Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đức
[MINH HUỆ 18-03-2024]
Trong quá trình viết bản thảo cho nền tảng RTC, tôi nhận ra rằng một bản thảo giảng chân tướng tốt là có thể cảm hóa lòng người. Nó nên được bắt đầu từ góc độ những gì mọi người muốn biết, những gì mọi người quan tâm, rồi từng bước triển khai ra một cách bình hòa, với ngôn từ dễ hiểu, dễ nghe, mạch lạc và trôi chảy. Theo thể ngộ của tôi, một bài viết hay giống như dòng nước tĩnh có thể làm tan chảy lòng người.
Mỗi bản thảo sẽ được phát hơn 10.000 lần trên nền tảng RTC và chúng sinh ở Trung Quốc có đủ loại quan niệm và tư tưởng. Ví dụ, có người thấy phiền phức vì ngày nào cũng bị xét nghiệm COVID, trong khi những người khác lại cảm thấy yên tâm hơn khi họ được xét nghiệm, và có người thậm chí cho rằng việc Chính phủ cung cấp que thử miễn phí là một phúc lợi lớn.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy, việc phán đoán chủ quan hay vội vàng kết luận là điều cấm kỵ nhất. Nếu không có sự chuẩn bị từng bước, không có cơ sở thực tế vững chắc và phân tích bản chất thông qua sự việc, thì người nhận cuộc gọi rất dễ gác máy, không chịu nghe nữa.
Dạo mới bắt đầu viết bản thảo, tôi rất dễ phạm phải sai lầm là vội vàng kết luận. Sau khi một số đồng tu nhắc nhở tôi nhiều lần, tôi đột nhiên nhận ra vấn đề của bản thân, đó là tâm tự cho mình là đúng.
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh ở Trung Quốc, hầu như ngày nào cũng có sự việc thu hút sự chú ý của mọi người. Do đó, nếu chúng ta phân tích và giảng chân tướng dựa trên những sự việc này thì dễ chiếm được cảm tình của chúng sinh. Trong quãng thời gian đó, để thu thập thông tin, tôi đã đọc rất nhiều bài viết và video liên quan trên các phương tiện truyền thông do các học viên vận hành. Tôi nhận thấy một số đồng tu có thể phân tích và tường thuật sự kiện một cách logic và đầy thuyết phục. Trí huệ có được của họ là kết quả của việc buông bỏ ngày càng nhiều những quan niệm hậu thiên, phóng hạ “tự ngã”, tu luyện một cách khiêm nhường mới có được linh cảm từ các bài giảng của Sư phụ.
Tôi luôn tự nhủ phải vứt bỏ hết các quan niệm con người và đặt mình vào vị trí của người khác. Tôi thường tự hỏi mình các câu hỏi như “Nếu tôi đang sống ở Trung Quốc và bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên truyền giáo huấn, thì những người khác phải nói gì mới có thể khai thông tâm trí của tôi và giúp tôi hiểu chân tướng?”
Đồng thời, tôi cũng nhắc nhở bản thân không viết theo sở thích cá nhân hay ai nói sao thì bảo sao viết vậy. Ví như đôi khi chúng ta thấy một mẩu tin có thể hữu ích cho việc giảng chân tướng, nhưng nó có thể là tin giả. Nếu tôi vẫn cứ tự cho nó là đúng và tâm hoan hỉ nổi lên, tôi có thể bị lầm đường và người nghe sẽ có cảm giác cường điệu, điều này có thể gây ra tác dụng ngược và đẩy chúng sinh ra xa.
Chúng ta nên bắt đầu bằng cách sử dụng những sự việc có thật mà người thường dễ tiếp nhận nhất, từng bước giải thích mọi việc một cách mộc mạc, sau đó mở rộng ra khỏi bề mặt để nhìn đến bản chất, phân tích nguyên nhân đằng sau và cuối cùng dẫn đến bản chất tà ác và giết người của ĐCSTQ.
Người cùng viết bản thảo với tôi là một đồng tu ở Canada và cô ấy đã giúp tôi rất nhiều. Tôi vô cùng biết ơn sự an bài vi diệu này của Sư tôn. Cô ấy có đúng những phẩm chất mà tôi không có, và hai chúng tôi đã bổ trợ cho nhau. Chúng tôi cùng nhau viết rất nhiều bản thảo, tạo ra rất nhiều Pháp khí để cứu người. Đồng tu này rất kiên nhẫn, chân thành lắng nghe ý kiến của người khác, và không phô trương bản thân.
Bởi vì có khá nhiều kinh nghiệm trong việc giảng chân tướng trực diện và qua điện thoại nên tôi hiểu rõ suy nghĩ của người dân Trung Quốc, những hiểu lầm và nút thắt trong tâm của họ. Điều này khiến tôi quá tự tin, dễ sinh tâm hoan hỉ, thậm chí là ngạo mạn. Mỗi khi thấy một đoạn tin có thể dùng cho tài liệu giảng chân tướng, tôi thường nhanh chóng tìm ra cách mở đầu, sắp xếp ý tưởng cũng như từng bước trình bày.
