Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 02-02-2024] Báo cáo tháng 1 năm 2024 ghi nhận 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết vì kiên định đức tin của mình.
Các trường hợp tử vong mới được xác nhận bao gồm 1 trường hợp vào năm 2012, 2016 và 2022, 9 trường hợp vào năm 2023 và 1 trường hợp vào năm 2024. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản, việc bức hại luôn không thể được báo cáo kịp thời và số nạn nhân thiệt mạng có thể còn cao hơn nhiều.
Các học viên đã qua đời (trong đó có 10 phụ nữ), tuổi từ 54 đến 83, đến từ 9 tỉnh và khu tự trị. Liêu Ninh, Sơn Đông, Cát Lâm và Ninh Hạ, mỗi nơi báo cáo 2 trường hợp. Cam Túc, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Hồ Nam và Nội Mông, mỗi nơi báo cáo 1 trường hợp.
Một học viên qua đời khoảng 3 ngày sau khi bà bị chuyển vào tù để thụ án 16 tháng tù. Một học viên khác qua đời sau 8 tháng bà được thả khi mãn hạn bản án tù 3 năm.
3 học viên qua đời sau khi bị giam giữ trong khoảng thời gian ngắn, hoặc ngay sau khi họ bị cảnh sát sách nhiễu. 2 học viên mất khả năng lao động khi họ được thả khỏi tù nhiều năm trước, và mới qua đời sau nhiều năm chịu thống khổ. Những học viên khác không chịu được áp lực tinh thần nặng nề cũng như nỗi sợ hãi trước sự sách nhiễu trường kỳ và bắt giữ liên tục.
Một số học viên có người thân trong gia đình đã qua đời trước trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, bao gồm 1 phụ nữ qua đời 11 năm sau khi cha bà qua đời, 1 phụ nữ khác có chồng và cháu trai đã chết hơn 10 năm trước khi bà qua đời vào năm 2023, một cặp vợ chồng cao tuổi qua đời cách nhau 6 năm, và 1 người đàn ông lớn tuổi đã mất vợ và con trai nhiều năm trước vì cuộc bức hại.
Dưới đây là tất cả 13 trường hợp tử vong được báo cáo vào tháng 1 năm 2024. Danh sách đầy đủ có thể tải xuống tại đây (PDF) (bản tiếng Anh).
Tử vong trong khi bị giam giữ
Bà Từ Hải Hồng, cư dân thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã qua đời vào ngày 9 tháng 12 năm 2023, khoảng 3 ngày sau khi bị chuyển tới Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông (nằm ở thủ phủ Tế Nam của tỉnh) để chấp hành bản án 1 năm 4 tháng tù giam. Bà hưởng dương 56 tuổi.
Bà Từ Hải Hồng bị bắt giữ vào năm 2022, sau khi bị tố giác vì nói với người dân về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà đã tuyệt thực để phản đối vụ bắt giữ tùy tiện này. Cảnh sát đã thả bà tại ngoại vào ngày thứ 15 bà tuyệt thực, lúc bà đang trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát ép gia đình bà nộp phạt 13.000 Nhân dân tệ, và cảnh báo rằng vụ việc của bà vẫn chưa kết thúc.
Khoảng ngày 10 tháng 9 năm 2023, cảnh sát đã đập cửa nhà bà Từ. Khi bà từ chối để họ vào, họ đã đập vỡ cửa và ổ khóa. Họ đưa bà đến Trại tạm giam và cấm gia đình bà đến thăm.
Cả cảnh sát và trại tạm giam đều không thông báo thông tin cập nhật về tình hình của bà Từ cho gia đình bà. Mãi đến tháng 10 năm 2023, gia đình mới phát hiện bà đã bị kết án 1 năm 4 tháng tù. Họ không được thông báo về bản cáo trạng, phiên tòa xét xử và tuyên án của bà.
Khoảng ngày 6 tháng 12 năm 2023, bà Từ bị chuyển tới Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông. Vì bà đã cực kỳ yếu do tuyệt thực kéo dài, nên bà được đưa vào bệnh viện nhà tù khi chuyển đến đó. Cuối cùng, bà đã chết trong bệnh viện nhà tù vào ngày 9 tháng 12 năm 2023.
