Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Nội Mông Cổ, Trung Quốc
[MINH HUỆ 07-01-2024]
Họ và tên: Sài Thúy Vinh
Tên tiếng Trung: 柴翠荣
Giới tính: Nữ
Tuổi:76
Thành Phố: Hoắc Lâm Quách Lặc
Tỉnh:Nội Mông Cổ
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: Ngày 3 tháng 12 năm 2023
Ngày bị bắt gần nhất:Ngày 7 tháng 4 năm 2020
Nơi bị giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Nữ Thành phố Hô Hòa Hạo Đặc
Một phụ nữ 76 tuổi ở thị trấn Sa Nhĩ Hô Nhiệt, thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc, Nội Mông Cổ, đã qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm 2023, tám tháng sau khi mãn hạn tù ba năm vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Án tù của bà Sài Thúy Vinh khởi nguồn từ việc bà bị bắt vào ngày 7 tháng 4 năm 2020 khi đang phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở quê nhà tại thành phố Trát Lỗ Đặc Kỳ (cũng giống như thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc, thuộc sự quản lý của thành phố Thông Liêu). Cảnh sát của thành phố Trát Lỗ Đặc Kỳ cùng các cơ quan liên quan ở thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc đã đột nhập vào nhà của bà Sài và nhà của một học viên khác khi học viên này tình cờ ghé qua nhà bà đúng lúc cảnh sát đột nhập.
Bà Sài bị đưa đến Trại giam Khố Luân Kỳ thuộc thành phố Thông Liêu và bị chuyển đến Nhà tù Nữ Thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc sau khi bà bị kết án ba năm. Các cai ngục đã tra tấn và tẩy não bà nhằm buộc bà phải từ bỏ Pháp Luân Công. Sức khỏe của bà suy giảm nhanh chóng, bà thường xuyên bị chảy máu âm đạo. Bà Sài được thả vào tháng 4 năm 2023 nhưng đã qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm đó.
Cái chết của bà Sài đã chấm dứt những bức hại kéo dài hàng thập kỷ với bà vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước bản án gần đây nhất, bà đã bị bắt ít nhất 10 lần và hai lần bị cưỡng bức lao động. Sau khi bà bị bắt vào năm 2002, người chồng 61 tuổi của bà khi đó đã suy sụp đến mức bị đột quỵ và qua đời ngay sau đó mà không được gặp lại người vợ đã cùng chung sống 37 năm của mình lần cuối. Cháu trai của họ, [gọi vợ chồng bà Sài là chú thím], sống cùng ông bà và cũng tu luyện Pháp Luân Công, đã hai lần bị bắt và đều bị liên lụy mỗi lần bà Sài bị bắt. Sự ra đi của người chú [chồng bà Sài] càng khiến người cháu trai bị tổn thương nặng nề và qua đời vào năm 2003.
Bước vào tu luyện Pháp Luân Công
Trước khi tu luyện, bà Sài từng mắc bệnh tim, bệnh gan, thiếu máu và suy nhược thần kinh. Trong suốt hơn 10 năm, mỗi đêm bà chỉ có thể ngủ nhiều nhất hai tiếng do chứng suy nhược thần kinh. Trong ngày, bà thường bị chếnh choáng và dường như không có chút sinh lực nào. Tệ hơn nữa, bà còn mắc bệnh lupus ban đỏ (một bệnh tự miễn trong đó hệ thống miễn dịch tấn công chính các mô trong cơ thể). Bà bị đi tiểu ra máu và sưng phù khắp người. Cuối cùng bà phải nằm liệt giường.
Ngay khi đang mất hết hy vọng vào cuộc sống, bà Sài được biết đến Pháp Luân Công vào tháng 2 năm 1999 và trong vòng chưa đầy một tháng tu luyện, mọi bệnh tật của bà đều biến mất. Từ một người ủ rũ, bà đã trở nên vui vẻ, chân thành và tốt bụng hơn.
Hai lần bị bắt vào năm 1999 trong vòng ba tháng và bị kết án một năm lao động cưỡng bức
Vào ngày 9 tháng 9 năm 1999, bà Sài đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Sau khi bà trở về nhà, Sở Cảnh sát Thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc đã phát hiện ra chuyến đi của bà đến Bắc Kinh và cảnh sát trưởng Trần Bảo Văn đã chỉ đạo cho cấp dưới là Trịnh Minh Đạo và Triệu Phượng Vân bắt giữ bà vào ngày 30 tháng 9 năm đó. Bà bị giam tại một trại giam địa phương trong 28 ngày.
