Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 02-04-2024] Báo cáo tháng 3 năm 2024 ghi nhận cái chết của 13 học viên Pháp Luân Công do bị bức hại vì kiên định đức tin.

Các trường hợp tử vong mới được xác nhận bao gồm 2 trường hợp vào năm 2021, 1 trường hợp vào năm 2022, 2 trường hợp vào năm 2023 và 8 trường hợp vào năm 2024. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản, việc bức hại luôn không thể được báo cáo kịp thời, và số nạn nhân thiệt mạng có thể còn cao hơn nhiều.

11 học viên đã bị tra tấn tàn nhẫn trong khi đang thụ án tại các nhà tù hoặc trại lao động trong hơn hai thập kỷ qua. Kết quả là một số bị mất năng lực hành vi và một số bị rối loạn tâm thần. Một số học viên đã chết sau nhiều tháng bị bắt hoặc bị sách nhiễu lần nữa. Hai học viên, trong đó có một phụ nữ 88 tuổi, đã tử vong khi sống phiêu dạt để tránh bị bức hại.

Các học viên đã qua đời, trong đó có 9 phụ nữ, đến từ bảy tỉnh. Sơn Đông đứng đầu với 4 trường hợp, tiếp theo là 3 trường hợp ở Liêu Ninh, 2 trường hợp ở Tứ Xuyên và 1 trường hợp ở Thiên Tân, Hà Bắc, Hà Nam và Ninh Hạ. Các học viên có độ tuổi từ 62 đến 88, trong đó 6 người ở độ tuổi 60, 5 người ở độ tuổi 70 và 2 người ở độ tuổi 80.

Dưới đây là các trường hợp tử vong được báo cáo vào tháng 3 năm 2024. Danh sách các các học viên có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và Trung)

Tử vong trước năm 2024

Tin muộn: Giáo viên về hưu 88 tuổi bị sách nhiễu, qua đời sau khi phiêu bạt 5 tháng

Bà Trương Quý Thanh, một giáo viên đã nghỉ hưu 88 tuổi ở huyện Nam Bộ, tỉnh Tứ Xuyên, qua đời vào ngày 29 tháng 10 năm 2021, 5 tháng sau khi bà buộc phải sống phiêu dạt để tránh bị sách nhiễu.

Bà Trương đã bị nhân viên của ủy ban dân cư và các cơ quan chính phủ khác sách nhiễu hai lần vào ngày 19 tháng 5 năm 2021. Người giúp việc đang nấu bữa tối cho bà sợ hãi đến mức bỏ dở công việc mà bỏ đi. Bà Trương không thể chịu nổi sự sách nhiễu nữa, nên đã bỏ nhà đi. Bà qua đời năm tháng sau.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Trương bị nhắm mục tiêu vì đức tin của mình. Vì bà đệ đơn tố cáo cựu độc tài Trung Quốc, Giang Trạch Dân, vì đã khởi xướng cuộc bức hại, nên nhà bà đã bị lục soát và sách Pháp Luân Công của bà bị tịch thu.

Ngày 3 tháng 10 năm 2019, trong khi bà Trương ăn sáng cùng họ hàng thì có bảy người xông vào. Họ yêu cầu được biết con gái bà (cũng tu luyện Pháp Luân Công) ở đâu. Họ chụp ảnh bà Trương, người họ hàng và ngôi nhà của bà.

Cảnh sát lại sách nhiễu bà Trương một lần nữa vào giữa tháng 12 năm 2019, và lục soát điện thoại di động của một người họ hàng tình cờ đến thăm bà.

Tin muộn: Mất khả năng vận động do bị tra tấn trong một thập kỷ, người phụ nữ Liêu Ninh qua đời vài tháng sau khi chính quyền treo lương hưu của bà

Bà Hoắc Tú Cần, cư dân thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh, đã sống sót sau sự tra tấn dã man trong khi bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong 12 năm tiếp theo, bà nằm liệt giường, và phải nhờ chồng và mẹ mình chăm sóc. Cuối năm 2022, vốn đã nghèo túng này lại bị giáng thêm một đòn nặng nữa khi chính quyền đột ngột đình chỉ lương hưu của bà Hoắc. Sức khỏe của người phụ nữ 63 tuổi này ngày càng suy giảm và bà qua đời vài tháng sau đó.