Gia đình bà Từ đã xem các đoạn video giám sát được ghi trong bệnh viện nhà tù, và không thấy bất kỳ cảnh nào cho thấy lính canh tra tấn bà. Bởi nhà tù này khét tiếng trong việc ngược đãi các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, nên người thân của bà Từ tin rằng việc chức trách Thanh Đảo “đẩy trách nhiệm” cho chức trách Tế Nam, có thể là nhằm đẩy trách nhiệm về cái chết của bà và cũng để gia đình khó tiếp cận hơn vì phải di chuyển tới Tế Nam (cách khoảng 320 km) để đòi công lý cho bà.
Tử vong sau khi bị giam giữ hoặc sách nhiễu trong ngắn hạn
Tin muộn: Người phụ nữ qua đời 11 năm sau khi cha bà chết do bức hại
Một cư dân ốm yếu ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã bị cho dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc trong thời gian bị giam giữ ngắn vào năm 2022 và được thả trong tình trạng nghiêm trọng. Bà Khương Binh qua đời vào ngày 28 tháng 3 năm 2023, 9 ngày sau khi bà lại bị cảnh sát sách nhiễu. Bà hưởng dương 60 tuổi.
Khổ nạn của bà Khương bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 11 tháng 11 năm 2022 khi bà đang phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát bắt giữ thuộc Đồn Công an Công Nông đã đánh đập và lăng mạ bà. Sau khi giam bà qua đêm tại đồn công an, cảnh sát đột kích nơi ở của bà vào ngày hôm sau và đưa bà trở lại đồn.
Ngày 13 tháng 11, bà Khương bị đưa đến trại tạm giam Số 2 Thành phố Trường Xuân, nhưng bị từ chối tiếp nhận vì tình trạng thể chất của bà. Thay vì thả bà ra, cảnh sát lại giam bà tại một khách sạn bí mật. Khi tình trạng thể chất của bà trở nên xấu đi, cảnh sát chuyển bà đến bệnh viện cảnh sát vào ngày 16 tháng 11. Chân bà bị xích vào giường. Bà bị buộc phải uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc và bị tiêm 7 lọ thuốc qua đường tĩnh mạch, trong khi vẫn phải ngồi thay vì nằm. Bà cảm thấy buồn nôn, bị sưng phù toàn thân và sau đó gặp khó khăn khi đi lại và thở.
Ngày 28 tháng 11 năm 2022, bà Khương bị đưa trở lại đồn công an và được tại ngoại vào buổi tối. Khi đó, tình trạng phù nề toàn thân của bà đã kéo dài gần 2 tuần, và bà không thể tự đi lại được.
Ngày 19 tháng 3 năm 2023, cảnh sát lại gõ cửa nhà bà Khương. Bà không mở cửa cho họ. Họ đứng ở hành lang tòa nhà chung cư của bà nửa giờ trước khi rời đi. Việc sách nhiễu khiến bà Khương vô cùng khổ sở. Tình trạng của bà nhanh chóng xấu đi và bà qua đời 9 ngày sau đó, ngày 28 tháng 3 năm 2023.
Trước lần bức hại mới nhất, bà Khương từng bị bắt và bị giam 15 ngày khi bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 6 năm 2000. Bà bị bắt thêm 2 lần nữa, vào tháng 3 và tháng 7 năm 2002. Sau 17 ngày tạm giam sau khi bị bắt vào tháng 7 năm 2002, bà bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức. Bà bị tra tấn và buộc phải lao động không công trong thời gian giam giữ. Khi bà được thả ra vào năm 2004, chồng bà đã bỏ nhà đi. Con gái của bà buộc phải nghỉ học và làm việc vặt để nuôi sống bản thân và em trai.
Bà Khương không phải là người duy nhất trong gia đình trở thành mục tiêu vì tu luyện Pháp Luân Công. Cha, mẹ, 2 em gái, em trai và em dâu của bà đều bị bắt và giam giữ nhiều lần. Em trai của bà cũng phải ngồi tù 4 lần trong trại lao động. Em gái và em dâu của bà phải thụ án trong trại lao động 1 lần. Cha bà qua đời vào năm 2012 sau nhiều năm bị bức hại.