Vào đêm ngày 30 tháng 12 năm 1999, chính quyền thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc đã ra lệnh bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công địa phương. Vô số cảnh sát và quan chức chính phủ bất ngờ xuất hiện tại nhà bà Sài vào đêm đó, vây chật kín cả tám căn phòng trong nhà. Trưởng đồn cảnh sát Trần hỏi bà có còn tập Pháp Luân Công nữa không và bà trả lời là có. Sau đó Trần ra lệnh cho cấp dưới đưa bà Sài đến một trại tạm giam địa phương. Nhà của bà cũng bị đột nhập.
Cháu trai của bà, lúc đó mới 5 tuổi, đã trốn trong một góc phòng khi cảnh sát đột nhập vào nhà. Cháu bé sợ hãi đến đờ cả người, thậm chí còn không khóc nổi. Cháu bị các triệu chứng tương tự như chứng chấn thương tâm lý. Mỗi khi nghe thấy tiếng động dù vô cùng nhỏ, cháu cũng bị rùng mình liên tục.
Trưởng đồn cảnh sát Trần và trưởng thị trấn Sa Nhĩ Hô Nhiệt còn ép chồng bà Sài, ông Hứa Chấn Phục, ký giấy bảo lãnh để dùng chính căn nhà của ông làm tài sản thế chấp. Trần đe dọa sẽ tịch thu căn nhà nếu bà Sài tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Ông Hứa quá sợ hãi nên một năm sau đã bí mật bán tháo căn nhà của mình (không nói với cảnh sát) với giá chỉ vẻn vẹn hơn 10.000 Nhân dân tệ một chút, trong khi giá trị thị trường của căn nhà lúc đó là hơn 800.000 Nhân dân tệ.
Sau đó, Trần bắt bà Sài chịu án một năm lao động cưỡng bức nhưng cho phép bà thụ án bên ngoài trại lao động. Trước khi thả bà Sài, Trần đã tống tiền chồng bà 3.000 Nhân dân tệ.
Cả chồng và cháu trai qua đời sau lần bị bắt giữ vào năm 2002
Vào đêm ngày 12 tháng 3 năm 2002, khi bà Sài và gia đình đang ngủ say thì hơn chục cảnh sát, trong đó có Tần Bảo Khố và Ô Lực Cát, đến đập cửa. Ô Lực Cát đạp cửa vào bắt giữ bà.
Cảnh sát đã tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà Sài và lục soát khắp nơi, kể cả túi quần áo và gầm ghế sofa. Họ đưa bà đến Đồn Cảnh sát Thị trấn Sa Nhĩ Hô Nhiệt và tại đó Trưởng đồn cảnh sát Trần thuộc Sở Cảnh sát Thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc cùng Triệu Tú Phát, Vạn Quốc Thanh và Triệu Phượng Vân đang đợi để thẩm vấn bà Sài. Triệu Tú Phát hỏi: “Bà có dán tờ rơi Pháp Luân Công không?” Trưởng đồn cảnh sát Trần đã bạo hành bà bằng những lời lẽ vô cùng thô tục.
Chồng bà Sài, ông Hứa đi theo xe cảnh sát đến đồn cảnh sát và cầu xin được gặp vợ. Yêu cầu của ông đã bị từ chối nhưng ông được phép ở lại tại một phòng bên cạnh phòng thẩm vấn. Ông Hứa nghe thấy vợ mình bị thẩm vấn vào đêm đó. Sáng hôm sau, ông được phép gặp bà trước khi bà bị đưa đến trại tạm giam địa phương, ông thấy mắt bà đỏ ngầu.
Khi trở về nhà, ông Hứa kể lại cho mọi người trong gia đình nghe cảnh vợ ông bị kéo lên xe cảnh sát và bị đưa đi, cảnh tượng này mãi hằn sâu trong tâm trí ông, khiến ông vô cùng đau lòng. Chẳng bao lâu sau ông bị đột quỵ. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông nắm chặt tay con rể như định nói điều gì đó. Ông không thể nói thành tiếng nhưng những người thân yêu của ông đều hiểu điều ông muốn nói. Vợ ông vẫn còn đang bị giam giữ trong trại tạm giam, nhưng ông không thể gặp bà lần cuối.
Ngày ông Hứa qua đời, gia đình ông đã kiên quyết yêu cầu thả bà Sài. Các cảnh sát Tần Bảo Khố và Địch Thác Tài miễn cưỡng thực hiện. Sau này, bà Sài cho biết bà không bao giờ quên được ngày hôm đó, ngày 18 tháng 4 năm 2002, đó là ngày người chồng đã chung sống với bà 37 năm qua đời.
