Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 02-12-2024] Tháng 11 năm 2024 báo cáo 17 trường hợp học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại đức tin của họ.

17 cái chết mới được báo cáo này bao gồm 1 trường hợp xảy ra năm 2010, 2 trường hợp trong năm 2023, 12 trường hợp từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2024, và 2 trường hợp chưa rõ ngày. Vì sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt, việc bức hại các học viên Pháp Luân Công không thể luôn được báo cáo kịp thời, cũng không phải mọi thông tin đều sẵn có.

11 phụ nữ và 6 đàn ông tử vong đến từ 8 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương. Liêu Ninh ghi nhận nhiều nhất với 6 trường hợp, tiếp theo là 3 ở Cát Lâm và 2 ở Hắc Long Giang.

Ngoại trừ 3 học viên chưa rõ tuổi tác khi thiệt mạng, 14 học viên còn lại qua đời trong khoảng 54 đến 78 tuổi, bao gồm 1 phụ nữ hơn 50 tuổi, 6 người hơn 60 tuổi, và 7 người hơn 70 tuổi.

2 học viên, đều 66 tuổi, qua đời khi thụ án trong tù. Một người đàn ông 78 tuổi qua đời 7 tháng sau khi được thả trong tình trạng nguy kịch. Một phụ nữ 73 tuổi thiệt mạng trong khi bị đưa vào tù để thụ án 3 năm.

Năm 2024, khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bước vào năm thứ 25, một số học viên phải chịu đựng hơn 2 thập kỷ sách nhiễu và khủng bố không ngừng nghỉ. Áp lực tinh thần khủng khiếp đó làm tổn hại sức khỏe của rất nhiều người, thậm chí lấy đi sinh mệnh của một số học viên.

Sau đây là chi tiết một số trường hợp qua đời. Danh sách đầy đủ các học viên thiệt mạng có thể tải tại đây.

Qua đời trong tù

Người đàn ông 66 tuổi qua đời khi đang thụ án 11 năm vì kiện cựu lãnh đạo độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ông Diêm Húc Quang, người thành phố Triêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, qua đời vào ngày 16 tháng 10 năm 2024, khi đang thụ án 11 năm vì kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chế độ Cộng sản Trung Quốc, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Ông thọ 66 tuổi.

Trước đó, vào tháng 5 năm 2015, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc thông báo họ sẽ thụ lý tất cả các vụ án nộp lên. Việc này đã khởi phát một làn sóng các vụ kiện hình sự từ các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới đối với vai trò chủ chốt của Giang Trạch Dân trong việc phát động cuộc bức hại này.

Một tổ công tác được thành lập ở thành phố Triêu Dương để khởi tố các học viên Pháp Luân Công đã kiện Giang. Hơn 300 học viên đã bị bắt ở Triêu Dương vào ngày 9 tháng 11 năm 2015. Ông Diêm bị cảnh sát bắt khi đang đi xe máy trên phố. Cảnh sát đã định vị ông bằng cách theo dõi điện thoại của ông.

Lý Siêu, giám đốc Công an thành phố Triêu Dương, đã yêu cầu viện kiểm sát và tòa án địa phương đẩy nhanh quy trình truy tố các học viên này. Ông Diêm, một điều phối viên tình nguyện của các học viên địa phương, được coi là mục tiêu chính. Vì trước đây ông từng tham gia các hoạt động vạch trần chính sách bức hại “đánh đập các học viên mà không cần nói đến”, được phát ngôn bởi Vương Minh Vũ, cựu bí thư đảng ủy thành phố Triêu Dương, Lý đã thiết lập chế độ giám sát điện thoại của ông Diêm không lâu sau khi nhậm chức vào tháng 5 năm 2013.

Tại Trại tạm giam Thành phố Triêu Dương, ông Diêm mắc một căn bệnh truyền nhiễm. Mặc cho tình trạng nguy kịch của ông, cảnh sát vẫn từ chối thả ông, và chuyển ông tới Phòng Y tế của trại tạm giam tỉnh Liêu Ninh. Họ kiểm soát chặt chẽ các thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông Diêm và nơi ở của ông. Khi gia đinh ông tìm hiểu ra tình trạng của ông và hỏi cảnh sát về chuyện đó, cảnh sát không trả lời trực tiếp, mà hỏi tại sao họ lại biết được chuyện đó.

