Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 18-01-2022] Kể từ năm 1999, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa, vô số học viên đã bị sách nhiễu, bắt bớ, giam giữ, bỏ tù và tra tấn.
Trong năm 2021, 58 học viên Pháp Luân Công ngoài 60 tuổi được báo cáo là đã qua đời do hậu quả của cuộc bức hại, 278 người bị kết án tù, 1.318 người bị bắt và sách nhiễu, 142 người bị đình chỉ lương hưu, 55 người bị cưỡng chế lấy mẫu máu, và 13 người buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị sách nhiễu. Những vụ việc này xảy ra trong năm 2021 hoặc trước đó, phân bố rải rác trên 30 tỉnh thành, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương.
58 trường hợp tử vong do hậu quả của cuộc bức hại
Trong năm 2021, đã ghi nhận 58 học viên được xác nhận là đã chết do hậu quả của cuộc bức hại (họ đều đã ngoài 60 tuổi). Cái chết của họ xảy ra trong năm 2021 hoặc trước đó. Trong số họ, 11 người qua đời trong khi bị giam giữ, với 3 người ở trong Trại tạm giam và 8 người ở trong nhà tù.
Dưới đây là tóm tắt một số trường hợp đã qua đời.
Người đàn ông 80 tuổi bị kết án 4 năm ngay khi vừa mới mãn hạn thụ án 3 năm, và đã tử vong trong khi bị cầm tù
Ngày 9 tháng 4 năm 2021, khi gia đình ông Lưu Hy Vĩnh đến nhà tù để đón ông, họ đã vô cùng suy sụp khi biết rằng ông cụ ngoài 80 tuổi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, người vừa mãn hạn tù 3 năm này đã bị đưa đến Nhà tù Số 3 Thành phố Đại Liên. Ông đã nhanh chóng đã bị kết án 4 năm tù giam.
Trong khi bị giam giữ, ông Lưu mắc bệnh tiểu đường và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nhà tù đã còng tay và cùm chân ông vào giường bệnh trong khi ông được điều trị. Ông qua đời tại bệnh viện vào ngày 29 tháng 12. Nhà tù không cho phép con trai ông đưa xác ông đi. Họ tự ý đưa thi thể ông đến nhà tang lễ vì sợ gia đình ông sẽ kiện cáo họ. Cảnh sát canh giữ thi thể của ông cho đến khi đem nó đi hỏa táng vào ngày 1 tháng 1 năm 2022.
Ông Lưu Hy Vĩnh
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu diễn ra vào năm 1999, ông Lưu đã nhiều lần bị tống giam vì kiên định đức tin và nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Vào tháng 4 năm 2002, ông đã bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức sau sau khi bị bắt giữ. Sáu năm sau, ông lại bị kết án 3,5 năm tù sau một vụ bắt giữ khác xảy ra vào ngày 24 tháng 7 năm 2008. Gần đây nhất, sau lần bị bắt cuối cùng vào ngày 9 tháng 4 năm 2018, ông lại bị kết án 3 năm tù mà không thông qua xét xử. Khi vợ ông tuyệt vọng tìm kiếm tự do cho ông tại đồn công an địa phương, một cảnh sát nói với bà ấy: “Lần này, chúng tôi sẽ để ông ta chết ở trong tù!”
Người đàn ông 89 tuổi bị đột quỵ sau khi bị cảnh sát bắt giữ, đã qua đời nhiều tháng sau đó
Ông Lưu Vĩnh Tồn, 89 tuổi, ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, đã bị báo cảnh sát vì phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công ở thị trấn Pháp Đặc vào mùa đông năm 2020. Cảnh sát đã bắt ông Lưu và lục soát nhà của ông. Họ buộc ông phải ký vào các bản cam kết bất tu luyện. Ông Lưu sợ hãi đến mức bị đột quỵ và nằm liệt giường.
Đến ngày 12 tháng 5 năm 2021, cảnh sát thị trấn Pháp Đặc lại lục soát nhà của ông Lưu. Họ tịch thu tài sản cá nhân và cố gắng tống tiền ông 700 nhân dân tệ nhưng không thành công. Việc lục soát này đã khiến ông Lưu vô cùng suy sụp, ông qua đời 4 tháng sau đó, vào ngày 10 tháng 9 năm 2021.
