[MINH HUỆ 1-10-2016]
Bị cuốn vào một vụ lừa đảo
Sự việc này xảy ra vào hồi tháng 11 năm 2015, một đồng tu lớn tuổi gọi điện cho tôi để thảo luận về một cơ hội đầu tư. Bạn bà ấy, tên là Hoàng, đang quản lý một số tiền lớn cho một doanh nhân, người cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và trở nên rất giàu có trong những năm qua.
Người ta nói rằng, vì quá biết ơn qua những lợi ích nhận được từ Đại Pháp, ông đã tặng bà Hoàng hơn một triệu đôla để mở quỹ nhằm giúp đỡ những học viên khác, đặc biệt những học viên bị bức hại hay nghèo khó.
Bà Hoàng kêu gọi mọi người cùng gửi tiền cho bà, nói rằng bà sẽ trả lãi suất cao tới 4% mỗi tháng. Không giới hạn số tiền mỗi người có thể gửi, và họ có thể rút lại tiền gửi bất cứ lúc nào.
Bà Hoàng là một giáo viên về hưu ở thành phố của tôi, bà tốt bụng, lương thiện và ăn mặc giản dị. Một học viên lâu năm thuyết phục tôi gửi tiền cùng bà Hoàng. Cuối cùng, tôi đã làm vậy. Tôi gom được 200.000 nhân dân tệ từ nhiều nơi và đưa tiền cho bà Hoàng.
Vào đầu tháng 8 năm 2016, vị đồng tu lớn tuổi gọi tôi tới nhà bà ấy. Tôi nghĩ có điều gì đó không ổn. Bà bảo là bà Hoàng đã biến mất và không ai biết bà ấy ở đâu. Đến tháng 9, vẫn không tìm thấy bà Hoàng ở đâu. Nhiều người đã thông báo cho cảnh sát và yêu cầu một cuộc điều tra.
Hướng nội tìm nguyên nhân
Tôi biết căn nguyên mà khiến nhiều học viên lệch khỏi các Pháp lý, dẫn đến thiệt hại về tài chính. Chiểu theo Pháp, tôi đã hướng nội và cố tìm những chấp trước của mình mà dẫn đến sự việc này.
Thứ nhất, tôi đã muốn kiếm tiền để gửi con mình đi học nước ngoài. Tôi đã hy vọng chúng có tương lai tốt đẹp thông qua nỗ lực của mình. Kế hoạch đó là một chấp trước. Tôi đã quên mất rằng tương lai của chúng đã được an bài từ trước và tôi không thể thay đổi nó. Thực ra, Sư phụ đã giảng rõ điều này cho chúng ta.
Cả hai con tôi đều học tốt, nhưng chúng không được nhập học vào năm nay. Tôi vẫn không nhận ra chấp trước của mình và tiếp tục phàn nàn rằng chúng không học hành chăm chỉ.
Trước đây, một học viên khác từng nói với tôi về cái gọi là gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao này. Lúc đó, tôi đã nghĩ điều đó không phù hợp với các Pháp lý, vì vậy tôi từ chối ngay lập tức. Vậy mà, lần này tôi lại bị dao động vì mức lãi suất 4%.
Chấp trước vào lợi ích vật chất của tôi thật xấu xa! Tại sao giờ tôi lại bị cám dỗ bởi sự gian lận này? Hướng nội, tôi thấy mình vẫn còn chấp trước truy cầu giàu sang, hưởng thụ và có cuộc sống thoải mái hơn.
Thứ hai là tôi đã nghe lời người khác chứ không chiểu theo Pháp. Tôi đã không dựa theo những tiêu chuẩn của Đại Pháp để phân biệt đúng sai. Thay vào đó tôi lại quyết định dựa vào cảm xúc cá nhân và sự phân tích của người khác.
Trước đây tôi đã từng từ chối đề nghị như thế. Tại sao tôi lại bị xao động bởi sự thuyết phục của vị đồng tu lớn tuổi đó? Tôi đã rất kính mến bà ấy vì bà là một học viên tốt, tinh tấn và tích cực làm ba việc. Bởi vì ngưỡng mộ bà ấy nên chấp trước vào việc giữ thể diện của tôi đã nảy sinh.
