Bài viết của Mịch Chân

[MINH HUỆ 09-12-2020] Tuyên ngôn Nhân quyền đã được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1948, cách đây 72 năm. Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) nằm trong số 48 thành viên tham gia bỏ phiếu tán thành. Sau khi Trung Hoa Dân quốc để mất Trung Quốc Đại lục vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và rút sang Đài Loan, Đài Loan đã phát triển thành một xã hội dân chủ với mức độ tự do dân sự và chính trị cao.

Trong khi đó, Trung Quốc Cộng sản nằm trong danh sách những quốc gia có tình hình nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Năm 2020, vì vi phạm tự do tín ngưỡng, Trung Quốc một lần nữa bị Ủy ban Tự do Tín ngưỡng Quốc tế Hoa Kỳ liệt vào diện “quốc gia cần quan tâm đặc biệt”. Đây là năm thứ 21 liên tiếp Trung Quốc nằm trong danh sách này.

Sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ, đặc biệt là cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, dấy lên sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Theo Minh Huệ (Minghui.org), từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999 đến ngày 10 tháng 7 năm 2019, đã có 86.050 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ, 28.143 người bị kết án lao động cưỡng bức, 17.963 người bị kết án tù, 18.838 người bị đưa vào các trung tâm tẩy não, và 809 người bị đưa vào các bệnh viện tâm thần. Trong tổng số 518.940 trường hợp bị bức hại được xác nhận, có 4.580 học viên bị thiệt mạng vì bị bức hại. Do việc thu thập thông tin từ Trung Quốc Cộng sản gặp nhiều khó khăn, con số thực tế các học viên bị bức hại vì đức tin của họ được cho là còn cao hơn nhiều.

Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2020, Minh Huệ đã xác nhận có 68 học viên tử vong do bị bức hại, 5.111 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ, 5.936 người bị sách nhiễu, và 277 người bị giam giữ tại các trung tâm tẩy não. Chỉ riêng trong tháng 10 năm 2020, báo cáo cho thấy có 1.077 học viên đã bị sách nhiễu hoặc bị bắt giữ, trong đó có 19 học viên trên 65 tuổi. Học viên cao tuổi nhất bị bắt giữ là 80 tuổi.

Sau đây là một số trường hợp để minh họa mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại:

Bà Hàn Ngọc Cần qua đời vài giờ sau khi bị bắt giữ

Khoảng 5 giờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 2020, bà Hàn Ngọc Cần, một phụ nữ 68 tuổi ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị đưa ra khỏi nhà. Gia đình bà được thông báo về cái chết của bà vào khoảng 6 giờ chiều cùng ngày. Nhìn thi thể của bà Hàn trong bệnh viện, họ thấy đầu tóc bà rối bù, trong mũi có máu.

Vụ bắt giữ bà Hàn diễn ra trong đợt truy quét của cảnh sát, trong đó 36 học viên Pháp Luân Công địa phương đã bị bắt giữ. Gia đình bà nghi ngờ có hành vi phạm pháp trong cái chết đột ngột của bà, vì bà đã có sức khỏe tốt kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995.

Ông Vương Điện Quốc chết trong tù ba năm sau khi vợ ông qua đời trong trại giam

Ngày 16 tháng 6 năm 2020, khoảng hai năm sau khi bị tù giam, ông Vương Điện Quốc, 67 tuổi, cư dân thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã chết vào lúc 4 giờ chiều. Ông Vương bị cầm tù sau khi bị bắt tại nhà riêng vào tháng 7 năm 2017. Vợ ông, bà Vu Bảo Phương, cùng con trai cũng bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Vu đã chết tại Trại tạm giam Nữ An Sơn chỉ 13 ngày sau đó.

Gia đình ông Vương được báo tin rằng ông đã chết vì bệnh ung thư dạ dày. Họ thắc mắc tại sao ông không được điều trị hay được tạm tha để điều trị y tế, nhưng không nhận được câu trả lời nào. Sau khi họ liên tục yêu cầu, các lính canh đã phát một phần cảnh quay an ninh, từ đó gia đình ông Vương biết được rằng ông đã bị suy nhược cơ thể vào tháng 4 năm 2020. Gia đình ông chưa bao giờ được thông báo về tình trạng của ông.

Bà Vương Thục Khôn chết vì bị cảnh sát đánh đập

Bà Vương Thục Khôn, một bác sỹ 66 tuổi ở thành phố Hải Ninh, tỉnh Hắc Long Giang, qua đời vào ngày 2 tháng 7 năm 2020, chỉ vài ngày sau khi cảnh sát đánh bà hàng giờ trong bệnh viện nơi bà làm việc.

