Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-01-2024]
Tên: Trọng Duy Cần (Trọng Duy Cần)
Tên tiếng Trung: 仲维芹
Giới tính: Nữ
Tuổi: 69
Thành phố: Bản Khê
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: Ngày 22 tháng 11 năm 2023
Lần bị bắt gần đây nhất: Ngày 8 tháng 11 năm 2016
Nơi bị giam gần đây nhất: Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh
Ngày 28 tháng 10 năm 2017, khi được ra tù, bà Trọng Duy Cần, ở thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, đã bị mất năng lực tự túc trong sinh hoạt. Bà không hồi phục được và đã qua đời vào ngày 22 tháng 11 năm 2023, ở tuổi 69.
Ngày 20 tháng 11 năm 2014, bà Trọng bị kết án ba năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999. Do bị huyết áp cao và các tình trạng bệnh lý khác, bà đã được tại ngoại một năm sau khi tuyên án. Khi bà còn chưa hoàn toàn bình phục, ngày 15 tháng 11 năm 2016, chính quyền lại đưa bà vào Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh. Ở trong tù, sức khỏe của bà liên tục sa sút và bà đã được thả trước thời hạn vào ngày 28 tháng 10 năm 2017. Sáu năm sau đó, bà đã qua đời.
Bị bắt vào năm 2014
Bản án của bà Trọng bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 5 tháng 5 năm 2014, vì có người tố giác bà phân phát tài liệu về Pháp Luân Công ở quận Tây Hồ, thành phố Bản Khê. Phó cảnh sát trưởng Phú Hỷ Trung của Đồn cảnh sát Hà Tây dẫn ba cảnh sát xông vào nhà bà sau khi bắt giữ bà. Họ tịch thu máy nghe nhạc MP3, đĩa DVD và những đồ vật có giá trị khác của bà. Họ đe dọa sẽ tống bà vào tù vì tội “tái phạm”, vì bà đã bị giam 10 ngày vào đầu tháng 1 năm 2014, cũng vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công.
Bà Trọng bị quản thúc hành chính 15 ngày trước khi bị giam giữ hình sự tại Trại giam Thành phố Bản Khê. Tại đây, bà bị bắt phải đứng hàng giờ đồng hồ và bị lăng mạ.
Bị kết án, đơn kháng cáo bị bác bỏ
Ngày 25 tháng 6 năm 2014, gia đình bà Trọng nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng việc bắt giữ bà đã được Viện Kiểm sát Quận Tây Hồ chính thức phê chuẩn.
Sau đó, Viện kiểm sát đã trả lại vụ án của bà cho Đồn Cảnh sát Hà Tây do không đủ bằng chứng, nhưng cảnh sát đã ngụy tạo thêm bằng chứng và trình lại vụ án của bà. Lần này, viện kiểm sát đã truy tố bà và chuyển hồ sơ của bà lên Tòa án Quận Tây Hồ.
Ngày 20 tháng 11 năm 2014, thẩm phán Khương Á Linh đã kết án bà Trọng ba năm tù. Không rõ có phiên tòa nào được tổ chức trước khi kết án bà hay không. Tòa án Trung cấp Thành phố Bản Khê đã ra phán quyết giữ nguyên phán quyết ban đầu của bà mà không tổ chức xét xử và ra lệnh đưa bà vào Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh vào ngày 12 tháng 2 năm 2015.
Trong quá trình kiểm tra sức khỏe bắt buộc, bà Trọng được phát hiện có huyết áp tâm thu trên 200 mmHg trong khi mức bình thường không quá 120 mmHg. Nhà tù từ chối tiếp nhận bà và cảnh sát đã đưa bà trở lại trại tạm giam. Ngày 15 tháng 5 năm 2015, họ đã cho bà tại ngoại với thời hạn bảo lãnh một năm.
Các nỗ lực hòng đưa bà Trọng trở lại nơi giam giữ đều thất bại
Trong thời gian bà Trọng được tại ngoại, phòng tư pháp địa phương và các cán bộ cộng đồng đã nhiều lần quấy nhiễu bà Trọng và yêu cầu bà phải khám sức khỏe để xem bà đã khỏe hơn để bị giam giữ hay chưa.