Ngày 2 tháng 9 năm 2008, bà Hoắc bị bắt vì nói với người dân về Pháp Luân Công, và bị kết án ba năm tù. Trong Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, bà bị đánh đập, lăng mạ, phơi lạnh và bị cấm sử dụng nhà vệ sinh. Bất chấp tình trạng huyết áp cao đến mức nguy hiểm khiến bà không thể đi lại, nhà tù vẫn cự tuyệt thả bà để điều trị y tế. Khi gia đình bà yêu cầu được gặp bà, lính canh đã ra lệnh cho họ vu khống Pháp Luân Công trước khi chấp thuận yêu cầu. Không rõ liệu gia đình bà có được phép đến thăm bà hay không.

Mùa đông năm 2009, vì bà Hoắc từ chối lao động cưỡng bức, lính canh đã khiêng bà ra ngoài hành lang và mở cửa sổ để gió lạnh thấu xương thổi vào người bà. Bàn chân bà bị tê cóng nghiêm trọng và xuất hiện những vết phồng rộp lớn. Nhiệt độ thấp còn khiến bà cảm giác ngực bị thắt lại và khó thở. Lính canh cũng không cho bà sử dụng nhà vệ sinh, khiến bà phải đại tiểu tiện ra quần. Ngoài ra, tài khoản trả trước (để chi tiêu trong tù) của bà cũng bị lính canh phong tỏa, khiến bà không thể mua nhu yếu phẩm hàng ngày. Bà thậm chí không thể mua được một túi mì ăn liền trong dịp Tết Cổ truyền 2010. Nhà tù sẽ chỉ trích bất cứ ai chia sẻ đồ ăn cho bà.

Ngày 1 tháng 11 năm 2010, bà Hoắc được đưa đến bệnh viện vì tay chân bà không thể cử động được bữa. Ngoài huyết áp cao dai dẳng và nguy hiểm, bác sỹ còn phát hiện bà đột quỵ và bệnh tim nặng. Tuy nhiên, chức trách nhà tù từ chối thả bà và yêu cầu gia đình bà phải trả tiền chữa trị cho bà. Sau khi gia đình đưa cho họ 500 Nhân dân tệ, bà được nhập viện vào ngày hôm sau để điều trị ban đầu.

Nhà tù phân công bốn lính canh (những người này từ chối tiết lộ danh tính) theo dõi bà Hoắc và gia đình bà khi họ ở lại bệnh viện để chăm sóc bà. Gia đình không được phép hỏi bà về những tra tấn mà bà phải chịu đựng ở trong tù. Không ai khác được phép đến gần bà.

Cuối cùng, vào tháng 5 năm 2011, nhà tù đã để bà Hoắc được tại ngoại để điều trị y tế khi bà hoàn toàn mất khả năng vận động. Lúc đó là khoảng bốn tháng trước khi bản án ba năm tù của bà mãn hạn.

Chồng bà Hoặc đã phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc cho bà. Nhờ sự chăm sóc tận tụy của ông và người mẹ già của bà, bà Hoắc đã sống sót. Gia đình bà sống nhờ vào khoản lương hưu 2.300 Nhân dân tệ hàng tháng của bà và gần như không đủ sống. Gia đình bà đã bị giáng thêm một đòn nặng nề khi Bảo hiểm Xã hội Phụ Tân đột ngột đình chỉ lương hưu của bà Hoắc vào tháng 10 năm 2022, với lý do là bà không đủ điều kiện để được nhận phúc lợi hưu trí vì án tù 10 năm trước của bà.

Sau đó, tình trạng sức khỏe của bà Hoắc suy giảm nhanh chóng. Vài tháng sau, bà qua đời vào ngày 3 tháng 2 năm 2023.