Người phụ nữ Hà Bắc qua đời vài ngày sau khi bị cảnh sát sách nhiễu
Bà Nghê Văn Tú, cư dân thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, qua đời vào cuối tháng 11 năm 2023, vài ngày sau khi bà bị cảnh sát của Đồn Công an Đỗ Mộc sách nhiễu. Bà hưởng dương 79 tuổi. Hiện chưa rõ thông tin chi tiết về vụ sách nhiễu.
Trong hơn hai thập niên bức hại vừa qua, bà Nghê đã bị bắt và giam giữ nhiều lần. Bà từng bị giam và bị tra tấn trong một trung tâm tẩy não hơn 30 ngày vì không từ bỏ Pháp Luân Công.
Ngoài bà Nghê, chồng bà, ông Lưu Ngọc Thư, và 3 người con cũng bị bức hại vì chung đức tin vào Pháp Luân Công.
Ông Lưu bị giam tại Trung tâm Tẩy não Trương Gia Khẩu trong 5 năm, từ tháng 3 năm 2004 đến tháng 3 năm 2009. Răng của ông hầu như bị rụng hết do bị tra tấn về tinh thần lẫn thể xác. Ông cũng phải vật lộn với chứng cao huyết áp nghiêm trọng.
Con gái lớn của họ, cô Lưu Triều Hà, một kỹ sư hóa học, đã bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức. Cô đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại, và được thả trong lúc cận kề cái chết. Chồng cô, một sỹ quan quân đội, đã ly dị cô để tránh bị liên lụy.
Em gái của cô Lưu, cô Lưu Triều Hồng, bị kết án 5 năm tù và cũng bị chồng ly hôn.
Người em trai của họ, anh Lưu Triều Huy, một bác sỹ, bị bắt vào năm 2000 vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Có lần, anh bị sốc điện bằng dùi cui điện trong hơn một giờ. Chính quyền liên tục sách nhiễu anh kể từ thời điểm đó và đình chỉ công tác của anh trong 4 tháng. Sau đó, anh bị buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại, rồi lại bị bắt vào tháng 8 năm 2002 và bị kết án 7 năm tù vào ngày 25 tháng 8 năm 2003.
Sơn Đông: Người phụ nữ 54 tuổi qua đời sau 12 ngày bị cảnh sát bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công
Bà Trần Quốc Hoa là cư dân thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông. Sức khỏe của bà bị giảm sút nhanh chóng kể từ tháng 10 năm 2023. Bà không thể ăn uống và chỉ có thể ngủ 1 hoặc 2 tiếng mỗi đêm sau khi uống thuốc thuốc giảm đau. Cảnh sát đã cố gắng bắt giữ bà vào ngày 29 tháng 11 năm 2023, nhưng đã nhượng bộ sau khi bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan di căn giai đoạn cuối. Tình trạng của bà càng kém đi trông thấy sau cuộc đột kích nói trên của cảnh sát, và bà qua đời vào ngày 11 tháng 12 năm 2023, ở tuổi 54.
Bà Trần Quốc Hoa
Bà Trần là một công nhân về hưu của Mỏ dầu Thắng Lợi ở thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông. Cuối năm 2015, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2016. Bà đã nhanh chóng lấy lại cân nặng vốn đã bị giảm nhiều do bệnh ung thư, và có làn da hồng hào trở lại. Gia đình bà đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống nhờ sự hồi phục kỳ diệu của bà. Bà cũng tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người, và nói với họ rằng Pháp Luân Công không giống như những gì được mô tả trong tuyên truyền thù hận của chính quyền cộng sản.
Bà Trần bị bắt trong một vụ bắt giữ hàng loạt vào ngày 23 tháng 4 năm 2021, sau khi cảnh sát lừa bà mở cửa bằng cách mạo danh là nhân viên của văn phòng quản lý tài sản. Bà Trần bị thẩm vấn suốt 24 giờ tại Đồn Công an Tân Hải, và bị yêu cầu tiết lộ danh tính của các học viên khác. Vì thiếu bằng chứng chống lại bà, nên ngày hôm sau cảnh sát đã thả bà theo diện bảo lãnh tại ngoại một năm. Giấy tờ tùy thân và hộ chiếu của bà đã bị cảnh sát giữ lại, họ đe dọa sẽ có thể truy tố bà bất cứ lúc nào.
