Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Melbourne

[MINH HUỆ 24-11-2023]

Con xin kính chào Sư phụ!
Kính chào các đồng tu!

Tôi đắc Pháp cách đây năm năm rưỡi. Nhờ sự chỉ dẫn của Sư phụ, mà cuộc đời của tôi đã thay đổi một cách đáng kể, đặc biệt là từ khi tôi trở thành một điều phối viên của nhóm học viên Việt Nam tại Melbourne. Nhân dịp Pháp hội, tôi xin chia sẻ quá trình tu luyện trong vai trò là một điều phối viên, hy vọng tôi sẽ đề cao hơn nữa trong tu luyện.

1. Tu luyện khi đảm nhận vài trò điều phối viên

Một ngày nọ, một điều phối viên người Hoa gọi cho tôi và hỏi tôi có muốn trở thành điều phối viên không, lúc đó tôi mới đắc Pháp được hơn một năm. Lúc ấy, tôi hỏi cô ấy thêm chi tiết và chỉ nghĩ đơn giản rằng, tôi là người khá năng động và cũng không bị vướng ngại về ngôn ngữ nhiều nên tôi có thể giúp đỡ chỉnh thể Việt Nam bằng cách cập nhật các thông tin khi cần thiết, bởi vậy tôi đã đồng ý.

Vài tháng đầu tiên, tôi chủ yếu phiên dịch các tin nhắn cho nhóm đồng tu Việt Nam, ngoài ra không có việc gì mấy. Sau đó, có vài đồng tu tiếp cận và nhờ tôi giúp đỡ mấy hạng mục. Ban đầu, tôi cảm thấy rất choáng ngợp khi nhìn một loạt các hạng mục. Tôi có chút phàn nàn trong tâm và nghĩ mình đã quá bận rộn với công việc người thường rồi, nên chỉ có thể dịch thông tin sang tiếng Việt cho nhóm được thôi. Tuy nhiên, càng tu luyện, học Pháp và kinh văn của Sư phụ nhiều hơn, tôi đã ngộ ra rằng điều phối các nhóm và các học viên chính là con đường tu luyện mà Sư phụ đã an bài cho tôi, và đó là một phần tu luyện của tôi.

Tôi bắt đầu tham gia các hạng mục, và các đồng tu Việt Nam tại Melbourne phối hợp rất tốt, nên các hạng mục chạy rất suôn sẻ, và tôi đã nhận được nhiều lời khen từ các đồng tu. Sau một thời gian, khi thấy các đồng tu khác làm hạng mục không tốt, tôi cảm thấy rất thất vọng, thậm chí còn coi thường các điều phối viên khác, và có tâm tự phụ rằng tôi có thể làm tốt hơn họ.

Sau đó, tôi nhớ tới Pháp của Sư phụ:

“Người phụ trách của đệ tử Đại Pháp ấy, thực ra thì chỉ là một người phối hợp, người liên hệ, một người truyền đạt, chư vị không được xem họ như là Sư phụ, đặt hy vọng lớn đến thế, trở thành điểm tựa trong tu luyện của chư vị, bất luận làm việc gì họ cũng phải làm đến tốt nhất. Không phải như thế, nếu người phụ trách này thật sự cũng giống như Sư phụ, hay là nghĩ vấn đề toàn mọi mặt, tuyệt đối không có sai sót, như vậy thì rất nhiều người địa phương ấy sẽ tu không xuất lai được, vì họ đã nghĩ toàn diện về mọi mặt rồi, không có phần suy nghĩ của chư vị nữa, những việc họ làm đều là tốt nhất, cũng không có phần tốt của chư vị nữa.” (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương [2004], Giảng Pháp tại các nơi VI)

Khi tâm chấp trước của tôi xuất hiện, Sư phụ đã an bài cho tôi đọc được những bài chia sẻ tâm đắc tu luyện hoặc kinh văn như là sự điểm hóa và giúp tôi trừ bỏ chấp trước. Cảm tạ Sư phụ!