6d183303a0f91090bd40845ce65192cf.jpg

Ông Diêm khi đang bị giam ở Phòng Y tế trại tạm giam Tỉnh Liêu Ninh

Tòa án Quận Song Tháp đã xét xử vụ án của ông Diêm vào ngày 19 tháng 8 năm 2016. Luật sư của ông biện hộ vô tội cho ông. Mặc dù công tố viên Bảo Lôi của Viện Kiểm sát Quận Song Tháp không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh ông Diêm đã vi phạm luật pháp, thậm phán chủ tọa Trương Hiểu Hoa vẫn kết án ông 11 năm tù. Sau đó, ông bị đưa tới phân khu giành cho người cao tuổi và bệnh tật tại Nhà tù Số 1 Thẩm Dương.

Khi gia đình ông Diêm tới thăm ông vào tháng 10 năm 2023, ông vẫn rất khỏe mạnh. Họ đã không đến thăm ông trong 1 năm sau đó. (Không rõ họ không thể tự tới thăm, hay do nhà tù từ chối cho ông thăm thân). Vào ngày 12 tháng 10 năm 2024, họ đột nhiên nhận được một cuộc gọi từ nhà tù, thông báo ông Diêm đang nguy kịch. Khi họ vội vã tới được Bệnh viện Số 10 Thẩm Dương, ông đã bất tỉnh.

Nhà tù đã chấp thuận đơn bảo lãnh y tế của ông Diêm 2 ngày sau đó. Ông được đưa trở về thành phố Triêu Dương bằng xe cứu thương và nhập Bệnh viện Lao Triêu Dương. Ông qua đời 2 ngày sau, vào 16 tháng 10. Vì mẹ ông đã hơn 90 tuổi, gia đình ông đã không báo tin cái chết của ông cho bà, sợ rằng bà khó có thể chịu đựng được.

Chết ngay sau khi ra tù

Người đàn ông 78 tuổi được thả khỏi tù trong tình trạng nguy kịch, qua đời sau đó bảy tháng

Ông Vương Trung Thắng, một cựu giảng viên cao cấp ở huyện Tân Khách, tỉnh Liêu Ninh, rơi vào tình trạng nguy kịch khi đang thụ án 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông được thả 6 tháng trước hạn, vào 30 tháng 4 năm 2024, nhưng đã qua đời chỉ 7 tháng sau đó, vào ngày 16 tháng 11. Ông thọ 78 tuổi.

Ông Vương bị bắt và bị lục soát nhà cửa vào ngày 1 tháng 11 năm 2020. Ông bị kết án 4 năm tù và phạt 4.000 Nhân dân tệ vào 26 tháng 4 năm 2021.

Sau khi ông Vương bị đưa vào Khu 3 của Nhà tù Đông Lăng, ông bị bắt ngồi bất động trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ, khiến mông của ông bị lở loét và nhiễm trùng nghiêm trọng. Khi tình trạng của ông Vương tiếp tục xấu đi, ông bị đưa tới bệnh viện của nhà tù để điều trị. Nhà tù phóng thích ông vào ngày 30 tháng 4 năm 2024, 6 tháng trước ngày mãn hạn.

Vì áp lực tinh thần của cuộc bức hại, ông Vương phải vật lộn để hồi phục sau khi trở về. Ông bị ngã vào tháng 10 năm 2024 và gãy xương xương đùi. Ông qua đời vài tuần sau đó, vào ngày 16 tháng 11.

Vợ ông, bà Vương Quế Lan, cũng liên tục bị nhắm mục tiêu vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà qua đời vào tháng 12 năm 2019 vì cuộc bức hại này.

Nhiều cái chết sau 2 thập kỷ bị bức hại

Bà lão 77 tuổi qua đời sau 9 năm tù oan và lương hưu bị đình chỉ

Sau khi bà Lê Thục Trân sống sót sau 9 năm ngồi tù khổ sai vì đức tin vào Pháp Luân Công, người dân tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh này lại tiếp tục phải chịu đựng sự sách nhiễu không ngừng nghỉ của cảnh sát. Bà lại bị bức hại lần nữa khi phòng an sinh xã hội địa phương đình chỉ lương hưu của bà vào năm 2020, một năm sau chồng bà được chẩn đoán mắc ung thư. Bà liệt giường sau cái chết của chồng vào năm 2022, và qua đời 2 năm sau, vào ngày 13 tháng 10 năm 2024, hưởng thọ 77 tuổi.

