Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-11-2024]

Họ tên: Diêm Húc Quang
Tên tiếng Hán: 闫旭光
Giới tính: Nam
Tuổi: 66
Thành phố: Triêu Dương
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: 16 tháng 10 năm 2024
Ngày bị bắt gần đây nhất: Ngày 9 tháng 11 năm 2015
Nơi bị giam cuối cùng: Nhà tù Số 1 Thẩm Dương

Ông Diêm Húc Quang (66 tuổi), một cư dân thành phố Triêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 16 tháng 10 năm 2024 khi đang thụ án 11 năm tù vì kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công.

Vào tháng 5 năm 2015, Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc thông báo sẽ chấp nhận tất cả các đơn kiện. Điều này đã thúc đẩy làn sóng kiện Giang Trạch Dân từ các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới vì vai trò của ông ta trong việc khởi xướng cuộc đàn áp.

Tại thành phố Triêu Dương, một lực lượng đặc nhiệm được thành lập để truy tố các học viên Pháp Luân Công kiện Giang. Lực lượng này bao gồm: Vương Đại Vỹ thuộc Sở công an tỉnh Liêu Ninh, Kiện Bưu, Bí thư thành ủy Triêu Dương, Lý Siêu, giám đốc Sở công an thành phố Triêu Dương.

Hơn 300 học viên đã bị bắt tại Triêu Dương vào ngày 9 tháng 11 năm 2015. Ông Diêm bị công an bắt khi đang đi xe máy trên đường; họ lần ra ông nhờ theo dõi điện thoại di động của ông. Do các Trại tạm giam và tạm giữ ở Triêu Dương quá tải, một số học viên đã bị chuyển đến các thành phố lân cận, bao gồm Hổ Lô Đảo và Bàn Cẩm.

Lý Siêu đã chỉ đạo các viện kiểm sát và tòa án địa phương đẩy nhanh tiến trình truy tố. Là một điều phối viên tình nguyện của các học viên địa phương, ông Diêm đã trở thành mục tiêu chính. Trước đó, vì ông đã tham gia phơi bày chính sách đàn áp “đánh học viên mà không nói lý do” do Vương Minh Vũ, cựu bí thư Thành ủy Triêu Dương ban hành, nên Lý Siêu đã theo dõi điện thoại của ông từ tháng 5 năm 2013.

Trong lúc bị giam tại trại tạm giam thành phố Triêu Dương, ông Diêm mắc bệnh truyền nhiễm. Dù sức khỏe suy yếu nghiêm trọng, công an vẫn không thả ông mà chuyển ông đến bộ phận y tế của trại tạm giam tỉnh Liêu Ninh. Họ kiểm soát chặt chẽ thông tin về tình trạng sức khỏe và nơi giam giữ ông. Khi gia đình tìm hiểu được thông tin và chất vấn công an, họ không trả lời mà hỏi lại gia đình đã biết tin tức từ đâu.

848c542504d714ab26f9c9b3d2397158.jpg

Ông Diêm khi bị giam tại Khu y tế Trại giam Tỉnh Liêu Ninh

Tòa án quận Song Tháp đã tổ chức phiên xét xử ông Diêm vào ngày 19 tháng 8 năm 2016 tại Khu y tế. Luật sư của ông Diêm đã bào chữa vô tội cho ông. Mặc dù công tố viên Bảo Lôi của Viện Kiểm sát quận Song Tháp không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh ông Diêm đã vi phạm pháp luật, nhưng thẩm phán chủ tọa Trương Hiểu Hoa vẫn kết án ông 11 năm tù. Sau đó, ông được chuyển đến khu dành cho người cao tuổi và bệnh tật tại Nhà tù Số 1 Thẩm Dương.

Ngoài ông Diêm, ba học viên khác cũng bị kết án vì kiện Giang Trạch Dân đã qua đời do bị tra tấn trong tù. Đó là bà Lý Quốc Quân, người bị kết án 11 năm, được thả ra khi nguy kịch ở Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh vào tháng 11 năm 2019; bà qua đời sáu tháng sau đó ở tuổi 53. Bà Lưu Thục Hoa, bị tuyên án ba năm, đã qua đời ba ngày sau khi bị lính canh đưa về nhà trong tình trạng bất tỉnh vào giữa tháng 10 năm 2021; bà hưởng thọ 76 tuổi. Ông Lưu Điển Nguyên, bị kết án 11 năm rưỡi vào năm 2016 ở tuổi 78, đã qua đời tại Nhà tù Số 1 Thẩm Dương vào ngày 10 tháng 2 năm 2024.

Khi gia đình ông Diêm đến thăm ông vào tháng 10 năm 2023, tinh thần ông vẫn tốt. Họ không đến thăm ông trong một năm sau đó. (Không rõ liệu họ không tự đến thăm hay nhà tù từ chối cho gia đình thăm). Đến ngày 12 tháng 10 năm 2024, họ bất ngờ nhận được cuộc gọi từ nhà tù, thông báo rằng ông Diêm đang trong tình trạng nguy kịch. Khi họ vội vã đến Bệnh viện Số 10 Thẩm Dương, ông đã bất tỉnh.

Nhà tù thả ông Diêm theo diện bảo lãnh chữa trị y tế hai ngày sau đó. Ông được đưa về thành phố Triêu Dương bằng xe cứu thương và nhập viện tại Bệnh viện lao Triêu Dương. Ông qua đời hai ngày sau đó, vào ngày 16 tháng 10. Vì mẹ ông đã ngoài 90 tuổi, gia đình chưa báo tin ông qua đời cho bà, lo rằng bà sẽ không chịu đựng nổi.

Ngoài án tù dài hạn, ông Diêm còn nhiều lần bị bắt và bị tra tấn tàn bạo khi bị giam giữ.

Sau khi bị bắt vào ngày 22 tháng 1 năm 2003, ông bị các sĩ quan Đội an ninh nội địa quận Song Tháp tra tấn và bị đưa đi cải tạo lao động tại Trại lao động cưỡng bức Tây Đại Doanh Tử với thời hạn không rõ. Để ép ông từ bỏ tín ngưỡng và đạt được “tỷ lệ chuyển hóa” cao, lính canh đã không cho ông ngủ trong nhiều ngày và dùng dùi cui điện chích điện ông. Ông đã gần như cận kề cái chết.

Ông Diêm lại bị bắt vào ngày 30 tháng 6 năm 2011 trong một buổi gặp mặt các học viên địa phương. Ông ngất đi do công an đánh đập và sau đó được thả sau khi bị ép viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công.

Báo cáo liên quan:

Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh: hơn 300 vụ bắt giữ, 54 vụ xét xử, 14 trường hợp chờ xét xử vì khởi kiện Giang Trạch Dân

Cách tiến hành bức hại Pháp Luân Công của cai ngục ở Nhà tù Số 1 Thẩm Dương

Bức hại tàn bạo tại nhà tù số 1 Thẩm Dương

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/22/485296.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/23/221778.html

Đăng ngày 01-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share