2. Tu luyện trong gia đình

Tôi sinh ra trong một gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa Đảng. Văn hóa đảng đã trở thành thói quen và một phần trong cuộc sống của chúng tôi. Mặc dù tôi biểu hiện điềm đạm và lịch thiệp, nhưng ở nhà tôi thường cáu kỉnh, đặc biệt là với chồng con. Tôi có xu hướng áp đảo chồng, và hành vi này vẫn tồn tại ngay cả sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cố gắng thuyết phục chồng học Pháp với tôi vì tin rằng sẽ rất tốt cho anh. Tuy nhiên, anh ấy khăng khăng rằng nếu Pháp thực sự tốt thì tôi nên tập trung vào đề cao bản thân đã. Anh ấy cần thấy sự thay đổi tích cực từ hành xử của tôi, rồi mới thừa nhận giá trị của Pháp.

Tôi nhận thấy mình là một điều phối viên tốt trong nhóm chúng tôi, nhưng lại không thể làm vai trò điều phối trong gia đình của mình. Tôi nghĩ nếu người nhà tôi đều trở thành học viên, tôi có thể trở thành một điều phối viên tốt trong chính gia đình của mình rồi. Nhưng để thực hiện điều đó thì không hề dễ dàng, nhất là khi chồng tôi là tiến sỹ và tin vào khoa học thực chứng. Bởi vậy, tôi tự nhủ mình phải tu luyện tốt trong môi trường gia đình, và dưới sự chỉ dẫn của Sư phụ, tôi sẽ có thể làm được.

Tôi bắt đầu thay đổi, thậm chí cả những việc nhỏ, như không hối thúc hay cao giọng giục các con nhanh lên vào buổi sáng khi chuẩn bị đến trường, tôi cho các con có thêm 5-10 phút để đi giày. Mặc dù một số đồng tu và những người khác chia sẻ rằng chúng ta có thể bị muộn làm hoặc con đến trường muộn nếu chúng ta không thúc giục bọn trẻ, nhưng tôi nhận ra rằng sự thiếu kiên nhẫn xuất phát từ tâm ích kỷ. Trong khi người lớn chúng ta thường vội vã hoàn thành công việc của mình, đôi khi chúng ta không đủ nhẫn nại để đợi tụi nhỏ mặc quần áo hoặc chuẩn bị cho bản thân. Tôi nhớ tới những trường hợp các đệ tử hỏi Sư phụ nhiều câu hỏi mà Ngài từng trả lời rồi, nhưng Sư phụ vẫn giải đáp lần nữa bằng sự từ bi và nhẫn nại.

Vì thế, nếu con tôi lặp lại lỗi sai hoặc cần thêm thời gian để chuẩn bị, thì tôi thường cố gắng dậy sớm hơn để các con có đủ thời gian, và nói với con bằng giọng hiền từ và nhẫn nại. Dần dần, các con tôi hình thành những thói quen tuyệt vời, và tôi không còn cần phải lên kế hoạch xoay quanh việc của các con, cũng không còn muộn làm vì các con nữa.

Bây giờ, con gái tôi 17 tuổi. Khi tôi bước vào tu luyện cách đây năm năm rưỡi, con đã từng nghe các bài giảng Pháp. Tuy nhiên, vì tôi không hiểu hết bản tiếng Anh, mà con lại chẳng thể đọc được bản tiếng Việt, nên chúng tôi không cách nào học Pháp chung được. Những năm qua, tôi ước mình có thể truyền cảm hứng để con quay trở lại học Pháp, nhưng con đã từ chối.