01a0b415e6244ddfcd412bddabbf5177.jpg

Bà Lê Thục Trân

Bà Lê, từng làm việc cho Nhà máy Phân bón Thẩm Dương, về hưu sớm vào năm 1996 ở tuổi 49 vì sức khỏe yếu, bao gồm nhiều bệnh về tim, gan, dạ dày và tá tràng. Vài tháng sau khi nghỉ hưu, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, và nhanh chóng cải thiện sức khỏe.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại vào năm 1999, bà Lê liên tục bị bắt giữ vì không từ bỏ đức tin.

Bà Lê bị kết án 9 năm tù vào ngày 27 tháng 5 năm 2004. Khi đang thụ án tại Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh, bà bị tra tấn, cấm ngủ, và bắt lao động hơn 10 giờ mỗi ngày không công. Bà trở nên yếu ớt đến nỗi không thể tự đi lại, và cần sự hỗ trợ từ những người khác.

Khi bà được thả vào ngày 16 tháng 1 năm 2013, bà vẫn không thể sống yên ổn, khi cảnh sát và nhân viên cộng đồng vẫn tiếp tục sách nhiễu bà ở nhà.

Chồng bà Lê bị chẩn đoán ung thư bàng quang vào năm 2019. Ông phải phẫu thuật và nằm liệt giường. Chỉ với 2.500 tệ (8,7 triệu VNĐ) thu nhập mỗi tháng để trang trải chi phí thuốc men và cuộc sống của họ, bà phải chịu thêm gánh nặng khi phòng an sinh xã hội địa phương đình chỉ lương hưu của bà vào tháng 8 năm 2020, tuyên bố rằng đó là theo chính sách mới, bà không được trả lương hưu trong thời gian thụ án tù 9 năm, và việc đình chỉ lương hưu trong tương lai là để thu hồi lại tiền. Bà liên hệ với một số tổ chức chính phủ để đòi công lý, nhưng đều vô ích.

Cuối năm 2021, bà Lê lại bị bắt sau khi bị tố giác vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Mặc dù cảnh sát bắt giữ từ Đồn Công an Sa Lĩnh cho bà tại ngoại, họ vẫn sách nhiễu bà, và đưa vụ việc của bà lên viện kiểm sát địa phương 6 tháng sau đó. Họ cũng lừa bà ký vào nhiều tài liệu về vụ việc của bà, tuyên bố đây là cách duy nhất để viện kiểm sát bỏ qua vụ việc của bà.

Vài tháng sau, cảnh sát và viên chức địa phương tiếp tục sách nhiễu bà Lê, bao gồm bắt bà tháo gỡ ăng-ten vệ tinh mà bà dùng để xem các chương trình TV không kiểm duyệt từ truyền thông nước ngoài. Bà cũng phát hiện mình bị theo dõi khi ra ngoài. Lúc đó, bà đang phải vật lộn với sức khỏe suy yếu và đi lại khó khăn.

Cái chết của chồng bà vào năm 2022 như giọt nước tràn ly. Sau đó, bà phải chịu đựng những căn bệnh nặng nề và trở nên liệt giường. Bà qua đời 2 năm sau, vào ngày 13 tháng 10 năm 2024.

Bị quấy rối và đóng băng tài khoản ngân hàng, nữ cư dân Sơn Đông qua đời sau hai năm mãn hạn bản án oan sai

Bà Vương Nhiễm Các sống trong sợ hãi khi phải chịu sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát sau khi thụ án 3 tháng tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Bà phát bệnh nghiêm trọng vào cuối năm 2023, và qua đời vào ngày 5 tháng 10 năm 2024, hưởng thọ 78 tuổi.

Sáng ngày 18 tháng 12 năm 2020, trong khi bà Vương, một nhân viên về hưu của Phòng 14 Sở Đường sắt Thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, đang đợi xe buýt sau khi đi chợ, thì 2 xe cảnh sát dừng trước mặt bà. Một số cảnh sát kéo bà vào xe và đưa bà tới đồn công an.

Các cảnh sát này thẩm vấn bà Vương trong 3 tiếng đồng hồ trước khi đưa bà về nhà vào buổi trưa. Họ đột nhập nơi ở của bà mà không hề có giấy tờ hợp lệ. Xe đẩy đi chợ của bà và 60 quyển lịch để bàn có thông tin về Pháp Luân Công bị tịch thu.

