phải sống phiêu dạt. Cuộc sống không ổn định cộng với áp lực tinh thần đã ảnh hưởng đến bà, khiến sức khỏe của bà bắt đầu suy giảm vào năm 2018. Bà không bao giờ hồi phục, và qua đời vào tháng 11 năm 2024. Bà hưởng thọ 60 tuổi.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Hồ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 14 tháng 2 năm 2000 và bị bắt. Chồng bà rất sợ bị liên lụy vì khi đó ông là một quan chức chính phủ cấp cục. Ông đá và đấm bà sau khi bà trở về nhà.
Ngày 27 tháng 9 năm 2000, bà Hồ đến Bắc Kinh và lại bị bắt. Cảnh sát Bắc Kinh sốc điện bà ở cổ, má và mu bàn tay bằng dùi cui điện. Bà bị những vết bỏng vĩnh viễn trên cổ.
Ngày 28 tháng 12 năm 2001, bà Hồ bị bắt, và chồng bà ly hôn với bà vào ngày hôm sau. Bà bị đưa đến trại tạm giam Lai Tây, và bị giam ở đó trong một khoảng thời gian không xác định. Sau khi được thả, bà không có nhà để về, và sống trong cảnh khốn khó trong 9 tháng tiếp theo.
Ngày 24 tháng 9 năm 2002, khi lên tàu đến Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, bà Hồ bị bắt tại nhà ga, và bị đưa đến Đồn Công an Thành Quan. Ba ngày sau, cảnh sát cố gắng đưa bà vào Trại Lao động Vương Thôn nhưng không thành công. Sau đó, họ thử đưa bà đến một trung tâm tẩy não, nhưng lính canh ở đó từ chối nhận bà.
Sau đó, cảnh sát làm việc với lãnh đạo của bà ở Trường Trung học Thực nghiệm thành phố Lai Tây, và đưa bà đến khoa tâm thần của Bệnh viện Số 2 Lai Tây. Bà bị trói vào giường và bị tiêm ngay lập tức. Sau đó, bà trở nên buồn ngủ và ngủ cả đêm. Bắt đầu từ ngày hôm sau, bà bị ép uống thuốc không rõ chủng loại hoặc bị tiêm hàng ngày. Bà không được thả cho đến ngày 29 tháng 1 năm 2003. Trường học của bà yêu cầu bà phải chi trả tất cả chi phí y tế trong thời gian 4 tháng nằm viện.
Bà Hồ từng kể chi tiết về khó khăn của mình trong báo cáo trước đây. Bà cho biết khi vào viện, bà hoàn toàn khỏe mạnh nhưng khi ra viện bà gần như bị tâm thần do thuốc. Khi được thả, chân tay bà cứng đờ, thị lực mờ đi, và bà cảm thấy tê liệt và vô cảm. Mặt bà trở nên xanh xao và gầy gò, đôi mắt vô hồn còn toàn thân thì run rẩy. Bà không có kinh nguyệt trong thời gian ở bệnh viện. Thậm chí sau 6 tháng được thả, bàn chân của bà vẫn còn sưng tấy đến mức bà không thể xỏ giày. Các khớp ngón tay của bà bị sưng to và biến dạng.
Các khớp ngón tay bị biến dạng của bà Hồ Khắc Linh
Năm 2006, không lâu sau khi học kỳ mùa xuân bắt đầu, trường học của bà Hồ giáng chức bà xuống làm việc tại thư viện theo chỉ thị của Phòng Giáo dục thành phố Lai Tây. Phòng 610 thành phố Lai Tây ra lệnh đình chỉ lương của bà, và chỉ cấp cho bà một khoản trợ cấp là 380 Nhân dân tệ hàng tháng. Tuy nhiên, kế toán của trường thậm chí còn giữ lại khoản trợ cấp này.
Ngày 13 tháng 7 năm 2006, hơn 10 cảnh sát đến bắt bà Hồ tại trường một lần nữa, và giam bà tại trại tạm giam Đại Sơn. 11 ngày sau, bà bị quản thúc tại gia, và bị đưa trở về nhà mình tại một căn hộ do trường cấp nằm trong khuôn viên trường. Khoảng 8 người canh giữ nhà bà cả ngày lẫn đêm, và chi phí bữa ăn của họ đều bị trừ vào lương của bà, vốn đã được phục hồi vào thời điểm đó. Trường học thậm chí còn phá cửa sổ của bà và lắp hai thanh kim loại để ngăn bà trốn thoát. Bà cố gắng trèo tường và trốn thoát vào ngày 26 tháng 7 năm 2006.
Đầu năm 2007, phòng giáo dục chính thức sa thải bà Hồ. Trước đó, họ nhiều lần từ chối thăng chức cho bà mặc dù họ thừa nhận bà là một giáo viên xuất sắc. Bà sống trong hoàn cảnh khốn khó trong những năm cuối đời.
Bà Lư Quế Quyên, một cư dân 73 tuổi ở thành phố Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời vào ngày 25 tháng 2 năm 2025, sau nhiều năm bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Lư phải chịu 3 năm lao động cưỡng bức (từ năm 2001 đến năm 2004) và một án tù 6,5 năm (từ năm 2009 đến năm 2015). Ngoài ra, bà còn bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não ba lần với tổng thời gian khoảng 30 ngày và bị giam giữ ở các cơ sở giam giữ khác với tổng thời gian là 210 ngày. Nhà bà bị đột kích nhiều lần và tài sản cá nhân của bà giá trị 91.000 nhân dân tệ cũng bị tịch thu. Số tiền mặt tịch thu từ nhà bà và tiền phạt bà phải nộp lên tới 202.284 nhân dân tệ. Khi không bị giam giữ, bà phải chịu giám sát nghiêm ngặt và bị sách nhiễu liên tục. Bức hại không ngừng nghỉ cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của bà.