Gần đây, một hôm, khi con gái cảm thấy áp lực bài vở nặng nề, tôi đã kiên nhẫn chia sẻ với con những trường hợp mà Sư phụ và Đại Pháp đã giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn như thế nào. Tôi nhận ra rằng ở các nước tự do, trẻ em không sẵn sàng tiếp thụ giáo huấn của cha mẹ. Vì thế, tôi thường kể những ví dụ thực tế về cách tôi thực hành Pháp trong cuộc sống, và nhấn mạnh rằng chỉ có Sư phụ và Pháp mới có thể thực sự giúp được con. Kết quả là con gái đã đồng ý quay lại học Pháp.

Bây giờ, chúng tôi cùng nhau học Pháp một lần mỗi tuần, có thể xem là không nhiều, nhưng rõ ràng là còn hơn không. Con gái tôi đã chia sẻ quan điểm tích cực về Pháp Luân Công với bạn bè của con, khẳng định rằng đó là một công pháp rất bổ ích.

Kể từ khi đắc Pháp, mối quan hệ của tôi với chồng đã được cải thiện rõ rệt. Có lần tôi hối thúc anh ấy tu luyện, mặc dù anh chưa sẵn sàng lắm. Vì thế mà anh ấy dừng ba lần, rồi lại quay lại học. Đến lần thứ ba tôi thầm xin Sư phụ giúp tôi bỏ chấp vào tình với chồng, hy vọng rằng anh ấy có thể đắc Pháp. Ban đầu, tôi gặp khó khăn trong việc cân bằng thể ngộ về Pháp với những đòi hỏi của cuộc sống gia đình. Tôi thấy mình có xu hướng đi sang cực đoan, luôn áp đặt tiêu chuẩn rất cao đối với chồng. Tôi yêu cầu anh ấy phải hành xử thế nào, và tức giận nếu anh ấy không học Pháp hay luyện công hằng ngày. Mặc dù trên bề mặt mối quan hệ của chúng tôi biểu hiện rất hòa thuận, nhưng giữa chúng tôi vẫn tồn tại một khoảng cách rõ ràng.

Trong thời gian này, tôi đã thể hiện thái độ nghiêm khắc và xa cách với chồng mình. Thái độ này đặc biệt càng rõ trong thời gian giãn cách. Trong khi chồng tôi ngỏ ý muốn dạo bộ trong công viên hoặc leo núi cùng gia đình thì tôi lại cho rằng những hoạt động này không có ý nghĩa gì với tôi nên từ chối tham gia. Tôi cứng đầu phản đối tất cả những hoạt động kiểu như vậy, để chồng và hai con gái đi với nhau. Mối quan hệ của chúng tôi đã xấu đến mức cả hai chúng tôi đều đã nghĩ đến chuyện ly hôn và không còn cảm thấy cần có sự hiện diện của nhau.

Tôi không ngừng cảnh tỉnh bản thân về những Pháp lý mà Sư phụ giảng:

> “Chư vị luyện công, ái nhân chư vị có thể không luyện công, [thì chỉ] vì luyện công mà hai vợ chồng ly hôn là không được.” (Bài giảng thứ Sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi quyết định thay đổi bản thân để cải thiện mối quan hệ gia đình. Tôi không còn thể hiện khó chịu khi chồng tôi chọn không luyện công với tôi vào buổi sáng hay học Pháp lúc phù hợp với anh. Tôi tu khẩu, tránh nhận xét tiêu cực về con đường tu luyện của anh ấy. Tôi trở nên cởi mở hơn và thiện hơn với anh ấy. Tôi chỉ khích lệ anh ấy tham gia các hoạt động hồng Pháp để anh có cơ hội gặp gỡ các học viên khác và nghe họ chia sẻ. Tôi nhận thấy sự đề cao của anh ấy khi tôi tu khứ được tâm áp đặt từ thẳm sâu trong tâm.

Gần đây, chồng tôi nhiều lần nói rằng anh ấy cảm thấy tốt hơn vì được thoải mái lựa chọn phương thức tu luyện riêng cho mình. Anh cảm kích vì tôi ít can thiệp hơn và không cố gắng áp đặt anh đi theo một con đường cụ thể nào, vì tôi ngộ ra rằng chỉ có Sư phụ mới có thể chỉ dẫn và chăm sóc anh ấy, chứ không phải tôi.