Mỗi lần như vậy, đồng tu này đều kiên nhẫn lắng nghe, cô ấy suy nghĩ thấu đáo rồi mới đưa ra ý kiến của mình thông qua một loạt câu hỏi. Đồng tu ấy điềm tĩnh thảo luận với tôi và khiến tôi lập tức nhìn ra vấn đề của mình, là thiếu kiên nhẫn và tự cao tự đại. Đặc biệt là khi tôi biết rõ sự việc và không có chút kiên nhẫn nào để nghe cô ấy nói.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình có cái tôi quá lớn, giả ngã này cùng các chấp trước, quan niệm cần phải trừ bỏ. Khi tôi học cách kiên nhẫn lắng nghe, tôi đã có được các ý tưởng tốt hơn, và trí huệ tu được từ Đại Pháp đã hiển lộ cho tôi.
Khi hai chúng tôi phối hợp với nhau ngày càng ăn ý hơn, hiệu quả viết bài của chúng tôi cũng được cải thiện rất nhiều. Chúng tôi đã sửa lại nhiều bản thảo ngắn được viết trước đây dùng cho phát bán tự động, làm chúng trở nên súc tích, mạch lạc và có tính thuyết phục hơn. Đồng tu này còn rất cẩn thận, mỗi khi xong một bản thảo, chúng tôi đều cân nhắc từng chữ, từng câu, đôi khi sắp xếp lại trình tự để bài viết nghe lôgic, trôi chảy và dễ đọc hơn. Nhờ vậy, tôi cũng trở nên cẩn thận tỉ mỉ hơn nhiều.
Sư phụ giảng:
“… ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết.” (Thánh giả, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi trước kia tính cách cẩu thả và thường bỏ qua các tiểu tiết, sau khi phối hợp với đồng tu ấy, tôi đã học được cách bỏ công chú ý đến từng chi tiết.
Pháp Luân Đại Pháp cấp trí huệ cho mỗi học viên. Có lần, tôi chia sẻ kinh nghiệm về giảng chân tướng trực diện với một đồng tu, cô ấy kể với tôi rằng: “Một hôm tôi cảm thấy trạng thái của mình rất tệ, đầu cứ tê đi và như bị ép xuống. Tôi cảm thấy không đủ tự tin để đi giảng chân tướng. Sau đó tôi bèn niệm ‘Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ.’ (Luận ngữ, Chuyển Pháp Luân). Tôi cứ niệm như thế không biết bao nhiêu lần, rồi đột nhiên tôi cảm thấy thông suốt. Tôi nghĩ: ‘Pháp mà mình đang học là trí huệ của Sáng Thế Chủ, còn vĩ đại hơn cả vũ trụ này, không cách nào hình dung nổi. Nay mình đã học trí huệ của Sáng Thế Chủ rồi, mình còn không biết nên giảng thế nào là sao?’ Sau đó tôi lập tức trở nên thanh tỉnh, trí huệ xuất lai, tôi thấy rất tự tin. Ngày hôm ấy, tôi đã thuận miệng nói ra những lời mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới, và đã giúp được nhiều người thoái ĐCSTQ”.
Một hôm, tôi chợt nhớ đến câu khẩu quyết của Sư tôn trong bài công pháp thứ hai, Pháp Luân Trang Pháp:.
“Sinh huệ tăng lực” (Chương II – Đồ hình và giải thích động tác, Đại Viên Mãn Pháp)
Tôi nghĩ: “Ôm bão luân có thể tăng trưởng trí huệ. Thật là huyền diệu. Tôi ngộ ra rồi, tôi nhất định phải tăng cường trí huệ của mình”. Sư phụ đã ban cho chúng ta trí huệ vô biên thông qua các Pháp lý và các bài công pháp.
Sư phụ giảng:
“… ai ngộ ra thì người ấy đắc được.” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Tôi lý giải rằng chúng ta cần phải thực sự ngộ trong Đại Pháp. Chỉ cần chúng ta ngộ được, chúng ta sẽ thực sự đắc được trí huệ mà Đại Pháp ban cho và dùng trí huệ đó để thức tỉnh người khác. Tất nhiên, điều này đòi hỏi chúng ta phải buông bỏ giả ngã và tất cả các quan niệm hậu thiên, như thế chân ngã sẽ khởi được tác dụng lớn nhất, đồng hóa với Đại Pháp, và chúng ta có thể sử dụng tốt trí huệ để giảng chân tướng và dẫn dắt nhiều người hơn học Pháp Luân Đại Pháp.
(Bài trình bày tại Pháp hội Thường niên 2024 của RTC)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/18/474246.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/7/216497.html
Đăng ngày 21-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.