Bà Vương được gọi vào bệnh viện sau nhiều tháng ở nhà do virus corona. Những tưởng bà được gọi trở lại làm việc, nhưng thực tế bà đã bị cảnh sát truy lùng. Cảnh sát đã toan ép bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, và thừa nhận rằng chồng bà cũng tu luyện Pháp Luân Công, trong khi ông chưa bao giờ tu luyện. Khi bà Vương từ chối ký vào bản khai, cảnh sát đã đánh bà cho đến khi bà cầu xin họ dừng lại và cho bà về nhà.

Bà Vương trở về nhà trong tình trạng xương bánh chè bị gãy và bầm tím khắp người. Bà bị xuất huyết não vài ngày sau đó và qua đời vào ngày 2 tháng 7.

Năm học viên bị kết án tù và bị phạt tiền nặng

Ngày 22 tháng 10 năm 2020, năm học viên Pháp Luân Công từ thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã bị kết án. Họ bị bắt giữ từ ngày 18-26 tháng 7 năm 2019, sau khi cảnh sát lần ra địa chỉ của họ thông qua các camera giám sát.

Bà Trương Lỵ bị kết án 7,5 năm và bị phạt tiền 100.000 nhân dân tệ. Ông Trương Văn Đào bị kết án 3 năm và bị phạt tiền 40.000 nhân dân tệ. Bà Giang Lan Anh bị kết án 2,5 năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ. Bà Hồ Thủy Anh bị kết án 2 năm tù và bị phạt tiền 30.000 nhân dân tệ. Ông Trần Bảo Chi bị kết án 3 năm tù, cộng thêm 5 năm quản chế và bị phạt tiền 50.000 nhân dân tệ.

12 học viên bị kết án từ 2 đến 8 năm tù

Ngày 27 tháng 11 năm 2020, 12 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án bí mật vì đức tin của họ. Bà Vương Thụy Linh, 68 tuổi, bị kết án 8 năm tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ. Ông Trương Ngọc Minh, 65 tuổi, bị kết án 7 năm tù và bị phạt 6.000 nhân dân tệ. Ông Vương Kiến, 70 tuổi, bị kết án 7 năm tù và bị phạt 5.000 nhân dân tệ. Bà Điền Thục Học, 82 tuổi, bị kết án 5,5 năm tù và bị phạt 6.000 nhân dân tệ. Bà Trương Cần, 78 tuổi, bị kết án 4,5 năm tù và bị phạt 5.000 nhân dân tệ. Bảy học viên khác bị kết án từ 2 đến 5 năm tù và bị phạt từ 2.000 đến 5.000 nhân dân tệ.

Ngày 6 tháng 7 năm 2019, sau khi cảnh sát theo dõi điện thoại di động của các học viên trong hai tháng, hơn 300 cảnh sát đã được huy động để vây bắt các học viên này. Tổng cộng có 19 học viên đã bị bắt giữ vào ngày hôm đó.

Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn

Tháng 3 năm 2006, nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công lần đầu tiên bị hai người tố giác độc lập tiết lộ ra công chúng. Kể từ đó, ngày càng có nhiều bằng chứng về tội ác chống lại loài người vô cùng nghiêm trọng này được phơi bày. Bằng chứng cho thấy tội ác này vẫn tiếp diễn đến ngày nay.

Ngày 22 tháng 6 năm 2016, sau một thập kỷ điều tra, ông David Matas và ông David Kilgour từ Canada, và ông Ethan Gutmann từ Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo chung với tiêu đề Báo cáo Điều tra về Nạn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng của ĐCSTQ. Báo cáo kết luận rằng các bác sỹ phẫu thuật Trung Quốc thực hiện từ 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng mỗi năm, hầu hết nội tạng trong đó được lấy từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Họ ước tính tổng số ca ghép tạng thực hiện từ năm 2000 đến năm 2016 có thể lên tới 1,5 triệu ca.

Theo một cuộc điều tra của Ủy ban Điều tra Cuộc Bức hại Pháp Luân Công (CIPFG), ĐCSTQ đã huy động toàn bộ bộ máy nhà nước, bao gồm quân đội, cảnh sát, hệ thống tư pháp và các tổ chức y tế, nhằm nỗ lực tiêu diệt Pháp Luân Công thông qua tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ năm 2000. Tính đến ngày 10 tháng 7 năm 2016, ước tính đã có 891 bệnh viện ghép tạng và hơn 9.519 bác sỹ đã tham gia vào nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền tuyên bố mọi người đều có quyền sống, quyền tự do, và an toàn cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ và tín ngưỡng. Mọi người đều có quyền tự do hội họp và tổ chức trong hòa bình. Dẫu có vài trường hợp ngoại lệ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực thi theo tuyên bố này. Đáng buồn thay, Trung Quốc Cộng sản vẫn tiếp tục chà đạp các quyền cơ bản của chính công dân nước mình.

Nhân quyền là giá trị phổ quát của toàn nhân loại. Tất cả chúng ta đều có chung trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ quyền con người trên khắp thế giới. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến những vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/9/416135.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/12/188739.html

Đăng ngày 16-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share