Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-11-2024]

Họ và tên: Vương Trung Thắng
Tên tiếng Trung: 王忠胜
Giới tính: Nam
Tuổi: 78
Thành phố: Phủ Thuận
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Giảng viên cao cấp
Ngày mất: Ngày 16 tháng 11 năm 2024
Ngày bị bắt gần nhất: Ngày 1 tháng 11 năm 2020
Nơi giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Đông Lăng

Một cựu giảng viên cao cấp ở thị trấn Tân Khách, tỉnh Liêu Ninh, rơi vào tình trạng nguy kịch trong khi thụ án tù 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Ông được thả vào ngày 30 tháng 4 năm 2024, 6 tháng trước thời hạn, nhưng qua đời 7 tháng sau đó, vào ngày 16 tháng 11. Ông hưởng thọ 78 tuổi.

Ngày 1 tháng 11 năm 2020, ông Vương Trung Thắng bị bắt và bị lục soát nhà. Ngày 26 tháng 4 năm 2021, ông bị Tòa án quận Thuận Thành kết án 4 năm tù và bị phạt 4.000 Nhân dân tệ.

Sau khi ông Vương bị đưa đến Khu 3 của Nhà tù Đông Lăng, ông bị bắt ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ mà không được cử động, khiến mông của ông bị lở loét và nhiễm trùng nghiêm trọng. Khi tình trạng của ông Vương tiếp tục xấu đi, ông được đưa đến bệnh viện của nhà tù để điều trị. Nhà tù thả ông vào ngày 30 tháng 4 năm 2024, 6 tháng so với ngày dự kiến ra tù.

Do áp lực tinh thần từ cuộc bức hại, ông Vương phải vật lộn để hồi phục khi trở về nhà. Tháng 10 năm 2024, ông bị ngã và bị gãy đùi. Ông qua đời vài tuần sau, vào ngày 16 tháng 11.

Bức hại trong quá khứ

Trong 25 năm Pháp Luân Công bị bức hại, ông Vương, một giảng viên cao cấp tại Trường Đảng thị trấn Tân Khách, bị sa thải và nhiều lần bị bắt và giam giữ vì kiên định vào đức tin. Tháng 12 năm 2019, vợ ông là bà Vương Quế Lan, cũng là một người tu luyện Pháp Luân Công, không chịu được áp lực của cuộc bức hại và qua đời.

Ông Vương bị chính quyền đưa vào danh sách đen những người tu luyện Pháp Luân Công sau khi ông viết một bức thư ngỏ gửi chính quyền trung ương vào tháng 4 năm 1999, kiến nghị tạo một môi trường tự do để tu luyện Pháp Luân Công. Vài ngày trước khi ông gửi bức thư, 10.000 học viên Pháp Luân Công đã kháng nghị tại khu phức hợp chính quyền trung ương ở Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4, yêu cầu thả các học viên bị bắt tại Thiên Tân và tự do tu luyện Pháp Luân Công. Ông Vương cũng đã đến Bắc Kinh để tham gia kháng nghị, nhưng bị chặn lại giữa chừng và bị cấm đi tiếp.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi chính quyền Trung Cộng chính thức ra lệnh bức hại, ông Vương bị 2 cảnh sát chặn lại và lôi khỏi xe đạp, khi đang trên đường trở về nhà sau khi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công buổi sáng tại công viên. Cảnh sát đẩy ông vào một chiếc xe tải và đưa ông đến Công an thị trấn Tân Khách. Nhiều cảnh sát nói chuyện với ông, yêu cầu ông ngừng tu luyện Pháp Luân Công, nhưng ông từ chối tuân theo.

Vào buổi chiều, ông Vương bị gửi đến trường đảng nơi ông làm việc. Lúc 3 giờ chiều, đài phát thanh quốc gia tuyên bố quyết định của đảng về lệnh cấm Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Đài cũng phát một số bài viết phỉ báng Pháp Luân Công.