Là một học viên Pháp Luân Công tương đối mới, bà Trần cảm thấy áp lực khủng khiếp và không dám đi ra khỏi cửa nhiều vì sợ bị bắt trở lại. Ngay cả lúc đi ra ngoài, bà vẫn có cảm giác như có người đang theo dõi mình. Đến tháng 10 năm 2023, bà đột nhiên cảm thấy toàn thân đau nhức và khó chịu. Tuy nhiên vào ngày 29 tháng 11 năm 2023, 5 cảnh sát của Công an Tân Hải vẫn cố gắng bắt giữ bà, dẫn đến cái chết của bà 12 ngày sau đó.
Tử vong không lâu sau khi ra tù
Một phụ nữ 76 tuổi ở thị trấn Sa Nhĩ Hô Nhiệt, thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc, Nội Mông, đã qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm 2023, 8 tháng sau khi mãn hạn tù 3 năm vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Sài Thúy Vinh bị bắt vào ngày 7 tháng 4 năm 2020 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà Sài bị đưa đến trại tạm giam Khố Luân Kỳ thuộc thành phố Thông Liêu, và bị chuyển đến Nhà tù Nữ Thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc sau khi bị kết án 3 năm tù. Các cai ngục đã tra tấn và tẩy não bà nhằm buộc bà phải từ bỏ Pháp Luân Công. Sức khỏe của bà suy giảm nhanh chóng, bà thường xuyên bị chảy máu âm đạo. Bà Sài được thả vào tháng 4 năm 2023, nhưng đã qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm đó.
Cái chết của bà Sài đã chấm dứt những bức hại kéo dài hàng thập kỷ vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước bản án gần đây nhất, bà đã bị bắt ít nhất 10 lần và 2 lần bị cưỡng bức lao động. Sau khi bà bị bắt vào năm 2002, người chồng 61 tuổi của bà khi đó đã suy sụp đến mức bị đột quỵ, và qua đời ngay sau đó mà không được gặp lại người vợ đã cùng chung sống 37 năm. Cháu trai của họ, [gọi vợ chồng bà Sài là chú thím], sống cùng ông bà và cũng tu luyện Pháp Luân Công, đã 2 lần bị bắt và đều bị liên lụy mỗi lần bà Sài bị bắt. Sự ra đi của người chú [chồng bà Sài] càng khiến người cháu trai bị tổn thương nặng nề và qua đời vào năm 2003.
Bị tra tấn trong khi giam giữ và qua đời sau đó nhiều năm
Tin muộn: Người phụ nữ tỉnh Liêu Ninh qua đời ở tuổi 67 sau khi nằm liệt giường suốt 10 năm kể từ thời điểm mãn hạn tù
Bà Tôn Tố Vân, một thợ cắt tóc ở thành phố Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 26 tháng 9 năm 2023 sau khi nằm liệt giường và mất khả năng lao động suốt một thập kỷ.
Bà Tôn Tố Vân
Ngày 4 tháng 8 năm 2010, bà Tôn bị bắt giữ và sau đó bị kết án 3 năm tù. Bà đã chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau tại Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, sau đó lâm trọng bệnh và mất khả năng lao động. Ngày 11 tháng 3 năm 2013, bà được thả trước thời hạn nhưng rơi vào tình trạng nguy kịch nhiều lần trong 10 năm tiếp theo. Bà được chẩn đoán mắc bệnh nhồi máu não, thiếu máu cơ tim, tiểu đường, bệnh tim và suy tim. Bà cảm thấy đau nhức ở một bên cơ thể đến nỗi bà không dám cử động dù chỉ một chút.
Chồng của bà Tôn, cũng là một thợ cắt tóc, bị tổn thương tinh thần do việc bà bị giam cầm và sức khỏe của ông cũng suy giảm. Vì cả hai đều mất khả năng lao động, nên họ phải dựa vào nguồn thu nhập ít ỏi của con trai để trang trải cuộc sống. Khó khăn tài chính càng khiến tình trạng sức khỏe của họ trở nên trầm trọng hơn. Cuối cùng bà Tôn đã qua đời vì bệnh tật ở tuổi 67.