Thượng tá về hưu đã qua đời trong tù vì kiên định đức tin của mình
Ông Công Phi Khải, 66 tuổi, là một thượng tá đã nghỉ hưu ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Năm 2018, ông bị kết án 7,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã thụ án ở trong Nhà tù Tỉnh Sơn Đông, nơi khét tiếng trong việc tra tấn và ngược đãi các học viên nhằm cưỡng bức họ từ bỏ đức tin của mình.
Ông Công Phi Khải
Vào ngày 12 tháng 4 năm 2021, gia đình ông Công nhận được thông báo rằng ông đã qua đời vì đột quỵ. Sang hôm sau khi gia đình đến bệnh viện, bác sỹ và cán bộ trại giam đã từ chối để họ được nhìn thấy thi thể của ông. Trước sự phản đối gay gắt từ phía gia đình, cuối cùng, anh trai và cháu trai của ông Công đã được phép xem thi thể ông nhưng không được chụp ảnh hoặc quay video. Theo anh trai của ông Công, phần đầu của ông Công bị thương, sưng lên và trong tai ông có máu.
Bà Trọng Thục Quyên qua đời trong tù sau nhiều năm bị bức hại, con gái bị rối loạn tâm thần
Bà Trọng Thục Quyên, 66 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bị tra tấn trong thời gian dài và bị ung thư vú trong thời gian thụ án tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Vào ngày 24 tháng 12 năm 2021, ba năm sau khi yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế của bà bị từ chối, bà đã qua đời trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Thi thể của bà đã bị hỏa thiêu trước sự chứng kiến của cảnh sát, công tố viên và thẩm phán, những người có liên quan đến việc kết án bà.
Con gái bà là cô Lý Tú Lệ đã bị rối loạn tâm thần vào năm 2007 ở tuổi 27 do bị chính quyền sách nhiễu trong thời gian dài. Trong một cuộc đổ bộ của cảnh sát, cô chỉ có ở nhà một mình, và cô đã bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng và không thể hồi phục. Sau một trong những lần mẹ mình bị bắt giữ, cô Lý và cha cô là ông Lý Khoan đã bị tổn thương tâm lý nặng nề, đến nỗi họ không dám ra khỏi nhà trong hơn 40 ngày và chỉ cơm cháo qua ngày. Họ không dám trả lời điện thoại hay mở cửa khi ai đó gõ cửa. Nơi làm việc của chồng bà, Công ty Hoá chất Dầu khí Đại Liên, nghĩ rằng hai cha con đã chết tại nhà nên phá cửa xông vào nhà và phát hiện họ vẫn còn sống.
Sau lần bắt giữ cuối cùng của bà Trọng xảy ra vào năm 2016, chồng bà đã bị giam giữ nửa tháng và sau đó bị kết án 3,5 năm quản thúc tại gia. Tinh thần của con gái của họ lại càng suy sụp hơn nữa.
Kết án tù
Trong năm 2021, 278 học viên Pháp Luân Công ngoài 60 tuổi đã bị kết án, trong đó có 165 người bị kết án từ 3 đến 11 năm và 2 người bị kết án 10 năm.
Ông Lý Đăng Thần, 82 tuổi, bị kết án 10 năm tù
Sau nhiều lần bị bắt giữ, đến cuối tháng 1 năm 2021, ông Lý Đăng Thần, một giáo viên đã nghỉ hưu ở thành phố Thâm Châu, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án 10 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.
Đầu tiên, ông Lý bị bắt tại nhà vào ngày 22 tháng 10 năm 2018. Cảnh sát đã lục soát nơi này và tịch thu các tài sản của ông với giá trị ước tính lên tới 150.000 nhân dân tệ. trại tạm giam Thành phố Thâm Châu đã từ chối nhận ông vì huyết áp cao và ông đã được thả. Ngày hôm sau, ông Lý đi tới đồn công an để yêu cầu cảnh sát trả lại tài sản mà họ đã tịch thu của ông, nhưng vô ích.