Người cháu trai của vợ chồng bà Sài, [gọi ông bà là chú thím], ông Hứa Á Thông, sống cùng họ từ nhỏ và chưa từng lập gia đình. Tháng 9 năm 1999, ông Hứa Á Thông đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt. Ông bị đưa trở lại thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc và bị giam một tháng tại một trung tâm giam giữ, trong thời gian đó ông bị đánh đập, lăng mạ và ức hiếp.
Tháng 11 năm 1999, ông Hứa Á Thông lại bị bắt khi cảnh sát phát hiện việc ông cùng các học viên khác ký bản kiến nghị kêu gọi Liên Hợp Quốc giúp chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông bị đánh đập, sốc điện bằng dùi cui điện, phải tiếp xúc với thời tiết khắc nghiệt, cấm ngủ và chịu các hình thức ngược đãi khác. Ông được thả một tháng sau đó sau khi bị tống số tiền 1.500 Nhân dân tệ. Khi người chú của ông là ông Hứa Chấn Phục qua đời vào năm 2002, ông Hứa Á Thông bị suy sụp tinh thần, sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Ông Hứa Á Thông mất vào ngày 9 tháng 3 năm 2003 ở tuổi 60.
Bị kết án hai năm lao động cưỡng bức sau lần bị bắt giữ vào năm 2004
Một ngày tháng 3 năm 2004, khi bà Sài đang phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở quê nhà là thành phố Trát Lỗ Đặc Kỳ thì một chiếc ô tô màu trắng bất ngờ lao tới chỗ bà. Hai người nhảy ra, giật lấy tài liệu trên tay bà. Họ chụp ảnh bà và lôi bà vào xe.
Bà Sài bị đưa đến Sở Cảnh sát Trát Lỗ Đặc Kỳ. Tại đó, một cảnh sát đã rút ra một tờ giấy và yêu cầu cho bà in dấu vân tay của mình lên đó. Bà từ chối, sau đó cảnh sát đã túm lấy tay bà và ấn vào tờ giấy. Một cảnh sát khác tát mạnh vào mặt bà. Ngày hôm sau, trong khi thẩm vấn, viên cảnh sát đó lại tát vào mặt bà thêm hai lần nữa và còn túm lấy cổ áo bà và ghì đầu bà xuống. Bà Sài bị đưa đến trại tạm giam vào trưa ngày hôm đó.
Cảnh sát nhanh chóng kết án bà Sài hai năm lao động cưỡng bức và đưa bà đến Trại Lao động Thị trấn Đồ Mục Cát. Bà Sài vô cùng yếu do bị ngược đãi từ trại giam nên trại lao động đã từ chối tiếp nhận bà. Cảnh sát không đồng ý thả bà nên lại giam giữ bà tại trại tạm giam thêm một thời gian nữa. Đến ngày được thả ra, bà Sài đã bị giam tổng cộng bốn tháng 10 ngày.
Một lần bị bắt khác vào năm 2010
Vào tối ngày 21 tháng 9 năm 2010, bà Sài bị bắt bên ngoài Tòa nhà của Chính quyền Thành phố Hoắc Lâm Quách Lặc. Bà bị đưa đến Sở Cảnh sát Hoắc Lâm Quách Lặc rồi sau đó bị chuyển đến một trại tạm giam. Ngày hôm sau, nhà của bà bị đột nhập, cảnh sát đã tịch thu máy nghe nhạc MP3, chân dung nhà sáng lập Pháp Luân Công và các đồ vật có giá trị khác. Bà được thả vào khoảng 9 giờ sáng ngày 23 tháng 9 năm 2010.
Năm lần bị đưa đến Trung tâm tẩy não
Ngoài năm lần bị bắt giữ nêu trên, bà Sài còn bị bắt năm lần khác và bị giam tại trung tâm tẩy não địa phương và thời gian giam giữ của mỗi lần hiện chưa điều tra được rõ.
Giám đốc ủy ban đường phố địa phương Tô Tú Anh gần như trở thành cái bóng của bà Sài khi được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ bà. Mỗi lần bà Sài bị giam giữ tại trung tâm tẩy não, Tô Tú Anh đều được yêu cầu trông chừng bà ở đó, thậm chí người này còn ngủ ngay bên cạnh bà vào ban đêm để đảm bảo rằng bà Sài không thức dậy để luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công.
Một cảnh sát phụ trợ có tên Vương Lập Quả cũng tham gia bức hại bà Sài. Khi không bị giam giữ, hàng ngày bà thường được lệnh phải trình báo với nhiều cơ quan cảnh sát khác nhau. Nếu bà Sài không có mặt theo lệnh, Vương sẽ gọi điện cho bà, thậm chí đôi khi còn ra ngoài đi tìm bà.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/7/470710.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/8/214229.html
Đăng ngày 30-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.