Ngày 28 tháng 10 năm 2017, khi được ra tù, bà Trọng Duy Cần, ở thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, đã bị mất khả năng thực hiện các chức năng sinh hoạt hàng ngày. Bà không hồi phục được, và đã qua đời vào ngày 22 tháng 11 năm 2023, ở tuổi 69.
Bà Trọng bị bắt giữ vào ngày 5 tháng 5 năm 2014 và bị kết án 3 năm tù vào ngày 20 tháng 11 năm 2014. Do bị huyết áp cao và các tình trạng bệnh lý khác, bà đã được tại ngoại 1 năm sau khi tuyên án. Khi bà còn chưa hoàn toàn bình phục, ngày 15 tháng 11 năm 2016, chính quyền lại đưa bà vào Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh.
Mặc dù bà Trọng được phân vào khu dành cho người già và người ốm yếu, nhưng bà vẫn bị bắt lao động nặng nhọc không công, điều này càng khiến tình trạng sức khỏe của bà xấu đi. Cuối cùng, bà không tự đi lại được. Ngày 28 tháng 10 năm 2017, khi được thả trước thời hạn, bà đã mất khả năng tự túc trong sinh hoạt. Bà qua đời 6 năm sau đó.
Chết sau một thời gian dài chịu đựng sự sách nhiễu, bắt giam và khủng hoảng tinh thần
Tin muộn: Đôi vợ chồng già qua đời cách nhau sáu năm vì áp lực tinh thần do bị bức hại
Một đôi vợ chồng cao tuổi ở thành phố Thạch Chủy Sơn, khu vực tự trị Hồi Ninh Hạ, đã lần lượt qua đời vào năm 2016 và năm 2022, sau khi chịu đựng sự khủng hoảng tinh thần trong nhiều thập niên vì bị bắt giữ và sách nhiễu do đức tin vào Pháp Luân Công.
Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, đôi vợ chồng này, ông Thôi Á Thành và bà Hầu Tú Phương, đã bị theo dõi sát sao và thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu. Tháng 12 năm 2000, nhà của họ bị lục soát, và họ bị đưa đến đồn công an để thẩm vấn, sau đó bị tạm giam 5 ngày. Chưa tới 20 ngày sau khi họ được thả, cảnh sát lại bắt giữ họ một lần nữa. Tuy nhiên, vì sự phản đối kịch liệt từ gia đình họ, cảnh sát đã thả đôi vợ chồng này vì Tết Cổ truyền đang đến gần.
Tháng 4 năm 2001, để tránh bị bức hại, đôi vợ chồng đã chuyển về quê nhà của họ ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, và ở đó cho đến 8 năm sau, trước khi chuyển đến thành phố Ngân Xuyên, thủ phủ của Ninh Hạ.
Tối ngày 16 tháng 9 năm 2014, cảnh sát đã đột nhập vào nhà của đôi vợ chồng. Họ quay phim từng căn phòng, cũng như ghi hình bà Hầu và thu âm giọng nói của bà. Đôi vợ chồng đã dời về vùng lân cận thành phố Thạch Chủy Sơn không lâu sau đó.
Vào nửa cuối năm 2015, ông Thôi đã khởi kiện hình sự đối với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản đã phát động cuộc bức hại vào năm 1999. Đơn kiện của ông đã bị cảnh sát thành phố Thạch Chủy Sơn chặn lại. Họ đã nhiều lần gọi điện thoại cho con trai ông để hăm dọa anh. Ông Thôi hoảng sợ và lo lắng con trai mình sẽ bị cuốn vào cuộc bức hại. Ông xuất hiện triệu chứng bệnh và qua đời vào đầu tháng 2 năm 2016. Lúc ấy, ông 80 tuổi.
Ngày 30 tháng 11 năm 2016, bà Hầu bị bắt giữ sau khi bị ghi hình đang phát tài liệu Pháp Luân Công ở khu vực hàng xóm trước đó 5 ngày.
