Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp bên ngoài Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-03-2024]
Con xin kính chào Sư phụ! Xin chào các bạn đồng tu!
Tháng 9 năm ngoái, tôi chuyển từ trường Trung học Điểu Tùng ở Đài Loan sang Khoa Vũ đạo của Học viện Nghệ thuật Phương Bắc, và hiện đang học lớp 11. Cách đây 5 năm, tôi cũng đã từng theo học hai học kỳ tại ngôi trường này.
Mỗi lần tới một môi trường mới, cuối cùng tôi đều nhận ra không có gì là ngẫu nhiên cả. Việc tôi hai lần trở thành học viên của Học viện Phương Bắc đều là do Sư phụ an bài. Tuy tôi chưa thể lập tức nhận ra đây là an bài của Sư phụ và nghĩ đó chỉ là sự việc ngẫu nhiên, nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra mọi việc xảy ra đúng chỗ, đúng lúc nhằm đặt định giúp tôi không ngừng đề cao trên con đường tu luyện. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số trải nghiệm của bản thân và những chấp trước của tôi gần đây đã bị phơi bày như thế nào.
Thực tu
Khi còn ở Đài Loan, việc học Pháp và luyện công hàng ngày là yêu cầu của ngôi trường mà tôi theo học. Sau một thời gian, tôi coi làm ba việc như hình thức hơn là việc đệ tử Đại Pháp cần làm. Khi tôi không tinh tấn trong tu luyện, ngay cả lúc tham gia buổi học Pháp chung, nếu không gà gật thì tôi cũng lơ đãng, dù có cố gắng thế nào, tôi cũng không nhập tâm được một từ nào.
Sau này, tôi nhận ra rằng nếu tôi chỉ thụ động coi việc học Pháp, luyện công là yêu cầu bắt buộc mà không hiểu ý nghĩa thì tôi sẽ không học được gì hết. Cho dù tôi có dành bao nhiêu thời gian để đọc các bài giảng và luyện công đi nữa, tôi cũng không thể tĩnh lại hay lĩnh hội được điều gì. Sau khi đến Học viện Phương Bắc, tôi biết không ai bắt tôi phải học Pháp, không có quy định tôi phải thức dậy vào giờ nào để luyện công. Mọi thứ đều là tự nguyện. Muốn tu luyện hay không là tùy vào bản thân. Cuối cùng, khi tôi nhận ra rằng học Pháp, luyện công là xuất phát từ yêu cầu tự thân của người tu luyện, tôi đã không còn buồn ngủ nữa. Tôi trân quý thời gian học Pháp mỗi ngày, và cũng trở nên tập trung.
Tâm lười biếng
Ban đầu, tôi còn kiên trì luyện công hàng ngày được một học kỳ. Đôi khi, nghĩ đến việc mình có thể duy trì trong thời gian lâu như vậy, tôi không khỏi cảm thấy tự mãn. Tôi nghĩ: “Mình thật quyết tâm; trạng thái tu luyện của mình khá tốt.” Tư tưởng này đã là không đúng rồi, nhưng tôi không nhận ra điều đó.
Tâm hoan hỷ vừa xuất ra, tôi bắt đầu buông lỏng. Mỗi ngày tôi đều tỉnh rất sớm nhưng thật khó để ra khỏi giường. Tôi ngủ thiếp đi trong giờ học buổi sáng. Tôi nghĩ: “Nếu dậy muộn, chẳng phải mình sẽ tỉnh táo hơn sao?” Tôi biết tôi chỉ đang cố tìm cớ để không dậy sớm luyện công, tâm lười biếng đã hủy hoại chính niệm của tôi, khiến tôi bắt đầu lừa dối chính mình. Ý niệm này dần dần bén rễ trong tâm tôi. Ban đầu, có lúc tôi luyện công muộn hơn nửa giờ, lúc đầu còn thấy có vẻ tỉnh táo hơn chút thật, và thấy lý do mình tìm được xem ra rất hợp lý.