Ông Vương bị giam tại trường đảng trong 2 tuần sau đó, và bị tẩy não tăng cường. Ông được thả vào đầu tháng 8, sau khi bị ép từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngày 5 tháng 9, ông Vương và vợ đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Khi ông trở về vào tháng 10 để thăm người dì đang đau yếu trong bệnh viện, cảnh sát bắt giữ ông. Ban đầu, ông bị tạm giam 7 ngày, nhưng cảnh sát từ chối thả ông khi hết thời hạn.

Tháng 11 năm 1999, ông Vương bị trường đảng sa thải. Chính quyền địa phương phát sóng trên truyền hình cảnh thị trưởng đọc quyết định đuổi việc ông.

Cuối tháng 12 năm 1999, ông Vương bị giam giữ 2 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Phủ Thuận, đến tháng 10 năm 2000, ông được thả để hoàn thành thời gian còn lại tại nhà.

Ngày 30 tháng 12 năm 2000, ông trở lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Vì ông từ chối cho cảnh sát chụp hình tại Trại tạm giam Phòng Đài, nên ông bị cảnh sát đá và giẫm đạp. Ngày 23 tháng 1 năm 2001, ông được trả tự do.

Ông Vương ở lại Bắc Kinh sau khi được thả. Ông tìm thấy một số học viên địa phương, và cùng họ phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Giữa tháng 2 năm 2001, ông bị tố giác, sau đó bị bắt giữ.

Vì ông từ chối tiết lộ tên và địa chỉ, cảnh sát đánh đập và nhốt ông vào một cái lồng bằng kim loại. Cơn đau do bị đá kéo dài hơn 2 tuần.

Sau đó, ông Vương bị đưa đến trại tạm giam Triều Dương ở Bắc Kinh. Một đêm, một lính canh lừa ông rằng họ sẽ thả ông nếu ông nói cho họ địa chỉ của mình. Chẳng bao lâu, cảnh sát từ Thị trấn Tân Khách đến và đưa ông trở lại. Ông bị trại tạm giam Triều Dương tịch thu 300 Nhân dân tệ và chiếc đồng hồ của ông.

Ông Vương bị đưa trở lại Trại Lao động Cưỡng bức Phủ Thuận để kết thúc án tù, kéo dài thêm 10 tháng. Ông liên tục bị yêu cầu từ bỏ Pháp Luân Công và bị các tù nhân khác sách nhiễu. Biết ông là giảng viên cao cấp của trường đảng, lãnh đạo trại lao động bắt ông phải giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.

Sau đó, cổ của ông Vương bị sưng tấy nghiêm trọng và ông bắt đầu ho ra máu. Nghi ngờ ông bị ung thư, trại lao động thả ông ra.

Lãnh đạo trại cố gắng yêu cầu ông công khai thuyết phục những học viên khác từ bỏ đức tin. Họ hứa cho ông quay lại làm việc nếu ông đồng ý, nhưng ông từ chối.

Ông Vương bị bắt thêm một lần nữa vào tháng 9 năm 2004, và bị yêu cầu từ bỏ Pháp Luân Công tại đồn công an. Sau khi ông từ chối, cảnh sát đưa ông đến Trung tâm Tẩy não La Đài Sơn Trang để tiếp tục bức hại.

Ngày 8 tháng 4 năm 2008, trong khi chuẩn bị bắt chuyến bay ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương, ông Vương bị nhân viên sân bay hỏi ông có luyện Pháp Luân Công không. Ông trả lời là có, và bị bắt và bị tẩy não hàng ngày trong suốt thời gian bị giam giữ.

Báo cáo liên quan:

Một cựu giảng viên trong tình trạng nghiêm trọng khi bị bỏ tù vì tín ngưỡng của mình

Một cựu giảng viên lại bị bắt vì kiên định đức tin của mình

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/21/485182.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/25/221815.html

Đăng ngày 16-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share