Khi tôi đề cao trong tu luyện, dần dần mẹ tôi và hai em gái ở Việt Nam cũng bước vào tu luyện. Bố tôi vẫn chưa đắc Pháp, nhưng bố luôn khuyến khích mẹ tôi và hai em tinh tấn hơn, bởi bố đã chứng kiến sức khỏe của mọi người tốt lên. Mối quan hệ trong gia đình chúng tôi cũng được cải thiện rất nhiều.

3. Trở thành người lãnh đạo tốt hơn ở công ty

Tôi tin Sư phụ đã an bài mọi trải nghiệm trong cuộc sống để chuẩn bị cho tôi đảm nhiệm vai trò điều phối viên. Khi còn nhỏ, tôi từng là trưởng nhóm của một nhóm nhạc. Ở trường đại học, mặc dù lớp tôi có đến 50 nam sinh và 6 nữ sinh, nhưng tôi đã được chọn làm lớp trưởng. Sau khi sang Úc, tôi đã tự mở công ty. Tôi đã từng là người lãnh đạo rất nóng tính và độc đoán. Từ khi đắc Pháp, tính cách của tôi đã cải thiện đáng kể, điều này đã giúp ích rất nhiều trong việc điều hành công ty, đặc biệt trong ngành y tế, chúng tôi làm việc với các khách hàng khuyết tật. Tôi đã thay đổi từ một bà chủ nóng tính thành một người biết lắng nghe và là một lãnh đạo đồng cảm.

Tôi điều hành một công ty cung cấp các dịch vụ trị liệu nghề nghiệp, bệnh lý ngôn ngữ, và tâm lý học. Các bác sỹ của chúng tôi đã rời đi vì nhiều lý do khác nhau. Tôi thấy mình rất may vì tất cả các bác sỹ đều thông báo với tôi từ sáu tháng đến một năm trước khi họ rời đi, mặc dù công ty chỉ yêu cầu họ báo trước có bốn tuần. Họ thường nói rằng tôi rất khác với các chủ doanh nghiệp khác, vì các chủ doanh nghiệp khác thường không tiếp thu khi nhân viên muốn biểu đạt quan ngại của họ hoặc có nhận xét tiêu cực về công ty. Tôi giải thích với họ rằng tôi là một học viên Pháp Luân Công, và công ty chúng tôi thực hành nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn, và tôi cũng nêu công khai trên trang web của công ty.

Giống như nhiều chủ doanh nghiệp khác, tôi cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ dẫn của Pháp, tôi đã ngộ ra rằng:

>“Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì.“ (Chuyển Pháp Luân)

Vì thế, tôi ngộ ra rằng khi nhân viên quyết định rời đi, đó là vì họ cần tìm một chỗ phù hợp với nhu cầu của họ nhất ở thời điểm đó.

Gần đây, chúng tôi có hai bác sỹ xin nghỉ việc để làm cho một công ty nổi tiếng toàn cầu và một công ty mà lãnh đạo có hơn 30 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau đó họ đã biểu đạt nguyện vọng muốn quay lại làm với chúng tôi, vì họ coi trọng những nguyên tắc độc đáo của công ty chúng tôi mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ một công ty bình thường nào. Tôi nhận ra rằng tất cả những vai trò mà tôi đã làm đều là Sư phụ đã chuẩn bị cho tôi, là để giúp tôi trở thành một điều phối viên tốt hơn. Để đạt được điều này, hàng ngày tôi cần đặt tâm vào việc học Pháp tinh tấn hơn nữa, và làm một điều phối viên từ bi cứu thêm nhiều chúng sinh.

Cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ đọc tại Hội Giao lưu Tâm đắc Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Úc 2023)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/24/468558.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/26/213094.html

Đăng ngày 28-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share