Đến lúc tôi nhận ra mình sai thì vấn đề đã nghiêm trọng rồi. Khi tôi thực sự muốn dậy lúc 5 giờ sáng thì không còn thoải mái như trước nữa. Tôi không những ngủ quên, mà ngay cả chuông báo thức tôi cũng không nghe thấy. Lúc đầu, tôi còn tưởng có vấn đề gì với đồng hồ báo thức, không chừng âm lượng chuông nhỏ quá, chắc phải thay pin. Nhưng thay pin xong, tôi vẫn không nghe thấy gì và lại bỏ lỡ giờ luyện công. Thế là, tôi nhờ bạn cùng phòng đặt đồng hồ báo thức của cậu ấy để đánh thức tôi. Tôi thấy chuông báo thức của cậu ấy to hơn, nhưng cuối cùng tôi vẫn không dậy được.
Sau đó tôi chợt hiểu ra, giống như Sư phụ giảng:
“Có học viên lâu năm nói: ‘Thưa Sư phụ, con sao mà thấy chỗ nào cũng khó chịu lắm, đến bệnh viện tiêm cũng không khỏi, uống thuốc cũng không khỏi’. Họ còn nói được với tôi như thế! Tất nhiên nó không khỏi. Nó cũng không phải là bệnh, khỏi sao được? Chư vị kiểm tra đi, không có mầm bệnh, chư vị chỉ thấy khó chịu thôi. Chúng ta còn có học viên đến bệnh viện làm cong mấy cái kim tiêm, cuối cùng ống thuốc cũng phụt ra ngoài, không có vào [thân thể]. Anh ta hiểu ra: ‘Ái chà, mình là người luyện công kia mà, mình không tiêm nữa’. [Lúc ấy] anh ta mới nghĩ ra là không nên đi tiêm.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)
Tôi cũng giống như vị học viên lâu năm ấy, dùng đủ mọi cách nhưng vẫn uổng công. Cuối cùng, tôi nhận ra nguyên nhân căn bản là do tôi không coi mình là người tu luyện. Vấn đề không phải ở chuông báo thức – mà là do chấp trước của tôi. Tôi đã không còn tích cực kiên trì dậy sớm như trước nữa. Mặc dù ngày nào cũng nghĩ cách dậy sớm, nhưng trong tâm vẫn muốn ngủ thêm một chút. Khi mất đi tâm tinh tấn ban đầu để đề cao trong tu luyện, làm sao tôi có thể bảo trì trạng thái lúc đó đây? Tôi cảm thấy thật hổ thẹn, vì tự mãn rằng mình có thể dậy sớm luyện công mà bị dùi vào sơ hở. Sau đó, như một kỳ tích, tôi lại có thể nghe thấy tiếng chuông báo thức của mình. Nếu lúc nào gặp khó khăn mà cứ hướng ngoại tìm nguyên nhân khiến sự việc không thuận lời, mà không tìm ở bản thân thì vĩnh viễn không tìm ra.
Tu bỏ tâm hiển thị
Trước đây, khi học lớp vũ đạo, nếu thấy có chút gì không đạt yêu cầu của mình, ngay cả khi giáo viên không sửa cho tôi, tôi vẫn thấy không hài lòng về bản thân, cứ cảm thấy lẽ ra vừa rồi có chỗ còn có thể làm tốt hơn. Bản thân việc tự nhận ra khuyết điểm của mình thì không có gì sai, nhưng vì động cơ của tôi không đúng, nên kiểu yêu cầu bản thân này lại trở thành chướng ngại lớn nhất trong tâm tôi, khiến tôi lúc nào cũng thấy chán nản sau mỗi buổi học, nghĩ động tác này của mình lẽ ra phải chuẩn hơn. Tôi lầm tưởng đó là biểu hiện rằng mình có tiêu chuẩn cao. Có khi sau nhiều lần thử mà vẫn không đạt được trạng thái mong muốn, tôi chán nản đến mức không thể tập trung được, cứ luẩn quẩn ở chỗ chưa hoàn mỹ của mình mà thấy khó chịu quá, hễ nghĩ vừa rồi sao không được tốt là bực không chịu được, không kìm được nước mắt.