Nhiều ngày sau, ông Lý nhận ra có người đã phá hàng rào và đột nhập vào nhà ông khi ông vắng nhà. Ông nghi ngờ là cảnh sát đang tìm kiếm thêm các đồ vật liên quan tới Pháp Luân Công. Ông đã quyết định rời xa nhà để tránh bị bức hại. Nhưng chỉ một tháng sau, vào ngày 23 tháng 11, ông lại bị bắt và bị tống giam trong trại tạm giam Thành phố Thâm Châu. Trước khi bị bắt lần thứ hai, cảnh sát đã tống tiền gia đình ông 1.700 nhân dân tệ và nói rằng đó là khoản “chi phí khám sức khỏe” cho ông.
Ông Lý đã bị bệnh lý về phổi nghiêm trọng và được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt vào năm 2019. Ông được tại ngoại vào ngày 26 tháng 4. Sau đó, ông trở nên tiều tụy, mất kiểm soát đại tiểu tiện, chân sưng phù, và không thể chăm sóc bản thân. Sau khi khôi phục tu luyện Pháp Luân Công tại nhà, sức khỏe của ông đã dần hồi phục. Tuy nhiên, phía chính quyền vẫn không ngừng nhắm mục tiêu vào ông.
Vào cuối tháng 7 năm 2020, ông Lý nhận được trát gọi hầu tòa. Ông lại phải sống xa nhà một tháng để thoát khỏi bàn tay cảnh sát. Vào tháng 1 năm 2021, ông lại bị bắt và bị kết án 10 năm. Ông đã bị đưa đến Nhà tù Bảo Định để thụ án.
Bà Đường Trúc Nhân bị kết án 9 năm 4 tháng và phạt tiền 50.000 nhân dân tệ
Vào ngày 8 tháng 4 năm 2020, bà Đường Trúc Nhân bị bắt cùng với 6 học viên khác ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, vì đã gọi điện thoại để nói với người dân về cách thức mà chính quyền cộng sản che đậy đại dịch, cũng như việc nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona đã hồi phục bằng cách nhẩm niệm chín chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo.”
Cảnh sát cáo buộc họ thực hiện các cuộc gọi tuyên truyền và vi phạm Điều 300 của Luật Hình sự, cáo buộc họ “lợi dụng tổ chức tà giáo phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền sử dụng để hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công.
Bà Đường và các học viên khác bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Nhượng Hồ Lộ bốn lần, vào các ngày 17 và 29 tháng 12 năm 2020, và ngày 22 tháng 6 và ngày 21 tháng 10 năm 2021. Gia đình họ đã nộp đơn lên chính quyền quận và thành phố và ủy ban kiểm tra giám sát để khiếu nại công tố viên Phong và thẩm phán Tiết vì đã có hành vi vi phạm pháp luật khi truy tố người thân của họ. Họ cũng yêu cầu tòa án đổi người khác thay cho Phong và Tiết.
Vào ngày 22 tháng 6 năm 2021, mặc dù rất yếu sau cuộc phẫu thuật, bà Đường vẫn bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Nhượng Hồ Lộ trên xe lăn. Bà bị kết án vào ngày 17 tháng 11 năm 2021.
Bà Đường, ngoài 70 tuổi, là nhân viên về hưu của Nhà máy Nguyên liệu Bạch kim Vonfam Cáp Nhĩ Tân. Bà đã bị bắt và tống giam nhiều lần trong hai thập kỷ qua. Bà bị bắt lần đầu vào tháng 9 năm 1999 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Các lính canh tại trại tạm giam Quận Triều Dương, Bắc Kinh đã tra tấn và dội nước lạnh vào bà.
Bà Đường đã bị kết án hai lần trong trại lao động cưỡng bức tổng cộng là 3,5 năm vào tháng 4 năm 2001 và tháng 8 năm 2006. Ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia, các lính canh đã trói chân bà lại và treo bà lên sau đó dùng dùi cui điện sốc điện vào đầu, cánh tay và bàn tay của bà. Các vết thương trên cánh tay trái và bàn tay của bà phải mất một thời gian dài mới lành lại.