Tin muộn: Sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin, hai vợ chồng qua đời cách nhau chưa đến 100 ngày

Một đôi vợ chồng ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, qua đời cách nhau chưa đầy 100 ngày sau nhiều năm chịu đựng bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Mã Thanh Hiền, 60 tuổi, qua đời vào tháng 12 năm 2021. Chồng bà, ông Tề Khánh Tín, cũng 60 tuổi, qua đời vào đầu tháng 2 năm 2022. Họ đã kết hôn được khoảng 40 năm, nhưng phải sống xa nhau trong 20 năm cuối, vì bà Mã buộc phải rời nhà vào năm 2002 để tránh bị bắt giữ vì đức tin của mình.

Bà Mã đã đến Bắc Kinh hai lần để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công trước năm 2002, và đều bị bắt. Sau lần giam giữ thứ hai của bà, lính canh cầm một ấm lớn đựng hỗn hợp bột ngô nóng, và đổ chúng vào miệng và lỗ mũi của bà. Bà bị dính bột ngô khắp mặt, cổ, ngực, lưng và tóc. Bà gần như bị nghẹt thở.

Hai vợ chồng bị bắt vào năm 2002, và ông Tề bị Mỏ than Phan Tây (nằm ở quận Cương Thành, Thành phố Tế Nam) sa thải. Cảnh sát đe dọa phạt cưỡng bức lao động đối với hai vợ chồng, nhưng họ đã trốn thoát khỏi khu nhà chính quyền, và sống ở Thành phố Tân Đài gần đó. Ông Tề bị bắt không lâu sau đó, trong khi phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó, ông bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Ông thường xuyên bị sách nhiễu sau khi được thả vào năm 2004.

Bà Mã phải trốn chạy suốt 20 năm để tránh bị bức hại, và sống một cuộc sống lưu lạc vô cùng khó khăn. Bà sống tạm bợ ở những nơi khác nhau, không có lò sưởi vào mùa đông và bà phải liên tục uống nước nóng để giữ ấm. Kết quả, bà xuất hiện tình trạng đi tiểu thường xuyên. Để tránh bị bắt, bà cũng phải liên tục cảnh giác. Đã hơn một lần bà phải quyết định rời khỏi nơi tạm trú vào đêm khuya, vì bà có linh cảm rằng cảnh sát đang đến tìm mình. Thực sự vài giờ sau khi bà rời đi, cảnh sát đến tìm bà.

Ông Tề lo lắng cho bà Mã, và sức khỏe của ông cũng suy sụp. Trong hai năm cuối đời, ông bị phù nề toàn thân và có máu trong nước tiểu. Sự ra đi của vợ ông vào tháng 12 năm 2021 lại giáng thêm một đòn nữa, và ông đã qua đời sau đó chưa đầy 100 ngày.

Người đàn ông Thiên Tân 62 tuổi qua đời sau nhiều năm sống lang bạt để tránh bị bắtÔng Vệ Quảng Hoa, một người đàn ông Thiên Tân 62 tuổi, qua đời vài ngày sau khi bị đột quỵ vào tháng 12 năm 2023. Sự ra đi của ông đã chấm dứt chuỗi đau khổ hàng thập kỷ của ông.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Vệ đã cùng với các học viên khác phơi bày những tuyên truyền thù hận nhắm vào môn tu luyện này. Ông bị bắt vào ngày 31 tháng 5 năm 2003, và bị kết án 9 năm tù. Vợ ông đã ly hôn ông trong thời gian ông thụ án. Bà được trao tất cả tài sản sau hôn nhân và toàn quyền nuôi con trai và con gái của họ.

Ông Vệ bị tra tấn dã man trong tù, lâm trọng bệnh và trở nên tiều tụy. Với chiều cao 1,8m, ông chỉ nặng chưa đến 40 kg. Ông được bảo lãnh y tế vào ngày 29 tháng 4 năm 2009. Nhờ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, tình trạng của ông đã được cải thiện, nhưng ông vẫn không thể đi lại bình thường.

Chính quyền đã giám sát chặt chẽ ông Vệ. Khoảng sáu tháng sau khi ông được thả, họ đưa ông đến bệnh viện khám để xem ông có đủ sức khỏe để đưa trở lại nhà tù hay không. Bệnh viện đột nhiên bị mất điện ngay trước khi khám sức khỏe cho ông Vệ, và ông đã được đưa về nhà. Cảnh sát đe dọa quay lại vào ngày hôm sau.

