Bài viết của Âu Dương

[MINH HUỆ 13-10-2020] Giai đoạn đầu của đại dịch, tôi có tích trữ một số thực phẩm và nhu yếu phẩm hằng ngày. Bây giờ làn sóng thứ hai của đại dịch đang đến. Các học viên địa phương nơi tôi sống lại đang chia sẻ về việc có nên dự trữ thêm lương thực hay không.

Điều này làm tôi nhớ đến một bài viết mà gần đây tôi mới đọc được. Bài viết có tiêu đề “Tích trữ lương thực là một biểu hiện của sự thiếu tín tâm” và tác giả đã đề cập đến việc một số học viên ở địa khu của anh ấy, bao gồm cả anh ấy, đã mua một lượng thực phẩm nhiều đến mức có thể đủ dùng trong vòng vài năm và một số thực phẩm đã bị hỏng.

Tác giả viết: “Việc tích trữ lương thực và nhu yếu phẩm của tôi là một biểu hiện của tâm vị kỷ, muốn bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị đói và phải chịu cảnh thiếu thốn. Nó cũng cho thấy thiếu sót của tôi trong việc không thể suy nghĩ độc lập dựa trên các bài giảng của Pháp, mà thay vào đó, tôi bị cuốn theo đám đông không lý trí.“ Anh ấy nhận ra rằng “Quan trọng hơn nữa là, làm sao để tận dụng tốt nhất thời gian của mình trong đại dịch virus corona này để cứu người.”

Tôi thấy mình giống tác giả và không hiểu rõ ràng mọi thứ trên cơ điểm của Pháp và không chiểu theo các yêu cầu đối với người tu luyện. Tôi đã không tận dụng cơ hội để đề cao tầng thứ và loại bỏ các chấp trước của mình. Cuộc thảo luận gần đây về việc có nên tích trữ thực phẩm hay không cũng nhắc nhở tôi về đoạn giảng Pháp sau đây.

Sư phụ giảng:

“Khi ngoan cố làm việc gì đó, họ sẽ chiếm tiện nghi của người khác, họ làm điều xấu. Do đó trong tu luyện nhắc lại [nhiều lần] rằng cần phải thuận theo tự nhiên, đó chính là đạo lý; bởi vì chư vị qua nỗ lực mà làm hại người khác.” (Bài giảng thứ Hai, Chuyển Pháp Luân)

Nếu thực sự xảy ra tình trạng thiếu lương thực và các học viên dự trữ nhiều thực phẩm hơn nhu cầu, thì thực phẩm sẽ hỏng. Tôi nhớ lại rằng Sư phụ đã dạy chúng ta phải trân quý lương thực và không bao giờ được lãng phí đồ ăn. Chẳng phải chúng ta đang làm một việc xấu nếu việc tích trữ lương thực của chúng ta khiến người thường không có đủ thực phẩm để dùng? Điều đó chẳng phải sẽ gây thêm nghiệp lực cho các học viên hay sao?

Tôi nghĩ đến câu chuyện về một người ăn xin, đạo lý trong câu chuyện này là khi một người có thể buông bỏ việc theo đuổi lợi ích cá nhân, người ấy sẽ nhận được phước báo nhờ trái tim nhân hậu của mình.

Có một người đã đi ăn xin trong nhiều năm, nhưng kho lương thực của anh không hề tăng, anh cảm thấy rất kỳ lạ. Anh quyết tâm theo dõi và phát hiện ra con chuột đã lấy trộm thức ăn của mình. Anh ta tức giận hỏi chuột: “Sao mày lại trộm đồ ăn của một kẻ ăn xin đáng thương như tao? Sao không đi lấy của những kẻ giàu có ngoài kia?”

Chuột trả lời: “Số phận chỉ cho anh sở hữu chừng đó tài sản mà thôi, cho dù anh làm cách nào cũng không tăng lên được đâu.”

Anh ấy hỏi lại: “Tại sao lại như vậy?” Chuột nói: “Tôi không biết, anh có thể hỏi Phật tổ, Ngài sẽ giải đáp cho anh!”

Trên đường đi tìm Phật tổ anh dừng lại ở một gia đình để xin ăn. Chủ nhà hỏi: “Anh đi đâu mà muộn vậy?” Anh kể cho chủ nhà nghe câu chuyện của mình.

Chủ nhà nghe xong liền đưa cho anh rất nhiều đồ ăn và tiền và nhờ anh hỏi Phật tổ một câu hỏi. Gia đình họ có một cô con gái đã 16 tuổi mà vẫn không biết nói, liệu có cách nào giúp con bé nói được? Bất kỳ ai có thể giúp cháu nói được, họ sẽ cho người ấy được cưới cháu làm vợ.