Ông Trịnh Gia Kim 81 tuổi bị kết án tổng cộng 9 năm
Vào ngày 28 tháng 8 năm 2020, ông Trịnh Gia Kim ở thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, bị bắt cùng với bà Chu Phượng Lan tại nơi mà họ thuê để làm tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Máy tính, máy in và một số lượng lớn đồ dùng văn phòng của họ đã bị tịch thu.
Cảnh sát thẩm vấn họ tại Đồn Công an Nam Kiều và đưa họ đến trại tạm giam Thành phố Tân Hương vào chiều hôm sau. trại tạm giam đã từ chối nhận ông Trịnh do huyết áp cao nguy hiểm và ông đã được trả tự do vào buổi tối.
Sau ba phiên xét xử, vào các ngày 23 tháng 2, 8 tháng 4 và 8 tháng 5 năm 2021, thẩm phán đã kết án ông Trịnh và bà Chu mỗi người 7,5 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ. Trước đó ông Trịnh từng bị kết án 1 năm 8 tháng tù nhưng không thụ án, vì vậy thẩm phán đã kết hợp hai bản án của ông và tuyên bố ông phải thụ án tổng cộng 9 năm và 2 tháng tù.
Bắt giữ
Tổng cộng 687 học viên Pháp Luân Công từ 65 tuổi trở lên được xác nhận là đã bị bắt trong năm 2021 hoặc trước năm 2021. Trong số họ, 193 người từ 65 đến 70 tuổi, 360 người từ 70 đến 80 tuổi, 131 người từ 80 đến 90 tuổi và 3 người đã ngoài 90 tuổi.
Bà Trương Tố Trân ngoài 90 tuổi bị bắt giữ
Vào sáng ngày 10 tháng 11 năm 2021, các cảnh sát từ Đồn Công an Tân Kiều ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, đã đến thôn Phượng Đài trên hai chiếc xe cảnh sát. Họ bắt giư bốn học viên là ông Trịnh Văn Chí, ông Trịnh Học Đông, ông Lưu Thái Quốc (ngoài 70 tuổi) và bà Trương Tố Trân (ngoài 90 tuổi). Cảnh sát đã lục soát nhà của họ và tịch thu toàn bộ sách Pháp Luân Công và ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công.
Bà Trương và ông Lưu đã được thả vào ngày hôm đó. Ông Trịnh Văn Chí bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Bồng Khê. Ông Trịnh Học Đông bị đưa vào trại tạm giam Vĩnh Hưng.
Học viên Triển Thụy Lâm 90 tuổi bị bắt
Vào ngày 9 tháng 3 năm 2021, học viên Triển Thụy Lâm (chưa rõ giới tính), 90 tuổi, ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, đã bị ba cảnh sát bắt giữ tại nút giao thông Lợi Quần vì nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Triển bị đưa đến Đồn Công an Tử Kinh Sơn và bị thẩm vấn trong một căn phòng có một chiếc ghế kim loại và các dụng cụ tra tấn khác. Cảnh sát đã lục soát nhà của học viên Triển và tịch thu hai cuốn sách Pháp Luân Công, các đồ lưu niệm của Pháp Luân Công và các tài sản khác. Học viên Triển được trả tự do trong cùng ngày.
Bà Thái Tú Phương 90 tuổi đối mặt với án tù
Vào ngày 28 tháng 10 năm 2021, bà Thái Tú Phương ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Thuyền Doanh cùng với sáu học viên khác là bà Trương Ngọc Hoa, em gái bà Trương Ngọc Phượng, bà Trần Vinh Kiệt, ông Trương Hồng Kiệt, bà Lý Anh và bà Lưu Tú Anh. Chi tiết của phiên xét xử hiện vẫn đang được điều tra.
Vào ngày 14 tháng 5 năm 2021, bà Thái bị bắt vì nói với mọi người về Pháp Luân Công tại một chợ nông sản. Cảnh sát đẩy bà vào xe của họ, giật chìa khóa và sau đó tiến hành lục soát nơi ở của bà. Bà bị nhốt trong một chiếc lồng kim loại tại đồn công an địa phương và được thả vài giờ sau đó.
Bà Thái Tú Phương
Sách nhiễu
Tổng cộng 631 học viên Pháp Luân Công từ 65 tuổi trở lên được xác nhận là đã bị chính quyền nhiễu trong năm 2021 hoặc trước đó. Trong số đó, 90 người từ 65 đến 70 tuổi, 307 người từ 70 đến 80 tuổi, 219 người từ 80 đến 90 tuổi và 15 người ngoài 90 tuổi.