Ông Vệ quyết định bỏ trốn ngay trong đêm đó. Trong những năm sau đó, ông thường xuyên chuyển chỗ để tránh bị bắt. Kết quả, ông không bao giờ hồi phục sau những tổn thương về sức khỏe trong thời gian bị cầm tù và ông xuất hiện nhiều triệu chứng hơn. Đã hơn một lần ông đột ngột bất tỉnh khi đang làm việc hoặc đang đi bộ.

Khoảng năm 2018, ông Vệ lại ngất xỉu khi đang đi xe máy. Một người qua đường gọi cảnh sát để nhờ giúp đỡ khi thấy ông bị thương nghiêm trọng và lên cơn co giật. Thay vào đó, cảnh sát bắt giữ ông sau khi phát hiện ra tài liệu Pháp Luân Công trong túi xách của ông. Họ cũng tịch thu hơn 10.000 Nhân dân tệ tiền in thông điệp Pháp Luân Công mà ông mang theo. (Vì tất cả các kênh kháng nghị hợp pháp bị chặn đối với các học viên Pháp Luân Công, họ sử dụng các phương thức sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, bao gồm cả việc in thông điệp lên tiền giấy)

Cảnh sát đưa ông Vệ đến một trại tạm giam, và xác định danh tính của ông dựa trên cơ sở dữ liệu của họ về các học viên Pháp Luân Công bị nhắm tới. Sau khi ông tỉnh lại, họ giao ông cho đồn công an nơi ông đăng ký hộ khẩu ở Thiên Tân. Vì đồn công an không tìm được nhà tù tiếp nhận ông để hoàn tất bản án 9 năm, nên họ tuyên bố ông đã mãn hạn tù.

Để tránh bị nhắm tới, ông Vệ phải bỏ trốn lần thứ hai. Sau khi đến tuổi nghỉ hưu vài năm sau, ông chỉ được nhận một khoản lương hưu ít ỏi (mặc dù ông đáng được hưởng số tiền cao hơn do công việc được trả lương cao trước đây). Cuộc sống lưu lạc cộng với khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Tháng 12 năm 2023, ông bị đột quỵ và hôn mê. Việc điều trị tại bệnh viện không có mấy hiệu quả. Gia đình phải đưa ông về nhà vì không đủ khả năng chi trả viện phí. Ông qua đời vài ngày sau đó.

Tử vong vào năm 2024

Cụ bà 71 tuổi qua đời vì đau tim

Bà Lưu Thục Viện ở thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, đột ngột tử vong khi đang đạp xe vào ngày 7 tháng 1 năm 2024, hưởng thọ 71 tuổi.

Trong những năm tháng cuối đời, bà Lưu thường giật mình tỉnh giấc vào lúc nửa đêm, la hét trong sợ hãi. Nỗi sợ của bà bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào mùa thu năm 2023, khi bà đến thăm một học viên Pháp Luân Công khác. Bà không biết cảnh sát đang đột kích nhà của học viên đó. Cảnh sát khám xét bà Lưu và đe dọa bà. Mặc dù được thả vài giờ sau đó, nhưng bà vẫn bị hoảng loạn vì sợ bị bức hại lần nữa.

Trong 25 năm qua, bà Lưu, cựu quản lý của Cục Vận tải Dầu khí Đông Bắc, đã nhiều lần bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công.

Tháng 9 năm 1999, bà bị bắt khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Sau khi được thả sau 15 ngày giam giữ, bà trở lại Bắc Kinh vào tháng 10 để kháng nghị một lần nữa, nhưng bị bắt và kết án hai năm lao động cưỡng bức. Bà bị buộc phải lao động nặng nhọc không công, và đôi khi không được phép ngủ cho đến 3 giờ sáng nếu không hoàn thành chỉ tiêu hàng ngày. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà được thả.