Tôi bắt đầu hoài nghi bản thân: “Tại sao mình lại vào khoa múa?” Tôi không thể chịu đựng được tư thế cứng ngắc phản chiếu trong gương, càng nhìn càng bực, lại sợ người khác nhìn thấy ánh mắt của mình, cứ lo họ mà thấy được thiếu sót và khuyết điểm của mình thì không biết trốn vào đâu. Cái tâm thái muốn che đậy dần dần khiến tôi ngày càng rụt rè, mà múa lại yêu cầu phải xuất phát từ tâm, thân chưa động mà thần (tâm) dẫn trước, thân dừng mà thần (tâm) không dừng. Động tác múa của tôi ngày càng xa chuẩn mực, và tôi bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Tôi thường không sao hiểu nổi làm sao luyện tập mãi mà vẫn không được như ý, cứ giậm chân tại chỗ, càng ngày càng tệ hơn! Tôi không sao hiểu được rốt cuộc chướng ngại nào đã cản trở tôi. Mỗi ngày đến lớp vũ đạo đều như một loại tra tấn tinh thần đối với tôi.
Một hôm, tôi đọc được trong Chuyển Pháp Luân:
“Chư vị muốn đề cao, nhưng đâu có đề cao được, chúng không cho phép chư vị nâng cao lên. Vì sao không cho phép chư vị lên cao? Bởi vì tâm tính của chư vị chưa đề cao lên.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Đọc xong, tôi nhận ra là do tâm tính tôi bị giậm chân tại chỗ, thậm chí còn bị chấp trước kéo xuống, nên đương nhiên không đề cao lên được. Hóa ra cảm giác bất mãn với bản thân và ý nghĩ lẽ ra mình có thể làm tốt hơn không phải xuất phát từ mong muốn mình phải làm tốt hơn, mà là tâm hiển thị đang phát tác, vì năng lực chưa đủ, không sao hiện thị được với người khác nên thấy bực.
Nếu thấy mình không phải là người giỏi nhất, thì tôi lại cảm thấy bất mãn, đố kỵ với người khác. Tâm thích giữ thể diện khiến tôi không sao thả lỏng bản thân mà múa trước mặt mọi người, lúc nào cũng muốn che giấu khuyết điểm của mình. Gần đây, tôi mới phát hiện ra rằng trước đây, tôi mang tâm bất hảo như vậy mà múa, mà muốn tiến bộ, chẳng qua là vì tư dục và chấp trước của bản thân, lấy mục đích hiển thị với người khác. Bản thân cái động lực này là bất thuần, đủ loại tư tưởng và niệm đầu bất hảo này hội tụ lại, như cục nghiệp lực vậy, nên tự nhiên không có kết quả tốt.
Nếu duyên phận khiến tôi đi trên con đường múa, thì cũng phải khiến tôi nhọc cái gân cốt mà bỏ đi các loại chấp trước của mình, tu thân, tu cả tâm. Mỗi lĩnh vực đều là một con đường tu luyện, nhìn bề ngoài, nâng cao kỹ năng dường như không liên quan gì đến tâm tính, nhưng thực ra lại có mối tương quan chặt chẽ. Khi nhận ra những chấp trước của mình, tôi cố gắng hết sức để có thể bình hòa mỗi khi gặp trở ngại, không để tâm buồn bực dẫn động. Khi được ngợi khen, tôi tự nhủ phải bảo trì tâm khiêm tốn, không được tự mãn.
Trên con đường tu luyện, tôi cứ va vấp, ngã nhào rất nhiều. Hy vọng từ nay, tôi có thể khắc ghi điều Sư phụ giảng:
“…cứ tu luyện như thuở đầu…” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009).
Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác biết ơn và chấn động thuở đầu khi minh bạch ra ý nghĩa của tu luyện, và sẽ phấn chấn lên trên con đường tu luyện.
Trên đây chỉ là thể ngộ ở tầng thứ sở tại. Có chỗ nào chưa thỏa đáng, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.
Cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn mọi người!
(Bài chia sẻ tại Hội nghị Chia sẻ Trải nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp của Học viện Nghệ thuật Phương Bắc)
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/15/474222.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/28/216379.html
Đăng ngày 05-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.