Học viên Hà Trạch Dân 95 tuổi bị sách nhiễu
Học viên Hà Trạch Dân, 95 tuổi, ở Trùng Khánh (chưa rõ giới tính) đã nhiều lần bị các nhân viên của Văn phòng khu phố Hồi Hưng ở quận Du Bắc sách nhiễu tại nhà. Cảnh sát dụ dỗ và ép học viên Hà ký tên vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Bà Bàng Quế Vinh 93 tuổi bị sách nhiễu nhiều lần
Vào ngày 27 tháng 7 năm 2021, các cảnh sát từ Đồn Công an Thị trấn Bạch Sơn ở Thiên Tân đã gọi điện đến nhà của bà Bàng Quế Vinh. Lúc đó bà Bàng không có ở nhà, và con trai của bà (ngoài 70 tuổi) đã trả lời điện thoại. Cảnh sát bảo ông hãy bảo mẹ mình đi đến đồn công an để ký bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Vào ngày 30 tháng 8, các cảnh sát thuộc Công an Phong Mãn đã đến nhà bà Bàng và lại sách nhiễu bà.
Nhà của ông Lưu Học Cần 92 tuổi bị lục soát
Ông Lưu Học Cần 92 tuổi ở thôn Tây Trần thuộc khu phố Văn Gia của thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông. Nhà của ông đã bị các cảnh sát địa phương và trưởng thôn lục soát vào ngày 2 tháng 10 năm 2021. Ông Lưu không có ở nhà khi sự việc xảy ra.
Cảnh sát lục soát nhà của bà Lưu Xán ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên
Vào sáng ngày 16 tháng 12 năm 2021, sáu người từ Đội An ninh Nội địa quận Thành Hoa, Đồn Công an Song Kiều Tử và Cộng đồng cư dân Tân Hồng Nam Lộ ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã lục soát nhà của bà Lưu Xán 91 tuổi. Lúc đó bà Lưu đi vắng và chỉ có chồng bà ở nhà. Các cảnh sát đã thu giữ một máy phô tô và các cuốn sách mỏng giới thiệu về Pháp Luân Công.
Sau khi bà Lưu trở về nhà lúc 3 giờ chiều, cảnh sát lại đến nhà và nói với bà rằng họ đã khám xét nhà của bà vì ai đó đã tố cáo bà quảng bá Pháp Luân Công.
Bức hại tài chính
Ngoài việc không ngừng bắt giữ, sách nhiễu và tống giam các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ còn gia tăng bức hại bằng cách tạo thêm gánh nặng tài chính cho các học viên bằng cách tùy tiện xóa bỏ số năm đóng góp bảo hiểm của các học viên và đình chỉ lương hưu của họ.
Sau 12 năm bị giam giữ vì kiên định đức tin, dược sĩ nghỉ hưu bị đình chỉ lương hưu
Trong 22 năm của cuộc bức hại Pháp Luân Công, một dược sĩ đã nghỉ hưu đã trải qua 12 năm trong các nhà tù và trại lao động cưỡng bức. Bà Cát Linh 71 tuổi ở huyện Vĩnh Tu, tỉnh Giang Tây, đã không ngừng bị tra tấn vì từ chối từ bỏ pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã chữa khỏi bệnh cho bà. Bà Cát hiện bị tàn tật do bị tra tấn và ngược đãi trong khi bị giam giữ. Gia đình bà cũng phải chịu tổn thất tài chính và tổn thương tinh thần đáng kể và hiện đang sống trong hoàn cảnh nghèo khó.
Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Cát xảy ra vào ngày 21 tháng 4 năm 2016. Bà bị tra tấn đến phải cắt cụt một chân khi ở trong Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây.