Khoảng ngày 10 tháng 8 năm 2001, bà Lưu lại bị bắt và bị thẩm vấn trong sáu ngày liên tiếp. Bà bị cấm ngủ trong ba ngày đầu tiên. Bắt đầu từ ngày thứ tư, cảnh sát giam bà trong những chiếc lồng có kích cỡ khác nhau. Một số lồng quá nhỏ khiến bà không thể đứng, ngồi hoặc ngồi xổm. Bà đã tuyệt thực để phản đối, nhưng bị bức thực.

Sau đó, bà Lưu bị kết án năm năm tại Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh. Có những ngày, bà bị buộc phải ngồi xổm từ 6 giờ 30 phút sáng đến 9 giờ tối. Các tù nhân liên tiếp đánh đập bà, kéo tóc, đổ nước bẩn lên người bà và cấm bà đi vệ sinh. Bà nhanh chóng sụt hơn 13 kg, và cảm thấy chóng mặt, suy nhược và khó thở.

Ngày 10 tháng 9 năm 2007, bà Lưu suýt bị bắt lần nữa khi đang đi thăm một học viên khác. Mặc dù trốn thoát, nhưng bà buộc phải sống xa nhà để trốn tránh cảnh sát trong tám năm tiếp theo.

Lần bắt giữ thứ hai của bà là vào ngày 9 tháng 10 năm 2016, sau khi bà bị tố giác vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị giữ tại đồn công an trong sáu giờ, sau đó được thả ra.

Người đàn ông Tứ Xuyên 76 tuổi qua đời trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Ông Lý Hậu Bồi, ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, qua đời vào ngày 30 tháng 1 năm 2024, thọ 76 tuổi.

Tháng 6 năm 2007, ông Lý bị bắt, và bị kết án 11 năm tù vào tháng 12 năm đó. Ngày 18 tháng 2 năm 2022, ông lại bị bắt khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát đột kích vào nhà ông, sau đó thả ông vào buổi tối. Lần bắt giữ gần đây nhất của ông là vào tháng 5 năm 2023 tại nhà một học viên khác. Mặc dù cảnh sát thả ông vài giờ sau đó, nhưng họ vẫn tiếp tục quay lại sách nhiễu và đe dọa ông không được rời khỏi thị trấn. Họ cũng chuyển vụ việc của ông lên viện kiểm sát địa phương nhằm cố gắng kết án ông. Bị áp lực tinh thần quá mức, ông qua đời tám tháng sau đó.

Cụ bà Hà Nam 81 tuổi qua đời trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Bà Trần Ngọc Cầm, một nhân viên đã nghỉ hưu của công ty China Unicom ở thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, sức khỏe suy giảm trong những năm gần đây do thường xuyên bị sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị mất năng lực hành vi, và qua đời vào ngày 5 tháng 2 năm 2024, thọ 81 tuổi.

Khổ nạn của bà Trần bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 17 tháng 4 năm 2022 từ cảnh sát của Đội An ninh Nội địa quận Hoài Dương. Sách Pháp Luân Công, máy in và các tài sản cá nhân khác của bà đều bị tịch thu. Cảnh sát cũng phạt bà 5.000 Nhân dân tệ, và buộc Phòng An sinh Xã hội đình chỉ lương hưu của bà. Ở tuổi 79, bà bị kết án ba năm, và được phép thụ án ngoại giam một khoảng thời gian. Cảnh sát liên tục sách nhiễu bà trong thời gian bà bị giam giữ, khiến sức khỏe của bà suy giảm và cuối cùng từ trần.

Một cư dân 69 tuổi qua đời chỉ bốn tháng từ khi gặp chấn thương nghiêm trọng trong quá trình công an truy bắt vì niềm tin của bà

Trong lúc cố gắng tránh bị bắt trong lần truy bắt của cảnh sát vào cuối tháng 9 năm 2023, bà Ma Liên Phượng đã bị mất lái xe ba bánh và bị ngã. Bà bị thương nặng ở chân, tay và lưng bị bầm tím nặng.

Cảnh sát đuổi kịp, và tịch thu các tài liệu Pháp Luân Công từ túi xách của bà. Họ nhắm vào bà vì một học sinh tiểu học đã tố giác việc bà nói chuyện với cậu ta về Pháp Luân Công. Khi bà không thể tự đứng dậy, họ đã không bắt giữ bà.