Tôi đã bào chữa bằng cách nói rằng mình đã từ chối một cơ hội đầu tư khác từ những người ở chỗ làm mà họ đưa ra mức lãi suất còn cao hơn. Ngoài ra tôi còn che đậy bản thân bằng cách giải thích rằng lỗi lầm của tôi là do tin tưởng vào học viên khác. Thực tế, những ai đã học Đại Pháp trong quá khứ đã không còn là học viên nữa nếu họ không làm theo lời dạy của Sư phụ để tu luyện bản thân theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Những điều học được từ kinh nghiệm đau thương này
Mọi thứ chúng ta có đều là Sư phụ ban cho. Tôi tiếc rằng mình đã không giữ lại 200.000 nhân dân tệ, đó cũng là tài nguyên Đại Pháp. Tôi có thể dành khoản tiền này để giúp chứng thực Pháp. Tuy nhiên, tôi đã phải trải qua ma nạn này vì truy cầu vào một cuộc sống tốt đẹp, con cái tôi có tương lai tốt hơn, v.v..
Sư phụ giảng:
“Chấp trước vào danh, sẽ hữu vi tà pháp, nếu danh nổi ở thế gian ắt khẩu thiện tâm ma, mê hoặc người ta và làm loạn Pháp.” (Người tu cần tránh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Một thời gian dài trước đây, tôi đã ghi nhớ lời giảng trên. Tuy nhiên, tôi vẫn không hành xử chiểu theo Pháp một cách đúng đắn tại thời điểm then chốt. Tôi đã mắc sai lầm, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Đại Pháp, và gây nên tổn thất không thể vãn hồi.
Chúng tôi đã liên hệ với một vài nạn nhân của vụ lừa đảo mà chúng tôi biết, và kinh ngạc khi biết được rằng nhiều học viên cũng tham gia vào và một lượng tiền rất lớn đã bị mất. Mỗi người đều được liên lạc một cách riêng biệt, nên chúng tôi đã không biết ai bị liên lụy.
Trong khu vực của mình, chúng tôi đã trao đổi về bài học này, tĩnh tâm xuống để học Pháp, và chia sẻ thể ngộ của mình. Chúng tôi hướng nội để tìm ra những chấp trước của bản thân, phủ nhận những an bài của cựu thế lực và phát chính niệm để thanh trừ can nhiễu.
Hơn nữa, vị học viên cao tuổi đó cũng vượt qua được những ảnh hưởng tiêu cực do tâm xấu hổ, phàn nàn, nóng giận. Tôi hy vọng rằng bà ấy cũng có thể nghiêm túc hướng nội để tìm ra nguyên nhân. Bà cần có trách nhiệm làm minh bạch tất cả sự việc này mà không che giấu bất cứ điều gì. Bằng cách đó, bà sẽ giúp mọi người giải quyết những vấn đề của họ một cách tốt nhất.
Sự việc vẫn đang trong quá trình làm sáng tỏ. Tôi hy vọng rằng những học viên liên quan có thể làm những người tu luyện tinh tấn. Sau đó, mọi thứ cần phải đi theo đúng hướng.
Sư phụ giảng:
“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ tất cả lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Bài trừ can nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Miễn là chúng ta có thể dĩ Pháp vi Sư, nghiêm túc hướng nội, và quy chính bản thân, thì chúng ta có thể hạn chế tối thiểu tổn thất và thanh trừ các nhân tố tà ác dẫn đến bức hại.
Thật đau lòng khi bước qua ma nạn này, nhưng nó đã cho tôi một bài học. Chúng ta cần vứt bỏ dục vọng của bản thân khi đối mặt với những lợi ích trong cuộc sống, hãy cố gắng hết mình để buông bỏ chấp trước, chứng thực Pháp và phối hợp thành một chỉnh thể.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/10/1/335740.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/11/15/159948.html
Đăng ngày 13-12-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.