Vào ngày 20 tháng 4 năm 2021, một năm sau khi bà Cát mãn hạn tù, Cục Nguồnn nhân lực và Bảo hiểm Xã hội Huyện Vĩnh Tu (thuộc Cục Bảo hiểm Xã hội) đã thông báo cho đơn vị cũ của bà là Bệnh viện Trung y Huyện Vĩnh Tu, rằng họ sẽ đình chỉ lương hưu và bảo hiểm y tế của bà, cũng như yêu cầu bà phải trả lại 270.741 nhân dân tệ tiền lương hưu mà họ đã chi trả cho bà từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 4 năm 2021.
Giảng viên đại học nghỉ hưu buộc phải trả lại gần nửa triệu nhân dân tệ tiền hưu trí sau khi bị cầm tù oan sai
Vào ngày 27 tháng 5 năm 2012, bà Vương Cảnh Linh, nhân viên nghỉ hưu của Học viện Công nghệ Hoài Âm, đã bị bắt sau khi bị báo cảnh sát vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà bị kết án 3 năm tù và đã được trả tự do vào năm 2015.
Tháng 11 năm 2019, gia đình bà Vương đã nhận một cuộc gọi từ Quản Dũng Cương, phó giám đốc bộ phận nhân sự của trường bà. Quản cho biết họ sẽ bắt đầu cắt lương hưu của bà vào tháng 12 năm 2019 vì án tù của bà. Ông ta cũng đề nghị bà trả lại 351.439,45 Nhân dân tệ mà bà đã nhận từ trường từ tháng 6 năm 2012, một tháng sau khi bà bị bắt. Cuối cùng, bà Vương buộc phải trả tổng cộng 496.264,40 nhân dân tệ.
Buộc phải rời xa nhà để tránh bị bức hại
Trong năm 2021, 13 học viên Pháp Luân Công lớn tuổi buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại.
Ông Vương Học Bân 84 tuổi bị sách nhiễu
Ông Vương Học Bân 84 tuổi ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy đã bị sách nhiễu tại nhà vào ngày 23 tháng 3 năm 2021. Hai cảnh sát của Công an Quận Dĩnh Châu, ba cảnh sát của Đồn Công an đường Phụ Lâm, và năm người từ Cộng đồng dân cư Hà Thủy Vệ Trang đã lục soát nhà ông và ghi hình lại toàn bộ quá trình đó. Đến 5 giờ chiều họ mới rời đi.
Đến 9 giờ tối cùng ngày, cảnh sát quay trở lại và thổi còi, la hét và đập cửa nhà ông Vương. Khi ông Vương từ chối mở cửa, họ đã rời đi sau 10 giờ tối. Kể từ đó ông Vương đã phải chuyển đi nơi khác vì không còn cảm thấy an toàn.
Bà Chu Ngọc Quý buộc phải rời khỏi nhà
Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020, nhà chức trách quận Cửu Long Pha, thành phố Trùng Khánh đã đến gặp bà Chu Ngọc Quý ngoài 80 tuổi và sống cùng con trai và con dâu. Các cảnh sát từ đồn công an địa phương và ủy ban khu phố yêu cầu bà ký vào một bản tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã kiên quyết từ chối. Sau đó những người này đã kéo đến nhà bà nhiều lần, nhưng bà đã từ chối mở cửa cho họ vì biết họ muốn gì. Vài ngày sau, các nhân viên từ ủy ban khu phố đã nhờ con trai bà mở cửa cho họ. Họ ra lệnh cho anh thuyết phục mẹ mình viết cam kết từ bỏ đức tin của bà và đe dọa rằng họ sẽ khiến anh sẽ mất việc nếu mẹ anh từ chối thực hiện.
Kết quả là, con trai bà Chu đã yêu cầu bà phải dọn ra khỏi nhà. Ban đầu, bà Chu vốn dĩ có mối quan hệ rất tốt với con trai mình, ngay cả khi bà bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhưng giờ bà trở thành người vô gia cư.
Lấy mẫu máu không tự nguyện
Theo Minh Huệ Net báo cáo, 55 học viên Pháp Luân Công cao tuổi đã bị lấy mẫu máu trong năm 2021. Vài chục học viên ở Thượng Hải đã bị cảnh sát lừa hoặc cưỡng chế lấy mẫu máu. Có thông tin rằng chính quyền Trung Quốc đang thiết lập cơ sở dữ liệu ADN đối với tất cả các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các thông tin cá nhân khác được thu thập bao gồm ảnh, chữ viết tay, số điện thoại, dấu vân tay và chiều cao. Chỉ riêng tại Đồn Công an Cam Tuyền ở Thượng Hải, cảnh sát đã lấy mẫu máu của hơn mười học viên trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2021.