Ngày 30 tháng 3 năm 2009, bà Lư và chồng bị bắt giữ trong một cuộc truy quét của cảnh sát. Máy tính, máy in, hơn 100.000 Nhân dân tệ tiền mặt, cùng với các vật phẩm có giá trị khác của họ bị cảnh sát thu giữ. Sau đó, họ bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Các lính canh ở đây treo bà Lư lên thanh chắn ngang trên cùng của chiếc giường tầng trong khi chỉ để các đầu ngón chân bà chạm đất. Hình thức tra tấn này diễn ra 24 giờ một ngày, kéo dài trong nhiều ngày liên tục. Chân bà sưng tấy nghiêm trọng, khiến bà không thể đi giày được.
Mô phỏng tra tấn: Treo trên giường tầng với bàn chân hầu như không chạm đất
Giữa tháng 4 năm 2009, bà Lư bị chuyển vào Trại tạm giam thành phố Chư Thành. Vào tháng 9, huyết áp của bà tăng vọt tới mức 230 mmHg (trong khi mức thông thường là 120 hoặc thấp hơn), nhưng các lính canh từ chối thả bà. Ngày 28 tháng 12 năm 2009, chồng bà bị Tòa án thành phố Chư Thành triệu tập và khi tới nơi, ông bị đưa thẳng tới cùng trại tạm giam.
Ngày 9 tháng 4 năm 2010, tòa án thành phố Chư Thành kết án bà Lư 6,5 năm tù và chồng bà bị kết án 3,5 năm. Kháng cáo của họ bị bác bỏ, và họ bị đưa vào Nhà tù Tế Nam. Khi tới nhà tù thăm họ, người nhà họ biết được huyết áp của bà Lư vẫn ở mức 230 mmHg.
Trong thời gian ngồi tù, sức khỏe bà Lư bị tổn hại. Bà không thể hồi phục sau khi được thả vào năm 2015. Bà qua đời vào ngày 25 tháng 2 năm 2025.
Ảnh hưởng đến gia đình
Bà Hàn Thục Quyên, một cư dân Kiến Tam Giang, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 30 tháng 7 năm 2023, sau khi phải chịu đựng hàng thập kỷ bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 60 tuổi.
Bà Hàn từng làm việc cho nhà máy gạch liên kết với Nông trường Thất Tinh. Sau khi bà và chồng, ông Thạch Mạnh Xương, bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1996, họ không những không cãi nhau nữa, mà cuộc sống gia đình của họ trở nên hòa thuận. Sau khi chứng kiến những thay đổi của hai người, hơn 30 thành viên trong gia đình họ cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, bao gồm cha của bà Hàn, ông Hàn Chấn Khuê, bố chồng bà là ông Thạch Điện Lập, mẹ chồng bà là Vương Khánh Vinh, chị dâu bà là Thạch Tú Anh, và em rể là ông Thạch Mạnh Văn.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Hàn và chồng bà bị bắt và giam giữ nhiều lần. Bà Hàn từng bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não trong 183 ngày. Bà cũng bị giam 3 năm trong trại lao động cưỡng bức, và bị kết án 1 lần. Ông Thạch từng thụ án 2 lần lao động cưỡng bức với tổng thời gian là 5 năm, 1 án tù 2,5 năm, và bị tạm giam tại nhiều cơ sở khác nhau trong khoảng 10 tháng. Con trai của họ, anh Thạch Kỳ Lỗi, phải bỏ học trung học ở tuổi 16, và làm việc để tự nuôi sống bản thân.
Ngoài hai vợ chồng, em trai của ông Thạch, ông Thạch Mạnh Văn, từng thụ án lao động cưỡng bức 2 năm vào tháng 11 năm 2000, và bị kết án 5,5 năm tù vào năm 2008 và 3 năm tù vào năm 2014. Khi ông bị giam giữ, cô con gái 10 tuổi của ông phải sống một mình và thường chỉ ăn mì ăn liền, vì mẹ cô bé đi làm xa. Bà của cô bé, ở độ tuổi 70, phải đi lại giữa 3 nơi để chăm sóc chồng, cháu trai và cháu gái.
Chị gái của anh em nhà họ Thạch, bà Thạch Tú Anh, bị lục soát nhà nhiều lần. Bà bị ung thư dạ dày khi bị giam giữ tại Trung tâm Tẩy não Thanh Long Sơn vào tháng 10 năm 2010. Bà được trả tự do trong tình trạng nguy kịch, và phải phẫu thuật cắt bỏ ba phần tư dạ dày.
Quá khổ sở trước những bức hại liên tiếp của đại gia đình, cha của bà Hàn qua đời vào tháng 1 năm 2012, bố chồng bà qua đời vào năm 2015, và mẹ chồng bà mất vào tháng 1 năm 2023, 6 tháng trước khi bà Hàn qua đời.
Hàng trước, từ trái sang phải: Ông Thạch Kỳ Lỗi, ông Thạch Điện Lập, bà Vương Khánh Vinh, bà Lưu Lệ Mẫn (vợ của ông Thạch Kỳ Lôi)
Hàng sau, từ trái sang phải: Ông Thạch Mạnh Văn, ông Thạch Mạnh Xương, bà Hàn Thục Quyên, bà Thạch Tú Anh
Báo cáo liên quan:
Báo cáo tháng 1 năm 2025: 13 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/2/491250.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/4/225720.html
Đăng ngày 23-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.