Trong khi thẩm vấn bà Hầu tại đồn công an, cảnh sát đã bắt buộc bà phải ký tên vào bản khai và bản thông báo tạm giữ hành chính 10 ngày. Vì tuổi tác cao (77 tuổi), bà được miễn tạm giam và được con gái của mình đưa về nhà. Cả con trai và con gái của bà đều bị cảnh sát sách nhiễu và đe dọa.
Ngày 24 tháng 2 năm 2017, cảnh sát lại xông vào nhà của bà Hầu, nơi bà sống cùng con gái của mình. Họ đã lục soát nhà, và tra khảo bà Hầu về những nơi mà bà đã đi vài ngày trước đó, hỏi bà có đến Ngân Xuyên không và bà đã làm gì ở đó. Họ cáo buộc bà “gây rối” mà không nói cụ thể về việc gì.
Ngày 10 tháng 5 năm 2018, nhà bà Hầu lại bị lục soát trong một đợt bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công. Vào nửa cuối năm 2020, cảnh sát và ủy ban dân cư đã nhiều lần sách nhiễu bà và ra lệnh cho bà từ bỏ Pháp Luân Công trong chiến dịch “Xóa sổ”. Bà sống trong nỗi sợ hãi cực độ, và sức khỏe bắt đầu suy giảm. Bà tự cô lập mình và không mấy tiếp xúc với những người khác. Tháng 10 năm 2022, bà qua đời ở độ tuổi 83.
Tin muộn: Người phụ nữ 73 tuổi bị ung thư đã qua đời sau đợt sách nhiễu của cảnh sát
Bất chấp kết quả chẩn đoán bệnh ung thư giai đoạn cuối của bà Đà Văn Hà, cựu giáo viên ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu và đe dọa bắt giữ bà một lần nữa. Tình trạng của bà tiếp tục xấu đi và vào ngày 5 tháng 11 năm 2023, bà qua đời ở tuổi 73.
Cái chết của bà Đà diễn ra sau 2 lần bị bắt giữ vào 3 tháng trước đó. Ban đầu, bà bị bắt giữ vào ngày 19 tháng 4 năm 2021, nhưng bị trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận sau khi bà được phát hiện có dịch tụ trong phổi khi kiểm tra sức khỏe bắt buộc. Sau đó, bà đã được tại ngoại. Ngày 10 tháng 6 năm 2021, cảnh sát lại giam giữ bà trước khi cho phép bà được tại ngoại một lần nữa sau khi tạm giam trong một khoảng thời gian không rõ.
Đầu tháng 3 năm 2022, cảnh sát triệu tập bà Đà và đe dọa khởi tố bà. Từ giữa tháng 3 năm 2022, bà bắt đầu bị đau mãn tính và lúc nào cũng thấy lạnh trong người. Bà được phát hiện bị ung thư lạc nội mạc tử cung giai đoạn cuối nhưng bác sỹ không thể phẫu thuật cho bà vì bà cũng bị bệnh cường giáp, dẫn đến hội chứng chuyển hóa và tác động đến sự phát triển của bệnh ung thư lạc nội mạc tử cung.
Khi thời gian tại ngoại của bà Đà kết thúc vào ngày 20 tháng 4 năm 2022, cảnh sát đã triển khai giám sát dân sự và đe dọa bắt giữ bà một lần nữa. Họ yêu cầu bà báo cáo với họ để ký tên vào biên bản giám sát dân sự, nhưng bà quá yếu để có thể ra khỏi nhà. Bà cũng từ chối việc cảnh sát đòi tịch thu căn cước công dân của bà vì bà cần nó để điều trị tại bệnh viện.
Vào những tháng tiếp theo, bệnh tình của bà Đà càng nặng hơn và hàng ngày bà đều bị sốt và đau. Bà được đưa đến bệnh viện và các bác sỹ phát hiện bệnh ung thư của bà đã di căn sang các cơ quan nội tạng khác. Bà đã qua đời vào ngày 5 tháng 11 năm 2023.