Bà Ma ở thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, không thể bình phục vết thương. Bà qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 2024 ở tuổi 69.

2024-3-13-maxifeng.jpg

Bà Ma Liên Phượng

Trong 25 năm vừa qua của cuộc bức hại, bà Ma đã nhiều lần bị bắt giữ vì kiên định đức tin của mình. Chồng bà đã ly hôn với bà, còn bà phải thụ án tù bảy năm, nhẫn chịu đủ mọi hình thức tra tấn thể xác và bị cưỡng ép dùng thuốc. Sau khi bà đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2010, cấp trên của bà ở Hợp tác xã Tiếp thị và Cung ứng Long Khẩu đã từ chối trợ cấp hưu trí cho bà vì họ cho rằng bà đã trở thành “không đủ điều kiện” trong thời gian bị giam giữ. Họ yêu cầu bà đóng một lần 50.000 Nhân dân tệ để bà đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng hơn 700 Nhân dân tệ một chút. Tuy nhiên, bà không có tiền và từ bỏ việc cố gắng nhận trợ cấp hưu trí.

Người phụ nữ Liêu Ninh bị mất trí sau một năm bị giam giữ, qua đời bảy năm sau

Bà Hình Anh Mai ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị mất trí do bị tra tấn và bức hại bằng thuốc trong thời gian thụ án vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà phải vật lộn với tình trạng sức khỏe giảm sút trong bảy năm tiếp theo, và qua đời vào ngày 22 tháng 2 năm 2024, hưởng thọ 67 tuổi.

0c2d5ef151ced415962a6a07fdbb2ddb.jpg

Bà Hình Anh Mai cùng gia đình

Gần đây nhất, ngày 14 tháng 4 năm 2016, bà Hình bị bắt giữ khi đang ăn sáng cùng chồng và hai con tại một quán ăn địa phương. Cảnh sát tiết lộ rằng gia đình họ bị nhắm đến sau khi nộp đơn tố cáo cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân, kẻ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, dẫn đến các vụ bắt giữ họ trước đây.

Con trai của họ được trả tự do một tháng sau đó, con gái được tại ngoại và quản thúc tại gia cùng ngày. Người phụ nữ trẻ cho biết anh trai cô đi khập khiễng, và choáng váng sau khi cả hai trở về nhà. Anh nói với cô rằng cảnh sát đã đánh anh. Trong một thời gian, anh không dám rời khỏi nhà.

Ngày 23 tháng 2 năm 2017, bà Hình bị Tòa án quận Đại Đông kết án 1 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ. Bốn ngày sau, con gái bà bị kết án một năm quản thúc và bị phạt 2.000 Nhân dân tệ, chồng bà bị kết án 2,5 năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ.

Tại trại tạm giam Thành phố Thẩm Dương, bà Hình bị biệt giam, bị tra tấn và thường xuyên bị ép dùng thuốc độc. Răng của bà bị gãy do bị đánh. Kết quả là bà khó nuốt và bị chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh và buồn nôn. Bất chấp tình trạng của bà, lính canh vẫn còng bà và xích tay trái của bà vào một chiếc vòng trên sàn. Họ không cởi xích cho bà, ngay cả khi bà cần đi vệ sinh. Một lần khác, hai tù nhân ngồi lên chân bà và hai người khác vặn tay bà ra sau lưng, khiến vai và cánh tay trái của bà bị thương nặng.

Ngày 14 tháng 4 năm 2017, bà Hình được trả tự do. Tuy nhiên, lúc này bà không ở trạng thái bình thường nữa. Bà vô cùng sợ hãi, và không thể nhận ra gia đình, thậm chí cả con mình. Bà chạy suốt ngày đêm, la hét, đánh người, và ném đồ đạc ra ngoài cửa sổ phía trên. Thỉnh thoảng, bà lại thốt lên: “Các học viên Pháp Luân Công bị bức thực mỗi ngày”. Sau bảy năm vật lộn với sức khỏe sa sút, bà qua đời vào ngày 22 tháng 2 năm 2024.