Cảnh sát cố gắng lấy mẫu máu của bà Cù Mục Khiết ở Thượng Hải
Vào ngày 28 tháng 4, các cảnh sát đã đột nhập vào nhà của bà Cù Mục Khiết 84 tuổi ở thành phố Thượng Hải. Đầu tiên họ hỏi bà bà có còn tu luyện Pháp Luân Công hay không. Sau khi bà xác nhận, họ đe dọa sẽ lấy mẫu máu của bà. Bà Cù đã phản kháng mạnh mẽ và yêu cầu các cảnh sát cung cấp giấy tờ chứng minh thân phận của họ. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của những người hàng xóm của bà Cù và họ tụ tập bên ngoài căn hộ và hiếu kỳ muốn tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Cảnh sát đã phải từ bỏ việc cố gắng lấy mẫu máu của bà và rời đi.
Bà Chu Úy Quần ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, bị lấy dấu vân tay và mẫu máu
Vào ngày 24 tháng 9 năm 2021, khi con trai của bà Chu Úy Quần về nhà ăn tối, sáu cảnh sát mặc thường phục đang nấp trước cửa nhà đã xông vào và yêu cầu bà Chu 85 tuổi đến trụ sở Công an Trường Sa và trại tạm giam Số 1 Trường Sa, viện lý do là một số sinh viên đã nhìn thấy bà phân phát tài liệu quảng bá Pháp Luân Công và tố cáo bà. Họ lục soát nhà của bà mà không xuất trình bất kỳ giấy tờ nào và tịch thu các bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, hơn 40 cuốn sách Pháp Luân Công, băng nhạc luyện tập, cùng với các tài sản cá nhân khác.
Họ đưa bà Chu đến Đồn Công an Quất Tử Châu và trại tạm giam Số 1 Thành phố Trường Sa. Họ đã lấy thông tin chiều cao và cân nặng, dấu vân tay, dấu chân, mẫu máu và nước bọt của bà Chu.
Ban đầu họ dự định giam giữ bà Chu trong trại tạm giam, nhưng trại tạm giam đã từ chối nhận bà do tuổi cao. Cảnh sát đã quản thúc bà Chu trong khu dân cư, điều này nhằm ngăn cản việc bà rời khỏi thành phố Trường Sa. Bà chỉ được trở về nhà vào lúc 3 giờ sáng đêm hôm đó.
Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc: Sáu học viên Pháp Luân Công, trong đó có một phụ nữ 83 tuổi, bị lấy mẫu máu
Vào ngày 17 tháng 4 năm 2021, bà Doãn Quế Hương và bà Hoàng Vịnh Mai 83 tuổi đã bị hai cảnh sát mặc thường phục từ Đồn Công an Triển lãm Công viên Trung Sơn bắt giữ. Cuối ngày hôm đó, bốn học viên khác cũng bị bắt và đưa đến đồn công an đó.
Cả sáu người đều bị thẩm vấn và không được cung cấp đồ ăn và nước uống. Cảnh sát chụp ảnh, ghi lại thông tin chiều cao và cân nặng của họ, lấy dấu vân tay và mẫu máu của họ. Bà Doãn, bà Hoàng và hai học viên khác đã bị đưa đến Trung tâm tẩy não Ngạch Đầu Loan ở quận Kiều Khẩu vào ngày hôm sau. Hiện chưa rõ hai học viên còn lại bị giam giữ ở đâu.
Vào ngày 28 tháng 4 năm 2021, bà Doãn đã được thả nhưng buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại.
Bài liên quan:
Báo cáo năm 2021: 1.187 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ
Báo cáo năm 2021: 16.431 học viên Pháp Luân Công bị bắt và sách nhiễu vì đức tin của họ
Báo cáo năm 2021: 132 học viên Pháp Luân Công qua đời trong cuộc bức hại đức tin của họ
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/18/436876.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/2/198874.html
Đăng ngày 28-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.