Ngày 27 tháng 7 năm 2015, cảnh sát Mã Lượng của Đồn Công an Thiên Kim đã gọi cho bà Trọng và ra lệnh cho bà và chồng bà, ông Lương Hồng Gia, ra đồn trình diện vào ngày hôm sau để điền vào một số biên bản. Vợ chồng bà đã ra đồn theo lệnh triệu tập nhưng không có biên bản nào để điền. Thay vào đó, cảnh sát đã thẩm vấn hai vợ chồng bà. Bà Trọng từ chối in dấu vân tay của mình và bị cảnh sát Mã dọa sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của con gái bà.
Phó trưởng đồn của Mã đã hỏi bà Trọng là chồng bà có tu luyện Pháp Luân Công hay không. Bà trả lời đó là quyết định cá nhân của ông ấy và không liên quan gì đến bà. Sau đó, phó trưởng đồn đặt câu hỏi tại sao bà lại đệ đơn tố cáo hình sự Giang Trạch Dân (cựu độc tài Trung Quốc, kẻ ra lệnh bức hại Pháp Luân Công). Bà nói rằng đó là để ngăn chặn những người theo Giang phạm thêm tội ác đối với các học viên Pháp Luân Công vốn là những công dân tuân thủ pháp luật.
Cảnh sát đã đưa hai ông bà đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Bà Trọng được phát hiện bị cao huyết áp và có triệu chứng huyết khối não. Bà được thả ra sau khi khám sức khoẻ, nhưng chồng bà bị giam giữ năm ngày. Nhà của họ cũng bị đột kích, cảnh sát đã thu giữ một cuốn Chuyển Pháp Luân (cuốn sách gồm các bài giảng chính của Pháp Luân Công), một số tài liệu về Pháp Luân Công và đồ cá nhân khác.
Bị giữ tại bệnh viện một tuần trước khi vào tù vào năm 2016
Khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 8 tháng 11 năm 2016, ba cảnh sát của Đồn Công an Thiên Kim, trong đó có Mã, cùng với một cán bộ kiểm sát, đã gõ cửa nhà bà Trọng. Họ kêu thợ khóa cạy cửa khi bà từ chối mở cửa cho họ. Họ tuyên bố rằng Tòa án Quận Tây Hồ đã chỉ thị cho họ tới trao đổi với bà để giải quyết một số việc liên quan đến vụ án của bà. Thay vì trao đổi với bà, cảnh sát đã đưa bà Trọng đến bệnh viện để khám sức khỏe. Bà được kết luận là không thích hợp để giam giữ và bị Trại giam Thành phố Bản Khê từ chối tiếp nhận. Sau đó, cảnh sát đưa bà thẳng đến Bệnh viện Kim Sơn mà không thông báo cho gia đình bà.
Bà Trọng bị giữ ở bệnh viện một tuần và bị cưỡng chế tiêm thuốc. Ngày 15 tháng 11 năm 2016, cảnh sát đưa bà vào Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh. Lúc đó, gia đình bà đã tìm ra tung tích của bà. Họ gọi cho thẩm phán Giảng để hỏi rõ sự tình và được trả lời rằng Sở Tư pháp đã yêu cầu họ bỏ tù bà Trọng.
Mặc dù bà Trọng được phân vào khu dành cho người già và người ốm yếu, nhưng bà vẫn bị bắt lao động nặng nhọc không công, điều này càng khiến tình trạng sức khỏe của bà xấu đi. Cuối cùng, bà không tự đi lại được. Ngày 28 tháng 10 năm 2017, khi được thả trước thời hạn, bà đã mất khả năng tự túc trong sinh hoạt. Bà qua đời vào ngày 22 tháng 11 năm 2023.
Bài viết liên quan bằng tiếng Anh:
Một công dân cao tuổi bị bắt giữ và giam cầm nhiều lần
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/14/470951.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/15/214309.html
Đăng ngày 17-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.