Sau vụ việc này, cảnh sát sách nhiễu bà Vương và gia đình các con bà nhiều lần, cả trực tiếp hoặc qua điện thoại. Thân nhân của bà, vì chịu áp lực khủng khiếp, không thể thoải mái ăn uống hay nghỉ ngơi.

Ngày 25 tháng 10 năm 2021, 2 cảnh sát mặc thường phục lại lục soát nhà bà Vương mà không hề xuất trình căn cước của họ.

Đầu tháng 12 năm 2021, Viện kiểm sát Thành phố Phì Thành truy tố bà Vương, và chuyển vụ việc của bà sang Tòa án Thành phố Phì Thành. Ngày 10 tháng 12 năm 2021, bà bị xét xử và bị kết án 3 tháng tù. Ban đầu, bà bị giam tại thành phố Tân Thái, nơi thuộc quyền quản lý của Thái An, và sau đó bị chuyển tới một trại tạm giam ở Thái An.

Bà bị tòa án yêu cầu nộp phạt 1.000 Nhân dân tệ ngay trước khi được thả vào ngày 9 tháng 3 năm 2022. Tòa án này cũng đóng băng 100.000 Nhân dân tệ trong tài khoản của bà làm khoản bảo lãnh. Thẩm phán tuyên bố nếu bà lại bị phát hiện phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công hay nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công trong 5 năm tới, 100.000 Nhân dân tệ này sẽ bị tịch thu. Nhưng nếu bà “cư xử tốt”, họ sẽ mở lại khoản tiền này sau 5 năm.

Bà Vương liên tục bị cảnh sát sách nhiễu sau khi được thả, và áp lực tinh thần làm tổn hại sức khỏe của bà rất nhiều. Bà phát nhiều bệnh nghiêm trọng vào cuối năm 2023, và qua đời vào tháng 10 năm 2024.

Nữ học viên 73 tuổi qua đời sau những nỗ lực của chính quyền hòng đưa bà vào tù thụ bản án phi pháp 3 năm được ban hành vào cuối năm 2022

Bà Khổng Phồn Cần, một người dân thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, bị suy kiệt sức khỏe sau khi bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà qua đời vào ngày 10 tháng 10 năm 2024, thọ 73 tuổi.

Bà Khổng bị bắt tại nhà vào 24 tháng 2 năm 2022. Khi cảnh sát đưa bà tới nhà tạm giữ địa phương vào tối hôm đó, bà bị từ chối tiếp nhận vì huyết áp cao. Cảnh sát thả bà tại ngoại sau khi tống tiền con trai bà 2.000 Nhân dân tệ.

Giữa tháng 11 năm 2022, Tòa án Thành phố Thư Lan xét xử bà Khổng, sau đó kết án bà 3 năm tù cùng khoản phạt 4.000 Nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 12. Tòa án không yêu cầu bà phải thụ án ngay lập tức sau khi kết án, nhưng gửi một bức thư vào tháng 2 năm 2023, thúc giục bà nộp tiền phạt.

Ngày 15 tháng 5 năm 2024, 6 cảnh sát của Đồn Công an Khúc Thủy Liễu bắt bà Khổng tại nhà, và đưa bà tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận bà vào tù. Bà bị phát hiện bị bệnh tim, nhưng cảnh sát vẫn đưa bà tới trại tạm giam Thành phố Cát Lâm, nơi sau đó vẫn từ chối tiếp nhận bà. Khi đó đã quá muộn để đưa bà trở lại Thư Lan (thuộc quyền quản lý của thành phố Cát Lâm và cách xa khoảng 50 dặm), vì vậy cảnh sát thuê phòng khách sạn ở thành phố Cát Lâm tối hôm đó và đưa bà Khổng về nhà vào hôm sau.

Ngày 17 tháng 5, 3 cảnh sát khác lại đến và vẫn cố gắng giam giữ bà Khổng ở Cát Lâm. Khi không có trại tạm giam nào tiếp nhận bà, những cảnh sát này lại lái xe đưa bà về nhà.