Người phụ nữ Sơn Đông 70 tuổi bị chết trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Ngày 23 tháng 2 năm 2024, bà Hứa Kim Vinh ở thành phố Lâm Thanh, tỉnh Sơn Đông, bị xuất huyết não. Bà rơi vào hôn mê, và qua đời vào ngày 25 tháng 2, tức hai ngày sau đó.

Vì không từ bỏ đức tin, bà Hứa liên tục bị bắt và giam giữ phi pháp. Năm 2000, bà phải lãnh án ba năm lao động cưỡng bức. Mặc dù sống sót qua sự tra tấn tàn bạo, nhưng việc sách nhiễu liên tục trong nhiều năm khiến bà sống trong sợ hãi. Áp lực tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, cuối cùng dẫn đến cái chết của bà.

Để ép bà Hứa từ bỏ Pháp Luân Công, công ty của bà đã bắt bà đến một khách sạn vào ngày 19 tháng 7 năm 1999, một ngày trước khi cuộc bức hại chính thức bắt đầu. Bà đã bị giam giữ ở đó trong sáu tháng, cho đến tận Tết Cổ truyền vào tháng 2 năm 2000. Cảnh sát địa phương cũng lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công.

Tháng 6 năm 2000, bà Hứa đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Bà bị bắt và đưa về Trại tạm giam địa phương. Bà tuyệt thực để phản đối việc bức hại, và được thả sau năm ngày, sau khi cảnh sát tống tiền bà 2.000 Nhân dân tệ.

Vài tuần sau, vào tháng 7 năm 2000, chồng bà Hứa bị ốm và phải nhập viện. Trong thời gian này, công ty của bà và cảnh sát địa phương bắt đầu theo dõi bà, và theo bà đến tận phòng bệnh của chồng bà. Sự giám sát nghiêm ngặt khiến chồng bà khó chịu, khiến quá trình hồi phục của ông bị chậm lại. Việc giám sát cuộc sống thường nhật của bà Hứa vẫn tiếp diễn sau khi chồng bà được xuất viện.

Ngoài việc giam giữ và giám sát, công ty của bà Hứa cũng đình chỉ lương của bà từ tháng 7 năm 1999, và đến tận năm 2002 mới phục hồi lại.

Ngày 10 tháng 9 năm 2000, bà Hứa bị kết án ba năm lao động cưỡng bức. Trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tỉnh Sơn Đông, bà bị tra tấn tàn bạo vì kiên định vào Pháp Luân Công. Lính canh dùng dùi cui sốc điện bà trong thời gian dài, để lại sẹo ở cổ và cổ tay của bà. Bà cũng bị nhốt trong phòng biệt giam. Vào mùa đông, lính canh mở cửa sổ khiến bà lạnh cóng. Đôi khi bà bị cấm ngủ. Thay vào đó, bà bị bắt đứng với bàn tay, cánh tay và chân bị trói vào thành giường. Trong một lần tra tấn khác, cổ tay của bà bị treo lên, khiến bà bị mất cảm giác ở cánh tay và bàn tay trong một thời gian dài. Thêm vào đó, lính canh bắt bà làm việc mà không trả lương, đôi khi lên tới 16 tiếng đồng hồ một ngày. Sau 1,5 năm bị tra tấn, bà được thả trước thời hạn.

Trong thời gian bà bị giam giữ, chồng bà nỗ lực đòi công lý cho bà, nhưng vô ích. Áp lực tinh thần khiến sức khỏe của ông suy sụp, và ông đã qua đời vào năm 2006.

Bà Hứa tiếp tục phải đối mặt với sự sách nhiễu sau khi được tại ngoại. Trong vài năm gần đây, có hai vụ sách nhiễu từ năm 2017 đến 2019 được ghi chép lại.