Trước hai lần bị bắt giữ gần đây nhất, bà Đà từng bị bắt 5 lần và nhà bà bị lục soát nhiều lần. Con gái bà, cô Ngưu Tiểu Na (47 tuổi) cùng bị bắt với bà vào ngày 19 tháng 4, và bị kết án 15 năm tù, bao gồm bản án 14 năm tù vào năm 2004. Bất chấp việc cô được phép thụ án 14 năm ngoại giam trước đó vì tình trạng thể chất, chính quyền tuyên bố rằng cô không thể cung cấp giấy tờ hợp lệ chứng minh việc đã thụ án, nên họ yêu cầu cô phải thụ án từ đầu.
Người phụ nữ Hồ Nam qua đời sau hai thập niên bị bức hại
Ngày 28 tháng 12 năm 2023, bà Dương Nguyệt Bình, một cư dân thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, đã qua đời sau nhiều thập niên chịu đựng sự bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Lúc ấy bà khoảng 60 tuổi.
Tháng 1 năm 2000, bà Dương và mẹ chồng của bà, bà Dịch Thục Quỳnh, đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt giữ. Sau đó, họ bị chuyển về Hành Dương và bị giam giữ 1 tháng.
Tháng 5 năm 2000, bà Dương lại bị bắt và bị giam 15 ngày trong trung tâm tẩy não. Tháng 6 năm 2000, bà quay lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt tại Ga tàu hỏa Bắc Kinh. Trong thời gian bà bị tạm giam tại Bắc Kinh, chính quyền địa phương của bà đã đe dọa và tống tiền chồng bà, lấy đi 11 súc vải từ cửa hàng bán màn cửa của bà. Mẹ chồng bà, khi ấy đã ngoài 60 tuổi, bị đè xuống đất. Tháng 12 năm 2000, bà Dương được thả sau khi gia đình buộc phải trả 5.000 nhân dân tệ cho Phòng 610 quận Nam Việt.
Năm 2001, Viên Đông Hoa, trưởng Phòng 610, đã lục soát nhà và cửa hàng của bà Dương, với lý do bà đã nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công và phát tài liệu chân tướng. Số hàng hóa trị giá hơn 50.000 nhân dân tệ từ cửa hàng của bà đã bị cướp sau hai đợt sách nhiễu của cảnh sát.
Bà Dương bị buộc phải đóng cửa hàng và mở quầy bán trên phố để mưu sinh. Tuy nhiên chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu bà hết lần này đến lần khác.
Tháng 8 năm 2003, khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, đến quận Nam Việt, bà Dương đã bị chính quyền theo dõi sát sao. Con trai của bà không được phép tiếp tục đi học tại Trường Trung học Cơ sở Số 1 quận Nam Việt. Bà đã cố gắng chuyển con trai đến một trường học ở ngoại ô, nhưng cậu bé bị từ chối tiếp nhận, khiến con trai bà không thể tiếp tục đi học.
Từ năm 2004 đến năm 2009, hầu như năm nào bà Dương cũng bị bắt giữ. Sau một đợt sách nhiễu khác của cảnh sát vào tháng 7 năm 2009, bà buộc phải sống xa nhà. Không tìm được bà, cảnh sát quay sang mẹ chồng của bà. Người phụ nữ khốn khổ ấy không còn dám ở nhà nữa. Không may, khi bà đang trên đường đến nhà con gái thì bị một chiếc xe mô tô đâm phải và đã qua đời vài ngày sau đó.
Tháng 9 năm 2009, tức là 2 tháng sau đó, dì của bà Dương là bà Dương Kết Lan, cũng qua đời. Trước đó, người phụ nữ cao tuổi này từng bị giam giữ nhiều lần trong trại tạm giam và các trung tâm tẩy não vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Dương đã bị cảnh sát bắt giữ khi đến bệnh viện để thăm dì của mình, sau đó bị tuyên án 1 năm trong trại lao động. Bà đã bị tra tấn và bị cưỡng ép xem các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công. Khi được thả, bà còn phát bệnh tiểu đường và thân thể trở nên gầy guộc.
Cảnh sát đã tiếp tục sách nhiễu bà Dương sau khi bà được thả. Do sự khủng hoảng về tinh thần, sức khỏe của bà liên tục xấu đi và bà đã qua đời vào ngày 28 tháng 12 năm 2023.