Người ăn xin sau đó đến một ngôi đền để xin nước uống. Một nhà sư đã mang nước cho anh và hỏi anh đang đi đâu. Người ăn xin lại kể câu chuyện của mình và nhà sư nọ cũng nhờ anh hỏi Phật tổ giúp vì sao đã tu luyện hơn 500 năm mà vẫn chưa thành chính quả, làm thế nào để có thể đạt được viên mãn. Người ăn xin đồng ý.

Người ăn xin tới một con sông và dường như không thể vượt qua. Một con rùa xuất hiện và chở anh qua sông.

Con rùa cũng nhờ người ăn xin hỏi giúp tại sao nó tu luyện hơn nghìn năm rồi mà vẫn chưa thể hóa rồng. Người ăn xin lại đồng ý sẽ hỏi giúp rùa.

Đến một ngày, người ăn xin mệt quá và ngủ thiếp đi. Trong mơ, anh nhìn thấy Phật tổ. Phật nói anh chỉ được hỏi ba câu hỏi.

Người đàn ông giật mình lo lắng vì ông có tới bốn câu cần hỏi. Anh thầm nghĩ: “Con rùa đã tu hành hơn ngàn năm không hề dễ dàng. Nhà sư đã tu luyện hàng trăm năm cũng rất khổ cực. Con gái của viên ngoại không nói được cũng rất đáng thương, sau này sao có thể lấy chồng. Còn mình, chỉ là một kẻ vô gia cư, mình vẫn có thể sống tốt mà.”

Người ăn xin suy ngẫm và nhận thấy vấn đề của mình nhỏ bé, chẳng là gì so với những vấn đề của cô gái trẻ, nhà sư và con rùa.

Vì thế, anh hỏi câu hỏi đầu tiên. Phật tổ nói với anh rằng, con rùa không nỡ rời bỏ chiếc mai của nó, ở dưới mai rùa có 24 viên dạ minh châu, nếu như rùa có thể từ bỏ chiếc mai, nó sẽ có thể hoá rồng.

Phật tổ đưa ra câu trả lời cho câu hỏi thứ hai và nói rằng cây tích trượng của nhà sư là một bảo vật. Nhà sư cắm cây tích trượng xuống đất, nước suối trong vắt sẽ chảy ra. Nếu nhà sư có thể buông cây tích trượng ấy, ông ấy có thể lên Thiên giới. Người ăn xin hỏi câu hỏi thứ ba. Phật tổ trả lời rằng cô gái câm kia có thể nói ngay khi cô ấy gặp được ý trung nhân của mình. Sau đó Phật tổ biến mất.

Trên đường trở về, người ăn xin tới dòng sông và kể lại cho con rùa câu trả lời của Phật tổ. Con rùa đã bước ra khỏi mai và đưa chiếc mai cho người ăn xin. Sau đó nó lập tức hoá rồng và bay đi.

Với 24 viên dạ minh châu trong tay, người ăn xin quay trở lại ngôi đền và kể lại cho nhà sư lời Phật tổ dạy. Nhà sư trao cây tích trượng cho người ăn xin và ngay lập tức bay lên trời.

Người ăn xin tới cổng của gia đình viên ngoại có cô gái câm. Vừa nhìn thấy anh, cô gái liền cất tiếng mừng rỡ: “Người đi gặp Phật tổ đã quay trở lại!”

Cha cô ngạc nhiên vì con gái ông đột nhiên có thể nói được. Người ăn xin kể lại điều anh nghe từ Phật tổ. Chủ nhà giữ lời hứa và gả con gái cho anh.

Rùa không thể thành rồng nếu không buông bỏ những viên dạ minh châu. Nhà sư không thể đạt đến viên mãn nếu không buông cây tích trượng quý giá của mình. Người ăn xin buông bỏ nhu cầu của bản thân và quan tâm đến yêu cầu của người khác trước. Cuối cùng anh ấy đã được ban phước lành.

Tôi hiểu rằng nếu chúng ta bỏ đi nỗi ám ảnh về việc tích trữ lương thực để chuẩn bị cho đợt đại dịch thứ hai và thay vào đó đặt mối quan tâm của chúng sinh trước sự bất an của chúng ta về thực phẩm, chúng ta sẽ được ban phước và sẽ không gặp vấn đề về lương thực. Khi xóa bỏ được chấp trước đó, chúng ta cũng có thể tập trung sức lực của mình vào việc cứu nhiều chúng sinh hơn trong đại dịch.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/13/读《储存粮与信师信法》想到乞丐的舍-413640.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/27/190112.html

Đăng ngày 23-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share