Sáu tháng sau khi kết thúc thời hạn giam thứ ba chỉ bởi tu luyện Pháp Luân Công, vị kỹ sư về hưu 75 tuổi qua đờiÔng Mã Hùng Đức, một cư dân 75 tuổi ở thành phố Ngô Trung, khu tự trị Ninh Hạ, đã qua đời vào ngày 25 tháng 2 năm 2024, sáu tháng sau khi ông mãn hạn tù lần ba kéo dài 1,5 năm vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Khi ông Mã Hùng Đức được trả tự do vào ngày 29 tháng 8 năm 2022, ông đi lại khó khăn, vật lộn với tình trạng tiểu không tự chủ và phản ứng chậm. Ông cũng rất đau lòng khi phát hiện ra Cục An sinh xã hội thành phố Ngô Trung đã đình chỉ lương hưu của ông khi ông đang trong thời gian thụ án. Bất chấp lời kêu gọi của ông về việc phục hồi lương hưu, chính quyền không cấp cho ông một xu phúc lợi nào đến khi ông qua đời.

Ông Mã, một kỹ sư nhà máy đồng hồ đã nghỉ hưu, và vợ ông, bà Trịnh Phương Anh, 71 tuổi, đã nhiều lần trở thành mục tiêu vì tu luyện Pháp Luân Công trong hơn hai thập kỷ. Mỗi người bị kết án hai năm lao động cưỡng bức vào năm 2001, nhưng sau đó, thời hạn của bà Trịnh bị kéo dài thêm hai tháng và thời hạn của ông Mã bị kéo dài thêm 10 tháng. Sau lần bắt giữ khác vào năm 2004, bà Trịnh bị kết án ba năm tù với ba năm quản thúc, và ông Mã bị kết án năm năm tù. Họ cũng bị bắt vào năm 2012, sau đó bà Trịnh bị kết án bảy năm tù và ông Mã bị kết án 7,5 năm tù. Lần bắt giữ gần đây nhất của hai người là vào ngày 22 tháng 2 năm 2021, dẫn đến bản án 1,5 năm tù cho mỗi người.

Từng bị giam cầm gần bảy năm, một cư dân Hà Bắc qua đời hai ngày sau khi bị sách nhiễu chỉ bởi đức tin vào Pháp Luân CôngÔng Vương Hoài, một cư dân thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, đã qua đời vào ngày 9 tháng 3 năm 2024, hai ngày sau khi ông tiếp tục bị chính quyền sách nhiễu vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Ông Vương Hoài, cựu nhân viên Công ty Thương mại Xe hơi Trương Gia Khẩu, tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Sự ra đi của ông đã chấm dứt những thập kỷ đau khổ chỉ vì kiên trì đức tin. Ông từng bị kết án bảy năm tù sau khi bị bắt vào ngày 2 tháng 1 năm 2001. Ông bị tra tấn dã man, và gãy gần hết răng. Gia đình ông chỉ được phép gặp ông hai lần trong thời gian bị giam giữ.

Sau vài tháng được thả vào đầu tháng 9 năm 2007, cảnh sát địa phương và các viên chức khu dân cư đã theo dõi chặt chẽ và thỉnh thoảng sách nhiễu ông tại nhà, đặc biệt là vào những ngày nhạy cảm về chính trị. Chính quyền cũng đình chỉ lương hưu của ông khi ông đến tuổi về hưu cách đây 15 năm. Khoản lương hưu ít ỏi của vợ ông (2.000 Nhân dân tệ mỗi tháng) là nguồn thu nhập duy nhất của họ.

Khoảng 3 giờ 30 chiều ngày 7 tháng 3 năm 2024, một cảnh sát của Đồn Công an Hồng Kỳ Lâu và hai nhân viên cộng đồng xuất hiện tại nhà ông Vương. Nam nhân viên quay phim ngôi nhà và vợ ông Vương đã ngăn lại. Nữ nhân viên hét lớn: “Hôm nay chúng tôi đến đây vì có người tố cáo ông bà phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công”. Nhưng bà ta từ chối tiết lộ danh tính người tố giác. Ông Vương kêu gọi họ ngừng bức hại những công dân tuân thủ pháp luật như ông. Sau đó, hai nhân viên này và cảnh sát rời đi.

Lần sách nhiễu mới nhất là giọt nước tràn ly. Ông Vương, người không thể hồi phục sau những vết thương và tổn hại sức khỏe trong thời gian bị giam cầm, đã qua đời hai ngày sau đó.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 2 năm 2024: 10 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 1 năm 2024: 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/2/474820.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/6/216483.html

Đăng ngày 20-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share