Mất vợ và con trai, cũng như phải thụ án 10 năm tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, người đàn ông 71 tuổi bị liệt đã qua đời trong cơn tuyệt vọng
Mất vợ và con trai trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, một người đàn ông 71 tuổi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, đã đối mặt với sự sách nhiễu liên tiếp và bị đe dọa kết án tù, thậm chí là ngay cả khi ông bị liệt. Ông đã qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2024.
Ông Tô An Châu (bên phải) cùng với vợ con
Cái chết của ông Tô An Châu, một cựu nhân viên đường sắt, đã khép lại hơn hai thập niên bị bức hại của ông. Cuối tháng 12 năm 2000, ông bị bắt giữ khi cùng vợ, bà Cảnh Thúy Phương, đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông bị kết án 1 năm trong trại lao động, và bà Cảnh bị giam giữ trong trại tạm giam cho đến tháng 10 năm 2001.
Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 13 tháng 6 năm 2002, ngay sau khi rời khỏi nhà, ông Tô bị cảnh sát phục kích bên ngoài bắt giữ. Sau khi đưa ông đi, cảnh sát đã lên nhà ông trên tầng sáu và gõ cửa. Bà Cảnh từ chối mở cửa. Vì cảnh sát không chịu rời đi, bà cố gắng thoát ra ngoài qua cửa sổ bằng một sợi dây, nhưng đã bị rơi xuống đất khi sợi dây đứt. Khi nhìn thấy bà còn sống, hàng xóm của bà đã cố gắng đưa bà đến bệnh viện, nhưng cảnh sát lại không cho phép. Thay vào đó, cảnh sát đã lấy chìa khóa của bà, đột nhập vào nhà và lấy đi những tài sản có giá trị rồi rời đi. Bà bị bỏ lại trên mặt đất dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Vài giờ sau, bà đã chết trong cơn đau đớn cùng cực. Lúc ấy bà chỉ mới 48 tuổi.
Ba tháng sau, vào ngày 18 tháng 9 năm 2002, ông Tô lại bị bắt giữ vì chèn sóng truyền hình địa phương để phát thông tin về Pháp Luân Công. Ông đã bị kết án 10 năm tù và phải hứng chịu sự tra tấn không ngừng nghỉ.
Trong thời gian ông ở tù, con trai ông, cậu bé Tô Vi, vẫn còn là một thiếu niên và phải sống lang bạt. Cậu bé bị bệnh về phổi, về sau đã phát triển thành ung thư phổi. Cậu bé không thể chi trả phí điều trị y tế và thường phải nhịn đói. Cậu bé đã qua đời vào ngày 4 tháng 8 năm 2006.
Sau khi được thả vào ngày 26 tháng 1 năm 2012, mặc dù ông Tô sống sót qua sự tra tấn trong tù, ông vẫn tiếp tục đối mặt với sự sách nhiễu không ngừng. Ông lại bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 23 tháng 8 năm 2022, nhưng nhanh chóng được thụ án tại nhà vì sức khỏe vô cùng yếu ớt.
Bất chấp thực tế là ông Tô đã mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân, cảnh sát địa phương và ủy ban dân cư vẫn sách nhiễu ông và cố gắng ép ông ký vào bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, đe dọa sẽ đình chỉ số tiền trợ cấp ít ỏi của ông nếu ông không chấp hành. Sau khi đỉnh điểm của dịch bệnh COVID-19 qua đi, chị gái ông Tô đã từ Bắc Kinh đến để chăm sóc cho ông vào đầu năm 2023. Chỉ khi đó tình trạng của ông mới cải thiện đôi chút.
Cuối tháng 10 năm 2023, cảnh sát đã bắt giữ ông Tô một lần nữa và đưa ông đến trại tạm giam. Vì ông vốn đã phải nằm liệt giường, cảnh sát đã tiến hành quản thúc tại gia và cảnh cáo ông không được phép rời khỏi nhà. Sau khi vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu ớt thêm một vài tháng nữa, ông Tô đã qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2024, ở độ tuổi 71.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo năm 2023: 209 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết vì tu luyện
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/2/471795.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/15/215870.html
Đăng ngày 14-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.