Bà Khổng phải chịu đựng sự suy kiệt sức khỏe với việc giảm thị lực sau án tù. Sự sách nhiễu của cảnh sát và nỗ lực của họ để tống bà vào tù càng đe dọa bà, và làm cho bà không thể sống một cuộc sống bình thường. Sau tháng 6 năm 2024, bà gần như bị mù, và không thể tự sinh hoạt. Các con bà gửi bà tới một trung tâm chăm sóc. Bà bị ngã vào tháng 9 và phải cắt cụt 2 ngón chân. Bà qua đời vào ngày 10 tháng 10 năm 2024, hưởng thọ 73 tuổi.

Người phụ nữ mắc bệnh ung thư trong thời gian quản chế chỉ vì đức tin của mình, đã qua đời sau khi bị sách nhiễu nhiều lần

Trong thời gian bị quản chế vì đức tin vào Pháp Luân Công, bà Triệu Huệ Phân, ở huyện Tuy Khê, tỉnh An Huy, phải chịu sự sách nhiễu liên tục và giám sát bởi chính quyền, thậm chí cả sau khi bà bị chẩn đoán ung thư thực quản. Bà qua đời vào 21 tháng 4 năm 2024, hưởng thọ 71 tuổi.

5f87fdfc35f28e9e017cda83487790c4.jpg

Bà Triệu Huệ Phân

Bà Triệu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 6 năm 1997. Rất nhiều bệnh tật nghiêm trọng của bà từng khiến bà nằm liệt giường, bao gồm các bệnh dạ dày, cổ, lưng, đã biến mất từng cái một. Tính khí cáu kỉnh và tranh đua của bà, xuất phát từ nỗi đau thân xác, cũng biến mất, thay vào đó là sự tử tế và chu đáo. Sau khi chứng kiến sự thay đổi của bà, chồng và con gái bà cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu năm 1999, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà Triệu và gia đình vì đức tin của họ. Tháng 12 năm 2000, cả bà và chồng đều bị triệu tập tới đồn công an địa phương, và bị yêu cầu ký vào biên bản từ bỏ Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng chụp nhiều ảnh của họ và phạt mỗi người 50 Nhân dân tệ. Vì họ không mang theo tiền, cảnh sát bắt một người về nhà lấy tiền, để một người ở lại đồn cảnh sát.

Khoảng tháng 3 năm 2002, cảnh sát lại bắt bà Triệu và bắt bà xem các video bôi nhọ Pháp Luân Công.

Sợ hãi bị bức hại thêm, bà Triệu ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Vì tình trạng sức khỏe, bà lại tu luyện trở lại vào năm 2008.

Vào mùa thu năm 2020, một số cảnh sát mặc thường phục từ Đồn Công an Tuy Khê xông vào nhà bà Triệu và tuyên bố có người tố giác bà in tài liệu chân tướng Pháp Luân Công tại nhà. Máy tính, máy in và sách Pháp Luân Công của bà bị tịch thu.

Cảnh sát thẩm vấn bà Triệu trong thời gian dài, và đe dọa bắt con gái bà nếu bà không trả lời các câu hỏi. Bà ngất xỉu vài lần trong cuộc thẩm vấn này.

Sau khi bí mật kết án bà Triệu 5 năm quản chế và phạt 2.400 Nhân dân tệ một năm sau, cảnh sát, các nhân viên sở tư pháp và viện kiểm sát thường xuyên sách nhiễu bà tại nhà. Bà cũng bị ra lệnh viết “báo cáo tư tưởng” tới sở tư pháp mỗi tháng. ĐIện thoại của bà bị theo dõi bằng phần mềm giám sát.

Áp lực tinh thần đã làm suy kiệt sức khỏe bà Triệu. Bà bị chẩn đoán ung thư thực quản vào cuối năm 2022. Các nhân viên của viện kiểm sát thậm chí còn sách nhiễu bà ở bệnh viện khi bà đang điều trị. Việc sách nhiễu và giám sát vẫn tiếp tục sau khi bà phẫu thuật vào đầu năm 2023. Bệnh ung thư của bà chuyển sang di căn vào tháng 3 năm 2024, bà mất 1 tháng sau, vào ngày 21 tháng 4 năm 2024.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 10 năm 2024: 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 9 năm 2024: 18 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết và 57 học viên bị kết án

Báo cáo nửa đầu năm 2024: 69 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 4 và tháng 5 năm 2024: 24 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 3 năm 2024: 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 2 năm 2024: 10 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 1 năm 2024: 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/2/485674.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/6/221970.html

Đăng ngày 26-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share